TĨNH NGUYỆN HẰNG NGÀY 05/12: TIẾNG KÊU CỦA TÌNH YÊU

Kinh Thánh: “Đoạn, người quì xuống, kêu lớn tiếng rằng: Lạy Chúa, xin đừng đổ tội nầy cho họ! Người vừa nói lời đó rồi, thì ngủ.” (Công vụ 7:60)


TIẾNG KÊU CỦA TÌNH YÊU

Phân đoạn Kinh Thánh nền tảng: Công vụ 7:54-60

“Chúng nghe những lời đó, thì giận trong lòng, và nghiến răng với Ê-tiên. Nhưng người, được đầy dẫy Đức Thánh Linh, mắt ngó chăm lên trời, thấy sự vinh hiển của Đức Chúa Trời, và Đức Chúa Giê-xu đứng bên hữu Đức Chúa Trời; thì người nói rằng: Kìa, ta thấy các từng trời mở ra, và con người đứng bên hữu Đức Chúa Trời. Bấy giờ, chúng kêu lớn tiếng lên, bịt lỗ tai lại, cùng nhau chạy a lại, kéo người ra ngoài thành, rồi ném đá người. Các kẻ làm chứng lấy áo xống mình để nơi chân một người trẻ tuổi kia tên là Sau-lơ. Chúng đang ném đá, thì Ê-tiên cầu nguyện rằng: Lạy Đức Chúa Giê-xu, xin tiếp lấy linh hồn tôi. Đoạn, người quì xuống, kêu lớn tiếng rằng: Lạy Chúa, xin đừng đổ tội nầy cho họ! Người vừa nói lời đó rồi, thì ngủ.”

Câu Kinh Thánh ghi nhớ: Công vụ 7:60

“Đoạn, người quì xuống, kêu lớn tiếng rằng: Lạy Chúa, xin đừng đổ tội nầy cho họ! Người vừa nói lời đó rồi, thì ngủ.” 


   Sau khi nghe bài giảng của ông Ê-tiên tóm lược lịch sử của người Do Thái và sự chống nghịch của họ đối với Chúa Giê-xu (7:1-53), dân chúng chẳng những không tiếp nhận và ăn năn mà còn “nổi giận, nghiến răng” với ông. Nhưng ông Ê-tiên không run sợ và cũng không quan tâm đến sự tức giận của họ. Ngược lại, ông được đầy dẫy Chúa Thánh Linh và chỉ chú tâm hướng lên trời. Ông nhìn thấy sự vinh quang của Đức Chúa Trời và Chúa Giê-xu đứng bên hữu Đức Chúa Trời (câu 55). Khi ông nói lên điều đó, dân chúng càng nổi giận hơn vì họ cho là ông lộng ngôn, đáng bị ném đá chết. Họ kéo ông ra ngoài thành và ném đá ông (câu 57-58).

   Ông Ê-tiên không hề run sợ khi bị ném đá nhưng bình tâm cầu nguyện xin Chúa tiếp rước linh hồn mình (câu 59). Điều này cho thấy ông hoàn toàn tin cậy Chúa và sẵn sàng đón nhận sự chết thể xác vì ông biết chắc linh hồn ông sẽ được về thiên đàng vinh quang cùng Chúa. Khi bị ném đá, chắc chắn ông Ê-tiên phải chịu sự đau đớn vô cùng về thể xác, nhưng chính nhờ sự cầu nguyện mà ông có thể chịu đựng được và Chúa đã ban cho ông sự bình an trong tâm hồn.

   Kinh Thánh không hề ghi lại ông kêu la, than vãn vì đau đớn, nhưng ngược lại, ông cứ cầu nguyện rồi cuối cùng ông “quỳ xuống kêu lớn tiếng rằng: Lạy Chúa, xin đừng đổ tội này cho họ!” (câu 60). Đây là giây phút tuyệt đỉnh của tình yêu ông dành cho những người chống nghịch và bức hại mình. Khi bị đóng đinh trên cây thập tự, trước khi trút linh hồn, Chúa Giê-xu cũng đã cầu nguyện xin Đức Chúa Cha tha tội cho những người bắt giết Ngài (Lu-ca 23:34). Ông Ê-tiên đã noi gương Chúa Giê-xu và lời Ngài dạy “Hãy yêu kẻ thù nghịch, và cầu nguyện cho người bắt bớ các ngươi” (Ma-thi-ơ 5:44). Tại đây, không phải ông Ê-tiên cầu nguyện thầm xin Chúa tha tội cho những người đang giết ông, nhưng ông “kêu lớn tiếng”. Đó là tiếng kêu xuất phát từ tình yêu thương đối với tội nhân. Và Chúa đã đem ông về với Ngài trong sự bình an.

   Nếu bạn đang ở trong hoàn cảnh bị bắt bớ vì cớ đức tin, hoặc đối diện với sự bức hại chống nghịch của những người chống đối Chúa, bạn có bình an tin cậy Chúa và hết lòng cầu nguyện với Ngài không? Bạn có thể yêu người giết mình và cầu nguyện cho những người đang bức hại mình không?


Posted

in

by

Tags:

Comments

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *