Oneway.vn – Không khí Giáng Sinh qua rồi và năm mới cũng đã đến. Dù xã hội mà ta đang sống không muốn cảm ơn Chúa vì điều đó, nhưng họ vẫn nao nức gửi cho nhau những lời lúc tốt đẹp nhất cho năm mới…
Cơ Đốc nhân ăn mừng kỳ nghỉ và năm mới trong không khí hoàn toàn khác, bằng phương cách đặc trưng khi ta nhìn mọi thứ quanh mình. Đó là cái nhìn được bày tỏ bởi Đức Chúa Trời, Đấng dựng nên con người, có chương trình cho chúng ta và là Đấng giải cứu. Chúng ta hát vang bài thánh ca “Phước cho nhân loại” và đọc câu chuyện trong sách Luke/Lu-ca, nơi từ ngữ “vui mừng” được đề cập nhiều lần trong 2 chương. Sách Matthew/Ma-thi-ơ cũng cho chúng ta biết các vị bác sĩ “hết sức vui mừng” (Ma-thi-ơ 2:10) khi gặp được Chúa.
Thật vậy, chúng ta vui mừng, nhưng có chỗ nào cho tình yêu? Trong sự nhấn mạnh về “tin lành” và “niềm vui lớn” (Lu-ca 2:10), có nơi nào “yêu người lân cận” được nhắc? Sự bận rộn cho kỳ nghỉ có thể khiến năm mới trở thành một trong những thời điểm thách thức với các mối quan hệ. Niềm vui trong Chúa liên quan gì đến việc “yêu người lân cận”, đặc biệt với những người khó yêu?
Khi bước vào thử thách lẫn cơ hội trong mùa lễ, tôi tự nhắc nhở chính mình 3 phân đoạn Kinh Thánh quan trọng về tình yêu dành cho người khác, chứ không phải thỏa hiệp yêu thương.
1. Quan tâm đến người khác
Bắt đầu từ tấm lòng của Đức Chúa Trời, hoặc có thể nói trong “tâm trí của Đấng Christ”. “Hãy có đồng một tâm trí như Đấng Christ Jesus đã có” (Philippians/Phi-líp 2:5). Trở lại câu chuyện về sự nhập thể của Chúa từ Thiên Đàng xuống trần gian: “Ngài vốn có hình của Đức Chúa Trời, nhưng không xem sự bình đẳng với Đức Chúa Trời là điều nên nắm giữ; Ngài đã từ bỏ chính mình, mang lấy hình đầy tớ, và trở nên giống như loài người” (Phi-líp 2:6-7).
Chúa Jesus không bám lấy các quyền lợi của mình trong tư cách Đức Chúa Trời, nhưng tự hạ mình, hy sinh mọi sự thoải mái… Thay vì nắm giữ đặc quyền, Ngài đã từ bỏ. Nhưng làm sao Sứ đồ Paul/Phao-lô hiểu được “tâm trí” hay “sự sắp xếp” của Đấng Christ? Chính vì: “Mỗi người trong anh em đừng chỉ quan tâm đến lợi ích riêng của mình, nhưng phải quan tâm đến lợi ích của người khác nữa” (Phi-líp 2:4).
Yêu thương bắt đầu từ đây, khi chúng ta nhìn ra ngoài nhu cầu và sở thích của chính mình, xa hơn chính mình để thấy và hướng đến lợi ích của người khác. Điều này thay đổi thói quen tặng quà, sum họp… để có thể chân thành “quan tâm đến lợi ích của người khác”, thay vì trải nghiệm cảm xúc của bản thân.
Chúng ta cần được nhắc nhở rằng tình yêu thương “không kiếm tư lợi” (1 Corinthians/I Cô-rinh-tô 13:5). Niềm vui giúp chúng ta vượt khỏi bản thân, khỏi lợi ích của chính mình, quan tâm đến lợi ích người khác.
2. Vui được tiêu phí tiền của
Để giải thoát khỏi nhà tù của cái tôi, thấy được lợi ích của người khác, chúng ta phải làm gì? Làm thế nào áp ứng nhu cầu của người khác? Phao-lô hiểu biết sâu sắc, mạnh mẽ về “tình yêu” trong 2 Cô-rinh-tô 12:15: “Tôi rất vui được tiêu phí tiền của, cạn kiệt sức lực vì linh hồn anh em. Nếu tôi yêu thương anh em càng nhiều, không lẽ anh em lại yêu thương tôi càng ít sao?”.
Phao-lô bị thúc ép phải giải thích tình yêu của ông dành cho người Cô-rinh-tô – như một người cha – bởi ông không được yêu cầu làm điều đó. Phần sau của câu Kinh Thánh cho thấy vấn đề thực sự là tình yêu: “Nếu tôi yêu thương anh em càng nhiều, không lẽ anh em lại yêu thương tôi càng ít sao?”. Phao-lô bảo vệ tình yêu dành cho người Cô-rinh-tô thế nào? “Về phần tôi, tôi rất vui được tiêu phí tiền của, cạn kiệt sức lực vì linh hồn anh em”.
Ông không chỉ nhìn xa hơn lợi ích của mình, nhìn vào lợi ích của họ, mà ông còn “tiêu phí tiền của, cạn kiệt sức lực” vì họ, chấp nhận tổn thất cá nhân, tốn kém và bất tiện vì họ. Nói cách khác, ông cho đi những gì của mình: thời gian, năng lượng, sự quan tâm, tài sản, tiền bạc, sự thoải mái, bình an… để mang lại lợi ích cho họ. Ông làm vì trách nhiệm, vui vẻ mà làm, như lời Chúa Jesus: “Ban cho có phước hơn nhận lãnh” (Acts/Công vụ 20:35). Yêu là quan tâm đến lợi ích người khác, vui vẻ tiêu phí tiền của, cạn kiệt sức lực vì cớ họ. Nhưng vẫn còn một điều nữa:
3. Tài sản vĩ đại nhất
Làm thế nào để yêu thương người khác? Một công việc đầy thách thức, cả về thuộc linh lẫn tâm lý. Chúng ta dễ dàng mặc định sự ích kỷ, tập trung vào bản thân và tư lợi hơn quan tâm đến lợi ích người khác. Phần Kinh Thánh cuối cùng này chỉ ra động lực thuộc linh sâu sắc đối với những thách thức và cơ hội.
Hebrew/Hê-bơ-rơ 10:32-34 nhắc lại thời điểm các tín đồ Hội Thánh đầu tiên phải chịu tù tội vì đức tin, thay vì trốn chạy, nhiều người khác đã công khai đến thăm họ trong tù. Đó chính là tiếng gọi của tình yêu. Công khai chính mình và sẵn sàng chịu bắt bớ. Của cải bị chính quyền cướp đoạt, bị đám đông giành giật… Họ đối diện với hoàn cảnh ra sao? “Anh em…vui lòng chấp nhận để của cải mình bị cướp đoạt” (Hê-bơ-rơ 10:34). Họ không chỉ chấp nhận, mà còn chấp nhận cách vui lòng. Làm thế nào họ có thể làm được? Vui mừng chấp nhận bắt bớ, mất mát… để quan tâm tới lợi ích người khác? “Bởi anh em biết mình có của cải quý hơn và còn lại mãi” (Hebrew/Hê-bơ-rơ 10:34).
“Anh em vui lòng chấp nhận để của cải mình bị cướp đoạt bởi anh em biết mình có của cải quý hơn và còn lại mãi”. Bởi họ đó đã có Chúa – của báu Thiên Đàng, nên chấp nhận mất mát của cải trần gian vì tiếng gọi của yêu thương. Vui vẻ chấp nhận mất mát của cải hữu hạn trần thế, bởi họ biết rằng mình sở hữu của cải vô tận có tên là Jesus Christ – một món quà vô giá.
Niềm vui về tài sản quý báu thêm sức cho họ vượt mọi khổ đau, mất mát… có thể khích lệ chúng ta? Quà tặng không chỉ tiền bạc, của cải vật chất, mà còn là tài sản quý giá hơn: thời gian, năng lượng, sự thoải mái, tiện lợi và sự quan tâm của chúng ta. “Anh em biết mình có của cải quý hơn và còn lại mãi” (Hebrew/Hê-bơ-rơ 10:34).
Biết thế sẽ khiến chúng ta có được niềm vui thực sự, không ích kỷ mà hy sinh. Khi chúng ta vui hưởng Chúa và Con Ngài – tài sản tuyệt vời nhất – chúng ta sẽ từ bỏ những thú vui nhỏ bé, riêng tư, để hướng người khác đến của báu của chính mình: tình yêu thương.
“Niềm vui lớn” trong Chúa Jesus có tất cả mọi thứ để chúng ta yêu thương người khác. Sự kêu gọi quan tâm đến lợi ích của người khác, vui mừng tiêu phí tiền của để nhắc nhớ chúng ta về tài sản quý giá đời đời không phải sự kêu gọi giết chết niềm vui, nhưng để thực sự nếm trải chiều sâu của niềm vui mà chính Chúa đã mang đến.
Hồng Nhung dịch
(Nguồn: DesiringGod)
Leave a Reply