Chúa không ngạc nhiên về đại dịch coronavirus: Bốn điều cần nhớ

Oneway.vn – Dù trong trũng bóng chết, Chúa luôn hiện diện, mong muốn được lắng nghe và an ủi chúng ta (Thi thiên 23:4).

1. Lo lắng thoáng qua nhưng đừng sống trong nỗi sợ

Nỗi lo sợ thường trực trong chúng ta về coronavirus hay COVID-19 là một mối lo ngại hợp lý. 

Hãy nhìn sự việc theo cách này: chúng ta không chạm tay vào bếp lò khi còn đang nóng. Tại sao? Vì chúng ta sợ hậu quả: nỗi đau nó sẽ gây ra, vết bỏng, quá trình chăm sóc và phục hồi đầy khó khăn nếu chạm vào bề mặt đang rất nóng. Đó là nỗi sợ hãi đúng đắn giúp chúng ta đưa ra quyết định sáng suốt. Cũng tương tự như vậy với coronavirus này.

Nhưng chúng ta không được sống trong sợ hãi. Chúng không thể để những lo sợ chiếm lấy mình, vì lúc đó nỗi lo sẽ trở thành thần tượng. Chúng ta quên mất Chúa. Chúng ta quên mất rằng Ngài vẫn đang nắm kiểm soát và không có bất cứ điều gì – thậm chí đại dịch khủng khiếp như thế này – có thể làm khó được Ngài.

Bạn không đơn độc. Nhiều người cũng đang phải đối mặt với những lo lắng giống như bạn đang cảm thấy lúc này. Và tin tốt là đây: có một Đức Chúa Trời luôn hiện diện để gặp gỡ từng người trong chúng ta ngay thời điểm này, khi chúng ta biết tìm cầu Ngài (Ma-thi-ơ 7:7).

2. Chúa không ngạc nhiên về điều này

Không có gì trong cuộc sống xảy ra ngoài ý muốn Chúa. Sẽ có những hậu quả của tội lỗi trong thế giới tan vỡ này. Tôi không nói rằng coronavirus là một hệ lụy trực tiếp của bất kỳ loại tội lỗi nào, nhưng nó là kết quả của thế gian bất khiết.

Mặc dù vậy, những điều đẹp đẽ vẫn được tìm thấy giữa đống tro tàn. Sự cứu chuộc vẫn xuất hiện giữa nơi đổ nát. Chúng ta biết rằng mọi sự hiệp lại làm ích cho người nào yêu mến Chúa (Rô-ma 8:28). Điều đó không có nghĩa là mọi việc đều tốt lành, nhưng nói lên rằng không có sự gì xảy ra vô ích cả. Dù là sự kiện nào, bất kể lợi ích hay hậu quả của nó, đều xảy ra vì vinh hiển Chúa và lợi ích đời đời của chúng ta.

Đại dịch này là cơ hội để Hội thánh thực sự làm được điều mà Kinh Thánh kêu gọi:” trở nên thân thể của Đấng Christ” (1 Cô-rinh-tô 12:27). Nghĩa là gì? Nghĩa là chăm sóc cho những người kém may mắn hơn, người mệt mỏi và cần giúp đỡ, đau đớn và đói khát, suy sụp và chán nản, vì trong mắt Chúa, “hễ các ngươi đã làm việc đó cho một người trong những người rất hèn mọn nầy của anh em ta, ấy là đã làm cho chính mình ta vậy.” (Ma-thi-ơ 25:40)

Nếu có thể, hãy hỗ trợ Hội thánh trong việc thờ phượng trực tuyến, dâng hiến tiền bạc và sức lực để chăm lo thức ăn cho thiếu nhi hoặc cho những người bị mất việc làm trong thời kỳ khó khăn này. Hãy nói chuyện với bạn bè và gia đình rằng cần phải nghiêm túc tuân theo những khuyến cáo của nhà chức trách.

3. Mỗi tin tức cập nhật là một lời nhắc nhở hãy cầu nguyện.

Chúng ta luôn mang theo điện thoại giống như một phần cơ thể, và mỗi khi nó reo (ngay cả khi nó không reo đi nữa), phản xạ của chúng ta là cầm nó lên và “chạm”. Trong thời điểm này, có vô vàn thông tin cập nhật mỗi giây.

Vì vậy, đừng lãng phí những thông tin ấy..

Cha mẹ dạy tôi và anh chị em tôi thầm lặng cầu nguyện mỗi khi nghe thấy tiếng xe cứu thương vang lên, cầu xin Chúa ở cùng các nhân viên y tế và nạn nhân mà họ đang vội vã cứu giúp. Cũng vậy, chúng ta nên xem tin tức trên điện thoại của mình như lời nhắc nhở để cầu nguyện và ngợi khen Chúa trong thời điểm này.

Dù trong trũng bóng chết, Chúa luôn hiện diện, mong muốn được lắng nghe và an ủi chúng ta (Thi thiên 23:4). Chúng ta đang tìm kiếm một Đức Chúa Trời mà ngay cả gió bão và biển cả cũng vâng lời (Ma-thi-ơ 8:27). Hãy tin vào quyền năng Ngài.

4. Chúa đã, đang và luôn chu cấp cho chúng ta.

Rất rõ ràng, rằng ngay cả giữa đau khổ, Chúa không bao giờ để chúng ta một mình. Ngài không bao giờ lánh mặt khỏi chúng ta, khiến cho tạo vật của Ngài phải chịu đau khổ và tự xoay sở.

Hãy nhìn lại chiếc điện thoại hay máy tính mà bạn đang dùng để đọc bài viết này, và cảm ơn Chúa: chính Ngài đã cung cấp thiết bị thông minh này cho bạn. Trong các đại dịch và khủng hoảng văn hóa trong quá khứ, loài người không có những thiết bị công nghệ tiên tiến như vậy để kết nối với bạn bè và gia đình khi phải cách ly xã hội, điều mà ngày nay chúng ta cũng đang cố gắng thực hiện nhằm giảm bớt lây lan dẫn đến hậu quả nghiêm trọng.

Công nghệ tiên tiến ngày nay cho phép chúng ta đặt hàng thực phẩm và vật dụng mà không cần phải mạo hiểm đi vào siêu thị hay cửa hàng tạp hóa đông đúc, nơi chúng ta có nguy cơ tiếp xúc với coronavirus. 

Thế giới đã trở nên nhỏ bé trong vài tuần gần đây, khi công nghệ tiên tiến đã giúp chúng ta và các chuyên gia y tế theo dõi cách thức virus này lây lan, thay đổi và tác động đến cuộc sống của con người trên khắp thế giới, nhờ vậy chúng ta có thể ứng phó nhanh chóng và hợp lý với mối đe dọa mà nó gây ra.

Mọi việc không dễ dàng, nhưng nếu không có những tiến bộ khoa học kỹ thuật này, viễn cảnh trước mắt chắc chắn sẽ ảm đạm hơn rất nhiều.

Tất cả chúng ta rồi sẽ tìm thấy biện pháp giải quyết. Chúng ta sẽ vượt qua chuyện này, và tôi hy vọng bốn lời nhắc nhở trên sẽ giúp cho sức nặng của cuộc hành trình trở nên nhẹ nhàng hơn.


Bài: Tré Goins-Phillips; dịch: Nhạn Võ

(Nguồn: faithwire.com)


Posted

in

,

by

Tags:

Comments

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *