Giáo hoàng được chọn là “Nhân vật của năm 2013” và bài học của một người Tin lành

Oneway.vn: “Đối với Phan-xi-cô, đói nghèo không đơn giản là công tác từ thiện; mà còn là công lý. Giáo hội, vì vậy, không phải phản ánh Rô-ma; Giáo hội cần phải phản ánh người nghèo.” Suy nghĩ của một nhà báo Tin lành nhân sự kiện Giáo hoàng Phan-xi-cô được bình chọn là “Nhân vật của năm”.

Giáo hoàng được chọn là “Nhân vật của năm 2013” và bài học của một người Tin lành

Giáo hoàng được chọn là “Nhân vật của năm 2013” và bài học của một người Tin lành

Vào thứ tư, ngày 11/12/2013, tạp chí TIME đã xướng tên Giáo Hoàng Phan-xi-cô là “Nhân vật của năm 2013”. Phản ứng tức thì của những người Tin lành trước tin tức này khá thú vị. Một số phát biểu những lời đánh giá hành động của Giáo hoàng, chỉ để bị những người khác coi làm như thế là thỏa hiệp. Có người lại sử dụng thời điểm này để nêu ra những điểm họ bất đồng với Công giáo. Còn những người khác thì không nói gì cả.

Tôi là người Tin lành và tôi cho rằng cuộc Cải chánh là quan trọng. Tuy nhiên, điều đó không ngăn cản tôi đặt câu hỏi: “Chúng ta có thể học được điều gì trong thời điểm này?” Việc đặt ra câu hỏi đó không có nghĩa là tôi đồng ý với thần học Công giáo, hoặc với một số tuyên bố gần đây của Giáo hoàng. Tuy nhiên, tôi có thể nhận thấy lòng quan tâm đến người nghèo, cũng như sự khiêm nhường và sự trung thực của Giáo hoàng đã thu hút được sự chú ý của thế giới ngày nay. Có lẽ chúng ta có thể học từ thời điểm này và tôi hy vọng chúng ta không bỏ lỡ cơ hội. Và như thế, tôi cho rằng việc Giáo hoàng được chọn làm “Nhân vật của năm” đáng để chúng ta suy nghĩ, dù chúng ta là người Tin lành đi nữa. Thực tế là trong tình hình hiện tại củacác hệ phái (ND) Tin lành, điều này thậm chí còn đặc biệt hữu ích. Và tôi muốn chia sẻ ba ý tưởng:

Giáo hoàng Phan-xi-cô được tạp chí Times bầu là “Người của năm 2013”

Thứ nhất, thế giới nhận ra một niềm tin biết quan tâm đến người nghèo.

Giáo hoàng Phan-xi-cô có tiếng là một trong những Giáo hoàng tập trung vào công lý xã hội nhất. Howard Chua-Eoan và Elizabeth Dias, phóng viên của tạp chí Time, đã viết như sau về Giáo hoàng: “Đối với Phan-xi-cô, đói nghèo không đơn giản là công tác từ thiện; mà còn là công lý. Giáo hội, vì vậy, không phải phản ánh Rô-ma; Giáo hội cần phải phản ánh người nghèo.”

Có lẽ tất cả chúng ta cần lưu ý. Chúng ta cần được biết đến nhiều hơn vì chúng ta quan tâm đến những người đang đau khổ hơn là chúng ta la hét họ. Thế giới thường bị bối rối khi họ thấy Chúa Giê-su quan tâm cho người nghèo và người đau khổ, trong khi những người theo Ngài lại không làm như thế.

Thứ hai, thế giới nhận ra sự khiêm nhường

Chỉ vài tuần trước đây, Vinicio Riva, một người Ý có khuôn mặt biến dạng do căn bệnh kỳ dị đã trở nên nổi tiếng thế giới khi Giáo hoàng đã chào ông bằng một cái ôm. Khoảng khắc ấy thật có sức mạnh!

 Vinicio Riva, 53 tuổi, người Ý, có gương mặt mọc đầy khối u vì bệnh u sợi thần kinh

Sau khi được Giáo hoàng chúc phước, Riva đã có đủ dũng khí để xuất hiện trên mặt báo với gương mặt dị dạng của mình. Ông nói rằng cái ôm của Giáo hoàng giống như “thiên đàng” đồng thời cho biết thêm: “Ngài (tức Giáo hoàng) thậm chí còn không ngập ngừng suy nghĩ về việc có ôm tôi hay không. Căn bệnh của tôi không có khả năng lây nhiễm, nhưng ông không biết điều đó. Và ông đơn giản đã làm điều đó: vuốt ve tôi khắp trên gương mặt và khi ông làm thế, tôi chỉ cảm thấy tình yêu…Tôi cảm thấy như con tim rời khỏi thể xác mình. Ông hoàn toàn im lặng, nhưng đôi khi bạn có thể nói nhiều hơn khi chẳng nói gì.” (Nguồn: AFP)

Tôi đã đến Vatican và Vatican không kêu lên: “hãy quan tâm đến người nghèo.” Về truyền thống, Giáo hoàng ngồi trên một cái ngôi vàng theo nghĩa đen. Tuy nhiên, vị Giáo hoàng này đã ôm những người mà thế giới này thẳng thửng né tránh.

Điều đó phản ánh một lối sống khiêm nhường, chủ động loại bỏ những cái hào nhoáng, và hòa đồng với những người bị gạt ra ngoài lề xã hội. Liệu chúng ta có nhận lấy tư thế khiêm nhường này không? Làm thế nào để chúng ta được biết đến vì trong thái độ khiêm nhường và tử tế, chúng ta đã hòa mình với những người bị gạt bỏ?

Thứ ba, thế giới nhận ra sự trung thực

Một trong những khía cạnh chủ chốt trong triều đại còn mới của Giáo hoàng Phan-xi-cô là sự nhấn mạnh về việc trở nên không chỗ trách được, đặc biệt trong khía cạnh tài chính. Không lâu sau khi được bầu làm Giáo hoàng, Giáo hoàng Phan-xi-cô đã khởi xướng một cuộc điều tra ngân hàng Vatican, vốn từ lâu được biết đến vì tham nhũng.

Giáo hoàng Phan-xi-cô, trong sự quan tâm đến người nghèo và yếu đuối, đã lên tiếng chống lại những khoản chi tiêu khổng lồ và những sự xa xỉ không cần thiết. Thậm chí ông không sống trong những căn hộ sang trọng dành cho Giáo hoàng mà các khách du lịch thường đến xem tại quảng trường thánh Phi-e-rơ.

Ông đã hành xử cách trung thực – không làm ngơ sự tham nhũng và các vấn đề tài chính trong giáo hội mà xử lý chúng.

Ông đã đề cập đến vấn đề lạm dụng tình dục trẻ em, và gần đây nhất đã cho thành lập một ủy ban để có những bước mới. Trong chuyện này có nhiều việc phải làm, và còn quá sớm để nói về sự trung thực trong lĩnh vực này theo cùng mức độ mà chúng ta có thể nói về khía cạnh tài chính, nhưng nhiều người xem việc thành lập ủy ban này như là một bước đúng hướng. Chúng ta hãy chờ xem!

Trước đây tôi đã từng viết về các tổ chức Cơ Đốc không lành mạnh, trước những cáo buộc gian lận tài chính thì thường phủ nhận chứ ít khi có thái độ hạ mình, và đã không thể nhìn thấy những vấn đề có thật sờ sờ trong mắt người khác.

Liệu các Cơ Đốc nhân chúng ta có được thế giới biết đến vì trung thực nhìn nhận những sai sót của mình và sẵn lòng xử lý chúng không?

Chúng ta sẽ làm gì?

Đây mới chỉ là vài điều trong số nhiều bài học từ một người lãnh đạo tôn giáo được tạp chí Time bầu làm Nhân vật của năm. Nói ngắn gọn, tôi cho rằng chúng ta có thể học về lòng quan tâm với người nghèo, thái độ khiêm nhường và sự trung thực với những thất bại của chúng ta.

Giờ đây, tôi đoán rằng sự ngưỡng mộ này sẽ giảm đi sau thời gian. Tại sao? Vì người Công giáo vẫn giữ những quan điểm mà các phương tiện truyền thông đại chúng không thích, và vị Giáo hoàng này (có lẽ) cũng sẽ không thay đổi những quan điểm ấy.

Dù sao đi nữa, thế giới đang theo dõi, và rõ ràng người ta được đánh động bởi một đức tin dẫn đến hành động. Làm thế nào để chúng ta có thể theo đuổi công lý, sự khiêm nhường và trung thực một cách tốt hơn nữa cho Phúc âm của Kinh thánh?

Nguồn: lơisusong.net

Bài vở cộng tác xin gởi về: [email protected]


Posted

in

,

by

Tags:

Comments

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *