Khi Bạn Không Yêu Thích Công Việc Của Mình

Oneway.vn – “Bạn làm việc gì?” từng là câu hỏi mà tôi rất thích trả lời. Từ lúc tôi bắt đầu làm việc 17 năm trước, tôi đã rất thích công việc của mình.

Nhưng tuần trước, khi tôi ngồi đối diện với một người bạn đang muốn làm quen với tôi và người đó đã hỏi tôi câu hỏi này, tôi buộc miệng nói ra một điều thật lòng: “Hiện giờ tôi không thích công việc của mình, nên tôi thấy không thoải mái khi nói với bạn tôi làm gì. Tôi không nghĩ công việc của tôi sẽ cho bạn biết tốt hơn về con người của tôi.”

Ở thành phố New York nơi tôi sống, mỉa mai thay, công việc của bạn nói lên con người của bạn. Người ta không đến đây để kết hôn, sinh con, hay sinh sống. Họ đến đây để thành đạt, họ đến đây để đi làm.

Vậy nên tôi trả lời thì thầm với cô ấy. Thật xấu hổ khi cảm thấy không có liên hệ nào giữa tôi và công việc của tôi.

Năm vấn đề về thuyết đam mê:

Trong vài tuần qua, vì tôi đã cởi mở hơn về sự không chắc chắn với công việc của mình, một số người bạn đã khuyên tôi rằng: “Cuộc sống quá ngắn để lãng phí thời gian vào công việc bạn không yêu thích. Bạn có khả năng và được đào tạo tốt. Hãy nghỉ việc và tìm một công việc mới.”

Khi tôi nói rằng tôi không chắc chắn đó là gì, phản ứng đầu tiên của họ luôn là “bạn đam mê cái gì?” Nhưng tôi cũng không biết trả lời câu hỏi đó. Thực ra, tôi thậm chí không chắc đó là câu hỏi hay. Sau tất cả, quan điểm cho rằng chìa khóa của niềm vui nghề nghiệp là đầu tiên bạn phải tìm ra mình đam mê cái gì và sau đó tìm một công việc hợp với đam mê của bạn – thuyết đam mê này có đầy những vấn đề.

Thứ nhất, không có bằng chứng cho thấy chúng ta có niềm đam mê từ trước để được khám phá. Hầu hết chúng ta đều nhanh nhẹn trong hướng nghiệp và có khả năng làm nhiều việc.

Thứ hai, tập trung vào đam mê là tự lấy mình làm trung tâm. Nó đòi hỏi những gì thế giới có thể cung cấp cho chúng ta, không phải những gì chúng ta có thể phục vụ cho thế giới. Viễn cảnh như vậy làm cho chúng ta nhận thức sâu sắc về những gì chúng ta không thích.

Thứ ba, không có bằng chứng cho thấy nếu chúng ta thích làm một cái gì đó, chúng ta sẽ thích làm nó như một công việc. Tôi đam mê chạy bộ, nhưng không có ai trả tiền khi tôi chạy với tốc độ chín phút/dặm – Tôi yêu nó chính xác là vì nó là trò chơi, không phải là công việc.

Thứ tư, thuyết đam mê khiến chúng ta luôn lo lắng và áp lực. Nó khiến chúng ta nghi ngờ sự lựa chọn của mình và nhấn mạnh quá mức tầm quan trọng của mỗi bước chúng ta đi. Nó sinh ra sợ hãi và lo lắng, mất niềm tin và bình an.

Cuối cùng, đam mê của chúng ta không phải lúc nào cũng đúng. Chúng ta có thể muốn những điều sai trái, và chúng ta có thể muốn những điều đúng đắn vì những lý do sai lầm. Tiên tri Giê-rê-mi cho chúng ta biết lòng người là dối trá hơn mọi vật (Giê-rê-mi 17:9), và Augustine nói rằng chúng ta có tình yêu hỗn loạn. Chúng ta phải tự hoài nghi về niềm đam mê của mình.

Khi Bạn Không Yêu Thích Công Việc Của Mình

Ba lăng kính để nhìn công việc của chúng ta

Ngay lúc này, tôi không thích công việc của mình và tôi không biết vì sao. Có thể tôi cần “năm Sa-bát” để nghỉ ngơi sau 17 năm làm việc liên tục ở cường độ cao hay để nghỉ ngơi sau khi cố gắng cân bằng hai công việc và các dự án phụ tốn thời gian trong bảy năm qua. Hoặc có thể tôi cần phải thay đổi công việc.

Để trả lời các câu hỏi này, tôi nhìn công việc của mình qua ba lăng kính khác nhau – tấm lòng, cộng đồng và thế gian.

Tấm lòng là mối tương giao của chúng ta với Chúa. Qua lăng kính này, chúng ta xem xét những động lực cho tấm lòng của mình, những thần tượng nào chúng ta đang có hay phần nào của Phúc Âm mà chúng ta đang không tin ở mức độ thực tiễn. Đây là lăng kính quan trọng vì chúng ta thường bị cám dỗ để nghĩ rằng vấn đề nằm ở hoàn cảnh công việc hiện tại, và công việc mới chính là câu trả lời. Nhưng vấn đề có thể nằm ở lòng của chúng ta chứ không phải việc làm, và thay đổi công việc không giúp giải quyết vấn đề vì thần tượng của chúng ta vẫn cứ đi theo mãi

Cộng đồng là mối quan hệ của chúng ta với người khác. Đó là cách phúc âm hình thành sự tương tác giữa chúng ta với đồng nghiệp, khách hàng, người lãnh đạo, và những người khác. Qua lăng kính này, chúng ta xem xét cách mình liên hệ với người khác – xem họ là những người được dựng nên theo hình ảnh của Đức Chúa Trời và đáng được tôn trọng, kính mến và yêu thương. Đôi khi, chúng ta có các đồng nghiệp hay khách hàng khó chịu khiến công việc của chúng ta trở nên khó khăn hơn. Trong những lúc đó, đặt phúc âm vào lòng sẽ giúp chúng ta rộng lượng hơn, biết rằng khi chúng ta còn là người có tội, Đấng Christ đã vì chúng ta chịu chết (Rô-ma 5:8)

Thế giới là mối liên hệ giữa chúng ta với công việc. Điều này được tập trung vào cách phúc âm giúp chúng ta trở nên thỏa lòng với công việc của mình – từ chính trị đến giáo dục đến hàn chì đến bất kỳ lĩnh vực nào khác mà chúng ta làm. Phúc âm thay đổi mọi thứ, không chỉ tấm lòng của chúng ta. Chúng ta phải dành thời gian cho công việc ý nghĩa, kể cả khi nhận ra mình không phải lúc nào cũng thấy được hay kinh nghiệm ý nghĩa trọn vẹn của nó.

Những lăng kính này – tấm lòng, cộng đồng và thế giới thường chồng chéo lên nhau và có thể gây nhầm lẫn khi xử lý các vấn đề của chúng ta với công việc. Giải pháp không nằm ở thay đổi công việc, mà ở chỗ chữa lành tấm lòng bị bệnh.

Hãy quan tâm đến tấm lòng trước hết:

Ngay lúc này, tôi đang tập trung vào tấm lòng của mình, nhớ rằng đã từng có lúc tôi yêu thích công việc và biết rằng, nếu bản thân tôi vui thỏa trong Chúa, trước hết hãy tìm kiếm nước và sự công bình của Ngài, thì tôi sẽ tìm thấy mọi thứ – kể cả sự rõ ràng trong hướng nghiệp (Mat 6:33, Thi37:4)

Dù chúng ta đang ở tuổi tứ tuần, như tôi, và đang thắc mắc vì sao mình lại đột nhiên nghi ngờ công việc của mình, hay dù chúng ta đang còn trẻ và không biết liệu tất cả có phải là cuộc sống không, hay dù chúng ta đã nghỉ hưu và cảm thấy muốn rút lui và không còn mục tiêu nữa, chúng ta không thể chỉ trách hoàn cảnh của mình. Chúng ta cần phải mời Chúa kiểm tra lòng của mình và tìm ra bất kỳ sự bất thường nào trong lòng chúng ta.

Lý thuyết hướng nghiệp và sự trưởng thành thuộc linh áp dụng cho tất cả chúng ta, không phải vì công việc chúng ta làm luôn luôn trọn vẹn và đầy ý nghĩa, mà vì Đức Chúa Trời là Chúa của mọi thứ. Một cách để chúng ta có thể làm việc với sự khác biệt khi ở trong thế gian này không phải là nhảy việc để tìm sự hoàn hảo với các hoàn cảnh thuận tiện. Mà thay vào đó, chúng ta có thể mở bàn tay mình ra và cầu hỏi Đấng yêu thương thánh hóa chúng ta dù chúng ta ở bất cứ nơi đâu.

*Về tác giả: Bethany L. Jenkins là giám đốc của The Gospel Coalition’s Every Square Inch, đồng thời cũng là Trưởng hội Hướng nghiệp và Phát triển sự nghiệp tại The King’s College, và là người sáng lập The Park Forum. Cô từng làm việc ở Wall Street và Capitol Hill. Cô nhận được học vị tại Columbia Law School và là thành viên của Hội Thánh Redeemer Presbyterian ở Manhattan.

Dịch: CTV.

Nguồn: The Gospel Coalition.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *