Phan Thị Kim Phúc, hay còn được gọi là Em bé Napalm, sinh năm 1963, là người Canada gốc Việt. Bà rất nổi tiếng với bức ảnh được trao Giải Pulitzer chụp ngày 8 tháng 6, 1972 tại Trảng Bàng bởi nhiếp ảnh gia Nick Út của hãng thông tấn AP. Bức ảnh ghi lại hình ảnh một cô bé chín tuổi, da thịt và áo quần bị đốt cháy do bị phỏng nặng bởi bom napalm, khi cô bé đang di tản khỏi ngôi làng của mình.
Kim Phúc và gia đình sống trong làng Trảng Bàng, Tây Ninh. Ngày 8 tháng 6, 1972, máy bay Nam Việt Nam dội bom xuống làng Trảng Bàng khi đang xảy ra giao tranh, do nhầm lẫn, máy bay ném trúng vào phía trước Thánh thất Cao Đài nơi gia đình Phúc trú ẩn trước đó để lánh nạn. Bức ảnh được chụp khi Kim Phúc và một số trẻ em Việt Nam vừa khóc vừa chạy tại ngay Ngã Ba Trảng Bàng sau khi bị dội bom napalm. Cô bé bị bỏng nặng và cháy hết quần áo. Sau đó, cô bé bất tỉnh. Hai trong số các anh em họ của Phúc và hai dân làng bị thiệt mạng.
Nhiếp ảnh gia Nick Út của hãng thông tấn Associated Press đã ghi lại khoảnh khắc này khi Kim Phúc trong tình trạng khỏa thân đang chạy giữa những người di tản gồm dân làng, binh sĩ, và các nhà báo nhiếp ảnh. Tấm ảnh trở nên một trong những biểu tượng ám ảnh nhất của Chiến tranh Việt Nam. Nhiều năm sau, trong một cuộc phỏng vấn, Kim Phúc thuật lại rằng trong bức ảnh cô đang kêu la, “Nóng quá, nóng quá”. Ngay ngày hôm sau, tấm ảnh được đưa lên trang bìa của tờ New York Times. Về sau, tác giả của nó được trao Giải Pulitzer và bức ảnh được chọn làm Ảnh Báo chí Thế giới Năm 1972. Bức ảnh được xếp thứ 41 trong 100 bức ảnh có tầm ảnh hưởng nhất thế kỷ 20 do Đại học Columbia bình chọn.
Nick Út đưa Kim Phúc và những đứa trẻ đang bị thương khác vào Bệnh viện Barksy ở Sài Gòn. Vết thương quá nặng nên người ta không tin là cô bé có thể sống sót. Tuy nhiên, sau 14 tháng điều trị tại bệnh viện và phải trải qua 17 cuộc phẫu thuật, Kim Phúc được về nhà. Nick Út tiếp tục viếng thăm cô cho đến khi ông rời Sài Gòn năm 1975.
Về sau, Kim Phúc kể lại những ngày tháng đau thương khi cố gắng phục hồi vết bỏng do bom napalm, “Đau đớn không thể nào tưởng tượng được. Nhiều lúc tôi cứ ngỡ mình sẽ chết đi. Nhưng sức mạnh sâu thẳm bên trong của một cô gái nhỏ đã giúp tôi vượt qua”
Kim Phúc theo học tại trường Y ở Thành phố Hồ Chí Minh. Năm 1986, cô sang du học tại Cuba. Bốn năm trước đó, cô từ bỏ tôn giáo của gia đình, đạo Cao Đài, và đến với Cơ Đốc giáo.
“Sự căm giận bên trong tôi chồng chất cao như núi. Tôi căm ghét cuộc sống. Tôi thù hận mọi người bình thường bởi vì tôi không bình thường. Nhiều lần tôi thực sự muốn chết. Tôi dành cả ngày trong thư viện tìm đọc nhiều sách tôn giáo để tìm kiếm mục đích của cuộc sống. Một trong những cuốn sách tôi đọc là Kinh Thánh. Giáng sinh năm 1982, tôi tiếp nhận Chúa Giê-xu Cơ Đốc làm Cứu Chúa của tôi. Đó là sự biến chuyển diệu kỳ trong đời tôi. Chúa giúp tôi học biết tha thứ – bài học khó khăn nhất trong tất cả các bài học…. Sự tha thứ giải thoát tôi khỏi lòng thù hận. Vẫn còn nhiều vết sẹo trên thân thể tôi, và sự đau đớn vẫn kéo dài trong nhiều ngày, nhưng tâm tôi nay đã được an lành.” – Kim Phúc, phát biểu trên đài NPR, 2008.
Là người sáng lập của Kim Phuc Foundation International – một tổ chức tại Hoa Kỳ với mục tiêu cung cấp sự trợ giúp y tế và tâm lý cho các nạn nhân trẻ em sau chiến tranh – Kim Phúc đã đóng góp rất nhiều cho công tác giúp đỡ trẻ em trên khắp thế giới.
“Phần lớn mọi người biết bức hình đó nhưng biết rất ít về cuộc đời tôi. Tôi có thể chấp nhận bức hình đó là hình tượng của một bé gái đầy sức sống. Điều đó đã thúc đẩy tôi làm việc, cống hiến nhiều hơn cho hòa bình… Bom Napalm mạnh khủng khiếp. Nhưng đức tin, lòng khoan dung, và tình yêu thương còn mạnh mẽ hơn nhiều. Sẽ không có chiến tranh nếu mỗi người đều biết sống bằng tình yêu thương chân thật, niềm hi vọng, và lòng khoan dung. Bé gái trong bức ảnh đã làm được, còn bạn thì sao?”
Dưới đây là video cô Kim Phúc làm chứng về cuộc đời được đổi thay bởi quyền năng của Chúa Giê-xu:
Nguồn: Wikipedia.
Leave a Reply