Oneway.vn – Tôi tin rằng phép lạ là có thể. Vậy tại sao tôi không mong đợi chúng?

Là một Gen Z – thế hệ lớn lên cùng điện thoại thông minh – tôi không nhận ra điện thoại đang làm suy yếu đời sống tâm linh ra sao cho đến khi tôi phải từ bỏ nó. Khoảnh khắc đó đến khi tôi tốt nghiệp trung học và đăng ký vào Trường Truyền giáo Quốc tế Summit, một trường Kinh Thánh ở vùng nông thôn Pennsylvania yêu cầu sinh viên phải cất điện thoại vào hộp khóa để không xao nhãng và tập chú vào Chúa. Trong hai năm, khi còn ở trường, sinh viên không được phép sử dụng điện thoại.
Kết quả là một vài ngày triệu chứng cai nghiện, tiếp theo là bốn học kỳ đầu óc tỉnh táo và nhiều giờ dành cho sự thờ phượng Chúa và các hoạt động sáng tạo – sinh viên bắt đầu tham gia các câu lạc bộ, trình bày tiểu phẩm, viết bài hát và quan trọng nhất là đắm mình trong sự hiện diện của Chúa như chưa từng có trước đây. Nói vui rằng, một người giám sát ký túc xá trong Trường Kinh Thánh của tôi gọi các thiết bị công nghệ là “Pha-ra-ôn Điện thoại”. Lệnh của Chúa đối với Pha-ra-ôn có lẽ có thể áp dụng cho điện thoại thông minh: “… Hãy để cho dân Ta đi, để chúng phụng sự Ta…” (Xuất Ê-díp-tô Ký 9:1).
Sau một thời gian dài sống không điện thoại, tôi nhận ra mình đã để nó đánh cắp niềm vui, sự chú tâm và các tương tác thiêng liêng trong đời sống. Tôi đã tránh những sự kêu gọi, thôi thúc từ Đức Thánh Linh, nhấn chìm sự bất an của mình trong việc lướt web và xem phim liên tục, và bỏ qua những lợi ích của “… ơn cứu rỗi lớn dường ấy…” (Hê-bơ-rơ 2:3). Một lợi ích của sự cứu rỗi đó là đời sống trọn vẹn trong Lời Chúa.
Môi trường không điện thoại cho phép sinh viên Summit đào sâu vào Lời Chúa là ngoại lệ. Đối với hầu hết những người trẻ tuổi, thời đại kỹ thuật số đã tạo ra một thế giới thù địch với việc đọc nói chung và việc đọc Kinh Thánh nói riêng.
Thế hệ mất tập trung
Mặc dù có ít số liệu thống kê về việc Thế hệ Z gặp khó khăn trong việc hiểu Kinh Thánh, chúng ta có thể suy ra sự khó khăn đó từ kinh nghiệm và thực tế của thế giới kỹ thuật số.
Một nghiên cứu năm 2022 cho thấy sự suy giảm mạnh về khả năng đọc viết ở các quốc gia có thanh thiếu niên tham gia nhiều vào “trò chuyện trực tuyến”. Jonathan Haidt lưu ý rằng thanh thiếu niên Mỹ trung bình dành khoảng bảy giờ mỗi ngày để sử dụng điện thoại giải trí – gần như là một công việc toàn thời gian. Nicholas Carr cảnh báo hành vi như vậy hình thành các con đường dopamine khiến việc đọc trở nên nhàm chán. Thật vậy, bản chất hời hợt của việc đọc trực tuyến khiến người viết phải sử dụng ít từ hơn, lập luận đơn giản hơn và danh sách có dấu đầu dòng để giữ sự chú ý của độc giả.
Cuộc sống trực tuyến không chỉ làm xói mòn khả năng đọc mà còn làm biến dạng cách chúng ta đọc theo kiểu làm lộn xộn trang web bằng các liên kết, thông báo và tiện ích. Trong một nghiên cứu, những người tham gia thấy khó nhớ lại những gì họ đã đọc khi số lượng liên kết trong một bài viết tăng lên. Và nghiên cứu của Nielsen cho thấy rằng những người đọc trực tuyến không thực sự đọc: Họ lướt qua và “duyệt nhanh”.
Giải pháp thực tế
Sau khi tốt nghiệp trường Kinh Thánh với nhiều tháng sống không điện thoại, tôi không thể không thấy công nghệ đã hủy hoại tư duy đọc hiểu vốn đã hỗ trợ các Cơ Đốc nhân trong nhiều thế kỷ trong việc nghiên cứu những cuốn sách vĩ đại nhất. Tôi quyết định mình không thể quay lại đời sống tràn ngập màn hình, và tôi cầu nguyện để tìm cách đào sâu trải nghiệm của mình về Đấng Christ mà không cần công nghệ.
Sau đây là ba bước tôi muốn khuyến khích mọi người thuộc thế hệ Z cân nhắc khi tìm cách tạo không gian cho niềm vui sống động từ Lời Chúa:
1. Sống tối giản
Sự xao lãng có nhiều hình thức, và chúng ta chỉ có thể thấy được mức độ ảnh hưởng đầy đủ của chúng khi loại bỏ chúng hoàn toàn khỏi đời sống mình. Tại Summit, sinh viên đã học được giá trị của việc suy ngẫm về Kinh Thánh mà không có gì ngoài Chúa Thánh Linh hướng dẫn họ. Các bình luận trực tuyến, những người có ảnh hưởng đến Cơ Đốc giáo, và thậm chí cả những bài viết như thế này đều vắng bóng một cách tuyệt vời, điều này đã thúc đẩy sinh viên bước vào ranh giới mới của sự tuân phục.
Chúng tôi đã học được giá trị của việc học Kinh Thánh mà không có các thiết bị kêu gào cần sự chú ý của chúng ta. Ngay cả khi điện thoại thông minh đã tắt nguồn, Hội chứng sợ bỏ lỡ (FOMO) phát ra từ nó đã được chứng minh là làm tê liệt sự tập trung. Và các sản phẩm của các ông trùm công nghệ Thung lũng Silicon thường làm tê liệt sự thánh hóa từ Chúa của muôn chúa, làm ô uế tâm trí chúng ta thay vì đổi mới chúng (Rô-ma 12:2).
Việc chọn chiếc điện thoại có màn hình nhỏ hơn và ít ứng dụng hơn giúp tâm trí bình tĩnh và giúp tôi tận hưởng việc đọc sách buổi sáng mà không phải lo lắng về tin nhắn và email đến – hoặc mặc định là Google thay vì Đức Thánh Linh khi có điều gì đó không hợp lý.
2. Đọc bản in
Andrew Murray, tác giả của cuốn sùng đạo được yêu thích Abide in Christ – Gắn chặt vào Đấng Christ, là học giả người Hà Lan đã xuất bản 240 cuốn sách và bài luận. Charles Spurgeon đọc sáu cuốn sách đồ sộ mỗi tuần và viết 150 cuốn trong suốt cuộc đời. Billy Graham đã từng nói nếu ông có thể làm lại chức vụ của mình, ông sẽ “nói ít hơn và học nhiều hơn”. Tim Dilena, mục sư trưởng của Hội Thánh Times Square – Hội Thánh mẹ của Summit – đã tặng hàng nghìn cuốn sách cho trường từ thư viện cá nhân của mình. Tất cả những người nam này có điểm chung gì? Tình yêu đọc sách đã khiến họ trở thành những học viên Kinh Thánh giỏi hơn.
Có thể chắc chắn rằng thế hệ tôi sẽ tiếp tục vật lộn để đọc và hiểu Kinh Thánh nếu việc đọc không phải là một phần bình thường trong đời sống. Đọc là chìa khóa để mở ra kho tàng kiến thức, nền tảng của kho tàng đó là Kinh Thánh. Nhưng nếu không có chìa khóa, Kinh Thánh – và thanh gươm hai lưỡi của sức mạnh tâm linh bên trong nó (Hê-bơ-rơ 4:12) – sẽ không thể tiếp cận được với chúng ta như thể Anh em nhà Karamazov hay Hành trình của người hành hương – The Pilgrim’s Progress.
Đối với những người muốn tăng khả năng tập trung, việc đọc sách, báo hoặc tạp chí thực sự sẽ giúp rèn luyện lại não bộ (và tai) để thưởng thức âm nhạc của ngôn ngữ. Có thể mượn tạp chí và báo từ hầu hết các thư viện địa phương và những người bán như Thriftbooks cung cấp sách cũ với giá rẻ. Đối với những người muốn mang Kinh Thánh mọi lúc mọi nơi, Kinh Thánh bỏ túi là lựa chọn tuyệt vời. Mặc dù các ứng dụng Kinh Thánh là một nguồn tài nguyên tốt, nhưng việc đọc thông thường mà chúng truyền cảm hứng có thể không có lợi cho việc học tập có kỷ luật hơn; đọc một “câu Kinh Thánh trong ngày” không giống như nghiền ngẫm một chương của sách Lu-ca.
3. Cân nhắc sử dụng công nghệ hợp lý
Không nghi ngờ gì nữa, sự suy giảm lịch sử về số lượng người tham gia Kinh Thánh – từ 71 triệu vào năm 2020 xuống còn 47 triệu vào năm 2024.
Thế hệ tôi sẽ tiếp tục gặp khó khăn trong việc đọc và hiểu Kinh Thánh nếu việc đọc không phải là một phần bình thường trong đời sống chúng ta.
Vậy hãy đi bộ thật lâu. Đừng trả lời mọi tin nhắn ngay. Từ chối dành mọi khoảnh khắc rảnh rỗi để nghe podcast hoặc kiểm tra tin tức (tôi phạm lỗi này!). Để dành không gian cho việc tuân theo Lời Chúa, trước tiên chúng ta phải từ chối sự sao nhãng. Chúng ta phải học cách làm như người viết Thi Thiên đã làm: “Con đã làm cho linh hồn con êm dịu, an tịnh, như đứa trẻ đã thôi bú bên mẹ mình; Linh hồn ở trong con cũng như đứa trẻ thôi bú vậy.” (Thi Thiên 131:2).
Khi chúng ta cân nhắc việc thay đổi mối quan hệ của chúng ta với công nghệ có thể cải thiện mối quan hệ của chúng ta với Chúa Jêsus như thế nào, thì những lời của Alyosha trong Anh em nhà Karamazov chứng minh là có tính hướng dẫn: “Tôi muốn sống cho sự sống đời đời, và tôi sẽ không chấp nhận bất kỳ sự thỏa hiệp nào.” Hãy sống khác đi. Hãy sống vì sự sống đời đời.
Bài: Ben LeBlanc; Dịch: Esther Thùy Trang
(Nguồn: thegospelcoalition.org)
Leave a Reply