Oneway.vn – Xuân về Tết đến, có một điều mà người Việt nói riêng, và thiên hạ nói chung, đều mong ước có được, đó chính là PHƯỚC.
Chắc chắn là không có người nào, dân tộc nào trên thế giới nầy mà không mong muốn được
phước cả. Bạn cũng vậy và tôi cũng thế!
Vậy, phước là gì mà ai nấy đều mong muốn có được? Theo Việt Nam Tự Điển của Lê Văn Đức và Lê Ngọc Trụ, thì phước có nghĩa là phúc, là điều tốt lành được Ông Trời ban cho.
Còn theo Từ điển Hán-Việt của Đào Duy Anh thì chữ Phước là sự kết hợp của nhiều chữ phúc lại với nhau như: phúc đức, phúc ấm, phúc tinh, phúc hạnh, hồng phúc, diễm phúc, v.v. nhằm chỉ sự vui vẻ, no ấm, an lành trong cuộc sống.
Từ “Phước” trong tiếng Hán gồm bốn chữ: Thần (Ông Trời), Nhất, Khẩu và Điền kết hợp lại mà thành:福 có nghĩa là: Một người có ruộng vườn và có Thiên Chúa ở bên cạnh. Như vậy, người được phước là người không chỉ có tài sản ruộng vườn, đất đai mà còn có mối quan hệ mật thiết với Ông Trời là Đấng Tạo Hóa của mình, là nguồn phước cho cuộc đời của mình.
Có nhiều quan niệm khác nhau về phước.
Một trong những quan niệm phổ biến của nhiều người về phước là có được nhà cao cửa rộng, vợ đẹp con ngoan, có địa vị trong xã hội, được nhiều người nể trọng. Vâng, đó là những điều quý báu, tốt lành không ai không muốn; nhưng những điều đó có phải là phước thật hay không? Có phải là phước lâu dài, vĩnh cửu không? Hay chỉ là phước tạm và chóng qua?
Trong ngôn ngữ Hy Lạp, khi nói đến một người “được phước” nghĩa là người đó được “khỏe mạnh tâm linh và thịnh vượng”.
Kinh Thánh Cựu Ước thường nói về các phước hạnh như: giàu có, sống lâu, khỏe mạnh, yên ổn, và sanh con cái hứa cho những ai vâng lời Chúa (Sách Phục truyền 28:1-14). Còn Kinh Thánh Tân Ước khi nói về phước thì thường chú tâm đến phước ở bên trong, hơn là phước ở bên ngoài (Ma-thi-ơ 5:10, 11).
Dưới ánh sáng của Thánh Kinh, người được phước là người được hồi phục mối liên hệ ngay thẳng với Đức Chúa Trời và có mối tương giao thân mật với chính Ngài.
Đức Chúa Trời luôn luôn là Chủ thể của người hoặc vật được ban phước (Sách Phục-truyền 33:13; Thi-thiên 128:2).
Vua Đa-vít thật có lý và sâu sắc khi nói rằng: “Tôi đã nói cùng Đức Giê-hô-va rằng: Ngài là Chúa tôi, trừ Ngài ra, tôi không có phước gì khác!” (Sách Thi-thiên 16: 2)
Phước duy nhất lâu dài và vĩnh viễn cho Vua Đa-vít và với Vua Đa-vít, không phải là ngai vàng ông đang ngự trị, hay sự giàu có, sang trọng mà Chúa ban cho ông; mà bèn là chính mình Đức Chúa Trời. “Ngài là Chúa tôi”, tức Ngài mới là Chủ của đời sống ông, chứ không phải chính ông là chủ của đời sống mình.
Ở một bài thơ nổi tiếng khác là Thi-thiên 23, Vua Đa-vít cũng khẳng định lại chân lý đó: “Đức Giê-hô-va là Đấng chăn giữ tôi; tôi sẽ chẳng thiếu thốn gì.” (Sách Thi-thiên 23:1).
Như vậy, quan niệm phước của Vua Đa-vít rất đáng cho chúng ta để ý, học hỏi, và làm theo. Phước với Đa-vít không phải là địa vị, danh vọng, quyền lực, hay tiền tài như nhiều người quan niệm, mà phước là có Chúa làm Chủ cuộc đời, để Chúa làm người chăn dắt đời sống mình.
Câu hỏi được đặt ra ở đây là tại sao có Chúa làm Chủ cuộc đời mới là phước?
Câu trả lời đúng đắn được tìm thấy từ Kinh Thánh. Kinh Thánh cho biết Đức Chúa Trời là nguồn của mọi phước hạnh cho con người chúng ta: “Mọi ân điển tốt lành cùng sự ban cho trọn vẹn đều đến từ nơi cao và bởi Cha sáng láng mà xuống, trong Ngài chẳng có một sự thay đổi, cũng chẳng có bóng của sự biến cải nào.” (Sách Gia-cơ 1:17).
Ngài là nguồn của mọi phước lành cho con người, nên Ngài mới là Đấng có quyền ban phước cho con người.
Ngay từ khi tạo nên loài người, Đức Chúa Trời đã ban phước cho họ: “Đức Chúa Trời ban phước cho loài người và phán rằng: Hãy sanh sản, thêm nhiều, làm cho đầy dẫy đất. Hãy làm cho đất phục tùng, hãy quản trị loài cá dưới biển, loài chim trên trời cùng các vật sống hành động trên mặt đất.” (Sách Sáng Thế Ký 1:28).
Con người thì chỉ có thể chúc phước cho người nầy người kia, chứ không có quyền ban phước cho ai cả. Chỉ có Đức Chúa Trời là nguồn của mọi phước lành mới có quyền ban phước cho người mà thôi.
Đó chính là chân lý mà Kinh Thánh dạy cho chúng ta về phước hạnh và nguồn của mọi phước hạnh.
Nhận thức được Đức Chúa Trời là nguồn của mọi phước hạnh và là Đấng có quyền ban phước cho con người, cho nên Thánh Phao-lô sau khi đã được Chúa ban ân điển cứu rỗi mình, thì ông đã tuyên bố một lời thật mạnh mẽ và đáng nhớ: “Tôi cũng coi hết thảy mọi sự như là sự lỗ, vì sự nhận biết Đức Chúa Jêsus Christ là quý hơn hết. Ngài là Chúa tôi, và tôi vì Ngài mà liều bỏ mọi điều lợi đó. Thật, tôi xem những điều đó như rơm rác, hầu cho được Đấng Christ.” (Sách Phi-líp 3: 8)
Một khi bạn nhận thức được Đức Chúa Trời là nguồn của mọi phước lành cho con người như Kinh Thánh đã bày tỏ, thì chắc chắn bạn cũng sẽ mời Chúa làm Chủ cuộc đời mình như Vua Đa- vít, như Thánh Phao-lô ngày xưa đã từng làm.
Tôi tạ ơn Chúa, vì Ngài đã thương tôi, ban ân điển cứu rỗi cho tôi cách đây nhiều năm tháng trong cuộc đời. Tôi đã mời Ngài làm Chủ đời sống tôi bao năm qua, và tôi thật sự cảm nhận được phước hạnh khi được ở trong Ngài, được Ngài chăm sóc, bảo vệ một cách tuyệt vời.
Tôi được bình an khi sống giữa một thế giới đầy bất an như hiện nay. Tôi được vững vàng khi sống giữa một thế giới đầy chao đảo ngày hôm nay. Tôi đầy hy vọng khi sống trong một thế giới không có hy vọng như thế nầy.
Đó là những phước hạnh không một ai có thể cho được, ngoài Chúa Cứu Thế Jêsus. Nhận biết Chúa là nguồn phước, là Đấng ban phước, và mời Ngài làm Chủ cuộc đời thì còn có phước nào hơn nữa.
Tết nầy, cuộc đời bạn đã có Chúa Jêsus làm Chủ chưa? Nếu chưa, xin mời bạn hãy mời Ngài làm Chủ cuộc đời ngay trong mùa Xuân mới nầy, để kinh nghiệm được một đời sống phước hạnh khi có Chúa làm Chủ là kỳ diệu làm sao!
Kính chúc mọi người một mùa Xuân mới với nhiều niềm vui và ơn lành từ Thiên Chúa ban cho!
(Mục Sư Nguyễn – Đình – Liễu)
Leave a Reply