Oneway.vn – Chắc rằng nhiều người trong chúng ta đã từng đi đến những nơi đông người tại các trung tâm thương mại hay một chương trình đặc biệt được tổ chức ngoài trời. Không ít lần phải chịu cảnh chen lấn, chờ đợi và những vấn đề khó chịu khác vì lượng người tập trung quá đông. Hiểu rằng tâm lý mỗi người ai cũng mong chờ đến lượt mình, nhưng việc chen lấn được xem là hành vi ứng xử thiếu văn hóa. Cũng vì đó mà chúng ta hầu như rất hạn chế việc đến những nơi đông người, thậm chí là né tránh. Nhưng đó không phải là cách, điều quan trọng là hành vi và thái độ ứng xử của chúng ta như thế nào.
1. Tuân thủ theo sự hướng dẫn của ban tổ chức
Trong một sự kiện hoặc chương trình được tổ chức ngoài trời, thì việc tuân thủ theo yêu cầu của Ban tổ chức là điều vô cùng cần thiết. Từ việc gửi xe, chỗ ngồi, cách đối thoại, thái độ hãy thể hiện mình là một người khôn ngoan và có tầm hiểu biết.
Đừng phàn nàn với những yêu cầu, bởi đó là cách tốt nhất họ muốn dành cho bạn và những người xưng quanh.
Hãy tôn trọng quyền nghe, nhìn của người khác, bày tỏ thái độ hoà nhã, yêu thương. Đừng chỉ nói, nghe, đọc. Hãy chứng minh!
2. Trật tự và không đùa giỡn
Chắc hẳn bạn sẽ rất khó chịu khi tham dự một chương trình với quy mô lớn và không thể tập trung được vì những tiếng ồn xung quanh. Việc giữ trật tự trong suốt chương trình diễn ra không thể phụ thuộc vào những người tổ chức chương trình mà là chính bạn. Tại chốn đông người, chúng ta cần có sự tôn trọng những người xung quanh và trước hết là cả chính mình bằng cách cư xử và thái độ tham dự.
Giữ trật tự để người khác có thể tham dự chương trình một cách trọn vẹn nhất và đó cũng là cách giúp chúng ta không bỏ phí thời gian của mình. Đặt trường hợp chính mình đang nghiêm túc tham dự chương trình đặc biệt, nhưng lại bị những tiếng ồn từ người khác, khiến mất tập trung, bạn sẽ có cảm giác thế nào? Chắc chắn là rất khó chịu và bực bội. Vậy thì, đừng khiến người khác phải khó chịu như thế và cũng để tránh những điều tiêu cực xảy ra.
3. Nói lời cảm ơn, xin lỗi
“Tôi không có lỗi, thế thì tại sao tôi phải xin lỗi?” Đúng là không có lỗi thì không cần phải nói lời xin lỗi. Nhưng lời xin lỗi không đơn thuần được nói ra khi chúng ta cần chuộc lỗi với một ai đó, mà đôi lúc chỉ là thể hiện phép lịch sự khi có những va chạm, dù ở bất cứ đâu.
Tại những nơi đông người, việc chen lấn, xô đẩy rất thường gặp phải, hay thậm chí chỉ là một va chạm nhỏ không mong muốn, nhưng lời xin lỗi có lẽ không quá khó để nói ra phải không?
Cũng đừng quên lời cảm ơn khi nhận được sự giúp đỡ từ một ai đó. Cuộc sống sẽ tốt đẹp hơn nếu chúng ta biết nói lời cảm ơn và xin lỗi.
4. Không xả rác, giữ gìn vệ sinh chung
Thực sự khó chịu mỗi khi “trận bão người” càng quét qua những khu vực trung tâm thành phố, đội tuyển bóng đá Việt Nam lên ngôi vô địch hoặc những dịp lễ đặc biệt. Sau mỗi “trận bão” ấy không gì ngoài rác và sự cực khổ của những người mang trên vai trọng trách làm sạch thành phố. Câu hỏi về ý thức, văn hóa con người có lẽ không bao giờ là thừa, nhưng ngược lại còn là điều rất xa xỉ.
Đến tham dự sự kiện ngoài trời, một chương trình đặc biệt, một sự đầu tư về sân khấu, ghế ngồi, âm thanh và ánh sáng. Mọi thứ rất chỉn chu và bạn cũng được chào đón tận tình bởi bộ phận tiếp tân,… mọi thứ được làm ra dường như là để phục vụ chính bạn và bạn nhận được một sự trân trọng từ những người làm chương trình.
Vì vậy, hãy để sự trân trọng ấy được trọn vẹn bằng cách khẳng định bản thân mình rằng “Tôi là người không xả rác!”
Nguyễn Trường
Leave a Reply