Kinh Thánh: Nê-hê-mi 2:8c
“Vua bèn ban cho tôi các điều đó, tùy theo tay nhân lành của Đức Chúa Trời tôi giúp đỡ tôi.”
KHI CHÚA MỞ ĐƯỜNG
Phân Đoạn Kinh Thánh Nền Tảng: Nê-hê-mi 2:1-8:
“Đương năm thứ hai mươi đời vua Ạt-ta-xét-xe, tháng Ni-san, rượu sẵn ở trước mặt người, tôi lấy rượu dâng cho vua; trước tôi không hề có bộ buồn rầu tại trước mặt người. Vua nói với tôi rằng: Nhân sao ngươi mặt mày buồn, dầu mà ngươi không có bịnh? Điều đó chỉ là sự buồn rầu trong lòng mà thôi. Bấy giờ tôi lấy làm sợ hãi lắm, bèn nói với vua rằng: Nguyện vua vạn tuế! Lẽ nào mặt tôi không buồn, khi cái thành, là nơi có mồ mả của tổ phụ tôi, bị phá hoang, và các cửa thành bị lửa thiêu đốt?(c) Vua hỏi tôi rằng: Ngươi cầu xin cái gì? Tôi bèn cầu nguyện cùng Đức Chúa của các từng trời, rồi tâu với vua rằng: Nếu vua thấy điều đó là tốt lành, nếu kẻ tôi tớ vua được ơn trước mặt vua, xin vua hãy sai tôi về Giu-đa, đến thành có mồ mả của tổ phụ tôi, để tôi xây cất thành ấy lại. Đương khi ấy hoàng hậu cũng ngồi bên cạnh vua. Vua bèn hỏi tôi rằng: Ngươi đi đường lâu chừng bao nhiêu, và khi nào ngươi trở về? Vậy, vua đẹp lòng sai tôi đi, và tôi định nhật kỳ cho người. Tôi cũng thưa với vua rằng: Nếu điều nầy được đẹp lòng vua, xin vua hãy trao cho tôi những bức thơ truyền các quan tổng trấn bên kia sông cho phép tôi đi ngang qua cho đến khi tôi tới Giu-đa; lại ban chiếu chỉ cho A-sáp, kẻ giữ rừng vua, truyền người cho tôi gỗ làm khuôn cửa của thành điện giáp với đền, và làm vách thành, cùng nhà mà tôi phải vào ở. Vua bèn ban cho tôi các điều ấy, tùy theo tay nhân lành của Đức Chúa Trời tôi giúp đỡ tôi.”
Có lẽ phân đoạn Kinh Thánh này là một trong những câu chuyện hết sức kỳ diệu được ghi chép lại trong lịch sử của dân Y-sơ-ra-ên. Một vị vua quen được người khác quan tâm và hầu hạ, thì một ngày nọ lại để tâm đến nét mặt u sầu của viên quan tửu chánh Nê-hê-mi. Ông Nê-hê-mi hằng ngày vẫn hoàn thành nhiệm vụ của mình, nhưng đầu óc ông không thể nào quên đi được sự hoang tàn của bức tường thành Giê-ru-sa-lem cùng cảnh trạng tủi nhục của dân tộc mình mà ông vừa nghe biết. Sau khi ngồi khóc, cư tang và kiêng ăn cầu nguyện với Đức Chúa Trời (1:4), ông tiếp tục trăn trở, đau đớn và mong muốn làm một điều gì đó cho dân tộc mình. Nhưng một quan tửu chánh trong triều đình nơi chốn lưu đày như ông thì có thể làm được điều gì cho quê nhà! Vậy mà Chúa thấu hiểu những nỗi niềm canh cánh trong lòng. Chính vì thế, Ngài đã khiến cho vua Ạt-ta-xét-xe lưu tâm đến nỗi u sầu hiện rõ nơi sắc mặt của ông và hỏi đến ước nguyện của ông. Những băn khoăn thầm kín của ông Nê-hê-mi có cơ hội được bày tỏ, trong phút chốc, ông cầu nguyện cùng Chúa rồi sau đó dạn dĩ trình bày nỗi lòng với vua. Ông Nê-hê-mi còn bạo gan xin vua cho phép trở về quê hương để xây dựng lại bức tường thành bị hư hỏng nặng (câu 5). Chưa hết, ông còn xin vua cho thêm những điều kiện thuận lợi để có thể quay về và xây cất tường thành cách suôn sẻ. Điều vui mừng cho ông Nê-hê-mi là Vua Ạt-ta-xét xe đã bằng lòng phê chuẩn mọi điều ông cầu xin. Khi Chúa đã mở đường cho ông Nê-hê-mi nói riêng và cho dân Y-sơ-ra-ên nói chung, thì không ai có thể đóng lại.
Trong công việc Chúa chung của Hội Thánh cũng có nhiều trường hợp tương tự tình trạng của tường thành Giê-ru-sa-lem năm xưa, nhưng dường như lại có quá ít những “Nê-hê-mi” hiện đại. Hội Thánh cần nhiều hơn nữa những con người ngày đêm cưu mang công việc Chúa, sẵn lòng dấn thân giải quyết những khó khăn ấy dưới sự hướng dẫn của Chúa. Có những công việc tưởng chừng như không thể, nhưng chỉ cần mỗi người trong chúng ta sẵn sàng dám đứng chung với nhau nơi mà Chúa kêu gọi, cùng gánh chung công việc Nhà Chúa, thì Ngài sẽ mở lối và làm nên những phép màu giống như trải nghiệm năm xưa của ông Nê-hê-mi. Chúa sẵn lòng làm những điều kỳ diệu cho những cá nhân và tập thể cùng cưu mang công việc nhà Ngài.
Bạn có sẵn lòng xin Chúa dùng mình để chung vai gánh vác công việc Chúa không?
Cầu Nguyện: Lạy Chúa, xin cho con biết cưu mang, sẵn sàng gánh vác những công việc khó khăn của Nhà Chúa và tin rằng Ngài sẽ mở lối cho con và anh chị em con đúng thời điểm Ngài muốn. Amen.
Leave a Reply