Những mảnh đời vất vưởng trên giường bệnh

Oneway.vn – Tại các bệnh viên luôn có rất nhiều bệnh nhân, người chăm bệnh cần sự quan tâm, chia sẻ, an ủi… để giúp họ tìm đến một niềm hy vọng trong tương lai. Thế nhưng không phải ai cũng cưu mang để làm công việc này.

Ông Nguyễn Đình Tạo bên giường bệnh của con trai.

Bốn giờ chiều, tại khoa Phỏng bệnh viện K., mùi hôi bốc lên nồng nặc, ông Nguyễn Đình Tạo (59 tuổi, quê Hà Tĩnh), khuôn mặt hốc hác, ngồi trầm ngâm, lắc đầu ngán ngẩm. Vừa trò chuyện, chốc chốc, ông đưa mắt nhìn đứa con trai đang nằm bất động trên giường bệnh, băng quấn kín người. Ông Tạo cho biết, con trai ông – Nguyễn Đình Nhân, 21 tuổi – “làm công nhân ở Bình Dương, bị phỏng xăng cháy đen hết cả người, đã nằm ở đây gần 1 tháng”. “Nhận tin con nhập viện, cả nhà bàng hoàng, tôi phải  bỏ hết công việc đồng áng. Tốn kém, nhưng không rõ đến khi nào mới có thể phục hồi”. “Gần một tháng ăn ngủ tại bệnh viện, ngán lắm nhưng đành chịu. Ở quê không ai có thể vào thay được” – ông thở dài.

Giường kế bên, anh Nguyễn Thanh Ảnh (39 tuổi, quê Đồng Tháp) đang ăn cơm chiều. Sau hơn 2 tháng nhập viện anh đang dần phục hồi, những vết bỏng bắt đầu kéo da non… “Ảnh làm phụ hồ, chẳng may bị điện giật. Nặng lắm, chưa chết là may rồi” – chị Duyên, vợ anh vừa nói, vừa đưa tay quệt nước mắt. “Các ngón tay đã có thể cử động được” – anh khoe, rồi nhìn xuống phía đôi chân đã bị cưa đến đầu gối, tuyệt vọng: “Mai mốt về chưa biết mần gì”.

Anh Nguyễn Thanh Ảnh nhận được sự chăm sóc và cầu thay của nhân sự.

Sang phòng khác, chị Thuý (39 tuổi, ĐăK Lăk) bị chồng tưới xăng đốt trong một cơn say, toàn thân bị cháy. Trung, 18 tuổi, con trai đầu của chị phải bỏ việc, vào đây gần 2 tháng chăm sóc mẹ. “Nhà có 2 anh em. Em gái cưới chồng, có con nhỏ nên chỉ còn mỗi em có thể xuống đây được. Ở đây buồn quá!” – Trung nói.

Hàng trăm bệnh nhân đều là những ca “thập tử nhất sinh”, hầu hết tuyệt vọng, gồng mình để đương đầu với hiện tại, và chưa biết tương lai sẽ ra sao với những vết thương hằn trên da thịt, khắc sâu trong tâm trí…

Các nhân sự đến thăm hỏi, tặng vài cuốn sách nhỏ, vài hộp bánh, sữa… Hầu hết bệnh nhân đều cảm thấy vui, bởi đó là những cuộc trò chuyện hiếm hoi giúp họ khuây khoả, xoa dịu cơn đau hoành hành, giảm bớt nỗi cô đơn sau nhiều ngày tháng lây lất ở bệnh viện. Nhưng cũng có người không thích, xua tay đuổi, đôi khi còn nói những lời khó nghe.

“Vào đây, cảm thấy mình thật nhỏ bé và bất lực quá! Hàng trăm bệnh nhân, hàng ngàn việc muốn làm” – một nhân sự chia sẻ.

Dự án Chăm sóc cuối đời mở ra với mong muốn giúp các bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo hay những chấn thương nặng có thể vượt qua hoàn cảnh hiện tại để hướng đến một cuộc sống tốt hơn, và giúp họ tìm đến một niềm hy vọng trong tương lai với cơ thể không còn nguyên vẹn. Các nhận sự thường xuyên thăm hỏi, an ủi, nâng đỡ, chia sẻ về tình yêu… Công việc nhiều, cần sự quan tâm và cầu thay của nhiều người.

Đức Chúa Jesus từng kể ngụ ngôn về một người chăn có 100 con chiên, bị lạc mất một con, người ấy bèn để lại 99 con mà đi tìm cho bằng được con bị lạc – nói lên giá trị của một linh hồn trước mặt Chúa. (Luke/Lu-ca 15). Nếu quý vị quan tâm và có lòng cưu mang công tác này, xin liên hệ với chúng tôi để trang bị những kỹ năng cần thiết và gia nhập đội ngũ tình nguyện viên cho Dự án; sắp xếp thời gian đi thăm viếng hợp lý, thuận tiện nhất.

“Lời Chúa khích lệ những ai có lòng quan tâm đến người khác: “Ai sẽ cho một người trong bọn nhỏ nầy chỉ uống một chén nước lạnh, vì người nhỏ đó là môn đồ ta, quả thật, ta nói cùng các ngươi, kẻ ấy sẽ chẳng mất phần thưởng của mình đâu” (Matthew/Ma-thi-ơ 10:42).

Hoàn Nguyện


* Mọi thông tin chi tiết về dự án, xin vui lòng liên hệ với chúng tôi thông qua số điện thoại: 0901370973 hoặc email:

[email protected]



Posted

in

, ,

by

Tags:

Comments

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *