Thói quen dùng điện thoại của bạn đang âm thầm định hình thế giới quanh bạn

Oneway.vn – Tôi đang chậm rãi đọc lại A Web of Our Own Making của Antón Barba-Kay, một trong những cuốn sách sâu sắc nhất những năm gần đây về cách kỷ nguyên kỹ thuật số đang định hình lại nền văn minh nhân loại.

Ảnh: photoAC

Một điểm then chốt của cuốn sách là: vì con người vốn gắn kết với nhau, nên tác động của cuộc cách mạng kỹ thuật số trở thành điều không thể né tránh. Dù có cố gắng tránh xa đời sống trực tuyến, chúng ta vẫn đang sống trong một thế giới đã bị kỹ thuật số hóa sâu sắc.

Một ý tưởng quan trọng khác cũng nổi bật: con người ngày càng có xu hướng thay đổi cả môi trường vật lý – từ thân thể đến các mối quan hệ – sao cho phù hợp với chuẩn mực của thế giới kỹ thuật số. Tương lai không chỉ là việc mọi người đắm chìm trong metaverse do AI chi phối, mà còn là một thế giới nơi việc “nhào nặn” thân thể và không gian xung quanh theo những hình ảnh kỹ thuật số mong muốn trở nên bình thường, thậm chí được coi là điều tất yếu. Thế giới trực tuyến giờ đây đã trở thành tiêu chuẩn cho chính đời sống thực.

Bạn có thể nghĩ: Điều này không ảnh hưởng đến tôi. Tôi có thể chọn không tham gia. Tôi chỉ cần đăng xuất.

Nhưng đáng tiếc, văn hóa xã hội không vận hành theo cách đó. Sự ra đời của truyền hình đã thay đổi diễn ngôn công cộng ngay cả đối với những người chưa từng sở hữu một chiếc TV. Mạng xã hội đã thu gọn những cuộc tranh luận chính trị thành những đoạn clip ngắn và câu nói dễ nhớ.

Ngay cả khi bạn chưa bao giờ xem Hội Thánh của mình phát trực tuyến, sự hiện diện của camera ghi hình cũng thay đổi toàn bộ trải nghiệm – từ người giảng nhận thức mình đang nói với cả một khán giả vô hình, đến ban thờ phượng điều chỉnh cách dẫn lễ cho phù hợp với việc phát sóng, và cả các tín hữu ngồi dưới nhận ra khoảnh khắc thờ phượng của mình có thể bị máy quay ghi lại.

Không ai đứng bên ngoài sự ảnh hưởng

Khi một công nghệ mới lan rộng, không ai có thể đứng ngoài ảnh hưởng của nó. Brad Littlejohn trong bài viết Narcissus in Public đã kể lại một trải nghiệm ấn tượng: trong kỳ nghỉ Giáng Sinh, ông đưa gia đình đến sân trượt băng ở Vườn Điêu Khắc của National Gallery. Tại đây, họ bắt gặp một nhóm cô gái trẻ chỉ xem sân băng như phông nền để chụp ảnh đăng Instagram. Những người khác phải né tránh họ, quay mặt đi trước sự hở hang, hoặc miễn cưỡng điều chỉnh trải nghiệm của mình để tránh va chạm.

Littlejohn viết:

“Những cô gái trẻ ấy đã nhìn sân băng không còn như một phần của thế giới vật lý, mà chỉ như một tấm phông lý tưởng cho việc xây dựng hình ảnh cá nhân trên mạng. Họ đang tự biến dạng những điều tốt đẹp nhất trong chính mình để phù hợp với môi trường kỹ thuật số.”

Một hành động tưởng như cá nhân – chụp ảnh tự sướng, xây dựng hình ảnh – lại thay đổi trải nghiệm chung của tất cả mọi người.
Chúng ta nghĩ rằng thói quen sử dụng điện thoại chỉ ảnh hưởng đến riêng mình. Nhưng khi hàng triệu người ưu tiên màn hình hơn thế giới xung quanh, hệ quả sẽ lan tỏa rộng khắp.

Mỗi lần bạn chia đôi sự chú ý giữa điện thoại và thực tại, không chỉ kỳ vọng cá nhân của bạn thay đổi mà còn tác động đến xã hội quanh bạn.

Littlejohn nhận xét thêm:

“Không chỉ chúng tôi phải đổi hướng trượt băng để tránh va vào họ, mà sâu xa hơn, bầu không khí của cả không gian đã bị thay đổi. Thay vì cảm thấy mình đang hiện diện trong một không gian công cộng thực sự, bạn luôn có cảm giác mình đang xâm phạm vào điều gì đó riêng tư – hoặc lẽ ra nên riêng tư.”

Cấu trúc cho phép đã thay đổi

Bạn có thể đã gặp hiện tượng này ở nhiều nơi khác.

Nếu bạn đang leo núi với bạn bè, tận hưởng thiên nhiên và trò chuyện rôm rả, chỉ cần một người rút điện thoại ra chụp ảnh để đăng mạng xã hội, bầu không khí lập tức đổi khác. Cảnh vật không còn chỉ là cảnh vật; nó trở thành “nguyên liệu” cho nội dung số. Chuyến đi không còn chỉ dành cho bạn và bạn bè, mà mở ra cho cả thế giới đánh giá và bàn luận.

Tương tự, trong một cuộc họp kinh doanh, chỉ cần một vài người mở điện thoại hoặc laptop, cấu trúc kỳ vọng trong phòng họp lập tức thay đổi. Sự hiện diện trọn vẹn không còn được mong đợi. Dù bạn cố gắng tập trung, sự phân tâm đã trở thành điều không thể tránh khỏi.

Và trong Hội Thánh thì sao?
Nếu bạn nhìn quanh và thấy ai đó đang lướt Instagram giữa bài giảng, bạn sẽ cảm nhận rõ sự thay đổi bầu không khí.
Sự chú tâm trọn vẹn vào Lời Chúa không còn là điều mặc định. Mọi người dễ dàng chấp nhận việc lơ là, nghe rời rạc.

Littlejohn nhấn mạnh:

“Điều khó chịu nhất của các vấn đề hành động tập thể là: ngay cả khi bạn kiên quyết không chạy theo xu hướng, bạn vẫn không thoát khỏi hậu quả. Nếu tôi kiên trì không cúi đầu vào điện thoại, thì thứ duy nhất tôi thấy quanh mình chỉ là… đỉnh đầu của những người đang mải mê với màn hình.”

Giành lại sự hiện diện

Chúng ta gắn bó với nhau nhiều hơn ta tưởng.
Khi tôi đang giúp con trai làm bài tập, hoặc trò chuyện với con gái, nhưng lại để mình bị phân tâm bởi điện thoại, tôi vô tình gửi đi một thông điệp: Khoảnh khắc này không xứng đáng để tôi hiện diện trọn vẹn. Tệ hơn: Con không đủ quan trọng với ba.
Khi tôi vừa xem phim cùng các con vừa tranh thủ kiểm tra email, trải nghiệm đó không chỉ thay đổi với tôi, mà còn với các con.

Nguyên tắc Phao-lô nhắc nhở trong I Cô-rinh-tô 10:23–24 vẫn còn nguyên giá trị:
Mọi sự đều có phép làm nhưng chẳng phải mọi sự đều có ích; mọi sự đều có phép làm, nhưng chẳng phải mọi sự đều làm gương tốt. Chớ ai tìm lợi riêng cho mình, nhưng ai nấy hãy tìm cho kẻ khác”.

Là Cơ Đốc nhân, chúng ta không thể chỉ nghĩ đến mình.
Thói quen dùng điện thoại của bạn không bao giờ chỉ ảnh hưởng đến bạn. Các lựa chọn kỹ thuật số của bạn phản ánh ưu tiên thật sự trong lòng bạn.
Nếu không chủ động soi mình trong gương và cùng nhau thiết lập những khoảng không gian, thời gian tự do khỏi sự phân tâm, chúng ta sẽ dần bị cuốn trôi theo dòng suy thoái văn hóa – một dòng chảy âm thầm nhưng đầy sức mạnh.

Lựa chọn trước mắt chúng ta không đơn giản chỉ là: dùng điện thoại nhiều hay ít.
Mà là: liệu chúng ta có thật sự hiện diện trọn vẹn và ý thức rằng, những quyết định cá nhân của mình đang âm thầm tác động đến cả cộng đồng xung quanh hay không.


Bài: Trevin Wax; dịch: SD
(Nguồn: thegospelcoalition.org)


Posted

in

by

Tags:

Comments

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *