Oneway.vn – Chúng ta sẽ vô tình công kích người khác nếu không có những khoảng lặng tương giao với Chúa và cầu hỏi ý Ngài.
Những giọt nước mắt dâng trào trong mắt tôi khi cuộc trò chuyện tiếp tục diễn ra. Tôi cảm thấy tức giận, buồn bã và đau đớn. Tôi không biết phải làm gì. Tôi không muốn gây xung đột hay làm rạn nứt các mối quan hệ, nhưng đồng thời tôi vẫn còn nhiều điều muốn nói. Chồng bắt gặp ánh mắt tôi từ phía sau ghế sô-pha, nơi những người khác ngồi. Anh nhẹ nhàng mỉm cười với tôi và hất đầu về phía cửa. Tôi đã hiểu. Sẽ tốt hơn nếu tôi rời khỏi phòng vì tôi bắt đầu thấy khó chịu. Tôi không muốn chửi bới trong sự giận dữ nhưng cũng không muốn nói rằng tôi cảm thấy tiếc nuối. Điều này xảy ra trong buổi nhóm nhỏ tại nhà thờ chúng tôi cách đây nhiều năm. Họ đang nói xấu những người tôi biết. Ban đầu tôi cố gắng bênh vực cho những người đó nhưng không ai lắng nghe. Tôi bước ra ngoài ban công và khóc trong bóng tối.
Mỗi người chúng ta đều đối diện với tình huống tương tự, chúng ta cảm thấy như bị kẹt ở giữa. Khi chúng ta quan tâm sâu sắc đến con người, nan đề hoặc hoàn cảnh, chúng ta tranh chiến vì muốn người khác hiểu và chia sẻ quan điểm của mình. Nhưng việc “lấy lòng yêu thương nói ra lẽ chân thật” thật sự đầy thách thức (Ephesians/Ê-phê-sô 4:15), chúng ta có xu hướng phanh phui sự thật trong sự cay đắng hoặc thiếu mất tình yêu thương. Kinh nghiệm của tôi trong đêm đó đã gieo trong tôi niềm khao khát được bày tỏ những điều quan trọng cách bình tĩnh và rõ ràng khi tôi tin rằng Chúa đang chỉ dẫn tôi cách để nói.
Bước lùi lại
Qua nhiều năm tôi đã học được rằng việc đứng lên để bên vực cho một sự việc hay một ai đó sẽ hiệu quả và khôn ngoan khi bắt đầu bằng việc bước lùi lại. Chúng ta có thể vô ý công kích người khác nếu không có những khoảng lặng để tương giao với Chúa. Bằng cách dành thời gian riêng tư với Chúa, chúng ta có thể xử lý những cảm xúc hay những suy nghĩ bộc phát và bắt đầu thấy rõ hơn phương cách trước mắt. Trải qua tiến trình này chúng ta có thể vượt qua sự tuyệt vọng và bày tỏ điều Chúa muốn và cách chúng ta cùng cộng tác với Ngài trong tình huống khó khăn. Chìm đắm trong sự bình an Chúa ban, chúng ta nhận được sự sáng suốt và đầy quyền năng trong lời nói, hành động để được dẫn đến sự khiêm nhường, yêu thương, và thậm chí sự chữa lành. Sự nhịp nhàng trong suy nghĩ và hành động khiến chúng ta đặt Đức Chúa Jesus làm trung tâm của đời sống chúng ta. Chính Ngài đã áp dụng điều này. Sau khi giảng dạy và ban bánh cho một đoàn dân đông, Đức Chúa Jesus lánh vào nơi vắng vẻ để cầu nguyện (John/Giăng 6:1-15); chúng ta thấy thói quen này trong nhiều phân đoạn như Matthew/Ma-thi-ơ 14:13, 26:36-46; Mark/Mác 6:31; và Luke/Lu-ca 5:16, 6:12. Trong những lần Chúa Jesus ở một mình nơi vắng vẻ để cầu nguyện, có lần Ngài đã bị môn đồ gián đoạn và Ngài đã nhanh chóng chuyển đến một nơi khác để thi hành chức vụ (Mark/Mác 1:35-39). Thời gian riêng tư và tĩnh lặng như vậy không phải là quay mặt lại với thế giới cùng những nhu cầu, nhưng chúng ta quay lại với sự sắp đặt trước đó, để đồng hành với một Đức Chúa Trời là Đấng yêu thương cả thế gian.
Tra xét tấm lòng
Trong những lúc nhìn lại, Chúa thường chỉ ra những gì có trong tấm lòng chúng ta: có thể chúng ta đang mong muốn “ghi điểm” cho bản thân hoặc cố kiểm soát người khác. Sự bày tỏ này có thể khiến chúng ta thấy khó chịu vì chúng ta quá bận rộn với kết quả hay vì chúng ta quen với việc tự thỏa mãn.
Chúng ta có thể tự lừa dối mình khi tra xét lại tấm lòng. Rất có thể chúng ta tự tố cáo bản thân trong sự thận trọng quá mức hoặc tự cho mình đủ điểm để đi tiếp. Một tấm lòng lắng nghe ý muốn của Chúa đòi hỏi một đức tin tuyệt đối nơi Đức Chúa Trời. Ngài không bao giờ bày tỏ điều gì quá sức chúng ta trong bất cứ thời điểm nào. Khi chúng ta tra xét trên tinh thần cầu nguyện và lắng nghe, Chúa sẽ vẽ ra bức tranh toàn cảnh về tình huống đang xảy ra ngay trước mắt.
Ví dụ, với tư cách là người hiểu biết rộng, tôi thường cho mình là công bình. Thử đặt mình vào tình huống tiên tri Elijah/Ê-li trên đường đi đến núi Horeb/Hô-rếp, tôi có thể nghĩ, mình là người duy nhất nhận được điều này (I Kings/Các-vua 19:10, 14). Sự thật đáng buồn là đôi khi tôi cảm thấy mình tốt hơn người khác hoặc điều đó phụ thuộc vào tôi. Đó là một loại độc tố hủy diệt không chỉ linh hồn chúng ta mà còn bất kỳ cuộc nói chuyện nào của chúng ta với người khác. Họ biết đến sự phản biện hùng hồn của chúng ta nhiều hơn là công lý được thực thi.
Những cú huých cùi chỏ đến từ Chúa không phải là sự quở trách nhưng giống như một cuộc trò chuyện thân tình với Đức Chúa Jesus. Ngài giúp chúng ta giảm tải gánh nặng (Psalm/Thi-thiên 69, 109) trước khi giúp chúng ta nhớ như Walter Brueggemann lưu ý rằng những lời tiên tri ấy đem đến sự rõ ràng và hy vọng. Điều này có nghĩa là lẽ thật không chỉ được công bố cách khéo léo, mà nó còn cần được nương cậy trên thẩm quyền cứu chuộc của Đức Chúa Trời trong mọi tình huống. Và điều đó diễn ra suôn sẻ hơn khi chúng ta đã trau dồi tấm lòng mình với sự công bằng, khiêm nhường, và rộng lượng.
Thông thường, trong thời gian yên lặng và cầu nguyện, Chúa mở rộng tấm lòng chúng ta đối với những người chúng ta muốn đối đầu. Chúng ta bắt đầu nhìn thấy sự tan vỡ của họ, và cả những điểm sáng bên trong họ. Chúa thay đổi quan điểm chúng ta: không còn ở trong thế đối nghịch nữa, nhưng như thể chúng ta ngồi bên cạnh với một người bạn.
Đặt câu hỏi với Chúa
Dành thời gian tương giao với Chúa trước khi chúng ta muốn nói ra điều gì đó, cho chúng ta cơ hội để hỏi Chúa những gì cần làm tiếp theo. Hành động thiếu suy xét cũng sẽ có kết cục như xông qua những cánh cửa chưa hé mở. Trong lúc yên tĩnh, chúng ta có thể khám phá ra đó là những cơ hội Chúa mời gọi bạn hay những cám dỗ đưa bạn đến những gánh nặng. Khi chúng ta hành động dựa trên sự thúc đẩy, thì cuối cùng chỉ dẫn đến điều vô nghĩa và biện hộ cho bản thân rằng ít ra chúng ta đã giải quyết được sự việc. Sau cùng, việc đáp ứng tất cả nhu cầu của người khác để lại cho chúng ta sự tan vỡ, đánh mất đi sự vui mừng. Lòng thương cảm chúng ta giảm dần theo thời gian là khó tránh khỏi vì con người không được dựng nên để dựa trên năng lực của chúng ta nhưng qua sự đồng đi và dẫn dắt của Đức Chúa Trời.
Chúng ta được tự do hỏi Chúa những câu hỏi thực tế về hoàn cảnh, đặc biệt là, “Những gì tôi cần biết”? Kiểu cởi mở này rất quan trọng. Chúng ta thường xuyên giới hạn việc dò xét cùng Chúa về những gì chúng ta nên hay không nên nói. Một số tình huống có nhiều sắc thái hơn thế. Chúa thường chỉ cho tôi thấy rằng, “Đúng vậy! Đây là cánh cửa tôi cần đi qua”, nhưng theo cách đặc biệt hơn tôi dự đoán. Có thể tôi cần chú ý nhiều hơn đến những người đi cùng tôi, chỉ ra những tiến bộ của họ. Bước sự mật thiết với Chúa làm chúng ta trở nên những con người mạnh mẽ, đầy nhiệt huyết và có khả năng hợp tác với Chúa trong những gì Ngài đang làm. Trước giả sách Châm Ngôn nói, “Chớ đáp với kẻ ngu si tùy sự ngu dại nó”, ngay sau đó cũng nói, “Hãy đáp với kẻ ngu si tùy sự ngu dại nó” (Proverbs/Châm Ngôn 26:4-5). Đôi khi người khác lắng nghe chúng ta; có khi họ không lắng nghe. Làm thế nào chúng ta biết? Bằng cách bước chậm lại và chú ý đến Thánh Linh. Nếu chúng ta không lắng nghe, hao tổn năng lượng để tiếp tục nói thường đẩy người khác ra xa hơn thay vì thuyết phục được họ. Đôi khi, đó là sự thử nghiệm để nói ra lẽ thật trong tình yêu thương. Điều đó gọi là “mặc lấy Chúa Jesus”, nếu bạn sẵn lòng, hãy cầu nguyện cho những gì cần phải nói với sự kiên nhẫn và nhịn nhục, không phải thô lỗ hay kích động, và không khăng khăng theo cách riêng của bạn. Điều này xuất phát từ trạng thái hy vọng điều tốt nhất và kiên trì trong tình yêu thương cho dù người kia khước từ những gì bạn nói.
Tạm dừng giữa dòng
Có những thời điểm chúng ta không thể tiến lên khi chưa chế ngự được sự giận dữ cùng thái độ tự cho mình là khôn ngoan. Bây giờ và sau này tôi có thể nổi cáu với một khách hàng ở tổ chức từ thiện nơi tôi tình nguyện tham gia. Có thể họ đã lăng mạ ai đó, nhưng tôi quá hoảng hốt để nói cách bình thản. Tôi cần một khoảng lặng, nhưng không có thời gian. Nên tôi tự thu mình vào một góc nào đó trong phòng vệ sinh để hỏi Chúa những gì cần biết về bản thân và khách hàng đó. Có thể tôi đang nhìn nhận lời phê bình của họ quá cá nhân vì nó đem đến những cảm nhận trong quá khứ, bị đánh giá thấp, hoặc bị phớt lờ. Tôi cần nhớ rằng dù tôi đang làm công việc tại quầy giặt ủi, tôi cũng ở đó như một người chữa lành. Không ai thích một sự chữa lành gay gắt. Những thời điểm riêng tư như vậy có thể ngắn ngủi, nhưng Đức Chúa Trời gặp gỡ chúng ta ở đó.
Khoảng lặng giữa chừng cũng đòi hỏi sự dự phần của một người đáng tin cậy. Giám đốc trung tâm Samaritan nơi tôi đang công tác tình nguyện là kiểu người này. Đôi khi, tôi thổ lộ tâm tình và cô ấy gật đầu. Cô ấy cảm thấy phẫn nộ, cảm giác bất công mà đôi lúc chúng ta đều cảm thấy. Tôi đã thấy cô ấy đứng lên trong các buổi họp hội đồng và nói những điều khó khăn với lòng nhiệt thành, cùng sự dịu dàng. Nhìn cách sống của một người cho chúng ta thấy vẻ đẹp của cuộc sống. Cô ấy đã làm điều đó cho tôi – và tôi hy vọng tôi trở nên như vậy cho nhiều người khác.
Công việc của Đức Thánh Linh
Khi chúng ta tiếp cận ai đó sau khi đã có mối tương giao mật thiết với Đức Chúa Jesus, thì Đức Thánh Linh ban cho chúng ta năng lực và năng lượng để bày tỏ với tấm lòng ngay thẳng và rộng lượng. Chúng ta không nỗ lực chứng tỏ bản thân, đối phương biết điều đó. Giá trị bản thân của chúng ta rất rõ ràng , vì vậy chúng ta có thể chấp nhận bất kỳ phản ứng nào.
Khi chúng ta suy xét và hành động nhịp nhàng, chúng ta không còn kiệt sức vì Thánh Linh ban cho năng lượng. Cuối cùng, chúng ta sẽ nói lên với sự điềm tĩnh pha trộn với lòng nhiệt thành. Chúng ta đầu phục và tin cậy vì biết rằng chúng ta đang hợp tác với Đức Chúa Trời dù kết quả như thế nào. Điều đó sẽ không còn phụ thuộc vào chúng ta.
NCMV dịch
(Nguồn: christianitytoday.com)
Leave a Reply