Oneway.vn – Ngày 30/8, Trung tâm báo tin động đất và cảnh báo sóng thần – Viện Vật lý địa cầu thông tin, trong từ ngày 24/8 đến sáng 30/8 liên tiếp xảy ra 18 trận động đất tại khu vực Đông Trường Sơn, trong đó có 3 tỉnh Kon Tum, Quảng Nam và Quảng Ngãi.
Cụ thể sáng 28/8 khoảng 7h36p, một trận động đất mạnh 2.5 độ Richter đã xảy ra ở xã Sơn Kỳ, huyện Sơn Hà, Quảng Ngãi với độ sâu chấn tiêu là 10km, cấp độ rủi ro thiên tai cấp 0. Đây là trận động đất nhỏ nên người dân tại đây không cảm nhận được sự rung lắc rõ ràng. Bà Đinh Thị Trà, Chủ tịch UBND huyện Sơn Hà nói: “Động đất chưa gây thiệt hại, chúng tôi mong muốn các nhà khoa học có cảnh báo và hướng dẫn kịp thời”.
Xã Sơn Kỳ, huyện Sơn Hà (Quảng Ngãi), nơi xảy ra động đất sáng 28/8. Ảnh: Minh Hoàng (Báo Zingnews.vn)
Tại Quảng Nam, ngày 27/8, vào lúc 15h có 1 trận động đất 3.0 độ Richter xảy ra ở Nam Trà My, Quảng Nam với độ sâu chấn khoảng 8.2 km; 3 trận động đất khác liên tiếp xảy ra ở Kon Plông, Kon Tum lần lượt có độ lớn 2.5 độ Richter (lúc 3h52p), 3.0 độ Richter (lúc 9h58p) và 2.5 độ Richter (lúc 12h). Các trận động đất này đều có cường độ nhỏ nên không gây thiệt hại về người và tài sản.
Động đất trên địa bàn huyện Nam Trà My mạnh 3 độ Richter – Ảnh: Báo Tuổi Trẻ
Theo Viện Vật lý địa cầu cho hay, tại huyện Kon Plông (tỉnh Kon Tum) trước đó đã ghi nhận 14 trận động đất liên tiếp từ 14h chiều ngày 23/8 đến 1h30 sáng 30/8. Các trận động đất có độ lớn từ 2.5 – 4.7 độ Richter. Đặc biệt trận đầu tiên có độ lớn (M) 4.7 gây rung lắc mạnh, khiến người dân trong khu vực lo lắng, bỏ chạy ra khỏi nhà, cơ quan làm việc. Đây được xem là trận động đất mạnh nhất được ghi nhận trong nhiều năm qua tại huyện miền núi Kon Plông.
Bản đồ rung chấn trận động đất cường độ 4,7 độ Richter ngày – Ảnh: Viện Vật lý địa cầu
Nguyên nhân các rung chấn xảy ra liên tiếp ở Kon Tum thời gian qua do động đất kích thích, gây ra bởi hồ chứa thủy điện. Điển hình như sau khi thủy điện Thượng Kon Tum tích nước vào tháng 3/2021, động đất liên tiếp xảy ra tại Kon Plông và các huyện lân cận, tần suất tăng đột biến.
Theo PGS.TS Cao Đình Triều, chuyên gia về động đất, Kon Plông có thể tái diễn kịch bản như động đất kích thích ở sông Tranh 2. Động đất kích thích xảy ra tại sông Tranh 2 bắt đầu từ năm 2012, kéo dài đến nay với hàng trăm trận, từng gây xáo trộn đời sống người dân hai huyện Bắc Trà My và Nam Trà My (tỉnh Quảng Nam) trong thời gian dài. Vì vậy, trong nhiều tháng tới, hoặc nhiều năm tới, Kon Tum vẫn sẽ ghi nhận các trận động đất.
Để chủ động phòng chống, giảm thiểu thiệt hại do động đất gây ra, Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai yêu cầu đánh giá tác động và mức độ ảnh hưởng của các trận động đất đã xảy ra đối với nhà dân, trụ sở làm việc, trường học. Đặc biệt là kiểm tra các công trình thủy điện, thủy lợi để kịp thời phát hiện, khắc phục các sự cố, hư hỏng để đảm bảo an toàn cho người và tài sản. Đồng thời sẵn sàng nhân lực, vật tư, phương tiện để ứng phó và khắc phục hậu quả kịp thời khi có tình huống khẩn cấp.
Tin/Hình: Linh Đan tổng hợp từ các nguồn (Báo Tuổi Trẻ, Báo Zingnews.vn, Báo Vnexpress.net và igp-vast.vn)
Bản tin cứu trợ thiên tai: Quý độc giả thân mến! Hiện nay, không chỉ riêng Việt Nam, các nước trên thế giới cũng đang hứng chịu nhiều thiên tai, dịch bệnh và chiến tranh. Mục vụ Oneway sẽ cập nhật các bản tin về tình hình thiên tai diễn ra tại các tỉnh thành Việt Nam và thế giới. Mục vụ Oneway kêu gọi tinh thần cầu thay và dự phần của con cái Chúa trong các công tác có cần. Nếu quý độc giả đang ở trong các khu vực mưa bão, động đất xin vui lòng cung cấp thêm thông tin và hiện trạng thiệt.
Leave a Reply