Oneway.vn – Tuần qua, chính quyền Bắc Kinh đã gieo nỗi kinh hoàng cho hàng triệu người Hồng Kông khi bắt đầu thực thi luật an ninh quốc gia mới.
Họ mở ra các quy định hình sự hóa việc ly khai, âm mưu lật đổ, “khủng bố” và thông đồng với các lực lượng nước ngoài. Ai vi phạm luật này đều phải bị dẫn độ về Trung Quốc để xét xử và chịu án.
“Sự việc mơ hồ đến nỗi không ai biết những ngày tháng sắp tới sẽ ra sao, nhưng chắc chắn những luật này sẽ đe dọa nghiêm trọng đến quyền tự do, bao gồm tự do tôn giáo của tất cả người dân Hồng Kông”, theo Gina Goh, Giám đốc khu vực Đông Nam Á của International Christian Concern – tổ chức hỗ trợ các Cơ Đốc nhân bị đàn áp trên toàn thế giới.
Phỏng vấn với Christian Today, Gina nói về lý do các Cơ Đốc nhân khắp thế giới cần phải quan tâm đến vấn đề đang xảy ra ở Hồng Kông, và những gì chúng ta có thể làm để giúp đỡ họ.
CT: Bạn nghĩ gì về việc nhà nước thông qua luật này?
Gina: Chúng tôi biết rằng chuyện này sẽ xảy ra, nhưng các luật mới thực sự nghiêm ngặt hơn dự đoán, và có một điều khoản sẽ ràng buộc tất cả mọi người, không chỉ công dân Hồng Kông mà thôi.
Trước khi luật mới được thông qua, một số người cho rằng đây là sự kết thúc của nguyên tắc ‘một quốc gia, hai hệ thống’. Đáng buồn thay, có vẻ đúng là như vậy, và chắc chắn rằng nhiều người sẽ cảm thấy như thể Hồng Kông chúng ta từng biết trước đây đã chết. Họ vẫn tiếp tục chiến đấu, nhưng sẽ khó khăn hơn rất nhiều, vì nếu bạn nói bất cứ điều gì chống lại Trung Quốc, bạn sẽ trở thành tội phạm.
Joshua Wong và các nhà lãnh đạo khác của Demosisto đã từ chức vì biết rằng cuộc đấu tranh sẽ rất khó khăn, cần phải tiến hành đẩy mạnh nhân quyền và dân chủ ngay bây giờ. Nhưng ngay cả khi đã từ chức, có thể họ sẽ bị bắt vào tuần tới. Thật khó để dự đoán điều gì sẽ xảy ra khi các luật mới này xuất hiện.
CT: Nhà hoạt động xã hội Nathan Law đã trốn khỏi Hồng Kông. Bạn có nghĩ rằng kết quả của việc này là nhiều người khác cũng sẽ rời khỏi Hồng Kông ?
Gina: Chắc chắn có nhiều người đang nghĩ về điều đó. Kể từ tháng 6 năm ngoái, hàng trăm người đã chuyển đến Đài Loan và tôi chắc chắn sẽ còn nhiều hơn nữa. Giống như sau năm 1997, rất nhiều người Hồng Kông quyết định rời đất nước một khi việc tiếp quản xảy ra.
Nhưng mọi người lo ngại về luật mới này vì thật khó để dự đoán điều gì sẽ xảy ra. Vào năm 1997, ít nhất vẫn có một khuôn khổ nhất định và mọi người biết họ đang ở đâu, vì vậy họ không quan ngại lắm. Nhưng luật an ninh quốc gia mới này đã vi phạm rõ ràng các nguyên tắc của Hồng Kông, vì vậy chắc chắn rất nhiều người đang lo ngại về điều đó.
CT: Đài Loan có quan tâm đến những gì đang xảy ra ở Hồng Kông?
Gina: Trung Quốc luôn nói rằng Đài Loan sẽ “hợp nhất lại” với Trung Quốc theo nguyên tắc ‘một quốc gia, hai hệ thống’, nhưng những gì xảy ra ở Hồng Kông cho thấy điều đó sẽ không xảy ra. Qua Hồng Kông, chúng ta có thể thấy rằng Trung Quốc sẽ không thực hiện lời hứa của mình.
CT: Tại sao cộng đồng quốc tế phải hành động?
Gina: Thật đúng đắn khi cho chính phủ Trung Quốc biết rằng: họ không thể hủy bỏ lời hứa với người dân Hồng Kông mà không cần phải nhận lại bất kỳ sự phản kháng nào từ cộng đồng quốc tế.
Vì Trung Quốc là cường quốc và có quan hệ thương mại trên toàn thế giới, nên nhiều chính phủ rất thận trọng khi phản bác Trung Quốc. Nhưng bạn phải hành động để thể hiện rằng bạn đang đứng về phía người dân Hồng Kông. Bạn không thể khoanh tay đứng nhìn hoặc chỉ tuyên bố suông khi chuyện như vậy xảy ra.
Các quốc gia dân chủ anh em phải có trách nhiệm. Họ cần phải đến với nhau để hỗ trợ cho Hồng Kông và chứng minh rằng họ sẽ không dung thứ cho hành vi chèn ép. Thậm chí khi cả thế giới đều đang giao dịch với Trung Quốc và sợ rằng Trung Quốc sẽ trả đũa bằng cách cắt giảm thương mại, thì các giá trị tự do, dân chủ và nhân quyền vẫn là quan trọng nhất và phải được bảo vệ.
Ví dụ, chính phủ Anh đã cho phép gia hạn hộ chiếu BNO [để cung cấp quyền công dân]. Điều đó không chỉ mang lại hy vọng mà còn đem tới nhiều lợi ích thiết thực. Tôi nghĩ rằng Chính phủ Hoa Kỳ nên xem xét làm điều tương tự, ví dụ như hỗ trợ nơi tị nạn chính trị cho công dân Hồng Kông.
Hồng Kông không chỉ là trung tâm tài chính, mà còn là nền dân chủ mà rất nhiều người Trung Quốc khao khát. Phần lớn cộng đồng người Trung Quốc di cư coi Hồng Kông là nơi bảo vệ và tia hy vọng cuối cùng cho nền dân chủ trên toàn Trung Quốc, nhưng bây giờ những quyền này đang bị bác bỏ và chính phủ Trung Quốc đang cố gắng đàn áp Hồng Kông.
CT: Tại sao bạn nghĩ như vậy?
Gina: Họ không muốn người dân Trung Quốc theo đuổi nền dân chủ. Chẳng hạn, sau khi phong trào dân chủ bắt đầu, một số thành phố ven biển tỉnh Quảng Đông đã tiến hành biểu tình chống lại chính quyền địa phương. Rõ ràng có một hiệu ứng lan tỏa từ Hồng Kông và đó là lý do chính phủ Trung Quốc rất sợ tinh thần dân chủ này. Họ sợ rằng tinh thần ấy sẽ tràn ra khỏi Hồng Kông, nên họ muốn ngăn chặn trước khi nó lan tỏa khắp Trung Quốc, và để tránh bị hạ bệ bởi những công dân tức giận.
CT: Bạn có cho rằng bước phát triển mới này sẽ mang lại sự thay đổi không? Thay vì cải thiện, Hồng Kông dường như đang ngày càng ảm đạm.
Gina: Rất nhiều người đã chịu cảnh áp bức ở Trung Quốc, nhưng chúng ta phải hy vọng rằng công lý Chúa sẽ được thực thi và không ai bị đàn áp nữa. Ngay bây giờ, tôi hy vọng rằng sự hỗ trợ thế giới dành cho Hồng Kông sẽ mang đến cho người dân niềm hy vọng, rằng họ không hề đơn độc.
Có một số luật khác ở Trung Quốc đã được thông qua, nhưng sau đó lại không được thực thi đầy đủ. Trung Quốc là một quốc gia không tuân theo “luật pháp”, mà theo “luật con người”. Việc họ sẽ thực hiện luật mới này như thế nào và ở mức độ nào vẫn còn chưa biết được.
Dường như trong chính quyền Trung Quốc cũng đang diễn ra đấu tranh quyền lực, bởi vì sẽ có những người đứng về phía Hồng Kông. Có thể do tình hình sẽ ảnh hưởng đến họ, hoặc vì họ có tài sản, bất động sản ở Hồng Kông. Vì vậy, chúng ta chưa biết luật này sẽ diễn ra như thế nào. Cần theo dõi mọi thứ trong thời gian tới để biết mọi việc thật sự sẽ chuyển biến ra sao.
CT: Cơ Đốc nhân Hồng Kông đang trong tình trạng lo lắng?
Tại Hội thánh Early Rain Covenant ở Thành Đô, Tứ Xuyên, Mục sư Wang Yi đã lên tiếng về tự do tôn giáo và áp bức, và vì điều này ông bị buộc tội lật đổ quyền lực nhà nước. Nếu bạn lấy tiêu chuẩn tương tự áp dụng cho các Hội thánh Hồng Kông, rất nhiều mục sư sẽ gặp rắc rối vì họ đã và đang lên tiếng chống lại chính phủ Trung Quốc và Hồng Kông. Những người như Giáo chủ Hồng y Zen và học giả Cơ Đốc Ying Fuk-Tsang có thể sẽ trở thành mục tiêu công kích vì họ không ngại lên tiếng chống lại luật dẫn độ.
Nhưng một lần nữa, khái niệm luật pháp rất rộng và chúng ta chưa biết rõ mọi thứ sẽ như thế nào. Mới trong tuần này, cảnh sát Hồng Kông đã tuyên bố rằng việc các em học sinh để nhãn dán in câu Kinh thánh trong ba-lô là hành động vi phạm luật an ninh quốc gia. Vậy thì ngay cả những câu Kinh thánh nói về công lý, lòng thương xót và quyền lợi cũng vi phạm luật này! Thế nên đây chắc chắn đây là chuyện đáng lo ngại cho các Cơ Đốc nhân Hồng Kông. Có thể bài giảng hoặc lời cầu nguyện của họ sẽ bị các nhân viên an ninh giám sát.
Vài năm trước, một doanh nhân Hồng Kông đã bán Kinh Thánh ở Trung Quốc và bị buộc tội kinh doanh bất hợp pháp. Với luật mới này, Trung Quốc không cần phải dùng những lời buộc tội để tống giam bạn. Họ chỉ cần nói rằng bạn đang vi phạm luật an ninh quốc gia và có thể ở tù tới 10 năm. Điều này chắc chắn đáng quan ngại cho các Hội thánh Hồng Kông.
CT: Cơ Đốc nhân trên khắp thế giới làm gì hoặc cầu nguyện điều gì cho Hồng Kông?
Gina: Nếu mọi người chưa rõ về vấn đề này, trước tiên hãy tìm hiểu lý do tại sao mọi Cơ Đốc nhân nên quan tâm đến Hồng Kông. Là Cơ Đốc nhân, chúng ta phải đứng về phía các giá trị dân chủ, nhân quyền và tự do; phải sát cánh với những anh em đang bị áp bức. Đó là điều Chúa Jêsus đã truyền cho chúng ta làm.
Trong vài tháng qua, chính phủ và các phương tiện truyền thông trên toàn thế giới đã bị phân tâm bởi đại dịch coronavirus, vì vậy sự chú ý không còn hướng về Hồng Kông nữa. Nhưng với chuyển biến mới này, chúng ta phải quay trở lại với Hồng Kông. Trên mạng xã hội, chúng ta nên đăng bài để duy trì sự quan tâm. Chúng ta có thể kiến nghị để chính phủ nước mình thực hiện các biện pháp cần thiết, để Trung Quốc biết rằng cả thế giới quan tâm đến vấn đề này và mong muốn giúp đỡ người dân Hồng Kông.
Và tất nhiên, chúng ta cần phải cầu nguyện. Hãy cầu nguyện trong Hội thánh và tổ chức thêm các buổi cầu nguyện. Cầu nguyện để Hội thánh Hồng Kông đang sợ hãi biết rằng Cơ Đốc nhân trên toàn thế giới luôn hiệp một và đứng về phía họ.
Xin cầu nguyện cho các Cơ Đốc nhân Hồng Kông đứng vững, trở nên muối và ánh sáng ở đất nước họ. Thật khó để tưởng tượng hoàn cảnh của họ. Đặc biệt là những người đứng đầu Hội thánh dường như đang bị chèn ép từ mọi phía. Họ vừa phải làm nhiệm vụ chăn bầy, nhưng đồng thời cũng lo sợ cho chính mình. Người chăn phải đối mặt với việc bị bắt bất cứ lúc nào, vì vậy họ rất cần những lời cầu nguyện của chúng ta để có thể đứng vững.
Dịch: Nhạn Võ
(Nguồn: christiantoday.com)
Leave a Reply