Chân Dung Người Phục Vụ: Mục Sư Phan Văn Xuyến

PTV: Quốc Duy – BTV: Vy Thảo


MỤC SƯ PHAN VĂN XUYẾN

Oneway.vn: Qua cuộc đời phục vụ và hầu việc Chúa của cố mục sư Phan Văn Xuyến đã để lại cho các thế hệ hôm nay và mai sau một tấm gương về lòng tận tuy, trung kiên và hy sinh cho công việc nhà Chúa. Những cống hiến của ông cho vùng đất Lâm Đồng và cho sắc tộc Mạ sẽ mãi được nhắc đến trong trong lịch sử phát triển của Hội thánh người Mạ cũng như lịch sử phát triển của Hội thánh Tin lành Việt Nam.

Mục sư Phan Văn Xuyến sinh năm 1914 tại Hòa Vang, Cẩm Lệ, Quảng Nam, trong một gia đình tiểu thương. Cha là Phan Văn Điệu mất sớm, năm ông mới 2 tuổi, lúc đó gia đình ông chưa tin Chúa, còn ở trong sự tối tăm. Lúc ông lên 7 tuổi, mẹ ông tin nhận Chúa và dạy dỗ ông về Chúa. Đến năm lên 9 tuổi mẹ ông cũng qua đời. Ông sống trong cảnh mồ côi cả cha lẫn mẹ từ tuối ấu thơ.
Ông luôn luôn nhớ lời mẹ dặn trước khi qua đời rằng: “Con ơi, mẹ về với Chúa nhưng Chúa không bỏ con, Ngài sẽ chăm sóc con. Con đừng về bên nội vì không ai tin Chúa, hãy về bên dì dượng dù nghèo nhưng tin kính Chúa.” Mặc dầu còn nhỏ, ông đã vâng lời và quyết tâm làm theo những gì mẹ dặn bảo. Nên ông đã từ chối sống với gia đình bên nội có nhiều quyền lợi mà về sống với dì dượng là (ông bà thân của Mục sư Nguyễn Văn Vạn). Đến năm 16 tuổi, ông đã biết sống tự lập, và theo giúp việc các vị giáo sĩ ở Sài Gòn, rồi tiếp tục xuống Mỹ Tho vì lúc đó các giáo sĩ bị quản thúc tại Mỹ Tho.
Thưa quý thính giả, trong thời gian đi theo giúp việc các giáo sĩ, ông được học hỏi rất nhiều về Lời Chúa, hiểu biết về tình yêu Ngài và học biết gương hy sinh phục vụ Chúa của giáo sĩ. Trong thời gian nầy, ông được Thánh Linh thôi thúc để dâng mình hầu việc Chúa, nhưng vì những lôi cuốn trong cuộc đời nầy ông vẫn còn lưỡng lự, không thể quyết định dứt khoát.
Sau khi lập gia đình cùng cô Võ Thị Xứng, em thứ năm của Mục sư Trương Văn Tốt, ông bà quyết định lên sinh sống tại Đà Lạt. Nhưng tình yêu Chúa luôn theo đuổi và bắt phục ông bà cách mạnh mẽ, đến nổi ông không chần chừ được nữa nên dâng mình hầu việc Chúa bằng cách bước vào trường Kinh Thánh tại Đà Nẵng năm 1947.
Sau ba năm học trường Kinh Thánh, ông tốt nghiệp năm 1951 và ông được Chúa kêu gọi đi truyền giáo cho người sắc tộc. Sau kỳ Hội đồng Tổng Liên Hội, ông cùng bốnngười tốt nghiệp cùng khóa tại trườngKinh Thánh Đà Nẵng được đặt tay cử lên vùng cao nguyên, đó là:

  1. Truyền đạo Trương Văn Sáng lên Plâyku
  2. Truyền đạo Đặng Văn Sung lên Ban Mê Thuột
  3. Truyền đạo Trương Văn Tốt lên Đà Lạt
  4. Truyền đạo Phan Văn Xuyến lên B’Lao

Lúc bấy giờ, B’Lao còn là vùng rừng rú, dân cư thưa thớt. Nhiều buôn làng người sắc tộc sống sâu trong rừng núi, xa xôi, hẻo lánh. Đời sống họ rất tối tăm, thờ thần, cúng nhiều thần và bùa ngãi. Đường đi đến các buôn làng thường chỉ là những con đường mòn đất đỏ, mùa nắng đầy bụi, mùa mưa trơn trợt và lầy lội.
Vì B’Lao là vùng đất mới chưa có tín đồ và cơ sở nhà Chúa nên ông bà phải ở tạm tại Di Linh. Tại đây, ông dành khoảng hai năm để học tiếng người sắc tộc Mạ và thường xuyên lên xuống B’Lao để tìm cách rao giảng Lời Chúa.
Năm 1953, ông bà chính thức xuống ở tại B’Lao. Lúc đầu, Chúa dự bị cho gia đình của ông bà nơi ở tạm là một căn nhà hoang của sở trà Bitchené cho mượn. Sau đó sở trà nhường lại cho một miếng đất 4.000 m2 ngay quốc lộ 20 rộng 50 m. Miếng đất lúc đó còn là rừng hoang, phải mướn người dọn dẹp.
Sau đó với sự giúp đỡ của hội Truyền giáo và một người tín đồ Đà lạt là ông Ba Sô, Truyền đạo Phan Văn Xuyến đã cất được một tư thất mái tôn vách ván làm nơi ở và cũng là nơi thờ phượng Chúa. Những buổi nhóm ban đầu chỉ có thầy Truyền đạo Phan Văn Xuyến cùng vợ và hai con (một bé 4 tuổi và một bé 2 tuổi).
Năm đầu tiên (1953) việc giao thiệp tiếp xúc thật là khó khăn vì sự kỳ thị tôn giáo của người Kinh. Còn người dân tộc thì họ ở quá xa xôi hẻo lánh, phải tìm cách làm quen và kiếm người môi giới để gây lòng tin. Chúa mở đường, có một thanh niên người Mạ tên là K’Bang đến xin việc làm và anh trở thành người dân tộc Mạ đầu tiên được nghe Tin Lành. Nhưng việc anh tin Chúa đã vấp phải nhiều khó khăn và chống đối mạnh mẽ của gia đình cũng như những người trong làng. Mỗi khi trở về làng, anh ở phải đi khoảng 2 ngày đường rừng. Khi anh làm chứng về Chúa Giê-xu thì ai cũng sợ hãi, không cho anh ở chung, ngay cả khi làm rẫy trồng lúa, anh cũng phải làm riêng. Anh bị dân làng cô lập vì họ lo sợ cho rằng khi anh đem thần khác về thì các thần sẽ đánh nhau và họ sẽ chết hết, nên họ không cho anh làm chung, ở chung với họ. Nhưng Chúa đã làm nhiều phép lạ để bày tỏ quyền năng Ngài là lớn hơn các thần của dân làng đang theo:
Khi anh bị đuổi đi thì có một con cọp lớn vào ở trong làng khiến ai cũng sợ hãi. Họ suy nghĩ có lẽ ông Giê-xu sai con cọp đến hại họ. Họ sai những người mạnh mẽ đi tìm kêu anh K’Bang về. Thật lạ lùng, từ đó cọp cũng không còn xuất hiện nữa.
Một phép lạ nữa là dân làng thường chung nhau làm trên cùng một rẫy lúa để có thể cùng nhau bảo vệ mùa màng khỏi bị thú rừng phá hoại. Năm đó khi đến mùa đốt rẫy trồng lúa, dân làng không cho anh K’Bang làm chung, có nghĩa là nếu anh có làm lúa thì không được ai bảo vệ. Khi anh và dân làng khai hoang một mảnh đất mới, họ hạ những cây to rồi đốt đám rừng trong khu đó để lấy đất trồng lúa. Dân làng tách phần đất của họ ra khỏi phần đất của anh rồi rào chung quanh phần của họ lại để bảo vệ. Khi lúa chín, họ cùng nhau canh gác phần đất của họ kỹ lưỡng. Nhưng Chúa đã làm điều ngược với toan tính của họ. Gần đến ngày thu hoạch, có một đàn voi rừng tràn đến. Chúng không đụng chạm gì đến rẫy của K’Bang nhưng lại đi đến đám rẫy chung của dân làng, phá rào, ăn lúa và dẫm nát tất cả!
Nhìn thấy quyền năng của Chúa, một số người bắt đầu tìm hiểu và tin nhận Ngài. Anh K’Bang trở thành người dẫn đường và thầy Xuyến được cơ hội tiếp xúc, làm chứng, giảng Tin Lành và có nhiều người tin Chúa trong nhiều buôn làng, dỡ bỏ bàn thờ, đốt bùa chú. Sau đó anh K’Bang được Chúa kêu gọi trở thành nhà truyền đạo đầu tiên của sắc tộc Mạ tại B’Lao. Mặc dù anh rất đơn sơ, ít học nhưng Chúa đã dùng anh làm hạt giống đầu tiên kết quả nhiều cho Chúa. Anh đã đem hằng ngàn người về cho Chúa và mở mang nhiều Hội Thánh.
Tại Trung tâm Truyền giáo, hàng tuần vẫn có sinh hoạt tại tư thất. Khởi đầu có vài gia đình người Kinh tìm đến. Gia đình ông Nguyễn Văn Quới từ miền nam lên làm ăn sinh sống tại B’Lao và tham gia sinh hoạt với Hội Thánh. Số tín hữu của Hội Thánh tăng dần, cả người Kinh lẫn người dân tộc Mạ.
Năm 1957, nhà thờ được xây cất bởi sự đóng góp của con cái Chúa tại B’Lao và sự hỗ trợ của các ân nhân. Mặt tiền nhà thờ được xây bằng đá, vách ván, mái lợp tôn, rộng 7 m, dài 19 m, là nơi nhóm lại khang trang cho 150 tín hữu.
Đến năm 1965, số tín hữu người Kinh tăng lên nhiều, khi nhóm lại Mục sư Xuyến phải giảng bằng cả hai thứ tiếng, bất tiện cho người nghe và cả người giảng. Nên ông đề nghị Tổng Liên Hội mở Hội Thánh riêng cho người Kinh và ông xin được một miếng đất tại trung tâm Bảo Lộc để xây dựng nhà thờ, thành lập Hội Thánh Bảo Lộc. Cho đến nay, những tín hữu ban đầu vẫn đứng vững và là cột trụ của Hội Thánh Bảo Lộc.
Riêng Trung Tâm Truyền giáo tại B’Lao vẫn phát triển và Phúc Âm của Chúa Cứu Thế vẫn được rao giảng trong các buôn làng xa xôi. Nhiều thanh niên người sắc tộc Mạ yêu mến Chúa, được Ngài kêu gọi đã sẵn sàng dâng mình đi học trường Kinh Thánh tại Di Linh và Đà Lạt để tiếp nối công việc Chúa giữa đồng bào của mình. Đó là Truyền đạo K’Ter, Truyền đạo K’Geoh, Truyền đạo K’Jon, Truyền đạo K’Mar, Truyền đạo K’Bông. Ngoài ra còn có các chấp sự đặc trách các điểm nhóm như ông K’Đông Dạ Mri, ông K’Điểu ở Madaguôi.
Năm 1972, nhà thờ tại B’Lao được tái thiết, rộng 9 m, dài 23 m, tường xây, mái lợp tôn. Số tín đồ lên đến 500, phần nhiều do chiến tranh tín đồ từ các làng ra Trung tâm Truyền giáo để tị nạn.
Thưa quý vị và các bạn,sau khi đất nước được thống nhất, công việc Chúa trên cao nguyên gặp nhiều khó khăn, phần lớn các nhà Truyền giáo ra đi tị nạn, Mục sư Xuyến vẫn tiếp tục ở lại để lo công việc Chúa giữa những người sắc tộc tại B’Lao. Nhiều Nhà thờ bị đóng cửa, bị trưng dụng làm kho, làm nhà Văn hóa hay bỏ hoang, các điểm nhóm bị cấm đoán nhưng công việc Chúa vẫn phát triển.
Sau năm 1975, nhiều người đã từng nghĩ đạo Tin Lành dường như không tồn tại ở Lâm Đồng vì những biến động chính trị của đất nước. Trong thời gian nầy, toàn tỉnh chỉ còn lại 9 Chi hội được phép sinh hoạt tại nhà thờ là Đà Lạt, Bảo Lộc, Trạm Hành, Boner A, Boner B, Boner C, Dan Kia, Don Rieng, và Tà Nung. Còn các nhà thờ khác bị đóng cửa hoặc thu giữ, chỉ còn lại điểm nhóm trong nhà của các tín hữu, nhưng việc nhóm lại bị kể là bất hợp pháp. Các Mục sư và Truyền đạo luôn nằm trong sự kiểm soát của chính quyền địa phương.
Tuy nhiên, giữa những khó khăn, bắt bớ, đạo Chúa vẫn cứ đươc rao giảng như những hạt giống tốt tiếp tục nẩy nở và phát triển mạnh mẽ. Thay vì tập trung đông tín hữu tại một điểm, các Chi hội được chia ra từng nhóm nhỏ theo từng khu vực. Mỗi nhóm nhỏ tập trung từ 5 đến 7 gia đình khoảng 20 người. Mỗi nhóm đều có một nhóm trưởng đã được huấn luyện vững vàng về niềm tin, về các phương pháp học Kinh Thánh cơ bản để có thể tự nghiên cứu Kinh Thánh và gây dựng nhóm của mình. Tuy nhiên, có nhiều nhóm trưởng thiếu khả năng nên giờ nhóm lại thờ phượng chỉ bao gồm hát Thánh Ca, đọc Kinh Thánh và cầu nguyện. Thời gian nhóm lại rất đa dạng, có nơi lúc 3 giờ sáng, nhưng cũng có chỗ nhóm lại lúc 11 giờ đêm. Địa điểm thờ phượng Chúa phải luôn thay đổi để tránh sự chú ý. Ai đem Kinh Thánh hay Thánh Ca phải ngụy trang, nhưng phần lớn đi tay không vì Kinh Thánh và Thánh Ca của họ bị tạm giữ. Tuy phải sống trong sự khó khăn, thử thách và chịu nhiều bắt bớ, tinh thần của con cái Chúa luôn nóng cháy về lòng yêu mến thờ phượng Chúa, phục vụ Ngài và rao giảng Phúc Âm cho người chưa được cứu. Vì vậy, nhiều tín hữu không quản ngại mưa gió, đường sá xa xôi, trơn trợt, vẫn luôn đến thờ phượng Chúa tại các điểm nhóm đông đủ, và cũng khích lệ lẫn nhau phục vụ Chúa.
Trong giai đoạn khó khăn nầy, các Hội Thánh tại Lâm Đồng dường như bị cô lập, không thể liên lạc với nhau thường xuyên.Vìsau năm 1977, cả hai Địa hạtThượng duđềubịgiải thể nên những hướng dẫn của Ban Trị sự Tổng Liên Hội không thể đến được các Chi hội. Trước tình hình nầy, các Mục sư và Truyền đạo đã quyết định tập trung lại để thành lập Ban Hiệp nguyện và cử Mục Sư Ha Klas A làm Trưởng ban, Mục sư Phan Văn Xuyến là cố vấn và mỗi khu vực đều có Mục sư phụ trách.
Ban Hiệp nguyện toàn tỉnh thường họp ba tháng một lần. Còn ban Hiệp nguyện của từng địa phương thì có thể tự sắp xếp, nhưng ít nhất mỗi tháng một lần và các buổi họp được thực hiện vào các ngày trong tuần. Chương trình họp của ban Hiệp nguyện thường vào buổi sáng, sau thời giờ thờ phượng Chúa, làm chứng và bồi linh. Các Mục sư, Truyền đạo đã dành rất nhiều thời gian để cầu nguyện. Nhờ tinh thần cầu nguyện tha thiết và hết lòng này, Đức Chúa Trời đã thực sự làm những “việc lớn và khó” cho Hội Thánh Ngài tại Lâm Đồng. Trong chương trình buổi chiều, các Mục sư và Truyền đạo đã cùng ngồi lại với nhau thảo luận những việc đã làm, cùng nêu lên những khó khăn, trở ngại của từng khu vực và cùng hiệp với nhau đưa ra những phương hướng hay mục tiêu cho thời gian tới. Nội dung của các buổi họp này thường được báo cáo lại khá chi tiết gửi cho Ban Trị sự Tổng Liên Hội. Dựa trên những báo cáo này mà Mục sư Hội trưởng Ông Văn Huyên có những quyết nghị hay các văn thư.
Thưa quý thính giả, giai đoạn 1975 – 2000 là khoảng thời gian mà công việc của Chúa được bày tỏ rất kỳ diệu, công việc của Chúa vẫn phát triển không ngừng cho dù các tổ chức truyền giáo không còn, nhiều nhà thờ bị đóng cửa, con cái Chúa không được tự do nhóm lại, việc truyền giảng không được tổ chức, nhưng rõ ràng “các cửa âm phủ không thắng được Hội đó”. Theo số liệu thống kê vào cuối năm 2000 thì toàn tỉnh Lâm Đồng đã có 125 chi hội, 97 Mục sư, Truyền đạo và 56.713 tín đồ, bao gồm cả người Kinh và các sắc tộc. Tuy nhiên, số tín hữu người Kinh tại Lâm Đồng chỉ chiếm một phần nhỏ.
Năm 1982, giai đoạn khó khăn càng thêm. Khu Truyền giáo cho người Mạ bị trưng dụng làm nhà văn hóa. Mục sư Phan Văn Xuyến không được phép đến giảng cho người sắc tộc và ông được giấy bảo lãnh sang Hoa Kỳ theo diện đoàn tụ gia đình. Nghe tin đó, các con cái Chúa người sắc tộc Mạ đến khóc với ông: “Ông bà bỏ chúng tôi mà đi sao? Không ai lo cho chúng tôi như ông bà!“ Nghe vậy ông quyết định ở lại và tiếp tục giúp đỡ họ trong việc thăm viếng, huấn luyện mặc dù rất khó khăn, phải làm việc trong âm thầm cho đến ngày ông ra đi về nước Chúa ở tuổi 86.
Số tín đồ người Mạ trước năm 1975 có khoảng 2.270 tín đồ, 8 Chi hội tự dưỡng. Đến năm 2000 chỉ còn 4 Chi hội tự dưỡng nhưng có đến 43 điểm nhóm và 7.030 tín đồ, phần lớn đều do các chấp sự đảm trách. Chỉ có 4 thầy Truyền đạo đều lớn tuổi nên công tác huấn luyện rất cần thiết. Một Hội Thánh điển hình tại làng Bơ Kọ, cách trung tâm Truyền giáo 12 cây số, trước năm 1980 chỉ có 4 người tín đồ. Mỗi sáng Chúa nhật họ đi bộ ra nhóm thờ phượng Chúa từ rất sớm. Sau đó họ dẫn theo vài em thiếu nhi cùng đi. Các em tin Chúa trở về làm chứng cho anh chị. Đến năm 1983, họ mở được điểm nhóm, rồi tăng lên 4 điểm nhóm. Đến năm 2000, họ tin Chúa gần cả làng với hơn 500 tín đồ. Họ tiếp tục đi đến các làng khác để làm chứng và họ cũng lập được 3 điểm nhóm mới trong các làng khác. Cứ như vậy, Chúa cho công việc giảng Tin Lành được kết quả. Trong thời gian đó Mục sư Phan Văn Xuyến phải đi thăm viếng nhiều. Tận dụng cơ hội trong các dịp đám cưới, đám tang, lễ mừng tân gia và đặc biệt ngày tết, Mục Sư để ra 10 đến 15 ngày đi thăm viếng và giảng dạy. Chúa cho ông có sức khỏe, không bệnh tật gì mặc dù rất nhiều người bị bệnh sốt rét. Hiện nay Hội Thánh Bơ Kọ đang xây dựng một nhà thờ cho 700 chổ ngồi. Thật quyền năng Chúa lạ lùng.
Qua các con số, có thể thấy trong những năm khó khăn Hội Thánh sắc tộc vẫn tăng trưởng mạnh mẽ Đó là bởi sự quan phòng và bảo vệ kỳ diệu của Chúa đối với Hội Thánh của Ngài.
Cuối năm 1999, Mục Sư Phan Văn Xuyến cảm thấy yếu sức, phát hiện mình bị ung thư tuyến tiền liệt. Ông trở về quê hương tại Hòa Vang, Cẩm Lệ, Đà Nẵng, tìm đến bà con để làm chứng về Chúa cho họ. Lúc trở về ông vào bệnh viện, sau đó được con cháu giúp qua Mỹ để chữa trị và sẵn dịp thăm lại các anh em đồng lao và bà con thân thuộc. Những ngày đầu ông cảm thấy khỏe mạnh, niềm vui gặp lại người thân, có dịp tự do làm chứng công việc Chúa, ông thỏa lòng. Ngày 27.10.2000, sau cuộc giải phẫu, ông đã về nước Chúa bình an.
Con thứ hai của ông là thầy Phan Văn Luận, sau nhiều năm theo phụ giúp ông cũng được Chúa kêu gọi vào chức vụ Truyền đạo Tình nguyện. Sau khi Mục Sư Xuyến qua đời, thầy Luận tiếp tục công việc Chúa giữa người Mạ. Hiện nay là Mục sư Nhiệm chức phụ trách điểm nhóm tại Lộc Sơn, vốn là Trung tâm Truyền giáo cho người Mạ. Người con thứ ba là Mục sư Phan Văn Xuân đang hầu việc Chúa tại Hoa Kỳ. Hai con rễ là Mục sư Phan Vĩnh Cự và Mục sư Lê Khắc Hiệp cũng đang hầu việc Chúa tại Việt Nam, trong tinh thần noi gương của ông cụ.
Chương trình Chân Dung Người Phục Vụ được biên soạn dựa theo cuốn sách Tuyển Tập Tiểu Sử Người Phục Vụ Chúa của Ủy Ban Văn Hóa Giáo Dục Tổng Liên Hội, Hội thánh Tin lành Việt Nam (Miền Nam). Đây là chuyên mục ra đời nhằm giới thiệu những tấm gương sáng trên bước đường hầu việc Chúa của các mục sư, truyền đạo đã và đang có nhiều cống hiến cho công việc nhà Chúa, đây là những đóng góp to lớn, góp phần trong công cuộc rao giảng lời Chúa và phát triển của Tin lành tại Việt Nam.
Oneway Radio


Posted

in

by

Tags:

Comments

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *