Oneway.vn – Con bạn có thường xuyên sử dụng mạng xã hội không? Những nền tảng mạng xã hội nào phổ biến nhất đối với các em thanh thiếu niên mà bạn đang dẫn dắt?
Có rất nhiều nền tảng mạng xã hội đang ảnh hưởng rất lớn đến thế hệ thanh thiếu niên, chẳng hạn như YouTube và TikTok. Thông qua cách các em sử dụng mạng xã hội, chúng ta có thể phần nào xác định mối quan hệ giữa các em với Chúa.
Và điều này cũng ảnh hưởng đến chính chúng ta, bởi vì thanh thiếu niên luôn dẫn đầu xu hướng sử dụng mạng xã hội của tất cả mọi người.
Để bày tỏ tình yêu thương và dẫn dắt thanh thiếu niên theo hướng tốt nhất, chúng ta nên tìm hiểu về cách các em sử dụng mạng xã hội và các nền tảng công nghệ khác. Hãy cùng xem xét các số liệu thống kê để hiểu rõ hơn về cách mạng xã hội ảnh hưởng đến thanh thiếu niên.
1. 95% thanh thiếu niên sử dụng YouTube và 19% sử dụng YouTube ‘gần như liên tục’
Mặc dù YouTube giống như một lựa chọn thay thế cho chiếc tivi hơn là kiểu mạng xã hội truyền thống (như Facebook hoặc Instagram), nhưng chúng ta không thể phủ nhận YouTube cũng là mạng xã hội.
Và YouTube đang chiếm ưu thế toàn diện, bất kể tuổi tác, giới tính, chủng tộc, tình trạng kinh tế xã hội của người dùng. Hầu hết thanh thiếu niên đều sử dụng YouTube, khoảng 1/5 trong số đó sử dụng “gần như liên tục”.
Không hề cường điệu khi nói rằng YouTube là trang mạng có ảnh hưởng nhất, và do đó cũng là trang mạng quan trọng nhất thế giới. YouTube được hầu hết mọi thanh thiếu niên sử dụng, và theo nghiên cứu mới nhất, YouTube cũng được 81% người trưởng thành ở Mỹ sử dụng vào năm 2021. YouTube là ‘vua’ của giới truyền thông xã hội, nhưng không chỉ dừng lại ở đó, đây cũng là công cụ tìm kiếm lớn thứ hai trên thế giới, chỉ đứng sau Google.
2. 67% thanh thiếu niên sử dụng TikTok, 62% sử dụng Instagram và 59% sử dụng Snapchat
Đây có lẽ là thống kê gây sốc nhất trong toàn bộ nghiên cứu, ngoài số liệu cho thấy 95% thanh thiếu niên ở Mỹ sở hữu điện thoại thông minh (tăng từ 73% trong năm 2014–2015). Đừng ngạc nhiên về mức độ phổ biến của TikTok — nền tảng này tác động đến nền văn hóa mạnh mẽ hơn bất kỳ ứng dụng mạng xã hội nào khác thời nay. Nhưng ai cũng phải ngạc nhiên khi thấy TikTok nhanh chóng vượt mặt hai nền tảng mạng xã hội chính trong giới thanh thiếu niên ra sao: Instagram và Snapchat. Khi thực hiện cuộc khảo sát này 6 năm trước, TikTok thậm chí còn chưa được sáng lập.
Mặc dù việc sử dụng cả Instagram và Snapchat ở thanh thiếu niên đã tăng đáng kể kể từ năm 2014–2015 (lần lượt là 10% và 18%), TikTok đã vượt mặt hai nền tảng đó nhanh chóng từ khi mới ra mắt.
Tất nhiên, có rất nhiều lý do để lo ngại về TikTok, từ thuật toán “gây nghiện” cho đến mối quan hệ của nó với chính phủ Trung Quốc. Nhưng sức hấp dẫn của TikTok là không thể phủ nhận.
Khi Twitter đóng cửa nền tảng Vine vào tháng 1 năm 2017, TikTok đã khắc phục mọi khuyết điểm của một ứng dụng phát đoạn phim ngắn. Qua cuộc khảo sát về thanh thiếu niên và mạng xã hội gần nhất trong năm 2014–2015, Vine chỉ thu hút được sự quan tâm của 24% thanh thiếu niên Mỹ, con số này cực kỳ nhạt nhòa so với 67% của TikTok.
3. 46% thanh thiếu niên sử dụng mạng Internet ‘gần như liên tục’
Có vẻ như thanh thiếu niên luôn luôn “trực tuyến”. Tất nhiên, có thể họ lên mạng vì công việc hoặc học tập. Tuy nhiên, các nghiên cứu khác đã chỉ ra rằng thanh thiếu niên sử dụng trung bình hơn 7 giờ mỗi ngày để giải trí trên màn hình điện thoại hoặc máy tính; khoảng 60% dành hơn 4 giờ mỗi ngày cho mạng xã hội.
Vì thanh thiếu niên luôn trực tuyến, nên họ cũng “luôn đứng trên sân khấu” – Derek Thompson viết trong cuốn sách Hit Makers (Người dẫn đầu xu hướng). Mạng xã hội là phiên bản hiện đại của một sân khấu luôn hiện hữu, và không ngừng đòi hỏi bạn phải biểu diễn dưới ánh đèn hào nhoáng của áp lực xã hội.
Vì vậy, thanh thiếu niên bị ép buộc phải “trình diễn”. Không có gì lạ khi các em học sinh hiện nay phải tranh đấu với căn bệnh lo lắng và trầm cảm nặng nề hơn bao giờ hết.
4. 36% thanh thiếu niên thừa nhận họ dành “quá nhiều” thời gian trên mạng xã hội
Trong khi 46% thanh thiếu niên nói rằng họ trực tuyến “gần như liên tục” và 48% nói rằng họ truy cập mạng internet “vài lần một ngày”, chỉ có 36% thừa nhận rằng họ dành quá nhiều thời gian cho mạng xã hội.
Một thống kê thú vị cho thấy lứa thanh thiếu niên lớn hơn (từ 15–17 tuổi) thường ý thức rằng họ dành quá nhiều thời gian cho mạng xã hội, hơn là các em thiếu niên nhỏ hơn (từ 13–14 tuổi). 42% thanh thiếu niên lớn tuổi hơn nghĩ rằng họ dành quá nhiều thời gian trên mạng xã hội, trong khi chỉ có 28% thiếu niên nhỏ tuổi thừa nhận điều này. Khó mà hiểu được tại sao lại như vậy. Có thể thanh thiếu niên nhỏ tuổi dành ít thời gian cho mạng xã hội hơn, hoặc do thanh thiếu niên lớn tuổi có ý thức hơn về việc sử dụng mạng xã hội “quá nhiều”.
5. Chỉ còn 32% thanh thiếu niên sử dụng Facebook, so với 71% trong năm 2014–2015
Đây là một thống kê đáng chú ý. “Cái gì lên nhanh thì xuống cũng nhanh” – Facebook biết rõ điều này hơn bất kỳ ai. Đó là lý do tại sao họ mua lại Instagram với giá một tỷ đô la vào năm 2012 (ước tính trị giá 100 tỷ đô la vào năm 2018) và họ cũng cố gắng mua lại Snapchat với giá 3 tỷ đô la vào năm 2013 (Snapchat đã từ chối và bây giờ giá trị đã lên đến khoảng 17 tỷ đô la).
Meta, công ty mẹ của Facebook, Instagram và WhatsApp, biết rằng người dùng trẻ đang rời bỏ nền tảng hàng đầu của họ – Facebook. Instagram cũng gặp phải nguy cơ tương tự, khi ứng dụng này liên tục được điều chỉnh để cạnh tranh với TikTok, với cái giá phải trả là khiến người dùng thất vọng.
Động lực để môn đồ hóa
Có lẽ mạng xã hội là động lực lớn nhất cho việc môn đồ hóa thanh thiếu niên trong gia đình và Hội Thánh. Các bậc phụ huynh và lãnh đạo Hội Thánh ắt hẳn phải cảm thấy choáng ngợp, khi việc môn đồ hóa giờ đây phải cạnh tranh với mạng xã hội có mặt khắp nơi, trong muôn hình vạn trạng. Vậy bạn cần phải làm gì?
Đầu tiên, bạn phải sẵn sàng thay đổi thói quen của chính mình. Người dùng mạng xã hội trung bình dành khoảng 2 tiếng rưỡi mỗi ngày để lên mạng – không chỉ thanh thiếu niên, mà là tất cả mọi người. Nếu bạn và tôi muốn giúp các em thanh thiếu niên xây dựng mối quan hệ lành mạnh hơn với mạng xã hội, chúng ta cần sẵn sàng xem lại chính mình. Nghiên cứu cho thấy rõ ràng mạng xã hội là một vấn đề của thanh thiếu niên, nhưng cũng đồng thời là vấn đề của tất cả mọi lứa tuổi. Chúng ta nên xét lại cuộc sống mình trước khi bắt đầu hướng dẫn các em thanh thiếu niên.
Thứ hai, bạn phải nhấn mạnh tầm quan trọng của cuộc sống thực. Có rất nhiều thanh thiếu niên nhận ra mối quan hệ không lành mạnh của họ với mạng xã hội, hoặc ít nhất là nhận thức được mạng internet đang ảnh hưởng đến bạn bè của họ như thế nào. Cách thức chúng ta làm điều này rất quan trọng: đề cao sự phong phú của cuộc sống thực sẽ hiệu quả hơn là trừng phạt khi các em dành quá nhiều thời gian cho mạng xã hội. Kỷ luật không có nghĩa là chúng ta ép buộc các em phải tắt mạng, nhưng chúng ta phải cho các em thấy rằng cuộc sống tốt đẹp nhất là khi chúng ta biết rời mắt khỏi màn hình và tận hưởng thế giới thực.
Cuối cùng, chúng ta phải là hình mẫu của một tín đồ chân chính. Các em thanh thiếu niên trong gia đình hoặc Hội Thánh bạn có thể chưa thật sự trở thành một Cơ Đốc nhân. Nếu muốn đưa các em đến với Chúa, chúng ta cần phải trở thành hình mẫu hướng dẫn các em cách làm điều đó, trong Hội Thánh và trong Đức Chúa Trời mà chúng ta đang tôn thờ. Thực tế, điều này liên quan đến mọi khía cạnh đời sống thuộc linh của thanh thiếu niên, từ đọc Kinh Thánh cá nhân đến nhóm họp thờ phượng, tham gia các nhóm nhỏ và hơn thế nữa.
Việc môn đồ hóa thanh thiếu niên trong thời đại mạng xã hội có vẻ giống như cố dập tắt một đám cháy đang hoành hành bằng một khẩu súng nước đồ chơi. Nhưng nhờ ân điển Chúa, chúng ta có thể trông cậy vào nguồn nước ân điển không bao giờ cạn.
Bài: CHRIS MARTIN; dịch: Nhạn Võ
(Nguồn: thegospelcoalition.org)
Leave a Reply