Oneway.vn – Đây là bài viết về môi trường do Ennifer, sinh viên năm thứ hai trường Đại học Portland (OR), đăng trên website christianitytoday.com
Đức Chúa Trời giao phó cho chúng ta chăm sóc của các tạo vật của Ngài.
Môi trường sống của chúng ta là một trong những minh họa vĩ đại nhất về quyền năng của Đức Chúa Trời. Từ
môi trường
hàm chứa tất cả những gì tốt đẹp và tuyệt vời nhất về công việc của Đức Chúa Trời. Môi trường là sự sáng tạo của Ngài, một nguồn tài nguyên thánh khiết và quý giá mà Ngài đã giao phó cho nhân loại chăm sóc và sử dụng một cách khôn ngoan. Đức Chúa Trời đòi hỏi cả nhân loại phải là quản gia môi trường trong Sáng Thế Ký 1:28, khi Ngài phán với A-đam và E-va: “Hãy sanh sản, thêm nhiều, làm cho đầy dẫy đất; hãy làm cho đất phục tùng, hãy quản trị loài cá dưới biển, loài chim trên trời cùng các vật sống hành động trên mặt đất.”
Không phải lúc nào tôi (và ngay cả chúng ta – người biên tập) cũng hiểu ý nghĩa của thông điệp nầy, tuy nhiên tôi đấu tranh với ý nghĩ rằng, Chúa muốn chúng ta phải “làm cho đất phục tùng” và “quản trị” tất cả các vật sống hành động trên mặt đất là Ngài bảo với chúng ta rằng, chúng ta có thể làm mọi điều chúng ta muốn với tạo vật của Ngài mà không cần phải suy nghĩ về hậu quả của nó. Ý tưởng về việc Chúa ban cho chúng ta một món quà, đặc biệt là món quà không tưởng, chẳng hạn như trái đất này cùng tất cả vật sống và rồi cho phép chúng ta sử dụng uy quyền của mình một cách ích kỷ và bất cẩn, thì dường như không phải là vậy. Khi tôi thấy được ngày hôm nay, cái giá mà môi trường đang trả cho chúng ta khi chúng ta quản trị trên sự sáng tạo của Đức Chúa Trời theo cách này, thì tôi tự hỏi tại sao Chúa lại phán những lời này với A-đam và E-va và ban cho chúng ta uy quyền này.
Khi mà sự quan ngại của tôi về những con sông và đại dương bị ô nhiễm, bãi rác hình thành theo cấp số nhân, rừng và môi trường hoang dã bị thu hẹp, thì tôi nghĩ đây có phải là cách mà Đức Chúa Trời hoạch định cho chúng ta làm cho đất phục tùng? Ngài có thật sự muốn chúng ta quản trị sự sáng tạo của Ngài theo cách này không? Tôi đã sớm nhận ra rằng, cách mà chúng ta sống ngày hôm nay hoàn toàn không phải là điều mà khi xưa Đức Chúa Trời muốn chúng ta sống, khi Ngày ban sứ điệp quan trọng này cho A-đam và Ê-va. Đức Chúa Trời không ban cho loài người mệnh lệnh sử dụng tạo vật của Ngài theo cách muốn ích kỷ của chúng ta, cũng không muốn chúng ta không suy nghĩ về hậu quả trong tương lai. Ngài ban cho chúng ta một thách thức, đó là tiếp nhận sự sáng tạo vĩ đại và tuyệt vời của Ngài và sử dụng nó một cách khôn ngoan, cẩn thận và quý trọng. Chúa muốn ban cho chúng ta một cơ hội, để chứng tỏ với Ngài rằng, chúng ta có thể quản trị sự sáng tạo của Ngài y như cách Ngài quản trị chúng ta đó là: nhẫn nại và dịu dàng. Ngài ban cho chúng ta những điều tốt đẹp không thể tả xiết và hữu ích, để xem chúng ta có thể quản trị món quà của Ngài như là người đầy tớ quản trị, thờ phượng Đức Chúa Trời và ân sủng của Ngài trong mọi cách không.
Chúng ta đã thất bại khi đối diện với thách thức này. Tình trạng về môi trường của chúng ta ngày nay không phải là tình trạng mà đầy tớ Đức Chúa Trời được phép đối đãi với món quà của Ngài như vậy. Là Cơ Đốc nhân, tôi quan ngại về tình trạng môi trường bởi nhiều lý do. Trong niềm tin và trong suy nghĩ, tôi tin rằng chúng ta đang xa lánh trách nhiệm Đức Chúa Trời giao phó cho chúng ta, chúng ta đang ngoảnh mặt với thách thức và lạm dụng món quà quý giá của Ngài. Chúng ta không giống như quản gia của trái đất, chúng ta giống như những kẻ bóc lột trái đất.
Một lý do khác khiến tôi quan ngại về tình trạng môi trường nhìn từ quan điểm một Cơ Đốc nhân đó là con người với lòng tham đang phá hủy sự sáng tạo của Đức Chúa Trời, cũng như phá hoại cuộc sống của người khác, ngay cả ở hiện tại và tương lai. Là Cơ Đốc nhân, tôi phải có trách nhiệm quan tâm tới những chuyện xảy ra với mọi người, không chỉ cho bản thân mà còn cho những người khác nữa. Điều đó có nghĩa là, tôi cũng phải có trách nhiệm đảm bảo rằng thế giới này là nơi che chở tất cả các con cái của Đức Chúa Trời. Hiện nay cách mà nhiều người trong chúng ta sống, ngay cả tôi, là cách sống mà chúng ta không thể đo lường được trách nhiệm của chúng ta đối với môi trường. Một mặt, tôi cố gắng tái chế và làm mọi thứ có thể thành phân hữu cơ (phân xanh), mặc khác tôi lại vẫn muốn mình ở trong môi trường dễ dàng hơn và thoải mái hơn, và như thế tôi không thể hoàn thành tốt nhất trách nhiệm của mình như một người quản gia quản trị sự sáng tạo của Đức Chúa Trời. Nếu được lựa chọn, tôi muốn lái xe đi đâu đó hơn là ngồi xe buýt hay tàu lửa, bởi vì lái xe nhanh hơn và ít rắc rối hơn. Tôi biết việc sử dụng phương tiện công cộng tốt hơn cho môi trường, nhưng tôi thường hay buông xuôi trước sự ích kỷ của bản thân và chọn cách nhanh hơn, dễ hơn để đi lại.
Cách tôi sống không phải là đời sống đơn sơ, khiêm nhường tận hiến mà Đức Chúa Trời muốn nơi tôi. Cũng giống như nhiều Cơ Đốc nhân hoặc không phải là Cơ Đốc nhân, tôi sống một cách vị kỷ, quá độ. Mặc dầu tôi cố gắng làm một vài điều nhỏ nhặt để tiết kiệm năng lượng và tài nguyên thiên nhiên, chẳng hạn như luôn luôn tắt đèn khi không có nhu cầu, sử dụng giấy đã in một mặt để nháp và dùng nước vừa đủ, thì tôi biết mỗi ngày tôi vẫn sử dụng nhiều năng lượng và tài nguyên hơn phần lớn những người đang sống ở các nước đang phát triển. Tôi biết tôi đã mua những sản phẩm từ nền công nghiệp làm ô nhiễm đất và nguồn nước trong quá trình sản xuất. Tôi biết thực phẩm mà tôi mua bị phun thuốc trừ sâu, phun thuốc diệt cỏ để làm cho nó trông tươi ngon. Như đã trình bày ở trên, tôi biết rằng những hành động này đang góp phần phá hủy môi trường, phá hủy món quà từ Đức ChúaTrời ban cho chúng ta.
Có nhiều cách mà tôi có thể bày tỏ mối quan ngại của tôi đối với môi trường và thể hiện trách nhiệm sống như là một quản gia quản trị sự sáng tạo của Đức Chúa Trời. Tôi có thể hành động để giải quyết những nan đề của tôi chẳng hạn như sử dụng các sản phẩm và thực phẩm mà tôi biết chúng có tính bảo vệ môi trường, dành thời gian để nghiên cứu về các công ty và hoạt động của họ và tìm ra những nhãn hiệu tôi có thể tin tưởng là họ ưu tiên bảo vệ môi trường trong quá trình sản xuất. Tôi cũng có thể bày tỏ mối quan ngại của mình về môi trường bằng cách nói chuyện với những Cơ Đốc nhân khác về trách nhiệm của chúng ta đối với Đức Chúa Trời trong việc đối xử với sự sáng tạo của Ngài với sự quan tâm và yêu thương. Tôi biết nhiều Cơ Đốc nhân, cũng như tôi, đã có lần không thật sự hiểu được Đức Chúa Trời mong đợi những gì nơi chúng ta khi Ngài phán bảo chúng ta “làm cho đất phục tùng” và “quản trị các vật sống hành động trên mặt đất”. Tôi cố gắng để mở mắt và lòng của họ qua sứ điệp của Đức Chúa Trời, là Ngài muốn chúng ta sử dụng sự sáng tạo của Ngài một cách khôn ngoan và không ích kỷ để rồi nó sẽ luôn luôn là nơi có thể che chở mọi người và mọi vật mà Ngài tạo dựng.
Ngoài những bước trước mắt, tôi có thể đề ra những mục tiêu lâu dài để thay đổi cách xã hội chúng ta vận hành trong tương lai. Tôi muốn những sản phẩm mang tính chất bảo vệ môi trường được làm ra một cách dễ dàng hơn và rẻ hơn, chẳng hạn như xe hơi sử dụng năng lượng pin, đường sắt cao tốc và năng lượng mặt trời. Tôi dự định tạo ra những cơ hội để trợ giúp môi trường sống lành mạnh thông qua những lựa chọn không chỉ thông minh nhất mà còn là tiện nghi và ích lợi nhất cho mọi người. Qua những cuộc diễn thuyết và những bài viết, tôi hy vọng có thể hết mức nâng cao được nhận thức về môi trường của nhiều người trong thế giới nầy. Khi Cơ Đốc nhân cùng nhau hành động, chúng có thể tham gia nhiều hơn vào việc xây dựng xã hội và nền công nghiệp để tạo ra môi trường sống bền vững và xem nó như là một trong những ưu tiên lớn và đáng giá của mỗi Cơ Đốc nhân.
Tôi đang thực hiện một trong những mục tiêu đầu tiên của tôi tại trường đại học mà tôi đang theo học. Tôi là sinh viên năm nhất khoa kỹ sư xây dựng và khoa học môi trường. Tôi đang học các môn sinh học, hóa học và vật lý học về cách thức mà thế giới vận hành. Trong tiến trình học, tôi sẽ học về vật chất và xây dựng cấu trúc vật chất. Tôi cũng sẽ học về hệ sinh thái học và sự sáng tạo của Đức Chúa Trời và cách thức khoa học kĩ thuật được ứng dụng để làm cho nền công nghiệp ít phá hoại môi trường hơn cũng như làm sạch môi trường đã bị tổn hại. Sau khi tốt nghiệp đại học, tôi hy vọng sẽ sử dụng những kiến thức của tôi để hầu việc Chúa thông qua việc giúp đỡ con người và môi trường.
Tôi có ý định bày tỏ mối quan tâm của tôi về môi trường bằng cách dành cuộc đời của mình để tạo ra những hệ thống vận chuyển, hệ thống sử dụng năng lượng, những vật liệu và các sản phẩm, vì những điều đó có thể thay đối cách chúng ta sống cho những điều tốt đẹp hơn. Tôi cũng dự tính làm việc với các khu công nghiệp và chính quyền trên khắp thế giới để cố gắng thay đổi thái độ của chúng ta về cách chúng ta sử dụng năng lượng của Đức Chúa Trời trên khắp thế giới này. Tôi hy vọng được làm việc với những người khác để nuôi dưỡng một môi trường giữa những nhà doanh nghiệp tương lai và lãnh đạo chính quyền để ban hành những chỉ thị về những vấn đề như bảo tồn, ô nhiễm môi trường, quản lý tài nguyên và phát triển bền vững, có thể được xem xét một cách thấu đáo trước khi những quyết định đó được ban hành. Tôi muốn đảm nhận sự thách thức mà Đức Chúa Trời ra lệnh cho loài người sử dụng những điều mà Ngài đã tạo dựng một cách có trách nhiệm, khôn ngoan và cẩn trọng và tôi muốn chia sẻ cho những người khác những trang bị và kiến thức để nhận lấy thách thức này.
Đức Chúa Trời không bao giờ có ý định cho chúng ta sử dụng sự sáng tao của Ngài theo cách phá hoại như chúng ta đang làm hiện nay. Trong thời Cựu ước, những chỉ dẫn đã được đưa ra về cách sử dụng đất. Môi-se được Chúa phán bảo rằng: dân I-xơ-ra-ên trồng trọt trong sáu năm, và trong năm thứ bảy sẽ là năm sa-bát phải để cho đất nghỉ ngơi. Trong khi đó, Cơ Đốc nhân ngày hôm nay không tuân theo những luật lệ của Đức Chúa Trời ban cho dân I-xơ-ra-ên cổ đại, chúng ta vẫn còn phải học nhiều bài học giá trị từ họ. Bài học chúng ta phải học về luật năm sa-bát dành cho đất, đó là chúng ta không thể cứ mãi lạm dụng sự sáng tạo của Đức Chúa Trời. Để cho tạo vật của Đức Chúa Trời được ích lợi và tiếp tục duy trì, chúng ta phải kiên nhẫn và khôn ngoan. Chúng ta phải cho trái đất có thời gian để phục hồi và phải sử dụng nó một cách cẩn trọng.
Sự sáng tạo lạ lùng mà chúng ta chịu trách nhiệm về nó vẫn thuộc về quyền tối thượng của Đức Chúa Trời, như trong Truyền đạo 10:14 chép: “Kìa, trời và các từng trời cao hơn trời, đất và mọi vật ở nơi đất đều thuộc về Giê-hô-va Đức Chúa Trời ngươi.” Sự quan tâm của tôi về môi trường sống và lựa chọn của tôi là dâng hiến cuộc đời tôi để giúp đỡ mọi người sử dụng môi trường có trách nhiệm, xuất phát từ tình yêu của tôi dành cho Đức Chúa Trời và ao ước của tôi là trờ thành quản gia quản trị tạo vật của Ngài. Là Cơ Đốc nhân, tôi muốn giúp đỡ để phục hồi vẻ đẹp của sự sáng tạo của Đức Chúa Trời. Trong II Cô-rinh-tô 9: 11-12 Phao-lô viết: “Như vậy, anh em được giàu trong mọi sự, để làm đủ mọi cách bố thí, hầu cho người khác bởi chúng tôi mà tạ ơn Đức Chúa Trời. Vì việc phát tiền bố thí dường ấy chẳng những đỡ ngặt cho các thánh đồ mà thôi, lại xui nhiều người càng thêm lòng tạ ơn Đức Chúa Trời.”
Ennifer, sinh viên năm thứ hai trường đại học Portland (OR), chuyên ngành kĩ sư xây dựng và mội trường. Bài luận này đã đạt giải trong cuộc khi “Bày tỏ sự quan tâm về thế giới của bạn”
Người dịch: CTV Thanh Huỳnh
Leave a Reply