5 cách đơn giản để chia sẻ đức tin trước mùa Thương Khó – Phục Sinh

Oneway.vn – Mùa Thương Khó và Phục Sinh nhắc chúng ta về tình yêu hy sinh và quyền năng phục sinh của Chúa Jêsus. Đấng đã chịu chết thay cho tội lỗi nhân loại và sống lại để ban sự sống đời đời cho những ai tin. Đây không chỉ là câu chuyện lịch sử – đó là nền tảng của đức tin Cơ Đốc và là nguồn hy vọng cho cả thế giới hôm nay.

Và trước khi thăng thiên về Trời, Chúa Jêsus đã truyền lại một sứ mạng lớn lao cho những người tin Ngài: “Vậy hãy đi dạy dỗ muôn dân, hãy nhân danh Đức Cha, Đức Con và Đức Thánh Linh mà làm báp-tem cho họ, và dạy họ giữ hết mọi điều mà Ta đã truyền cho các con” (Ma-thi-ơ 28:19-20a).

Vậy làm sao chúng ta có thể sống và chia sẻ đức tin ấy một cách thiết thực và đầy yêu thương trong mùa Phục Sinh này? Dưới đây là 5 cách đơn giản nhưng đầy ý nghĩa để bạn bắt đầu!?

1. Chia sẻ lời chứng của bạn

Một trong những cách mạnh mẽ nhất để chia sẻ đức tin chính là kể lại câu chuyện của chính bạn. Người ta có thể tranh luận về thần học, nhưng họ không thể phủ nhận trải nghiệm cá nhân về việc Chúa Jêsus đã thay đổi đời sống bạn như thế nào. Lời chứng dễ chạm đến lòng người vì nó cho thấy cuộc đời bạn đã được biến đổi tốt đẹp hơn kể từ khi có mối quan hệ với Chúa Jêsus.

Khi chia sẻ, hãy tập trung vào ba phần: cuộc sống của bạn trước khi biết Chúa, cách bạn gặp gỡ Ngài, và những thay đổi kể từ đó. Hãy giữ cho lời chứng đơn giản và chân thành. Bạn không cần phải có một biến cố lớn để có lời chứng ý nghĩa. Đôi khi, những lời chứng tuyệt vời nhất đến từ những con người bình thường, đã kinh nghiệm sự bình an sâu sắc và niềm vui thật khi biết Chúa Jêsus.

Nếu bạn không biết bắt đầu từ đâu, hãy cầu nguyện và xin Chúa hướng dẫn. Bạn có thể nói một điều đơn giản như:

“Trước đây tôi thường lo âu và sợ hãi, nhưng từ khi tin cậy Chúa Jêsus, tôi đã tìm được sự bình an mà trước đó tôi chưa từng biết đến.”

Những câu chuyện cá nhân như vậy dễ chạm đến lòng người, đặc biệt là những ai đang đối diện với những khó khăn tương tự.

Ngoài ra, hãy điều chỉnh lời chứng cho phù hợp với người nghe. Nếu người đối diện có thái độ hoài nghi, bạn có thể nhấn mạnh vào những thay đổi thiết thực trong đời sống – như tìm được ý nghĩa sống, được chữa lành cảm xúc, hay nhận được sự giúp đỡ từ Đức Chúa Trời trong lúc khó khăn. Nếu họ đang tìm kiếm hy vọng, hãy chia sẻ về tình yêu trọn vẹn và vô điều kiện của Chúa Jêsus.

Điều quan trọng nhất là chia sẻ với tình yêu và khiêm nhường. Như 1 Phi-e-rơ 3:15 nhắc nhở:

“Nhưng hãy tôn cao Đấng Christ là thánh, là Chúa trong lòng anh em. Luôn sẵn sàng để trả lời những kẻ chất vấn về niềm hi vọng trong anh em, nhưng phải ôn tồn và trân trọng”.

Mục tiêu không phải là chứng tỏ bạn tốt hơn người khác, mà là làm nổi bật ân điển của Đức Chúa Trời – điều dành cho tất cả mọi người. Hãy sẵn lòng lắng nghe câu hỏi, và khi người khác muốn biết thêm, hãy chỉ họ đến Hội Thánh, đến với Lời Chúa để cùng khám phá thêm về hành trình đức tin.


2. Mời người khác đến Hội Thánh

Lễ Phục Sinh là cơ hội dễ dàng để mời ai đó đến nhà thờ. Nhiều người sẵn sàng tham dự trong mùa này vì lý do truyền thống, tò mò, hoặc đang tìm kiếm một điều gì đó sâu xa hơn trong cuộc sống. Một lời mời từ bạn có thể là lý do khiến ai đó gặp gỡ Chúa Jêsus và bắt đầu mối quan hệ với Ngài.

Khi mời, hãy chân thành và thân thiện. Bạn không cần tạo áp lực. Một lời mời nhẹ nhàng như:

“Hội Thánh mình sẽ có chương trình Phục Sinh rất đặc biệt, bạn có muốn đi cùng mình không?”
…có thể mở ra cuộc trò chuyện đầy ý nghĩa.

Nếu họ ngần ngại, hãy trấn an rằng họ được chào đón. Cho họ biết không cần mặc đồ đẹp hay có kinh nghiệm đi nhà thờ trước đó. Bạn có thể hẹn gặp và ngồi cùng để họ thấy thoải mái hơn.

Hãy chia sẻ thông tin giờ nhóm, địa điểm hoặc gửi liên kết trang web/mạng xã hội của Hội Thánh để họ tìm hiểu trước. Một số người cảm thấy yên tâm hơn khi biết trước những gì sẽ diễn ra. Nếu họ từ chối, hãy tôn trọng quyết định và giữ cánh cửa mở. Chỉ cần được mời cũng đã gieo một hạt giống trong lòng họ.

Hê-bơ-rơ 10:25 khích lệ chúng ta:

“Chớ bỏ sự nhóm lại như mấy kẻ quen làm, nhưng phải khuyên bảo nhau; nếu anh em thấy ngày của Chúa càng gần chừng nào thì càng phải làm như vậy chừng nấy”.

Hội Thánh không chỉ là một buổi nhóm, mà là cộng đồng cùng nhau lớn lên trong đức tin và khích lệ nhau. Khi bạn mời ai đó, bạn không chỉ mời họ đến một sự kiện – bạn đang mời họ bước vào không gian có thể gặp gỡ tình yêu của Đức Chúa Trời cùng bạn. Nếu họ đồng ý đi, hãy theo sát và hỏi cảm nhận của họ sau đó. Nếu họ thích hoặc có thắc mắc, bạn có thể tiếp tục trò chuyện về đức tin.


3. Cầu nguyện cho nhau và cùng nhau

Lời cầu nguyện trực tiếp cho thấy bạn thật sự quan tâm đến người khác và tin rằng Đức Chúa Trời hiện diện trong đời sống họ. Nhiều người – kể cả những người không theo tôn giáo – vẫn cảm kích khi được cầu nguyện cho.

Khi bạn nghe một người bạn, đồng nghiệp, hay người thân chia sẻ về khó khăn – như bệnh tật, căng thẳng, hoặc mối quan hệ rạn nứt – hãy đề nghị cầu nguyện cho họ. Bạn có thể nói:

“Tuần này mình sẽ cầu nguyện cho bạn. Có điều gì cụ thể bạn muốn mình cầu thay không?”

Điều này có thể dẫn đến những cuộc trò chuyện sâu sắc hơn về đức tin.

Sẽ càng ý nghĩa hơn nếu bạn có thể cầu nguyện ngay lúc đó. Dù lúc đầu có thể thấy ngại, nhưng nhiều người cảm thấy được an ủi khi có ai đó cầu nguyện to cho họ.

Bạn không cần nói những lời hoàn hảo – chỉ cần nói điều gì chân thành. Một lời cầu nguyện ngắn cũng có thể để lại ấn tượng lâu dài, ví dụ:

“Lạy Chúa, xin ban sự bình an và an ủi cho [tên] trong hoàn cảnh họ đang trải qua. Xin cho họ cảm nhận tình yêu và sự dẫn dắt của Ngài. Amen.”

Bạn có thể khích lệ họ rằng Đức Chúa Trời quan tâm đến từng phần trong đời sống họ. Phi-líp 4:6 nói:

“Chớ lo phiền chi hết, nhưng trong mọi sự hãy dùng lời cầu nguyện, nài xin, và sự tạ ơn mà trình các sự cầu xin của mình cho Đức Chúa Trời”.

Cầu nguyện là cách để mời Chúa bước vào mọi lĩnh vực đời sống – và cũng khích lệ người khác làm điều tương tự.

Bạn cũng có thể biến việc cầu nguyện thành thói quen hằng ngày. Trong những ngày trước Lễ Phục Sinh, hãy lập danh sách những người bạn muốn cầu nguyện cho. Mỗi sáng, cầu xin Chúa bày tỏ tình yêu và lẽ thật của Ngài cho họ. Nếu thích hợp, hãy nói cho họ biết rằng bạn đang cầu nguyện cho họ – điều này có thể đem đến sự khích lệ lớn trong mùa Phục Sinh này.


4. Sống đời sống đức tin qua những hành động tử tế

    Đôi khi, lời chứng mạnh mẽ nhất không nằm ở những gì bạn nói, mà ở cách bạn sống. Chúa Jêsus không chỉ giảng dạy về tình yêu – Ngài bày tỏ tình yêu ấy qua hành động bằng việc phục vụ và chăm sóc người khác. Hãy suy nghĩ về cách bạn có thể phản chiếu tình yêu của Chúa Jêsus qua những hành động tử tế có chủ đích trong những ngày trước mùa Thương Khó – Phục Sinh. Ngay cả những hành động nhỏ cũng có thể tạo ra ảnh hưởng lớn trong cuộc sống người khác và cho họ thấy bạn đang thực sự sống đúng với những gì mình rao giảng.

    Tìm cách để phục vụ mọi người trong cuộc sống hằng ngày: mua cà phê cho một người lạ, để lại lời nhắn khích lệ cho đồng nghiệp, hay giúp hàng xóm dọn dẹp sân vườn. Nếu bạn biết ai đó đang trải qua khủng hoảng, hãy gửi tin nhắn quan tâm, mang một bữa ăn đến, hoặc đơn giản chỉ là hiện diện để lắng nghe.

    Khi người khác chú ý đến sự tử tế của bạn và hỏi vì sao bạn làm vậy, đó chính là cơ hội để bạn chia sẻ đức tin. Bạn không cần giải thích dài dòng – chỉ cần nói đơn giản như: “Tôi tin rằng Chúa Jêsus đã bày tỏ quá nhiều tình yêu cho tôi, và tôi cũng muốn chia sẻ tình yêu đó với người khác”. Những điều này có thể dẫn đến những cuộc trò chuyện sâu sắc hơn về ý nghĩa của mùa lễ Thương Khó – Phục Sinh.

    Trong Ma-thi-ơ 5:16, Jêsus nói: “Cũng vậy, ánh sáng của các con phải chiếu sáng trước mặt mọi người, để họ thấy những việc làm tốt đẹp của các con và ca ngợi Cha các con ở trên trời”. Khi bạn phục vụ bằng tình yêu và sự khiêm nhường, người khác không chỉ thấy một việc tốt – họ thấy hình ảnh phản chiếu của Jêsus.

    Một cách tuyệt vời khác để sống đức tin qua lòng tử tế là tham gia các công tác thiện nguyện. Nhiều Hội Thánh và tổ chức cộng đồng thường tổ chức các hoạt động phục vụ trong mùa Phục Sinh như phân phát thực phẩm hay dọn dẹp khu phố. Tham gia những sự kiện đó không chỉ giúp ích cho người khác, mà còn tạo điều kiện tự nhiên để bạn chia sẻ lý do vì sao mình làm điều đó.

    5. Chia sẻ đức tin qua mạng xã hội

      Mạng xã hội là công cụ mạnh mẽ để chia sẻ Phúc Âm, và Lễ Thương Khó – Phục Sinh là dịp đặc biệt để bạn sử dụng nó một cách đầy ý nghĩa. Dù bạn sử dụng Facebook, Instagram, hay X, những bài đăng của bạn có thể chạm đến những người mà bình thường không có cơ hội nghe về Chúa Jêsus. Bí quyết là hãy chia sẻ cách chân thật và có chủ đích.

      Hãy thử đăng các câu Kinh Thánh, những suy ngẫm cá nhân hoặc cảm nghĩ về ý nghĩa của Lễ Phục Sinh đối với bạn trong những ngày dẫn đến lễ. Bạn không cần viết một bài giảng – chỉ cần chia sẻ từ trái tim mình.

      Bạn có thể kể lại một khoảnh khắc khi bạn cảm nhận rõ sự hiện diện của Đức Chúa Trời, hoặc giải thích vì sao sự phục sinh của Chúa Jêsus mang đến hy vọng cho bạn. Thi Thiên 96:3 khích lệ: “Hãy thuật lại vinh quang Ngài giữa các nước,
      Công bố những việc diệu kỳ của Ngài cho muôn dân”
      . Mạng xã hội cho bạn cơ hội làm chính điều đó – tiếp cận cả những người ở xa bạn.

      Bạn cũng có thể chia sẻ một bài hát thờ phượng yêu thích, hoặc đăng một lời cầu nguyện đơn giản cho bạn bè và người theo dõi. Đôi khi, một câu chân thành như: “Mùa Phục Sinh này, tôi được nhắc nhở về tình yêu lớn lao mà Chúa đã dành cho chúng ta. Nếu bạn chưa từng tìm hiểu về ý nghĩa thật sự của mùa Thương Khó – Phục Sinh, tôi rất sẵn sàng trò chuyện cùng bạn và mời bạn đến với chương trình Thương Khó – Phục Sinh tại Hội Thánh…” – cũng có thể mở ra những cuộc trò chuyện sâu sắc.

      Một ý tưởng khác là làm video ngắn chia sẻ ý nghĩa của Lễ Phục Sinh, một lời chứng mạnh mẽ, hoặc đăng ảnh kèm câu trích dẫn truyền cảm hứng về Chúa Jêsus. Nếu Hội Thánh bạn có chương trình online hay sự kiện Phục Sinh, hãy chia sẻ liên kết mời với dòng caption ấm áp như: “Hội Thánh của tôi sẽ có buổi nhóm Phục Sinh rất đẹp vào Chúa nhật này. Nếu bạn đang tìm kiếm hy vọng trong mùa này, bạn rất được chào đón!”.

      Nhưng hãy nhớ rằng mục tiêu không phải là tranh luận hay gây áp lực để người khác tin – mà là chia sẻ lẽ thật bằng tình yêu và ân điển. Người ta bị thu hút bởi những lời chia sẻ chân thật và dễ cảm, chứ không phải bởi những cuộc tranh cãi. Hãy giữ giọng điệu tích cực, và tin rằng Đức Chúa Trời sẽ dùng lời nói của bạn để chạm đến đúng người.

      Rốt lại, những ngày trước mùa lễ Thương Khó – Phục Sinh là khoảng thời gian tuyệt vời để chia sẻ đức tin, vì rất nhiều người đang sẵn lòng tìm hiểu thêm về Chúa Jêsus. Vì thế, đừng ngần ngại nói về mối quan hệ của bạn với Ngài và sống ra thông điệp Phúc Âm bằng cách bày tỏ tình yêu của Ngài. Mỗi nỗ lực nhỏ bạn làm có thể tạo ra ảnh hưởng lớn, vì quyền năng của Đức Chúa Trời sẽ hành động qua bạn. Bạn không cần phải có tất cả câu trả lời – bạn chỉ cần sẵn sàng chia sẻ niềm hy vọng bạn tìm thấy nơi Cứu Chúa Jêsus. Khi bạn bước đi bởi đức tin, hãy tin rằng Đức Chúa Trời sẽ dùng lời nói và hành động của bạn để dẫn dắt người khác đến gần Ngài hơn trong mùa Thương Khó – Phục Sinh năm nay!

      Bài: Whitney Hopler; dịch: DN
      (Nguồn: crosswalk.com)


      Posted

      in

      by

      Tags:

      Comments

      Leave a Reply

      Your email address will not be published. Required fields are marked *