Đặc ân và trách nhiệm của người chuyên tâm học biết Kinh Thánh

Oneway.vn – Việc được học và nghiên cứu Kinh Thánh cách chuyên tâm, tập trung vừa là một đặc ân, vừa là trách nhiệm; là quyền lợi đi kèm với nghĩa vụ.Lời Chúa trang bị và mang lại sức mạnh cho người học biết để phục vụ Ngài. Trong một thế giới đa nguyên với nhiều ý tưởng tôn giáo và phi tôn giáo, một thế giới hiện đại ngày càng đề cao chủ nghĩa đa dạng và tự do, người học Lời Chúa mang lấy trách nhiệm chứng minh với thế giới rằng Chúa Jêsus và Kinh Thánh vẫn luôn đúng và là chuẩn mực cho mọi lĩnh vực của đời sống con người, là bí quyết cho sự thành công bền vững và sự sống trọn vẹn.

Ngày Viện Thánh Kinh Thần Học Việt Nam (10.7.23), khi suy nghĩ về một ngày như thế này, tôi nhớ lại kinh nghiệm đi học xa nhà ở một trường Kinh Thánh cách đây 13 năm. Tại đó, sinh viên chúng tôi dành phần lớn thời gian của mình chỉ để ngồi học – học ngày học đêm, học bất cứ nơi đâu.

Mặc dù thư viện có rất nhiều quyển sách hay và đồ sộ, nhưng quyển sách mà chúng tôi buộc phải kè kè bên mình 24/7 đó là quyển Kinh Thánh. Dù đang ở quán ăn hay đi tàu điện, hay ngồi ở công viên trong ngày nghỉ cuối tuần, người ta sẽ thấy có những con người kỳ lạ cứ cắm mặt vào một quyển sách dày cộm.

Chương trình học buộc chúng tôi phải “gặm nhấm” Kinh Thánh ngày và đêm, đến nỗi khi ngủ, các câu Kinh Thánh cũng xuất hiện trong giấc mơ.

Một đòi hỏi rất đặc biệt của trường là với mỗi 1–5 đoạn Kinh Thánh, tùy thể loại của sách, chúng tôi phải thực hiện một áp dụng. Như vậy, tổng số áp dụng mà tôi đã phải thực hiện trong suốt quá trình nghiên cứu 66 sách Kinh Thánh có lẽ khoảng 500 áp dụng lớn nhỏ. Tôi đã phải vật vã suy nghĩ cách áp dụng trong mọi cách, trong mọi khía cạnh của đời sống cá nhân, với mọi người, từ trong trường ra đến phố chợ, đến những người thân quen ở quê nhà. Một nửa số áp dụng buộc tôi phải trả giá, phải vượt qua nỗi sợ hãi, cái tôi, sĩ diện.

Thật kinh ngạc khi nhìn lại! Ngoài những khó khăn trong việc học, tôi còn phải sống với mức tối thiểu để có tiền đóng học phí, bước đi bởi đức tin, để Chúa nuôi mình giống như Ngài nuôi chim sẻ qua từng ngày, cho đến khi hoàn thành chương trình học.

Tôi còn nhớ vào ngày tốt nghiệp, tôi quỳ xuống trong giờ cầu nguyện riêng tư với Chúa và nói: “Con đến ngôi trường này để đổ đầy kiến thức, nhưng Ngài lại đổ đầy con bằng ân điển”. Đối với một sinh viên phải học bằng ngôn ngữ không phải tiếng mẹ đẻ, sống nhờ vào sự chu cấp của Chúa mỗi ngày, việc hoàn thành tốt chương trình học quả thật là ân điển lớn lao. Chúa đã đưa tôi đến một trường Kinh Thánh khác thường, nơi người ta yêu cầu sinh viên không chỉ học và suy ngẫm ngày đêm, mà còn phải nỗ lực hết sức để làm theo; không chỉ học lý thuyết mà buộc phải áp dụng, nếu không, bài làm có tốt đến đâu cũng sẽ không được chấm, hoặc điểm số sẽ dưới trung bình.

Trở lại với chủ đề của chúng ta, ngày của Thánh Kinh Thần Học Viện. Thánh Kinh Thần Học Viện tại California, Hoa Kỳ, một trong những nơi chuyên đào tạo người hầu việc Chúa cho người Việt Nam, phát biểu khải tượng của Viện là: “Trang bị cho sinh viên để họ có thể phục vụ Đấng Christ, mở mang Vương quốc của Ngài”. Để đạt được khải tượng đó, sứ mạng của Viện bao gồm: huấn luyện sinh viên kiến thức và kỹ năng để trở nên những Cơ Đốc nhân hiệu quả, xác định những ưu tiên trong chương trình của Đức Chúa Trời cho đời sống họ và biết cách tận dụng những điều mình học vào sự nghiệp, vào mối tương giao cá nhân với Chúa và vào mục vụ của mình.

Trong bối cảnh đặc trưng tại Việt Nam, vai trò của các viện Thánh Kinh Thần học chủ yếu là huấn luyện và cung cấp những mục sư và nhân sự Cơ Đốc cho các hội thánh Tin Lành. Tuy nhiên, tầm nhìn của các viện trên thế giới không chỉ là đào tạo người để phục vụ Chúa trong khuôn khổ hội thánh địa phương, mà còn phục vụ Chúa thông qua các mục vụ thực tiễn, nhằm mở mang vương quốc Chúa trong mọi lĩnh vực của xã hội như kinh tế, y tế, giáo dục, nghệ thuật, giải trí… tùy theo sự kêu gọi của Chúa cho từng người.

Người tốt nghiệp từ các Thánh Kinh Thần Học Viện sẽ ra đi mở mang vương quốc Chúa với ý nghĩa làm cho khắp nơi đều đi theo đường lối của Đức Chúa Trời, “ý muốn Cha thực hiện dưới đất như đã từng thực hiện trên trời” (Mat 6:10; BHĐ). Để hoàn thành sứ mạng đó, môn đồ của Chúa Jêsus không chỉ rao giảng chân lý, mà còn phải làm theo, nghĩa là phải sống đúng với những gì mình rao giảng. Có như vậy, đường lối Chúa mới được thực thi, Nước Chúa mới được hiển lộ.

Tất nhiên, sức con người không thể tự mình làm theo ý muốn Đức Chúa Trời và học trở nên giống như Chúa Jêsus. Điều đó đòi hỏi quyền năng của Thần Chúa vận hành trong họ. Giống như Giô-suê, việc làm theo mọi mạng lệnh của Chúa để hoàn thành sứ mạng Ngài giao đòi hỏi sự can đảm của chính người ấy và sự đồng hành của Chúa.

Từ ban đầu, cả Môi-se và Giô-suê đều khẳng định rằng dân chúng dù biết luật pháp nhưng sẽ không đủ sức để làm theo (Phục 31:24-29; Giôs 24:29). Bởi vậy, Chúa Jêsus đã giáng sinh để làm thay cho con người điều họ không thể, để làm gương cho họ về việc làm theo ý muốn Cha trên trời; và rồi Đức Thánh Linh được ban xuống để ở cùng, ban năng lực cho người quyết định sống theo ý muốn Đức Chúa Trời và học theo gương Đức Chúa Jêsus. Phao-lô thúc giục các tín hữu: “Hãy noi gương tôi, như chính tôi noi gương Đấng Christ vậy” (I Cô 11:1).

Đối với những ai được học tập chuyên sâu về Kinh Thánh, họ có cơ hội học hỏi từ tri thức của nhiều người, được cung cấp đủ loại kiến thức và quan điểm. Các viện Thần học và trường Kinh Thánh trang bị cho sinh viên những kiến thức về lịch sử, bối cảnh trong Kinh Thánh, nguyên ngữ, nền tảng thần học phổ quát được Hội Thánh chung nhất trí… nhằm giúp họ hiểu biết Kinh Thánh càng nhiều càng tốt.

Thậm chí, càng nghiên cứu sâu về thần học, chúng ta càng đối diện với muôn vàn quan điểm về cách diễn giải Kinh Thánh, và dễ dàng bị cuốn vào những tranh luận không hồi kết, từ lý thuyết cho đến cách áp dụng. Tuy nhiên, người nghiên cứu Lời Chúa cần nhận thức rằng lời của con người nói về Chúa không thể được xem trọng hơn lời của chính Chúa nói về Ngài trong bản văn Kinh Thánh, thông qua sự mặc khải của Đức Thánh Linh và mối tương giao cá nhân với Chúa của người ấy.

Trường lớp cung cấp kiến thức, nhưng chỉ có Chúa và trải nghiệm cá nhân với Chúa mới đem lại nhận thức. Nhận thức đòi hỏi sự áp dụng kiến thức.

Trước giả sách Truyền Đạo, một người từng miệt mài nghiên cứu đủ loại sách vở và triết lý, đã kết luận rằng: “Sách vở viết ra nhiều vô cùng, không bao giờ dứt; còn học hỏi nhiều khiến cho thân xác mệt nhọc…. Lời kết luận cho tất cả những gì đã nghe trên đây là: Hãy kính sợ Đức Chúa Trời và tuân giữ các điều răn của Ngài, đó là phận sự của con người”. (Truyền 12:12-13; BTTHĐ).

Bài: Phước Hạnh


Posted

in

,

by

Tags:

Comments

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *