Quan Điểm Của Cơ Đốc nhân Về Phim NOAH

Oneway.vn: NOAH – bộ phim gây tranh cãi rất lớn. Dưới đây là cảm nhận của một Cơ Đốc nhân sau khi đã xem bộ phim.

Cơ Đốc nhân Trước Thách Thức Của Chủ Nghĩa Nhân Bản Từ Phim Nô-Ê

Bộ phim Nô-ê đang gây ra nhiều tranh cãi và hoang mang cho các Cơ-đốc nhân – những người nóng lòng mong chờ sự xuất hiện bộ phim này nhất. Đằng sau những chi tiết dễ dàng nhận thấy là không chính xác so với Kinh Thánh, bộ phim Nô-ê còn chứa đựng một thông điệp hết sức nguy hiểm có sức ảnh huởng vô cùng to lớn đối với cơ đốc nhân ngày nay, đó là: chủ nghĩa nhân bản.

Chủ nghĩa nhân bản có thể hiểu nôm na là một hệ tư tưởng lấy nhân loại (con người) làm căn bản. Theo đó nhân loại vừa là xuất phát điểm vừa là phương pháp luận để xác lập các quan niệm đúng đắn về đời sống xã hội, rồi dựa vào đó mà mưu cầu hạnh phúc cho nhân loại. Nói một cách khác, chủ nghĩa nhân bản lấy nhân loại (con người) làm khái niệm căn bản nhất để lập luận về chính nhân loại nhằm xây dựng các lý thuyết về nhân loại.

Dưới lăng kính chủ nghĩa nhân bản, chúng ta thấy sự loại bỏ vai trò quyết định của một Đấng Tối Cao, thay vào đó là quyền tự quyết của con người. Đứng ở góc độ này, bộ phim No-ê nhìn về Đức Chúa Trời như một vị thần độc đoán và không có tình yêu thương.

Chúng ta từng bối rối trước những câu hỏi: Sự yêu thương của Đức Chúa Trời ở đâu khi Ngài nhẫn tâm hình phạt thế giới này, trong đó có con người do chính Ngài dựng nên cả những trẻ em vô tội? Trong xã hội càng được cho là tiến bộ ngày nay, “nhân đạo” là thước đo đánh giá một con người tiến bộ. Làm sao một mục sư có thể đứng trên tòa giảng nói về sự hình phạt của Đức Chúa Trời? Làm sao để giảng về sự hư mất, về hồ lửa đời đời… và quan trọng nhất là về lẽ đạo căn bản: liệu có phải những ai không tin Chúa Jesus sẽ đi địa ngục không? Chúa Jesus có phải là con đường duy nhất để nhận được sự cứu rỗi không? Điều này đã khiến nhiều nhà lãnh đạo cơ đốc nổi tiếng ngày nay không dám khẳng định Chúa Jesus là con đường duy nhất, không dám giảng dạy về sự công bình của Đức Chúa Trời vì điều này mâu thuẫn với chủ nghĩa nhân bản và họ chọn chỉ giảng dạy về sự yêu thương, tha thứ, ân điển và thịnh vượng…

oneway1

Quay trở lại với phim Nô-ê, ngay từ đầu sự xuất hiện của các Watcher mà lãnh đạo là Semyaza (các thiên thần sa ngã và lãnh đạo của nó) được xây dựng như những nhân vật chính diện, chịu sự hình phạt của Đức Chúa Trời chỉ vì muốn giúp đỡ con người. Có thể hiểu rằng các Watcher vì theo chủ nghĩa nhân bản mà phải chịu bản án chống lại Đức Chúa Trời. Điều này định hướng suy luận của người xem rằng phe chống lại ý Đức Chúa Trời là “nhân đạo”.

Các tình tiết xuyên suốt bộ phim đã từng bước dẫn dắt cảm xúc “phẩn uất” của người xem về sự “vô nhân đạo” của Đức Chúa Trời, mà đỉnh điểm là việc Nô-ê rượt giết hai đứa cháu gái của mình (con của Shem). Nô-ê đã quả quyết rằng làm vậy mới hoàn thành ý muốn của Đức Chúa Trời. Thế nhưng chủ nghĩa nhân bản đã thắng: Nô-ê chọn hành động theo “trái tim”, theo lòng yêu sự sống con người dù phải phản lại ý Chúa! Một lần nữa bộ phim gián tiếp kết án Đức Chúa Trời là một ông thần vô cùng độc ác.

Sau cơn nước lụt, Nô-ê uống rượu và loã thể trong trại mình. Cham (Ham) đến quăng cho Nô-ê miếng da rắn thừa hưởng từ dòng dõi Ca-in có thể xem là chi tiết không cần thiết và hơi khó hiểu của bộ phim. Chi tiết này cho thấy bộ phim lý giải rằng: khi Nô-ê đang đau khổ đến mức trầm uất và tự dằn vặt vì kết quả của điều mình đã chọn, thì miếng da rắn đã giải thoát Nô-ê ra khỏi sự đau đớn đó. Hãy nhớ rằng đó là miếng da của chính con rắn trong vườn Ê-đen đã cám dỗ Ê-va, được truyền thừa trong dòng dõi Ca-in là vật bảo chứng cho vị trí thủ lĩnh của phe chống nghịch Đức Chúa Trời. Cảnh cuối cùng của bộ phim: Nô-ê dùng da rắn quấn tay mình khi chúc phước cho thế hệ mới, đã hàm ý rằng Nô-ê quyết định chọn Sa-tan làm Chúa của mình. Theo đó, loài người tồn tại được cho đến ngày nay là nhờ việc Nô-ê phản bội lại chính Đức Chúa Trời của ông; hay nói cách khác, Sa-tan chính là vị cứu tinh đích thực của nhân loại.

Có thể nói chủ nghĩa nhân bản chính là điều mà Sa-tan, là con rắn xưa, đã gieo vào A-dam và Ê-va để chống lại Đức Chúa Trời. Con rắn nói với người nữ: “Các người sẽ không chết đâu, bởi vì Ðức Chúa Trời biết rằng ngày nào các người ăn trái cây ấy, mắt các người sẽ mở ra, và các người sẽ trở nên giống như Ðức Chúa Trời, biết điều thiện và điều ác.” (Sáng Thế Ký 3:4-5 BD 2011). Trở nên giống Đức Chúa Trời và biết điều thiện điều ác, điều này có nghĩa con người sẽ không cần phải lệ thuộc vào Đức Chúa Trời nữa, mà có quyền tự quyết về số phận của mình. Đây cũng là hệ tư tưởng của nhân vật Tu-banh Ca-in trong phim, đối lập với Nô-ê là nhân vật điển hình của hệ tư tưởng “lệ thuộc vào Chúa”.

Vậy, chúng ta sẽ trả lời làm sao cho những người theo chủ nghĩa nhân bản về sự đoán phạt của Đức Chúa Trời và về bản tánh công bình của Ngài? Đâu là sự yêu thương của Đức Chúa Trời thể hiện qua việc đoán phạt thế gian? Điều này có thể hiểu bằng ví dụ đơn giản: khi dịch cúm lan vào trại gà, chủ trại dù có thương tiếc đến đâu vẫn phải tiêu huỷ cả đàn kể cả gà con, tổng vệ sinh khử trùng toàn khu vực.

oneway

Một nhân vật khác trong phim cũng để lại cho chúng ta nhiều thắc mắc, đó là Mê-tu-sê-la. Kinh Thánh cho biết Mê-tu-sê-la sống được 969 tuổi. Mê-tu-sê-la được 187 tuổi sinh Lê-méc, Lê-méc được 182 tuổi sinh Nô-ê có nghĩa Mê-tu-sê-la được 369 tuổi khi Nô-ê ra đời. Nước lụt xảy ra khi Nô-ê 600 tuổi, khi Mê-tu-sê-la đúng 969 tuổi. Kinh Thánh không khẳng định Mê-tu-sê-la chết vì lý do nào nhưng bộ phim để cho Mê-tu-sê-la chết vì nước lụt. Mê-tu-se-la được nhà làm phim khắc họa là một người bảo vệ cho các thiên thần sa ngã, ông rất thèm ăn dâu đến nỗi chỉ quan tâm hỏi con cháu có đem dâu cho mình không. Giây phút cuối trong đời, ông vẫn cúi mặt sát đất để tìm dâu, khi moi được một trái, ông mãn nguyện cho vào miệng và giang tay đón cái chết chung phần với những người bị bỏ lại. Dâu là loại cây bụi sát đất, trái khi chín đỏ mọng rất hấp dẫn nhưng thường dơ vì dính đất. Thật là một hình ảnh sống động của bậc vĩ nhân ham mến bông trái từ bụi đất bất chấp kết cục của “hệ giá trị thế gian”!

Lời Chúa trong I Giăng 2:15-18 “Chớ yêu thế gian, cũng đừng yêu các vật ở thế gian nữa; nếu ai yêu thế gian, thì sự kính mến Đức Chúa Cha chẳng ở trong người ấy. Vì mọi sự trong thế gian, như sự mê tham của xác thịt, mê tham của mắt, và sự kiêu ngạo của đời, đều chẳng từ Cha mà đến, nhưng từ thế gian mà ra. Vả thế gian với sự tham dục nó đều qua đi, song ai làm theo ý muốn Đức Chúa Trời thì còn lại đời đời. Hỡi các con cái ta, giờ cuối cùng là đây rồi, các con đã nghe nói rằng Kẻ địch lại Đấng Christ phải đến. Vừa lúc bây giờ, có nhiều kẻ địch lại Đấng Christ; bởi đó, chúng ta biết rằng ấy là giờ cuối cùng.”

Chúng ta đang ham mến điều gì? Ham mến những giá trị thuộc về thế gian – là những thứ sẽ bị thiêu đốt trong lửa – hay làm theo ý muốn Đức Chúa Trời để còn lại đời đời? Đây là câu hỏi đáng suy gẫm, đáng suy xét cho cơ đốc nhân ngày nay. Những gì chúng ta đang nỗ lực tìm kiếm, những công việc mà chúng ta đang gọi là “hầu việc Chúa” có phải là những điều còn lại đời đời hay không?

Ngày cuối cùng đang đến, và tuyên ngôn của Kẻ địch lại Đấng Christ qua các bộ phim như Nô-ê càng khẳng định điều đó. Các “con cái sự sáng” có nhận thấy thông điệp tỉnh thức để sẵn sàng bước vào Vương Quốc Đức Chúa Trời, hay âm thầm chấp nhận sự hợp tình hợp lý của chủ nghĩa nhân bản để được xem là thức thời, rồi chép miệng: “Giải trí thôi mà, thoáng chút đi, có gì mà nghiêm trọng!”

Lê Giang

Còn bạn – Bạn đã xem bộ phim này chưa?  Quan điểm của bạn thì như thế nào? Oneway Media mong nhận được những phản hồi của các bạn vè bộ phim.

Bài vở cộng tác xin gởi về: [email protected]


Posted

in

,

by

Tags:

Comments

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *