Làng Vi Rơ Ngheo (Kon Tum): Vươn lên từ Tin Lành

Oneway.vn – Từ một làng nghèo đói và chìm trong những tập tục lạc hậu, Vi Rơ Ngheo dần chuyển mình, trở thành địa điểm du lịch cộng đồng độc đáo giữa Tây Nguyên đại ngàn.Vi Rơ Ngheo bình yên trong thung lũng

Từ thị trấn Măng Đen, chúng tôi vượt hơn 40km dọc con đường DT 676 gập ghềnh men theo sườn đồi, để đến Vi Rơ Ngheo – làng người Xơ Đăng được công nhận là Làng Du lịch Cộng đồng – tại huyện Kon Plông, Kon Tum.

Từ đằng xa, trên con đường quanh co dẫn vào làng, ập vào mắt chúng tôi là những thửa ruộng đã chín, vàng ruộm. Vi Rơ Ngheo không lớn lắm, chỉ vài chục nóc nhà lọt thỏm trong một thung lũng nhỏ. Một dòng suối chảy ngang và mấy ngọn núi bao bọc xung quanh, tạo thành tấm chắn bảo vệ cuộc sống thanh bình của những cư dân trong làng. Nhiều năm về trước, một nhóm người Xơ Đăng đã sinh sống tại đây, tạo thành cộng đồng hơn sáu chục hộ gia đình với gần 300 nhân khẩu sống chan hoà giữa núi rừng.Vi Rơ Ngheo những ngày đầu tháng Bảy đang vào mùa gặt. Mùi của lúa, mùi của núi rừng hoà quyện, phảng phất trong sự bình yên của bản làng. Sau bữa tối, chúng tôi quây quần bên bếp lửa le lói giữa cái se lạnh của núi rừng để uống nước chè theo thói quen của người dân Vi Rơ Ngheo. Trong cuộc chuyện trò ấy, chúng tôi được nghe những chia sẻ về quá khứ dân làng từng trải qua.Một bữa cơm tại Vi Rơ Ngheo

Không phải ngẫu nhiên Vi Rơ Ngheo ngày nay được công nhận là Làng Du lịch Cộng đồng, mà đằng sau đó là câu chuyện dài về tấm lòng của từng con người luôn cưu mang cho bản làng của họ.

“Ma quỷ nó ác lắm” – Già làng A Chung trầm ngâm. Con gà, con heo, con trâu mình phải cúng cho nó. Có khi đau ốm mình cúng con heo mà nó không tha, phải bắt con trâu mới được, mà có khi một con trâu cũng không được nữa, ông nhớ lại. “Thời đó mình cúng nhiều lắm. Nắng suốt cũng cúng, mà mưa nhiều cũng cúng. Phải đem con heo, con dê lên núi để làm lễ cúng”, già Chung nói tiếp, rồi chỉ tay về hướng ngọn núi cao nhứt.Già làng A Chung

Ở Vi Rơ Ngheo ngày ấy, đàn bà bị khinh rẻ, suốt ngày quần quật và cam chịu những nỗi nhọc nhằn, còn đàn ông thì say rượu. Trong cơn say, họ lại thường đánh đập, hành hạ những người đàn bà, những người vợ, vốn đã chịu nhiều đau khổ cay cực. Cũng ở Vi Rơ Ngheo ngày ấy, người dân phải làm lụng vất vả cực nhọc nhưng không đủ ăn, đủ mặc. Được bao nhiêu hạt gạo, củ mì, quả ngô thì đều đem nấu rượu; có con gì ăn được thì phải giết cho thầy ma, thầy cúng. Vì thế mà cái đói luôn thường trực, bữa nào cũng phải “ăn cơm nấu với bắp, có khi là củ mì, hoặc lá rừng mới đủ”.

Nhiều năm trôi qua, hết thế hệ này đến thế hệ khác, họ cứ ở trong một vòng lẩn quẩn: nghèo đói, cùng cực và chìm trong hủ tục. Nhưng rồi đến một ngày, ánh sáng của Tình Yêu cũng chói rọi đến buôn làng của họ, bắt đầu từ ông A Ving, năm nay đã 61 tuổi.Ông Ving từng nghe nói về Jêsus trong trại cải tạo (sau 1975). Nhiều năm sau, ông có cơ hội nghe nói về Chúa lần nữa. Ông Ving kể, khoảng năm 1999, khi nghe người ta nói “tin Chúa không cần cúng ma, chết về với Chúa”, ông và ông A Breng bằng lòng tin nhận Chúa.

Nhưng tin Chúa thì đôi khi phải trải qua những thử thách, và ông Ving cũng không ngoại lệ. “Hồi xưa bị chống đối, bắt bớ lắm. Chỉ sau này chính quyền hiểu thì mới dễ dàng hơn”, ông Ving nói.Điểm Nhóm Tin Lành Vi Rơ Ngheo

Từ khi có Chúa, làng Vi Rơ Ngheo dần có những sự thay đổi. Cuộc sống bớt cơ cực, và gánh nặng về những hủ tục ma chay thờ cúng cũng không còn đè trên đôi vai vốn đã yếu mỏn của họ. Những thế hệ trẻ được đến trường, học hành tử tế. Không có ai thất học, cũng không ai vì nghèo mà phải bỏ trường bỏ lớp.

Già Chung kể, những người như ông từng là thành viên trực tiếp đâm trâu trong lễ hội đâm trâu được tổ chức năm năm một lần. Suốt cuộc đời, già Chung từng đâm ít nhất năm con trâu như thế. Nhưng “vào năm 2000, mình nói lần này là lần cuối cùng mày (các vị thần người Xơ Đăng thờ cúng – nv) được ăn trâu. Tau không đâm trâu cho mày nữa đâu”. Già Chung hồi tưởng, “ngày ấy uống rượu ghê lắm, một lít là không đủ đâu. Mỗi lần có cưới hỏi hay dịp lễ hội là cứ bày ra uống rượu cả tuần, nhưng mà giờ thì ai cũng bỏ rượu rồi”.

Mặc dù không tránh khỏi sự chống đối, bắt bớ, nhưng đức tin vẫn cứ nhen nhóm trong buôn làng, cứ cháy mãi chẳng thể tàn. Từ ban đầu chỉ vài người, dần dần cả làng tin Chúa. Về sau, Mục sư Phạm Hồng Liêm (Quản nhiệm Chi hội Đăk Ruồng, Kon Tum) đến thăm viếng, chăm sóc những tín hữu này, và gây dựng Điểm Nhóm Tin Lành Vi Rơ Ngheo.

Thầy A Lương (Sinh viên Khoá 9 – Viện Thánh Kinh Thần học) kể, đôi khi bà con chỉ đọc, hiểu và áp dụng Kinh Thánh theo nghĩa đen, nhưng họ vẫn tin và làm theo Lời Chúa với một đức tin chân thành. Họ kinh nghiệm lòng nhân từ thương xót Đức Chúa Trời đối đãi cùng họ. Họ tin Chúa lắng nghe và nhậm những lời cầu nguyện đơn sơ từ tấm lòng của họ. Có lúc, Kinh Thánh cũng giúp ích cho những cư dân còn nghèo nàn lạc hậu này trong cuộc sống đời thường. Chẳng hạn như A Hiền (chấp sự tại Điểm Nhóm Vi Rơ Ngheo, 38 tuổi) kể rằng khi đọc Kinh Thánh, A Hiền học theo Giô-sép, trở thành người tiên phong làm nghề mộc, đặc biệt trong việc dựng nhà cửa.Tại Vi Rơ Ngheo, chúng tôi có dịp được gặp những A Hiền, A Vinh, A Kiểu, A Lương, Y Lê… Họ là những người thuộc thế hệ trẻ, có cơ hội rời làng, đi học xa, được giao lưu, tiếp xúc nhiều nơi. Họ muốn biến làng họ ở thành một nơi xanh, sạch, đẹp. Họ muốn Vi Rơ Ngheo có Chúa phải khác hơn, phải đặc biệt hơn những làng người Xơ Đăng khác, để ai đến đây cũng có thể cảm nhận được việc Chúa làm. Họ nghĩ được, nói được và cũng làm được. Họ bắt đầu làm và kêu gọi dân làng cùng làm.Bảng chỉ đường vào làng Vi Rơ Ngheo

Đầu tiên là những căn nhà vững chãi với sàn cao gần 2m để “tránh ẩm ướt, và mùi hôi của đất vào mùa mưa”. Rồi họ dựng nhà vệ sinh. Họ gom rác trong những giỏ rác tự chế bằng tre nứa để không còn cảnh xả rác bừa bãi. Họ trồng hoa, đặc biệt là phong lan, địa lan, những thứ hoa vốn có nhiều trên núi, để làm đẹp cho làng. Cứ như thế, diện mạo của làng thay đổi từng ngày. Nhà nào cũng mới, cũng đẹp. Chính quyền địa phương cũng nhận thấy sự thay đổi rõ rệt ấy. Họ công nhận Vi Rơ Ngheo là Làng Du lịch Cộng đồng và khuyến khích người dân tiếp tục xây dựng làng ngày càng đẹp hơn.

Mặc dầu du lịch cộng đồng thường gắn liền với việc gìn giữ, bảo tồn và tôn vinh nét văn hóa truyền thống bản địa, nhưng ở Vi Rơ Ngheo không rượu cần, không lễ đâm trâu, cũng không lễ hội cồng chiêng (cồng chiêng giờ đây chỉ dùng để biểu diễn như một loại nhạc cụ, không còn gắn với nghi thức thờ cúng nữa – nv).Đàn Klông pút – một nhạc cụ truyền thống của người Xơ Đăng. Tại Vi Rơ Ngheo còn có nét văn hoá bản địa truyền thống như nhà rông, cồng chiêng…

Ở Vi Rơ Ngheo, từ tháng Mười hai đến tháng Ba là mùa hoa đỗ quyên, hoa địa lan phủ khắp các ngọn núi. Tháng Sáu là mùa hoa sim nở cho đến tháng Tám là lúc quả sim chín rộ. Tháng Bảy, là lúc những thửa ruộng chín vàng bao bọc xung quanh làng. Ngoài việc nuôi trâu và trồng lúa, cuộc sống của cư dân Vi Rơ Ngheo quanh năm vẫn gắn bó với núi rừng. Có khi họ kiếm được nấm, mật ong, đọt mây, tiêu rừng và một số loại rau để tăng thêm thu nhập. Họ cũng có những món ăn đặc sắc như heo gác bếp, cá suối, cơm lam, gà nướng, rau rừng…
Chỉ chừng hơn hai mươi năm trước, không mấy ai biết, cũng chẳng ai muốn đến Vi Rơ Ngheo, bởi đường xá cách trở và dân làng thì nghèo nàn lạc hậu. Ấy thế mà ngày nay, làng du lịch cộng đồng này đang được khách thập phương ghé thăm, và có thể tiếp đón cùng lúc hơn 100 người.Dẫu có nhiều tiềm năng và những con người đầy nhiệt huyết, nhưng không phải anh em nào cũng muốn làm du lịch, A Hiền trăn trở. Người dân vẫn quen với đàn trâu, với nương rẫy, vì thế cần có thời gian để nhiều người ý thức được lý do họ khởi xướng làm làng du lịch.Vi Rơ Ngheo nằm gọn trong thung lũng khi nhìn từ ngọn núi cao hơn 1.300m gần làng

Tất nhiên với những người trẻ, sự biến đổi từng ngày của Vi Rơ Ngheo giúp người khác thấy quyền năng của Chúa là điều họ luôn mơ ước. Họ hiểu điều họ làm và quyết tâm đeo đuổi để tìm cách giúp làng. Y Lê (giáo viên Tiểu học, 25 tuổi) chia sẻ, mùa hè, tranh thủ xin làm thêm trong một khách sạn ở thị trấn, để học hỏi kinh nghiệm. Nhưng chỉ chừng một tuần là phải xin nghỉ, vì không quen. “Mình thà đi làm rẫy mà không mệt bằng làm việc ở khách sạn”, Lê cười, nhưng nói sẽ tiếp tục cố gắng. Hay như với A Kiểu, một thanh niên trong làng: Nhà A Kiểu nằm trên một ngọn đồi nhỏ. A Kiểu dự định mở một quán cà phê nhỏ và một chỗ lưu trú cho khách trên ngọn đồi ấy – nơi có thể nhìn toàn cảnh đồng lúa xung quanh làng.
Không chỉ muốn mời gọi người khác đến Vi Rơ Ngheo để họ thấy Chúa, nhiều người trẻ còn khao khát đem Tin Lành vươn ra khỏi làng của họ. Gánh nặng mà Truyền Đạo A Rét, Thầy A Lương, Thầy A Lóc cưu mang, trăn trở là còn nhiều người Xơ Đăng chưa tin Chúa.
Một góc làng Vi Rơ Ngheo thanh bình

Có những làng ở gần Vi Rơ Ngheo như Đăk Pờ Rồ, Măng Mốc… mặc dù nhiều lần được nghe nói về Chúa nhưng vẫn chưa tin. Chính vì thế, họ đáp lại tiếng Chúa kêu gọi, cứ tiếp tục dấn thân cho công trường thuộc linh này với mong ước giúp đỡ dân làng trong niềm tin và đem Tin Lành cho những người Xơ Đăng khác.

Vi Rơ Ngheo chỉ mới phát triển làng du lịch vài năm gần đây, cho nên còn nhiều điều phải làm, phải học hỏi. A Hiền nói từng nghe về những nơi như Sin Suối Hồ, vì thế ao ước anh em có điều kiện đến thăm và học hỏi kinh nghiệm. Nhưng chặng đường đến với Sin Suối Hồ của những người dân ở Vi Rơ Ngheo này còn xa lắm…

KON TUM – 7/2023
Hoàn Nguyện – Trà My

 

Posted

in

,

by

Tags:

Comments

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *