Nước sạch đã về bản làng

Oneway.vn – Với người thành thị, thật khó tưởng tượng sẽ ra sao nếu không sóng điện thoại, không internet, hay mất điện, thiếu nước trong vài giờ. Vậy mà không ít nơi trên đất nước ta, nhiều người vẫn đang sống trong cảnh thiếu thốn các điều kiện cơ bản ấy; cụ thể quanh năm suốt tháng họ không có nước sạch để dùng. Các vùng cao Bắc bộ – vì thế – như cô gái đẹp nhưng… thiếu nước tắm gội, khó tự tin phô sắc, khoe hương!

Ruộng bậc thang vùng núi phía Bắc – đỉnh cao vẻ đẹp kết tinh từ văn hóa và lao động của con người Việt Nam. (Ảnh: Vũ Hồng Tuấn)

Đến tận nơi, chứng kiến tận mắt, tận tay vốc một bụm nước đục ngầu – mà có khi chẳng có nước đục ngầu để mà vốc – mới cảm nhận hết được nỗi khốn khó, cơ cực của người dân vùng cao phía Bắc Việt Nam.

Chậu nước mưa (nhỏ) dùng cho ăn uống bên chậu nước sinh hoạt bẩn đục.

Đàng sau các thửa ruộng bậc thang tuyệt đẹp, mềm mại ôm quanh những ngọn núi xanh mướt là các cung đường vô cùng nguy hiểm: một bên vách núi cheo leo, một bên vực sâu hun hút. Một con đường độc đạo dẫn vào làng nhưng ô-tô không thể qua, mọi người chỉ có thể di chuyển bằng xe máy với bánh xích những lúc trời mưa để băng qua những đoạn gồ ghề, lởm chởm hay lầy lội, trơn trượt.

Đoạn đường mùa khô lởm chởm, gồ ghề; mùa mưa trơn trượt, lầy lội.

Một vùng sỏi đá được người dân cải tạo, khai thác, cấy trồng để có lúa gạo đắp đổi qua ngày. Trồng trọt, sinh hoạt cần nước, nhưng nước – nhất là nước sạch – cực khan hiếm. Người ta lấy nước từ các khe núi trên cao, cách nơi ở gần thì vài trăm mét, xa có thể đến 2 – 3 cây số; hoặc chờ mưa để hứng và trữ nước. Nước hòa lẫn với cát và bụi được trữ dùng suốt năm đục ngầu. Đặc biệt vào mùa khô – từ tháng 2 đến hết tháng 4 – nhiều nơi cạn kiệt, không còn nước sạch để dùng.

Nước được dẫn ra từ khe đá bằng ống tre đóng rong rêu trơn nhẵn, cáu bẩn. Đây là nơi lấy nước cho ăn uống, vừa là nơi tắm gội, giặt giũ, vệ sinh.

Điều kiện thiên nhiên đã khó, vật chất cũng theo đó thiếu thốn trăm bề. Những “bể” chứa nước là các tấm bạt được buộc tạm bợ vào các cọc gỗ. Nước dùng ăn uống được che đậy kỹ lưỡng hơn nhưng cũng khó sạch. Chẳng những thiếu nước sạch, nhiều nơi còn không điện, không cả sóng điện thoại, nên công tác liên hệ, khảo sát, giúp khoan giếng, xây bể chứa… vô cùng khó khăn.

“Bể” chứa nước sinh hoạt, tưới tiêu dùng suốt năm. Mùa khô, nguồn cạn, mọi sinh hoạt chật vật hơn vì thiếu nước. Mỗi gia đình có 1 “bể” thế này và 1 “bể” trữ nước sạch hơn dùng cho ăn uống.

Cuối tháng 9/2017, CBN Việt Nam và Oneway Media triển khai Dự án Nước sạch (Clean Water) tại vùng núi cao phía Bắc. Nhờ ơn Chúa, nước sạch cuối cùng cũng đến được với gần 3.000 người H’Mông, người Mường, người Dao và người Kinh tại 17 điểm với 10 giếng khoan và 7 bể chứa (mỗi bể có thể tích 12 mét khối). Những điểm thuận lợi về địa lý và chắc chắn có mạch nước ngầm sẽ được chọn tiến hành khoan giếng, nhằm cung cấp nguồn nước sạch quanh năm cho bà con. Với những điểm khác, chúng tôi cũng đã xây dựng hệ thống đường ống chắc chắn để dẫn nước nguồn cách điểm xây bể 1-2 cây số về bể chứa mới, kiên cố, vệ sinh, thuận tiện hơn, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt cho khoảng 200-400 người mỗi điểm. 

Bà con vui mừng với bể nước mới xây. Bể có thể tích 12 mét khối, phục vụ cho toàn bộ người dân trong bản.

Đức Chúa Jesus đáp rằng: Phàm ai uống nước nầy vẫn còn khát mãi; nhưng uống nước ta sẽ cho, thì chẳng hề khát nữa. Nước ta cho sẽ thành một mạch nước trong người đó văng ra cho đến sự sống đời đời” (John/Giăng 4:13-14).

Rồi sẽ không còn những đứa trẻ lấm lem, nhem nhuốc vì thiếu nước tắm giặt; không còn cảnh người dân phải gánh nước vượt những đoạn đường hiểm trở hay bất chấp giá lạnh, tranh thủ thức dậy thật sớm, lúc 2-3 giờ sáng chỉ để… đi tắm!

Nước về làng mình rồi các bạn ơi!

Linh Ân

Clean Water Project – là Dự án thường niên, đem nước sạch đến các vùng khó khăn qua giếng khoan hay xây bể do CBN Việt Nam và Oneway Media thực hiện với nguồn quỹ kêu gọi, tài trợ từ nhiều nơi.

Nhiều hình ảnh khác trong quá trình khảo sát và triển khai dự án.

Gắn xích bánh xe để vượt qua những đoạn đường lầy lội, vào bản làng khảo sát tình trạng nước. Tháng 10, 11 vừa qua, những cơn mưa cuối mùa và bão lũ khiến cho đường xá càng khó đi hơn.

Một đoạn đường tương đối dễ đi. Không có Chúa thêm sức, gìn giữ, không cưu mang cho bà con, có lẽ công tác đã phải trì hoãn vì những thách thức khắc nghiệt.

Khe nước lẩn sau tán cây, bụi rậm. Để lấy được nước sạch, phải lên đầu nguồn sâu trong rừng hay trên cao.

Vừa giặt giũ, vừa lấy nước dùng tại một nơi.

Việc thường ngày để có nước sinh hoạt: người lớn gánh thùng đầy, trẻ nhỏ gánh ít hơn.

Máng ăn cho gia súc được trưng dụng chứa nước sinh hoạt.

Dòng nước cạn và đục này là nguồn nước mỗi ngày của hơn 200 người. Mùa khô, đất trơ sỏi đá, không có nước dùng.

Nước đục ngầu nhưng vô cùng quý cả mùa mưa lẫn mùa khô.

Xô chậu bám rong rêu xanh rì, mục nát.

Xô chậu vỡ cũng được tận dụng để chứa nước.

“Bể” nước tạm bợ bên nhà. Nước được trữ và dùng dần suốt năm cho mọi hoạt động: tưới tiêu, sinh hoạt, tắm giặt.

“Bể” trữ nước dùng cho ăn uống được che đậy kỹ lưỡng.

Dù được che đậy cẩn thận nhưng không tránh khỏi muỗi mòng, cặn bẩn, rong rêu.

Niềm vui đón nguồn nước sạch.

   


Posted

in

, ,

by

Tags:

Comments

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *