Oneway.vn – Nhiều tín đồ đang khá bối rối trước câu hỏi, nên hay không nếu Hội Thánh tổ chức chương trình thờ phượng Chúa trực tuyến vào Chúa nhật trước tình hình dịch bệnh?
(Ảnh:thir.st)
Trước khi vội vàng kết luận, chúng ta cùng điểm qua một số vấn đề thực tế về tình hình dịch bệnh Covid-19, về những sự dạy dỗ của Kinh Thánh mà chúng ta có thể tham khảo, và cả phương cách mà cộng đồng Tin Lành nhiều nơi trên thế giới đang thực thi để ứng phó trước tình trạng này. Sau khi cẩn thận suy xét những vấn đề trên, việc “đúng – sai” ở nơi bạn.
1. Dịch Covid-19 đang làm đảo lộn thế giới
Phải, không có từ nào thích hợp bằng động từ “đảo lộn” mà dịch Covid-19 đang gây ra. Những tưởng những ngày đầu năm mới sẽ tiếp thêm hy vọng cho một năm nhiều thành công, thì hãy nhìn xem hình ảnh Việt Nam nói riêng và thế giới nói chung trong những ngày gần đây đang ra sao. Phố đi bộ Bùi Viện, một trong những nơi sầm uất, nhộn nhịp nhất Việt Nam dường như chẳng còn bóng người. Đám cưới, chuyện quan trọng bậc nhất của đời người, hoặc là bị hoãn, hoặc là tổ chức với chỉ lác đác vài khách tới dự trong sự ngậm ngùi của cô dâu chú rễ. Nhân viên Ngân hàng ngoài bộ đồng phục lịch thiệp, sang trọng thì trên khuôn mặt không thể thiếu chiếc khẩu trang. Các chuyến bay quốc tế bị huỷ hàng loạt. Nhiều doanh nghiệp đang trên bờ vực phá sản, đặc biệt là những ai kinh doanh lĩnh vực liên quan đến du lịch.
Chỉ mới một tháng trước đây, khi tâm dịch còn ở Vũ Hán (Trung Quốc), Mỹ và thế giới phương Tây vẫn “bình chân như vại”, cho rằng dịch Covid-19 chẳng qua chỉ như cúm mùa, hoặc “nó còn cách chúng ta xa lắm”, thì giờ đây, hơn ai hết người dân châu Âu mà đặc biệt là Ý đang như muốn gục ngã trước cơn đại dịch.
Một trong những yếu tố khiến Covid-19 trở nên nguy hiểm khó lường là tình trạng lây lan trong cộng đồng. Nghĩa là nếu trong cộng đồng có 1 người bệnh mà không được xác định, thì chỉ cần vài ngày, số người nhiễm sẽ thêm lên theo cấp số nhân chứ không phải cấp số cộng.
Qua những tin tức được truyền tải, có thể thấy sự lây lan trong cộng đồng bùng phát mạnh mẽ qua một số con đường sau: những người trên cùng phương tiện giao thông (đặc biệt là máy bay), cùng sinh hoạt tôn giáo, những người làm chung cơ quan hay học sinh chung trường. Đặc biệt sự lây lan cộng đồng ở Hàn Quốc và Malaysia đều liên quan đến yếu tố tôn giáo.
Tất nhiên, cũng giống như việc Chúa ban mưa cho cả người công bình lẫn kẻ gian ác, dịch bệnh không chừa một ai, kể cả tôi con Chúa. Chỉ 1 tuần trước lễ kỷ niệm 70 năm thành lập, ngày 12/2/2020, Hội Thánh Grace Assembly of God tại Singapore thông báo những ca nhiễm đầu tiên, trong số đó có Mục sư Quản nhiệm Wilson Teo. Những ca nhiễm sau đó hoặc là thành viên của Hội Thánh, hoặc có liên quan đến Hội Thánh. Hay như mới đây, ngày 13/03/2020, tờ Chanel News Asia đưa tin ca tử vong đầu tiên của Malaysia là vị mục sư 60 tuổi của Hội Thánh Báp-tít Emmanuel ở Kuching.
Trước những diễn biến khó lường và sự nguy hiểm của đại dịch, nhiều Hội Thánh đã huỷ bỏ phần lớn các sự kiện. Nhưng còn giờ thờ phượng Chúa nhật hàng tuần thì sao, nếu chuyển qua hình thức online thì có gì sai hay không?
2. Những ngộ nhận về sự dạy dỗ của Kinh Thánh
Con dân Chúa sẽ không bị dịch bệnh ảnh hưởng
Chúng ta không chỉ đọc Lời Chúa trong Thi-thiên 91:10: “sẽ chẳng có tai họa gì xảy đến ngươi, cũng chẳng có dịch bệnh nào tới gần trại ngươi”, và vội vàng kết luận rằng Cơ Đốc nhân sẽ không bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, ở câu liền kề trước đó, “Bởi vì ngươi đã nhờ Đức Giê-hô-va làm nơi nương náu mình và Đấng Chí Cao làm nơi cư trú mình“. Lời hứa này có điều kiện và mang tính cá nhân. Hãy tự hỏi xem hằng ngày chúng ta có hết lòng nương náu Chúa không hay chỉ chạy đến với Chúa khi cần. Tất nhiên Chúa là Đấng Chí cao, Đấng Chữa lành. Ngài hoàn toàn có năng quyền bảo vệ người thuộc về Ngài khỏi dịch lệ, bệnh tật. Nhưng nếu Chúa chọn cho phép một ai đó nhiễm bệnh, thì đó là Ngài có một chương trình khác dành cho người ấy. Trong chức vụ của mình, Phao-lô chữa lành cho vô số người nhưng Chúa lại để cho ông cứ đau đớn với một cái giằm xóc. Bác sỹ Tống Thượng Tiết cũng từng được Chúa sử dụng để chữa bệnh cho nhiều người nhưng chính ông lại qua đời vì bệnh tật khi còn khá trẻ. Điều đó không có nghĩa là Chúa thất hứa, nhưng Chúa có chương trình tốt hơn dành cho họ.
“Không đi nhà thờ là thiếu đức tin”
Phải xác định Kinh Thánh không dạy như thế. Tác giả Hê-bơ-rơ khuyên, “Chớ bỏ sự nhóm lại như mấy kẻ quen làm, nhưng phải khuyên bảo nhau; nếu anh em thấy ngày của Chúa càng gần chừng nào thì càng phải làm như vậy chừng nấy” (10:25).
Có một sự khác biệt lớn giữa việc “bỏ nhóm” và “không đi nhà thờ”. Không biết từ bao giờ chúng ta đánh đồng việc nhóm lại thờ phượng với việc “đi nhà thờ”. Nhiều người đến Hội Thánh với chủ đích riêng tư hơn là tập trung vào sự thờ phượng Chúa. Cũng cần lưu ý các tín hữu thời kỳ tiên khởi họ chưa có “nhà thờ” để sinh hoạt, họ đối mặt với sự thù ghét của người Do Thái, sự bắt bớ của chính quyền La Mã, và việc nhóm lại của họ được thực hiện trong các nhà riêng, cùng đọc Kinh Thánh, cầu nguyện, thông công khích lệ nhau.
Đời sống thuộc linh là trên hết, những chuyện khác để Chúa lo”
Nếu giả sử bạn vừa bị tai nạn giao thông, mới trải qua cơn phẫu thuật vào tối thứ Bảy, sáng Chúa nhật bạn có đến nhà thờ không? Có thể bạn nói không và lý do đưa ra rất hợp lý: “đây là trường hợp bất khả kháng”. Vậy hoàn cảnh hiện tại của chúng ta không là “bất khả kháng” hay sao? Chúng ta không mong muốn có vài tín đồ trong Hội Thánh nhiễm bệnh thì khi đó mới “bất khả kháng”?
Mặc dù rất xem trọng và ưu tiên đời sống thuộc linh, Kinh Thánh cũng quan tâm đến con người một cách tổng thể, bao gồm cả sức khoẻ thể chất, tâm hồn. Giả sử thuộc linh bạn “khoẻ” thật mà thể chất, tâm hồn bạn có vấn đề nghiêm trọng, vậy bạn có đang sống đẹp lòng Chúa?
3. Cộng đồng Tin Lành trên thế giới đang ứng phó với dịch Covid-19 như thế nào?
Sau khi tham khảo những sự dạy dỗ của Kinh Thánh, chúng ta cũng cần xem Hội Thánh Tin Lành ở những nơi trên thế giới đang hành động ra sao.
Anh
Ngày 16/3 vừa qua, Bộ trưởng Bộ Y tế Anh Matt Hancock cho biết chỉ thị cấm tập trung đông người áp dụng với cả các buổi nhóm họp tôn giáo. Không lâu sau đó, các Hội Thánh đã bày tỏ ý kiến. Tờ ChristianToday cho hay lãnh đạo Anh Quốc Giáo ở Canterbury and York khích lệ tín đồ dù giờ nhóm lại ở nhà thờ bị tạm hoãn nhưng mọi người có thể cầu nguyện riêng tư với Chúa và nên tìm ra những phương cách mới để phục vụ mọi người. Tuyên bố của lãnh đạo Hội Thánh viết, “Hội Thánh Anh Quốc những ngày tới đây sẽ trông rất khác. Đặc trưng của đời sống chúng ta sẽ ít hơn bởi những buổi nhóm lại tại nhà thờ Chúa nhật, nhưng sẽ nhiều hơn bởi sự cầu nguyện và phục vụ mỗi ngày”.
Hội Thánh Giám lý khuyến cáo các Hội Thánh địa phương tạm ngưng chương trình thờ phượng, tuy nhiên vẫn khích lệ các Hội Thánh có thể mở cửa nhà thờ cho những ai muốn đến cầu nguyện riêng tư.
Mỹ
Khi dịch bệnh bùng phát tại Mỹ, hầu hết các Hội Thánh tại Washington đã hoãn các buổi nhóm. Trong ngày Chúa nhật 15/3, CDC đưa ra khuyến cáo về các buổi nhóm họp không được quá 50 người. Vào ngày thứ Hai 16/3, Tổng thống Donal Trump đưa con số đó xuống không quá 10 người.
Sau khuyến nghị này, Mục sư Jeffress của Hội Thánh First Baptist tại Dallas với khoảng 14.000 tín hữu cho biết những tuần tiếp theo Hội Thánh ông sẽ chuyển sang nhóm online. Nhiều Hội Thánh xuyên suốt nước Mỹ cũng chuyển sang nhóm online.
Trong thời điểm này, Nhà Trắng cũng kêu gọi các tín hữu Tin Lành cầu nguyện cho lãnh đạo đất nước, đội ngũ y bác sĩ và tất cả những ai đang nhiễm bệnh.
Philippines
Ngày 12/3/2020, Mục sư Giám mục Noel A. Pantoja, Chủ tịch Hội đồng các Hội Thánh Tin Lành Philippines (PCEC) đưa ra bản tuyên bố chính thức về tình hình dịch bệnh Co-vid 19, trong đó khuyến nghị các Hội Thánh “phải tránh tổ chức các cuộc tụ họp lớn và đi đến những nơi đông người. Có thể là tạm dừng lễ thờ phượng tại nhà thờ, các kỳ trại, các nhóm thông công, và các hoạt động truyền giảng. Chúng tôi khuyến nghị các Hội thánh thành viên của PCEC tạm dừng các lễ nhóm Chủ nhật trong một tháng.”
Cùng ngày, Tổng thống Philippines chính thức ra lệnh phong toả vùng thủ đô Manila, cấm tụ tập đông người, đóng cửa trường học, cấm người đến và rời khỏi thủ đô Manila. Sau khi thủ đô phong toả, hầu hết các Hội Thánh đều chuyển sang nhóm online hoặc thâu bài giảng của Mục sư rồi bắt đầu phát lên kênh Internet của Hội Thánh từ tối thứ Bảy để các cá nhân và gia đình “nhóm tại gia”.
Việt Nam
Bắt đầu từ Chúa nhật 15/3, một số Hội Thánh ở miền Bắc đã chuyển sang hình thức nhóm online. Hội Thánh ở nhiều nơi khác vẫn duy trì giờ thờ phượng Chúa nhật tại nhà thờ nhưng kèm theo đó là các biện pháp chống dịch như máy đo thân nhiệt, cồn sát khuẩn cho tín hữu khi vào nhà thờ, khẩu trang, thay đổi các giờ sinh hoạt ban ngành, Trường Chúa nhật.
4. Người Tin Lành trong trận chiến chống dịch Covid-19
Trong bối cảnh dịch bệnh bùng phát, cơ sở y tế ngày càng trở nên quá tải vì vừa tập trung điều trị người bệnh, vừa phải lo cho những đối tượng cách ly, cách tốt nhất để góp phần hạn chế sự lây lan của virus hiện nay là việc tránh tụ tập đông người và giữ gìn vệ sinh cá nhân sạch sẽ.
Việc quyết định hình thức nhóm lại thế nào tuỳ vào sự lựa chọn của từng Giáo hội, hệ phái, tổ chức. Các quyết định không nhất thiết phải giống nhau, căn cứ tình hình dịch bệnh tại địa phương cũng như hoàn cảnh tín hữu, không phải ai cũng có điều kiện và biết cách sử dụng công nghệ. Vì vậy, chẳng hạn Hội Thánh ở vùng tâm dịch có thể tổ chức nhóm online. Các Hội Thánh vùng sâu nơi cộng đồng dân cư hầu như biệt lập có thể vẫn nhóm lại bình thường. Hoặc cũng có thể tổ chức giờ nhóm lại theo cụm, khu vực hay chi phái.
Tuy nhiên, điều quan trọng là mỗi một tín hữu Tin Lành thay vì chỉ trích các quyết định của nhau, chúng ta hãy hành động để góp phần hạn chế sự lây lan dịch bệnh. Hội Thánh Rô-ma từng bị chia rẽ vì chuyện nên ăn loại đồ ăn nào, giữ những ngày tháng nào. Phao-lô dạy rất rõ ràng: “đừng tranh luận với họ về các quan điểm… Người ăn đừng khinh bỉ kẻ không ăn, và người không ăn đừng chỉ trích kẻ ăn… Vậy chúng ta đừng xét đoán nhau nữa, nhưng tốt hơn cả là quyết định không đặt hòn đá làm vấp chân hoặc gây cản trở cho anh em mình.” (Rô-ma 14:1,3,13)
Trong tuyên bố chính thức của Hội đồng các Hội Thánh Tin Lành Philippines, Mục sư Chủ tịch Noel. A. Pantoja nhấn mạnh, “Hội Thánh Chúa phải trở thành một phần của giải pháp chứ không gây thêm vấn đề khác cho xã hội. Chính phủ chúng ta vốn đã phải gồng mình với nguồn nhân lực, cơ sở hạ tầng và ngân sách hạn hẹp để ngăn chặn sự lan rộng hơn nữa của COVID 19. Hội Thánh phải tham gia vào nỗ lực cao cả này qua việc không cố ý tụ tập đông người để giúp giảm thiểu hoặc ngăn chặn sự lây lan của virus. Thay vì khăng khăng công bố Chúa có thể làm gì cho chúng ta, chúng ta phải nghĩ Chúa có thể sử dụng chúng ta như thế nào để giảm gánh nặng cho quốc gia và cho những người khác.”
Giữa con đại dịch, mỗi người Tin Lành hãy cư xử như thế nào để thực sự là “muối của đất, ánh sáng của thế gian”, hầu chiếu rọi vinh quang Thiên Chúa và không đề người ngoài gièm pha, chê cười.
Lê Phan
Leave a Reply