Oneway.vn – 76 tuổi với 45 năm – hơn nửa đời người – hầu việc Chúa, ông mộc mạc tâm tình: “Ba má tôi là những người tin Chúa đầu tiên trong đại gia đình. Năm 19, 20 tuổi, họ đi học trường Kinh Thánh ở Đà Nẵng, sau đó được gửi ra Bắc để bắt đầu chức vụ hầu việc Chúa ở hai tỉnh Cao Bằng, Lạng Sơn; trở thành một trong số những người hầu việc Chúa đầu tiên của thế hệ ông bà”.
Từ vài chục đến 80 ngàn tín hữu!
“Giai đoạn này công việc Chúa rất khó khăn, số người tin Chúa rất ít. Từ vài chục tín hữu thời ba má tôi, cho đến năm ngoái, khi tôi trở về theo hành trình mà họ đã sống và hầu việc Chúa, người hướng dẫn cho biết nơi đây giờ đã có tới 80.000 tín hữu. Tạ ơn Chúa! Đó là việc Chúa làm, rất đặc biệt và tôi rất được khích lệ!”.
Ông cho biết trong chức vụ của mình cho tới nay, không thể kể xiết những điều đáng nhớ, nhưng ấn tượng khó phai nhất trong ký ức ông, đó là giai đoạn lịch sử khó khăn của đất nước, thế nhưng ông đã cậy ơn Chúa vượt qua, tiếp tục đóng góp cho công việc nhà Chúa.
“Ba má tôi bắt đầu hầu việc Chúa trong những vùng quê nghèo khó thời kỳ kháng chiến – từ năm 1933 cho đến 1936. Hầu như không có bất kỳ tiện nghi gì hỗ trợ, để di chuyển đến các nơi làm chứng, thăm viếng, chăm sóc tín hữu… ông bà đều đi bộ. Đời sống con cái Chúa rất khó khăn, hầu hết họ có gì dâng đó cho Hội Thánh như lúa gạo, gà vịt… Nên dù là con cái Mục sư, nhưng anh em chúng tôi lúc nào cũng gần như thiếu ăn, thiếu mặc, và từ bé đã phải làm việc đồng áng để có đủ lương thực cung cấp cho gia đình. Cụ thể anh em chúng tôi có một cái quần đùi thay phiên nhau mặc dây chuyền, anh mặc xong tới em… Nhưng ba má tôi hầu như lúc nào cũng vui vẻ, và cả gia đình được Chúa ban phước rất nhiều. Ba tôi hay đùa: ‘Tụi bây ráng học. Nếu không học mai mốt ráng mà làm Mục sư!’”.
“Ta và nhà ta sẽ phục sự Đức Giê-hô-va…” (*)
“Dù vậy, cảm tạ Chúa, dù khó khăn thiếu thốn đến cỡ nào, dù trải qua nhiều gian truân trong đời, Chúa vẫn cho anh em chúng tôi cơ hội học tập, và ai cũng có bằng Thạc sĩ, Tiến sĩ.
Ngoài hầu việc Chúa và đỡ đần cho ba, má còn cần mẫn nuôi 8 anh em chúng tôi ăn học, mãi cho đến tận giờ nghĩ lại tôi không biết làm sao mà má nuôi nổi (cười!). Bây giờ mấy đứa con tôi mỗi đứa có 2 cháu thôi, tụi nó đã than phiền suốt ngày! Nhưng mà má hồi đó không tiền không bạc, không lương thực dự trữ, chút gì có được đều do tín hữu cho, nhưng lúc nào bà cũng vui mừng, chia sẻ những gì mình có cho bà con nghèo hơn trong làng trong xóm.
Vậy nên Chúa luôn ban phước trên gia đình chúng tôi. Sau này anh em chúng tôi lớn lên, đi hầu việc Chúa, chúng tôi đều công nhận rằng đây là phước hạnh mà Chúa đã ban cho gia đình chúng tôi: có ba má tin kính và hầu việc Chúa.
Và điều lớn nhất trong gia đình chúng tôi là sự hy sinh của má, và sự kiên trì của ba trong chức vụ. Bởi nhiều lúc khó khăn, thiếu thốn quá, ba có suy nghĩ rằng ông sẽ rời chức vụ, nhưng má tôi luôn hỗ trợ, khuyến khích ông. Bà là người rất giỏi cả về đồng áng lẫn trong việc sắp xếp gia đình, bà làm tất cả mọi thứ để có lương thực cho cả nhà, và còn đem bán để có tiền cho con đi học. Nhìn lại tôi rất phục má, một người đàn bà bình thường do hoàn cảnh mới chỉ học tới lớp 5; nhưng tất cả con cái bà đều học tới Thạc sĩ, Tiến sĩ và đều phải cúi đầu xuống thán phục bà. Cho nên tôi muốn nói ngoài giáo dục, kiên trì cũng rất quan trọng trong đời sống và chức vụ hầu việc Chúa.
Về ba tôi, ông rất giỏi trong việc thành lập các nhóm nhỏ (nhóm tế bào – NV) trong Hội Thánh và chúng tôi đi từ nơi này đến nơi khác để khuyến khích họ nhóm lại. Ba má thường dẫn chúng tôi đi bộ hàng mấy cây số đến các điểm nhóm thăm tín hữu, và hồi nhỏ chúng tôi rất bực mình, nhưng khi lớn lên chúng tôi mới nhận ra rằng đây là cách chúng tôi được huấn luyện để hầu việc Chúa”.
Bày tỏ tình yêu thương của Chúa cho cộng đồng
Là Giám đốc Khu vực Đông dương Indochina của Hội Hoàn cầu Khải tượng – World Vision suốt 10 năm, ông đã giúp cho khoảng 200 ngàn người Việt tại các trại tị nạn được định cư, được cộng đồng Tin Lành hỗ trợ, bảo bọc, giúp thích ứng với cuộc sống mới tại Mỹ.
Sau đó, ông tiếp tục được gửi về Việt Nam cùng World Vision giúp cho các dự án phát triển cộng đồng, giáo dục, góp phần xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế – xã hội, chăm sóc, bảo vệ trẻ em và đặc biệt là nâng cao nhận thức, khuyến khích sự tham gia vào các hoạt động cộng đồng của phụ nữ và đồng bào thiểu số.… “Đây là cách mà chúng ta, những người theo Chúa dù là Việt Nam hay Mỹ bày tỏ tình yêu thương của Chúa cho cộng đồng. Khi chúng ta nói Tình Yêu Thương, chúng ta không nói miệng mà thôi, chúng ta phải bày tỏ qua các công tác thật rõ ràng, giúp thay đổi đời sống con người. Những công tác đó dầu lớn dầu nhỏ đều động chạm đến lòng con người. Có thể lúc đó các em còn nhỏ, chưa hiểu nhiều, nhưng khi lớn lên các em sẽ nhớ lại những sự ban cho đó, những món quà dù nhỏ nhặt, đơn sơ đó, nhưng nó sẽ giúp biến đổi nhận thức, thay đổi cuộc sống của các em. Cho nên các bạn là người hầu việc Chúa, có những điều mà các bạn đừng nghĩ là nó quá nhỏ, không có giá trị gì. Nhưng các bạn làm những điều nhỏ bằng một tình yêu lớn, nó sẽ đụng chạm đến linh hồn của mỗi con người”.
Ông bắt đầu hầu việc Chúa trong công tác sinh viên ở Sài Gòn, sau đó ông được học bổng qua London (Anh). “Tại London, tôi học trường Kinh Thánh và tiếp tục hầu việc Chúa với sinh viên Quốc tế nào người Hoa, người Ấn… Sau đó tôi tiếp tục qua Mỹ học và hầu việc Chúa, được làm việc với rất nhiều tổ chức, nhiều hệ phái Tin Lành khác nhau…” – ông chia sẻ.
Tấm lòng dành cho Việt Nam
Nhưng cho dù đi đến đâu, làm gì, ông đều đau đáu về người Việt và công việc Chúa tại Việt Nam, về cách thức hỗ trợ để Tin Lành trong nước phát triển. Ông nhớ lại: “Hơn 10 năm làm việc ở World Vision – một Tổ chức Quốc tế Liên hệ phái. Tôi đã đi khắp nơi để nói về người Việt, về nhu cầu của họ và xin mọi sự hỗ trợ. Nói cách khác, tôi là người ăn mày! Một người ăn mày rất vinh dự được người ta sẵn sàng cho để làm công việc Chúa. Đó là niềm vui rất lớn suốt 11 năm quý báu hơn hết trong đời sống chức vụ của tôi, nhờ đó tôi đã giúp được rất nhiều người…”.
Được biết, ông là một trong số người Việt thành lập khu người Việt Little Saigon ở California, “Tôi muốn có một nơi cho người Việt tại Mỹ. Tôi với những người bạn mong muốn đây là nơi để con cháu chúng ta khi về nó sẽ nói: ‘I’m coming home!’ – ‘Tôi về nhà rồi!’. Và bây giờ Little Saigon trở nên một cộng đồng lớn tại Mỹ, và tôi rất vui được góp một phần vào đó”.
Trong chức vụ của mình, ông đã góp tay giúp đỡ hàng trăm ngàn người Việt được định cư tại Mỹ, “hàng ngàn Hội Thánh tại Mỹ đã mở cửa tiếp đón đồng bào Việt Nam. Có thể nói, các Hội Thánh Chúa đã giữ vai trò rất quan trọng trong việc giúp đỡ người Việt định cư, trở thành một cộng đồng tích cực, năng động trên thế giới” – ông nói.
Tôi vui thỏa trong mọi sự
Nói về người vợ của mình, người đã âm thầm đứng sau chức vụ và sự thành công trong công việc Chúa của ông suốt bao nhiêu năm qua, ông vui vẻ, ân cần: “Người phụ nữ hiện tại của tôi rất tuyệt vời! Có thể nói, gia đình tôi đã ‘may trại’ để đi hầu việc Chúa. Và tôi thường đùa: bà xã tôi may trại còn tôi thì ở trong trại! Tôi đi hầu việc Chúa và thường làm những việc từ thiện nên hầu như không có lương hoặc lương rất ít, ngay cả khi làm trong tổ chức World Vision. Nhưng bà xã tôi thì phải nói bà là người rất bình thường. Hồi chưa thương nhau, chưa có gì, bà nói em muốn đi học, và tôi tìm cách giúp bà tìm được học bổng. Bà học 5 năm thì ra Dược sĩ, và rồi Chúa đã cho bà có một việc làm rất tốt. Trong 35 năm qua bà cũng đã đi hầu việc Chúa và góp phần giúp cho chức vụ của tôi rất nhiều. Không chỉ đi làm, bà còn tranh thủ vào trường Thần học học buổi tối suốt 5 năm và nhận bằng Master Thần học, bên cạnh bằng Tiến sĩ Dược khoa. Con cái tôi theo gương mẹ, đứa nào cũng học hành đàng hoàng. Đứa lớn là Luật sư chuyên về Nhân quyền, hiện đang hầu việc Chúa với vị trí chấp sự tại một Hội Thánh. Đứa thứ hai hiện là Kỹ sư phần mềm, đồng thời là một Giáo sĩ truyền giáo đang hầu việc Chúa ở trường Đại học. Cô con gái là nhạc sĩ, Thạc sĩ âm nhạc, khoa piano, đang dạy nhạc, đồng thời là giám đốc chương trình âm nhạc trong một nhà thờ tại Mỹ. Nên gia đình chúng tôi hầu việc Chúa với nhau rất vui vẻ. Đây là phước hạnh mà Chúa đã ban cho tôi. Thế hệ sau thì tôi không biết, nhưng hiện tại tôi vui thỏa trong mọi sự”.
Nói về thế hệ cháu mình, ông vui vẻ tâm tình: “Đứa cháu tôi mới 8 tuổi, khi cô giáo hỏi cả lớp lớn lên muốn làm gì. Đứa nói muốn làm bác sĩ, đứa muốn làm kỹ sư… riêng nó nói con muốn làm Mục sư, với lý do: làm bác sĩ, kỹ sư phải đọc nhiều sách lắm, còn làm Mục sư chỉ phải đọc 1 cuốn sách thôi, đó là Kinh Thánh!”.
Về tham dự chương trình “500 năm Cải chánh Giáo hội Cơ Đốc” vừa qua tại Rạch Chiếc – “trận đánh” cuối cùng của ông – Mục sư Tiến sĩ Nguyễn Xuân Đức xúc động: “Lòng tôi vui lắm!”. Ông vui khi được thấy những thế hệ kế tiếp đang nắm tay nhau hiệp một, tha thứ, cầu thay cho nhau. Ông vui vì hiểu sức mạnh của sự hiệp một sẽ bẻ gãy mọi xiềng xích, thắt chặt tình yêu thương, đem sự phấn hưng đến trên đất Việt Nam.
Thảo Phạm
(*) Joshua/Giô-xuê 24:15
Mục sư – Giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Xuân Đức, Chủ tịch Liên hữu Tin Lành Việt Nam Thế giới. Người đồng sáng lập và là một trong số vị giáo sư đầu tiên của Viện Thần học Tin Lành Việt Nam – UUC – một giáo sư xuất sắc bộ môn Lịch sử Hội Thánh.
Mục sư Nguyễn Xuân Đức từng công tác tại Hội Hoàn cầu Khải tượng – World Vision trong vị trí Giám đốc Khu vực Đông dương (Indochina) cho đến khi ông về hưu cách đây hơn 10 năm. Ông là người rất tâm huyết và luôn đau đáu, trăn trở cho công việc nhà Chúa tại Việt Nam. Ông rất chú trọng vào việc khuyến học cho các lãnh đạo trẻ khắp nơi, đặc biệt là lĩnh vực đào tạo Thần học. Ông đã ủng hộ, dìu dắt biết bao sinh viên hoàn tất các chương trình Tiến sĩ Thần học, mục vụ và giáo dục, là tấm gương sáng cho những người hầu việc Chúa trẻ ngày nay.
Leave a Reply