Khai thác đề tài Cơ Đốc giáo là một hướng đi khá rủi ro đối với các nhà làm phim vì độ nhạy cảm của công chúng trước các tình tiết và nội dung trong phim.
1. Life of Brian – Cuộc Sống Của Brian (1979): Do nhóm hài kịch Monty Python thực hiện, bộ phim xoay quanh câu chuyện về Brian, một chàng trai Do Thái được sinh ra vào đúng thời gian và địa điểm như Chúa Jesus, rồi bị nhầm lẫn thành Đấng cứu thế. Khi vừa ra mắt tại Anh, bộ phim lập tức bị cấm trình chiếu ở nhiều thành phố có đông người dân theo đạo. Tại New York, thậm chí nhiều Cơ Đốc nhân đã ra đường biểu tình để ngăn cấm phim phát hành. Lý do chủ yếu khiến họ cảm thấy bị xúc phạm tín ngưỡng là hình ảnh cuối phim, khi nhân vật Brian bị đóng đinh y hệt như Chúa Jesus.
2. The Prince of Egypt – Hoàng Tử Ai Cập (1998): Bộ phim hoạt hình năm 1998 không đặc tả chân dung một Moses khắc khổ, bi hùng với diễn biến nội tâm phức tạp như phiên bản điện ảnh Exodus: Gods and Kings mới đây. Nhẹ nhàng, phù hợp với đối tượng trẻ em mặc dù vẫn dựa trên nguyên tác là các sự kiện trong kinh Cựu ước, Hoàng tử Ai Cập là bộ phim hoạt hình gây được thiện cảm cho người xem về một chàng hoàng tử dũng cảm sẵn sàng hy sinh bản thân cho tương lai người dân. Tuy nhiên, phim bị cấm trình chiếu ở hai quốc gia Malaysia và Maldives, những nơi vốn có phần lớn dân số theo đạo Hồi. Theo đức tin của các tín đồ Islam, nhà tiên tri hay người đưa tin trong huyền tích đều đại diện cho ý Chúa, vì vậy việc đưa hình ảnh họ lên phim là một điều báng bổ.
3. The Passion of the Christ – Cuộc khổ nạn của Chúa Jesus (2004): Bộ phim gây ra sự tranh cãi kịch liệt ngay từ lúc đang được thực hiện và sau khi ra mắt thì nhận được nhiều ý kiến khen chê khác nhau. Bộ phim kể lại chuyện Chúa Jesus bị phản bội và đóng đinh lên thập giá cũng là một trong những tác phẩm điện ảnh đề tài tôn giáo bạo lực bậc nhất, tạo ra một “trận cuồng phong và chiến tranh văn hoá” hồi năm 2004. Tài tử Mel Gibson chứng minh mình không chỉ là một diễn viên tài năng mà còn có khả năng tự tay tạo ra những tác phẩm để đời, bằng cách đi ngược lại những chuẩn mực “khuôn vàng thước ngọc” của Hollywood như không quảng bá rầm rộ, tự bỏ tiền túi ra làm phim hay thuê những diễn viên tầm tầm để đóng phim.
4. The Da Vinci Code – Mật mã Da Vinci(2006): Dựa trên cuốn tiểu thuyết ăn khách cùng tên của nhà văn Dan Brown, bộ phim với sự tham gia của tài tử Tom Hanks là hành trình đưa khán giả tới thế giới của những tri thức bị lãng quên. Kinh thánh và các niềm tin tôn giáo mà con người theo đuổi bấy lâu hoá ra đã bị cải biến, và giáo sư Langdon chính là người có sứ mệnh phủi đi lớp bụi lịch sử đã che đậy sự thật quá lâu. Không chỉ phim, mà cả cuốn tiểu thuyết gốc cũng từng bị lên án kịch liệt bởi những Cơ Đốc nhân trên toàn thế giới. Những tín đồ tuyên bố rằng những bí mật tôn giáo tăm tối trong phim hoàn toàn là hư cấu, đồng thời xúc phạm đến Cơ Đốc giáo.
5. Noah – Nô ê(2014): Noah gây ra một cơn “đại hồng thuỷ” thực sự tại các phòng vé khi thu về hơn 44 triệu USD ngay trong tuần đầu tiên trình chiếu. Với những cái tên tài năng như Russell Crowe, Jennifer Connelly, Anthony Hopkins, Emma Waston, cùng tài năng của đạo diễn Darren Aronofsky, Noah là một cuộc hành trình tới vùng đất của những truyền thuyết, cùng cuộc đấu tranh giữa cái thiện và cái ác, cũng như ước mơ hướng thiện của con người giữa bùn nhơ. Tuy nhiên, bộ phim lại bị cộng đồng các nước Tiểu Hồi giáo tẩy chay, vì họ cho rằng hình ảnh người hùng Noah được thể hiện trong phim là không đúng sự thật và xúc phạm đến tín ngưỡng.
6. Son of God – Đứa Con Của Chúa(2014): Không như tác phẩm của Mel Gibson, Son of God đưa khán giả theo bước cuộc đời của Chúa Jesus từ khi thiếu thời tới lúc Ngài du hành tới Jerusalem. Một số điểm nhấn mà Son of God mang lại có thể kể tới như cách bóc trần những âm mưu chính trị của giới cầm quyền La Mã, hay một Barabbas hiện lên như ví dụ về lương tâm của con người đã rơi vào hố sâu không đáy của sự độc ác và ghê rợn. Với phong cách làm phim theo mô-típ các phim bom tấn với tình tiết nhanh, cảnh quay chớp nhoáng và tận dụng hiệu quả từ kĩ xảo CGI, một số nhà phê bình phim khó tính cho rằng Son of God đã “Mỹ hóa” hình ảnh của Chúa còn cốt truyện trong phim thì vẫn chứa đầy lỗ hổng.
7. Exodus: Gods and Kings – Exodus: Đức Chúa Trời và Pha-ra-ôn(2014): Dựa theo câu chuyện chép trong Kinh Thánh về người hùng Moses rẽ đôi mặt nước để đưa người dân Do Thái thoát khỏi trận thảm sát của quân Ai Cập, Exodus: Gods and Kings phải hứng chịu nhiều lời phê bình cũng như tranh cãi từ trước khi ra mắt, khi phim biến tấu quá sai lệch so với huyền tích gốc. Đó là chưa kể các nhân vật Moses và vua Pharaoh Ramesses lại do hai diễn viên da trắng là Christian Bale và Joel Edgerton thủ vai. Ngoài ra, nhiều chi tiết quan trọng bị thay đổi so với nguyên bản, khi Moses từ người nô lệ giờ lại trở thành anh em kết nghĩa của Ramesses và ông vốn xuất thân là một võ tướng giỏi giang.
Nghệ thuật thứ 7 là một đề tài muôn thuở cho mọi đối tượng từ già đến trẻ, ai nấy điều có nhu cầu giải trí và cần có phút giây thư giãn sau những giờ học tập và làm việc căng thẳng. Với một Cơ Đốc nhân ngày nay thì việc lựa chọn cho mình một bộ phim vừa hay vừa phù hợp với mình đã và đang trở nên một vấn đề gây tranh cãi và bàn luận. Nếu là bạn, khi phải đối diện với những thể loại phim tương tự thế này thì bạn nghĩ sao? Và tầm quan trọng của việc xem phim ảnh hưởng thế nào đến đời sống của một Cơ Đốc nhân?
Hãy mạnh dạn gửi thư phản hồi, lời bình luận, những nhận xét cá nhân của bạn về cho chúng tôi!
Mọi ý kiến, đóng góp các bạn vui lòng gửi về hộp thư:
[email protected]
hoặc comment trực tiếp thông qua facebook: Oneway Media
Oneway rất vui khi nhận được phản hồi của tất cả các bạn!
Chúa ở cùng ban phước cho các bạn!
Theo zing.vn
Leave a Reply