Góp gạo nấu cho nhau từng bữa cơm ở tâm lũ Kỳ Sơn

Oneway.vn – Người lặt rau, thái thịt, kẻ nhóm củi, nấu cơm, cứ thế cặm cụi chuẩn bị từng bữa ăn mang đến cho bà con trong tâm lũ Kỳ Sơn. Kể từ ngày đầu tiên ngay sau khi trận lũ quét đi qua, sân nhà chị Vy Thị Hiền ở bản Hoà Sơn đã trở thành một gian bếp dã chiến nhộn nhịp mỗi ngày.

Chị Hiền (35 tuổi, nhà ở bản Hoà Sơn, Tà Cạ, Kỳ Sơn) cho biết sau khi lũ quét xảy ra rạng sáng ngày 2/10 thì chị đã có kế hoạch tổ chức bếp ăn này. Đến chiều cùng ngày thì mấy anh chị em trong bản, những nhà không bị thiệt hại bởi lũ, tập kết tại nhà chị cùng nhau nấu cơm cho bà con. 

“Ngày nào hết, phải đói thì mình sẽ đói với bà con.”

“Gia đình tôi chỉ bị thiệt hại tài sản ruộng vườn, vật nuôi, còn nhà cửa thì không bị ảnh hưởng gì. Nhiều bà con khác trong bản bị mất trắng, lũ quét sạch đi tất cả. Tấm lòng của tôi lúc đó chỉ nghĩ rằng mình là một người con tại vùng đất này, trong lúc bà con khó khăn nhất thì mình không thể bỏ rơi họ được”, chị Hiền chia sẻ. 

Vậy là vợ chồng chị Hiền nhanh chóng lên kế hoạch tổ chức bếp ăn ở ngay trước sân nhà mình để nấu những bữa cơm tiếp sức cho người dân vượt qua khó khăn sau lũ. Hai vợ chồng đã vận động những anh chị em nhà nào không bị thiệt hại đến hỗ trợ và phụ giúp nấu ăn. “Người giúp được bó củi, ít thịt cá, người giúp được công sức, người đi xách nước cùng, cứ thế mỗi người cùng nhau góp phần của mình”, anh Vy Văn Hùng (37 tuổi, chồng chị Hiền) nói. 

 

Ngày đầu tiên sau trận lũ quét, bản Hoà Sơn bị lũ cô lập hoàn toàn. Không thể đi đâu mua lương thực, mấy anh chị em gom hết những gì có trong nhà để phục vụ cho bếp ăn. “Khi ấy bà con lối xóm mình mất trắng rồi. Tôi có gì trong nhà thì mang ra giúp đỡ mọi người thôi. Cùng đồng cam cộng khổ, ngày nào hết, phải đói thì mình sẽ đói với bà con”, chị Hiền xúc động.

Chị nói tiếp: “Rất may là trong gia đình mình có chị gái chuyên buôn hàng nông sản, trong kho lúc đó còn ít tạ gạo, tạ nếp. Rồi trong nhà mình còn gà thịt cá hay cái bất cứ cái gì thì cũng đem ra hết”. Bên cạnh đó chị còn đi kêu gọi, gom góp lương thực, mắm muối từ những nhà khác trong bản nữa. 

Trận lũ quét xảy ra sáng hôm đó đã khiến hệ thống nước sinh hoạt của cả bản bị hư hỏng nặng. “Nguyên liệu có rồi, gạo có rồi, nếp có rồi, giờ chỉ thiếu mỗi nước. Tôi suy nghĩ mãi rồi quyết định đi tìm nguồn nước”, anh Hùng nhớ lại. 

Tìm được mạch nước ngầm chảy trong bản, anh Hùng hai tay xách hai can nước 20 lít cuốc bộ hơn 3 cây số, lần lượt mang từng can nước sạch về cho mấy chị em nấu cơm.

“Nhiều gia đình trong bản nhà bị trôi hết, họ không còn một cái chi, chỉ còn duy nhất manh áo trên người. Nhìn thấy người dân khổ như rứa khi đó tôi cũng quên hết mệt mỏi, chỉ lo làm sao để có thể nấu ăn được cho bà con thôi”, anh Hùng chia sẻ.

Những ngày sau đó, chị Hiền bắt đầu vận động tài chính từ người thân để tiếp tục mua thực phẩm về nấu ăn cho bà con. Chị kêu gọi anh em, đồng nghiệp, bạn bè khắp nơi qua việc đăng bài trên mạng xã hội. “Mọi người đã tương tác rất nhiều và chia sẻ tình cảm với nỗi đau mất mát của bà con nơi đây cũng như với gia đình tôi. Đó cũng là động lực để tôi và gia đình thực hiện bếp ăn này mấy ngày qua”, chị Hiền nói.

Lá rách đùm lá nát

“Người ta hay nói ‘lá lành đùm lá rách’ mà mình là lá rách rồi thì mình đùm lá nát hơn”, chị Lô Thị Tuất (40 tuổi, một người chị em trong bản đến phụ giúp tại bếp ăn) nói. Nhà của chị Tuất nằm ở ven triền núi, bị sạt lở phía sau nhà trong trận lũ quét vừa qua, nằm trong diện phải di dời khẩn cấp. 

“Gia đình chị cũng đang gặp khó khăn, đang rối ren nhưng vẫn chưa là gì so với nhiều gia đình khác. Chị muốn dành thời gian để nấu ăn, giúp cho bà con có những bữa cơm ngon để yên tâm khắc phục hậu quả sau bão lũ”, chị Tuất nói.

Cứ mỗi sáng thức dậy là mọi người bắt tay vào nấu nướng rồi đi phân phát những phần cơm đến các hộ gia đình trong bản xuyên suốt cả ngày. “Chúng tôi cứ nấu rồi đi phát cơm, nấu rồi phát. Liên tục, không nghỉ ngơi, không theo giờ giấc gì cả cho đến tối. Có lúc quên cả việc cho con cái trong nhà ăn luôn”, anh Hùng nói.

Một số người ở gần hoặc có điều kiện đi lại sẽ đến đây nhận cơm về cho gia đình. Còn những phụ nữ có con nhỏ, các cụ già hay những người đang ốm đau bệnh tật thì mấy anh chị em sẽ thay phiên nhau mang đến tận tay những phần cơm cho họ.

Anh Kha Văn Mây (32 tuổi, ngụ ở bản Hoà Sơn) hiện đang phải ở tạm nhà người quen trong bản vì nhà đã bị lũ cuốn trôi hết. Anh chia sẻ: “Trong lúc đang khó khăn mà có những bữa cơm như thế này thì tôi cảm thấy rất quý và hạnh phúc. Từ ngày mưa lũ đến giờ nhờ có mấy anh chị em giúp đỡ lẫn nhau, có chỗ nấu ăn mà những gia đình bị sạt lỡ, sụt nhà như chúng tôi có cơm ăn.”

Nhà bà Lô Thị Đí (87 tuổi) ở trong bản cũng bị vùi lấp hết. Bà Đí cho biết ngoài cái tủ lạnh, bếp ga do con cháu cho thì có mấy bộ quần áo trang phục truyền thống với cái khăn choàng là có giá trị với bà, nhưng tất cả đã mất hết. 

Hôm xảy ra lũ quét rồi mấy ngày bản Hoà Sơn bị lũ cô lập, bà Đí không có ở nhà của mình. Đến khi bà trở về nhà thì không còn gì nữa ngoài bùn và đất.

“Nếu tôi ở nhà đêm đó chắc cũng chết mất rồi. May là lúc đó tôi đang ở nhà con tôi”, bà Đí nghẹn ngào. “Có được bữa cơm trong lúc khốn khó như vầy tôi thấy vui lắm. Cảm ơn các con các em đã giúp tôi có cơm ăn trong lúc này.”

Trong ngày 7 và 8/10/2022, Mục vụ Oneway đã góp phần tài chính hỗ trợ bếp ăn này và cùng phụ giúp nấu ăn cũng như đi phân phát những phần cơm đến bà con tại bản Hoà Sơn.

Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 4, mưa lớn kéo dài đã gây ra lũ quét, lũ ống tại xã Tà Cạ, huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An vào sáng ngày 2/10/2022. Trận lũ đã để lại nhiều thiệt hại nặng nề và khiến đời sống người dân nơi đây bị đảo lộn. Nhiều gia đình đang phải đi ở tạm nhà người khác do không còn nhà cửa. Hiện lực lượng chức năng cùng bà con và nhiều tổ chức vẫn đang nỗ lực khắc phục hậu quả.

 

Mục vụ Oneway kêu gọi quý độc giả cùng cầu thay và đồng hành trong công tác cứu trợ. Mọi đóng góp xin vui lòng gửi về:

Số TK: 9818 9819

Ngân hàng Techcombank – Chi nhánh Tân Sơn Nhất

Công ty TNHH Oneway

Nội dung: Cuu tro – Tên người gửi – Số điện thoại

 

Bài: Phi Long – Duy Minh


Posted

in

,

by

Tags:

Comments

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *