Cái nhìn của tôi về tự do tính dục ở Mỹ và Việt nam

Cách đây ba năm khi chuẩn bị hành trang theo đuổi chương trình Thạc sĩ ở Mỹ, tôi mang theo bên mình một câu hỏi: Liệu tôi sẽ hoà nhập ra sao với tự do tính dục ở Mỹ?

Mỹ và Việt Nam: Quốc gia nào có tự do tính dục hơn? Có lẽ trong tích tắc gần như 100% trong các bạn sẽ trả lời: Mỹ! Chắc chắn rồi! Tuy nhiên, với hơn ba năm học tập, sinh sống và làm việc ở Mỹ, tôi sẽ đề nghị bạn cùng tôi tìm hiểu vấn đề một cách thận trọng hơn để có suy nghĩ đúng đắn hơn.

Sinh ra và lớn lên trong một gia đình Cơ Đốc Nhân, tôi không phải một ngoại lệ. Tôi đã nhiều lần vấp ngã trước thử thách và cám dỗ liên quan đến tình dục. Cũng như các bạn người Việt Nam, chúng ta luôn nghĩ Việt Nam là một nước Á Đông với lối truyền thống dè dặt khi bàn về tính dục. Tuy nhiên, trên thực tế khoảng 95%, nếu không nói 99%, các bạn người Việt Nam, là những người tôi quen biết đều có quan hệ tình dục trước hôn nhân. Câu nói “Ăn cơm trước kẻng” dường như trở thành một trào lưu không thành văn của giới trẻ Việt Nam nói riêng và xã hội Việt Nam nói chung.

Rồi đến chủ đề liên quan đến đồng tính. Việt Nam cách đây đôi ba chục năm hầu như không ai dám công khai mình là người đồng tính. Vài ba năm trở lại đây thì càng ra ngoài, bạn sẽ bắt gặp càng nhiều cặp đôi thể hiện mối quan hệ đồng tính của họ trong niềm tự hào ngời ngời nơi công cộng.

Thời học phổ thông, tôi có một vài người bạn bị gọi là “pê-đê.” Tôi luôn cảm thấy những người bạn pê-đê rất vui tính và họ luôn có một vài tài năng nổi trội hơn người khác. Tôi tự hỏi: Có gì sai không khi một vài người bạn của tôi là pê-đê? Họ có sai không khi họ là pê-đê? (*) Khi đọc Kinh Thánh bản tiếng Việt truyền thống, tôi nhớ lời Kinh Thánh ghi khi một người nam yêu một người nam như đối với một người nữ thì đó là tội lỗi gớm ghiếc trước mặt Chúa.

Những năm gần đây nhiều người ở hầu hết nhiều quốc gia có xu thế chào mừng cộng đồng người đồng tính, hai giới tính, chuyển đổi giới tính và không xác định giới tính (tiếng Anh gọi tắt là LGBTQ: Lesbian, Gay, Bisexual, Transgender, and Questioning).

Khi sang Mỹ, tôi cũng nhanh chóng hoà nhập với môi trường mới bao gồm cả lĩnh vực hẹn hò. Cũng không có gì ngạc nhiên đối với tôi khi tiếp nhận quan điểm của số đông người Mỹ: Khi hẹn hò thì bạn có thể gặp gỡ nhiều người, có thể có hoặc không quan hệ tình dục với nhau. Chỉ khi nào bạn trở thành bạn trai bạn gái thì bạn nên chung thuỷ với một người. Và việc quan hệ tình dục, sống chung và có quan hệ tình dục, thậm chí có con với nhau trước hôn nhân gần như trở thành chuyện bình thường.

Mỹ là quốc gia mà bạn thấy có rất nhiều nhà thờ lớn nhỏ trên một đoạn đường rất ngắn. Trường đại học cũng có nhiều tổ chức tôn giáo khác nhau giúp đỡ sinh viên tham gia các hoạt động tôn giáo. Trong lúc lái xe, bạn bật radio và nghe lời giảng của mục sư Tin Lành ở nhiều kênh.

Tôi đã từng hẹn hò rất nhiều người khi tôi còn ở Việt Nam nên cũng không có gì thay đổi khi tôi sang Mỹ. Những anh chàng tôi hẹn hò, tốt có, giỏi giang có và vớ vẩn (tiếng Anh gọi là losers) cũng có. Là một Cơ Đốc Nhân, tôi đã thất bại khi tôi không vâng lời Chúa để chờ đợi tình dục sau hôn nhân.

Dù là một tội nhân, Chúa vẫn yêu tôi và nhắc nhở tôi đi nhà thờ. Mục sư người Mỹ ở nhà thờ Mỹ đã nói rõ dựa trên nền tảng Kinh Thánh: Chúa ban tình dục cho con người sau hôn nhân. Bạn thấy đó, dù ở Mỹ hay Việt Nam, dù là mục sư người Mỹ hay người Việt Nam, tôi được dạy những điều nhất quán dựa trên Kinh Thánh.

Khi đi nhà thờ, tôi bắt gặp một vài người mà qua cách ăn mặc và dáng vẻ của họ bạn có thể tin rằng họ là “pê-đê.” Tôi đã vẫn chưa thể tìm ra câu trả lời cho những câu hỏi đánh dấu (*) ở trên. Tôi đã suy nghĩ: Nếu đó là những người tử tế thì tôi không ủng hộ hôn nhân của họ vì Kinh Thánh ghi rõ quan hệ đồng tính là tội lỗi trước mặt Chúa, nhưng tôi cũng không phản đối.

Rồi tôi được Chúa nhắc nhở và bắt đầu đọc Kinh Thánh bản tiếng Anh từ khoảng đầu năm nay. Một trong những lý do quan trọng khiến tôi quyết định đọc Kinh Thánh vì Kinh Thánh ghi rõ lời Chúa sẽ khiến cho tôi trở nên khôn ngoan. Tôi muốn trở thành một người phụ nữ khôn ngoan, và tôi bắt đầu đọc Kinh Thánh. Từ nhỏ tôi đã được học và đọc Kinh Thánh bản tiếng Việt, nhưng thành thật mà nói, đôi khi tôi cảm thấy khó hiểu.

Tôi cầu nguyện trước khi đọc Kinh Thánh để Chúa tha thứ những tội lỗi dù vô tình hay cố ý đang ngăn cách mối tương giao của tôi với Chúa. Tôi bắt đầu đọc từ sách Sáng Thế Ký và thường đọc từ hai đến bốn đoạn mỗi ngày. Đọc xong, tôi cầu nguyện với Chúa về những bài học tôi học được. Sau đó, tôi cầu nguyện cho gia đình, bạn bè, những người thân quen tôi nhớ đến, nước Mỹ, Việt Nam và con cái Chúa đang chịu bắt bớ ở những đất nước Hồi Giáo và Trung Quốc.

Thời gian đầu mới bắt đầu đọc Kinh Thánh bản tiếng Anh tôi cũng có khó khăn vì nhiều từ mới, nhưng điều kỳ diệu là càng đọc tôi lại càng cảm thấy dễ hiểu. Tôi luôn liên tưởng đến Kinh Thánh bản tiếng Việt trước đây để giúp tôi dễ hiểu bản tiếng Anh. Tôi bắt đầu được Chúa dạy dỗ qua Kinh Thánh.

Kinh nghiệm cá nhân của tôi với Chúa trở nên mạnh mẽ hơn bắt đầu bằng bài học tha thứ từ cuộc đời ông Giô-sép khi bị các anh bán qua Ai Cập. Giô-sép là người yêu mến Chúa, kính sợ Chúa và luôn nhìn ra hướng tích cực trong mọi hoàn cảnh. Trải qua nhiều thử thách, cuối cùng Giô-sép trở thành quan tể tướng của Ai Cập chỉ dưới quyền vua Pha-ra-ôn. Khi gặp lại các anh qua Ai Cập mua lương thực vì nạn đói kém, ông đã nhận ra các anh và khóc. Trong khi các anh sợ Giô-sép sẽ trả thù, Giô-sép đã không làm thế. Ông nói với các anh: “Không phải các anh đã bán tôi qua Ai Cập đâu, nhưng Chúa đã sai tôi qua Ai Cập trước để cứu gia đình chúng ta.”

Đó là thời điểm tôi đã từng không tha thứ cho ba tôi vì ba tôi không đối xử tốt với mẹ và các anh chị em tôi. Đó là lúc tôi đã từng không tha thứ cho cậu mợ cả tôi vì cậu mợ cả vì những gì họ đã làm. Tôi đã được Chúa nhắc nhở: Chúa là Đấng đoán xét. Ai gieo giống chi sẽ gặt giống nấy. Chúa dạy tôi tha thứ và tôi đã tha thứ cho ba tôi và cậu mợ cả của tôi.

Tiếp đến, tôi được Chúa nhắc nhở về chờ đợi tình dục sau hôn nhân. Tôi đã nói chuyện với bạn trai tôi và anh đồng ý chờ đợi. Giây phút đó tôi biết chắc chắn rằng anh chính là người Chúa chọn cho tôi. Rồi chúng tôi đính hôn và còn một tháng nữa sẽ đến ngày cưới của hai chúng tôi. Tôi chưa từng kết hôn. Nhìn xung quanh rất nhiều cuộc hôn nhân không hạnh phúc của người thân và bạn bè, tôi đã từng nghĩ rằng: Nếu tôi không hạnh phúc trong cuộc hôn nhân của mình, tôi sẽ không đắn đo mà ly dị.

Thế nhưng ông mục sư ở hội thánh Báp-tít Đầu tiên ở Little Rock đã gửi cho chúng tôi quyển sách và các DVD tựa đề Nghệ Thuật Trong Hôn Nhân (The Art of Marriage). Tôi hiểu ra một điều tôi chưa từng nghĩ đến: Chúa thiết lập hôn nhân để phản ánh tình yêu của Chúa dành cho Hội Thánh. Nếu hôn nhân đặt Chúa làm trung tâm thì hôn nhân đó sẽ hạnh phúc. Tôi luôn nhìn thấy cuộc hôn nhân hạnh phúc của anh chị Ba tôi khi anh Ba tôi là người yêu mến Chúa và là đầy tớ Chúa ở Hội thánh Tin lành Gò Vấp. Tôi muốn cuộc hôn nhân của tôi cũng sẽ hạnh phúc giống như cuộc hôn nhân của anh chị Ba tôi. Tôi đầu tư vào cuộc hôn nhân của tôi và tôi luôn cầu nguyện để Chúa dẫn dắt hai chúng tôi.

Hôn phu tôi đã từng hỏi tôi: “Theo em thì những người thuộc cộng đồng LGBTQ là do họ sinh ra như vậy hay họ chọn để trở thành như vậy? Có phải Chúa đã tạo nên pê-đê? Bản thân người pê-đê có phải đã là tội lỗi?”

Tôi tin rằng Chúa tạo nên mọi thứ tốt đẹp từ ban đầu. Bệnh tật, xu hướng lệch lạc tình dục (bao gồm quan hệ đồng tính, ấu dâm, quan hệ tình dục với loài vật hay xác chết, v.v.), thiên tai hay chiến tranh là hậu quả của tội lỗi bắt đầu từ việc tổ phụ loài người là bà Ê-va không vâng lời Chúa và nghe theo cám dỗ của Sa-tan mà ăn trái cấm rồi đưa cho chồng là ông A-đam cùng ăn. Kinh Thánh ghi rõ tất cả loài người đều là tội nhân trước mặt Chúa. Có hai loại tội: Nguyên tội (tội từ tổ phụ để lại) và Kỷ tội (tội do chính cá nhân gây ra). Ngạn ngữ Việt Nam có câu: “Đời cha ăn mặn, đời con khát nước” là nói đến tội từ tổ phụ để lại.

Một ngày gần đây, tôi đọc được câu Kinh Thánh bản tiếng Anh ghi rõ: “… the sexually immoral, men who practice homosexuality…” Câu Kinh Thánh đã trả lời cho câu hỏi đánh dấu (*) của tôi. Pê-đê là hậu quả của tội lỗi từ tổ phụ để lại, nhưng nếu những người pê-đê nhờ cậy Chúa và không thực hiện quan hệ tình dục đồng tính thì Chúa vẫn yêu họ. Câu hỏi đặt ra: Liệu họ có làm được không? Không thực hiện quan hệ đồng tính dễ hay khó? Xin thưa, cám dỗ tội lỗi lúc nào cũng rình rập mỗi chúng ta, nhưng nếu bạn cầu nguyện nhờ cậy Chúa thì tội lỗi sẽ thối lui. Bằng chứng là tôi đã cầu nguyện nhờ cậy Chúa để chờ đợi tình dục cho đến khi tôi và hôn phu tôi kết hôn và chúng tôi đã làm được. Không dễ dàng chút nào, nhưng Chúa đã giúp chúng tôi giữ lời hứa với Chúa.

Tôi đã từng là một tội nhân đầy tội lỗi mà Chúa vẫn yêu tôi nhiều đến mức Chúa Jesus đã chịu chết trên thập tự giá để đền tội cho tôi. Chúa đã sống lại sau ba ngày, thăng thiên về trời ngồi bên hữu ngai Đức Chúa Cha, và cầm chìa khoá của sự chết và âm phủ. Chúa yêu bạn và Chúa đang chờ đợi bạn tiếp nhận Chúa Jesus vào lòng để Ngài tha thứ tội lỗi cho bạn và ban cho bạn sự sống đời đời trên thiên đàng phước hạnh sau khi bạn qua đời. Tôi hy vọng bạn có quyết định sáng suốt cho linh hồn của mình.

 

Bài TN


Posted

in

,

by

Tags:

Comments

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *