Kinh Thánh: “Vì điều chi có thể biết được về Đức Chúa Trời thì đã trình bày ra cho họ, Đức Chúa Trời đã tỏ điều đó cho họ rồi.” (Rô-ma 1:19)
SỰ BÀY TỎ CỦA ĐỨC CHÚA TRỜI
Phân đoạn Kinh Thánh nền tảng: Rô-ma 1:18-21
“Vả, cơn giận của Đức Chúa Trời từ trên trời tỏ ra nghịch cùng mọi sự không tin kính và mọi sự không công bình của những người dùng sự không công bình mà bắt hiếp lẽ thật. Vì điều chi có thể biết được về Đức Chúa Trời thì đã trình bày ra cho họ, Đức Chúa Trời đã tỏ điều đó cho họ rồi, bởi những sự trọn lành của Ngài mắt không thấy được, tức là quyền phép đời đời và bổn tánh Ngài, thì từ buổi sáng thế vẫn sờ sờ như mắt xem thấy, khi người ta xem xét công việc của Ngài. Cho nên họ không thể chữa mình được, vì họ dẫu biết Đức Chúa Trời, mà không làm sáng danh Ngài là Đức Chúa Trời, và không tạ ơn Ngài nữa; song cứ lầm lạc trong lý tưởng hư không, và lòng ngu dốt đầy những sự tối tăm.”
Câu Kinh Thánh ghi nhớ: Rô-ma 1:19
“Vì điều chi có thể biết được về Đức Chúa Trời thì đã trình bày ra cho họ, Đức Chúa Trời đã tỏ điều đó cho họ rồi.”
Có hai lý do khiến con người không thể biện minh cho sự hư mất của mình và oán trách Đức Chúa Trời.
Thứ nhất, Đức Chúa Trời đã bày tỏ chính Ngài cho mọi người (câu 19-20). Con người chỉ có thể biện minh cho sự không tin kính và không công bình của mình trước Đức Chúa Trời với một lý do duy nhất: Tôi chưa từng được nghe hay biết gì về Đức Chúa Trời! Đúng là con người giới hạn không thể biết gì về Đức Chúa Trời, nhưng vấn đề nằm ở chỗ chính Đức Chúa Trời đã bày tỏ cho con người biết về Ngài (câu 19). Hơn nữa, sự bày tỏ của Đức Chúa Trời cho con người không chỉ là sự bày tỏ mơ hồ hay giới hạn cho một số người nhưng đó là sự bày tỏ “từ buổi sáng thế vẫn sờ sờ như mắt xem thấy” (câu 20).
Đức Chúa Trời đã bày tỏ cho con người về “quyền phép đời đời” thông qua sự sáng tạo và bảo tồn tạo vật của Ngài, cũng như bày tỏ về “bản tính Ngài” qua sự nhân từ và tốt lành của Ngài trong sự sáng tạo (Công Vụ 14:15-17).
Đức Chúa Trời đã bày tỏ cho con người về Ngài bằng cách nào? Câu 19 nói rằng “cho họ” hay “trong họ.” Nghĩa là có một sự nhận biết phổ quát của mọi người về một Đấng Sáng Tạo, sự bày tỏ đó cũng được nhận biết qua lương tâm (Rô-ma 1:32), qua thiên nhiên (câu 20; Công Vụ 17:23-28), và qua lịch sử của các dân tộc, đặc biệt là lịch sử của người Do Thái.
Thứ hai, con người chống nghịch Đức Chúa Trời dù Ngài đã bày tỏ về chính Ngài (câu 21). Có bốn điều con người bày tỏ sự chống nghịch Đức Chúa Trời.
(1) “Không làm sáng Danh Ngài là Đức Chúa Trời.” Con người kiêu ngạo luôn muốn thế chỗ Đức Chúa Trời. Họ có thể dễ dàng chấp nhận mình tiến hóa từ một con vật nhưng lại không thể chấp nhận sự sáng tạo của Đức Chúa Trời.
(2) “Không tạ ơn Ngài.” Con người không biết ơn Chúa vì họ không chấp nhận Đức Chúa Trời là Đấng Sáng Tạo, Đấng Tối Cao.
(3) “Lầm lạc trong lý tưởng hư không.” Tâm trí và tấm lòng con người không thể trống rỗng, nó cần được đổ đầy, và con người đã tìm cách thay thế Đức Chúa Trời bằng những lý luận, triết lý, hay tôn giáo cho riêng mình.
(4) “Lòng ngu dốt đầy những sự tối tăm.” Một tấm lòng sẽ không được soi sáng và sự tự do khi từ chối Đức Chúa Trời và không sống nhằm tôn vinh Ngài. Tấm lòng ấy sẽ tràn đầy sự tăm tối thuộc linh và nô lệ cho tội lỗi. Tăm tối thuộc linh và suy đồi đạo đức luôn đứng chung với nhau.
“Vì mọi người đều đã phạm tội, thiếu mất sự vinh hiển của Đức Chúa Trời” (Rô-ma 3:23).
Leave a Reply