PTV: Thiên Trường
_______
THẰNG TÈO
…Chợ đã bắt đầu thưa dần, quán xôi bà Bảy cũng vắng theo. Thằng Tèo (cái tên mà mọi người ở chợ này gọi nó, chớ cái tên thật mà mẹ nó đặt cho nó là Thiên Ân, mẹ nó mong được thấy cuộc sống của nó có khấm khá hơn chăng, đã lâu rồi nó cũng chẳng buồn nhắc đến) nhìn mâm xôi với ánh mắt thèm thuồng, màu xanh đỏ trộn lẫn lộn được phủ trên mặt một lớp dừa nạo như mời gọi cái bao tử đang trống rỗng của nó. Đứng ở cái góc chợ này như một thói quen, nó chờ đợi sự sai khiến của mọi người, nó không từ chối một công việc nào miễn là có được một vài đồng tiền công hay là một gói xôi nhỏ của bà Bảy.
Không biết tự bao giờ hai câu vè dân gian “ Con Vua thì lại làm Vua, con sãi ở chùa thì quét lá đa”, đã làm cho cái bộ óc còn non nớt của nó cứ nghĩ rằng nó đã sanh ra trong cảnh này thì suốt đời phải cam chịu, nhớ lại những ngày mẹ nó còn sống dù gì đi chăng nữa thì nó cũng có cái ăn cái mặc, không phải làm lụng vất vả, nhưng kể từ ngày mẹ nó qua đời vì một tai nạn xe, nó phải nghỉ học, năm đó nó học đến lớp ba, nhờ sự lanh lợi bẩm sinh có thể là được lưu lại bởi mẹ nó, thằng Tèo sống dựa vào những người buôn gánh bán bưng, những hàng quán lèo tèo vòng vòng trong khu chợ này.
Hai tay thọc vào túi quần, nó vân vê mảnh giấy gói xôi mà nó đã ăn hết xôi từ hôm trước, móc mảnh giấy ra nó lẩm nhẩm đọc lại những hàng chữ mà nó đã đọc tới đọc lui mấy bận mà nó vẫn không sao hiểu hết được:
“Lạy trời mưa xuống
Lấy nước tôi uống
Lấy ruộng tôi cày
Lấy đầy bát cơm…”
Không biết người ta xin lung tung như vậy để làm gì, còn nó thì chỉ ước sao Ông Trời cho nó chén cơm lót dạ cũng đã quá đủ cho nó rồi;
– Tèo! Tèo ơi
Đang suy nghĩ vẩn vơ bỗng có tiếng bà Bảy gọi, nó ba chân bốn cẳng chạy đến quán bà Bảy.
– Dạ bà Bảy kêu con hả?
– Ừ, mày coi tiếp bà Bảy dọn mấy cái ghế sắp lên bàn cho bà, làm giỏi bữa nay bà cho nhiều xôi mà ăn. Vừa nói bà Bảy vừa lằm bằm: “không biết sao mà bữa nay ế quá mạng”.
Nó chỉ chờ có vậy, rồi cắm cúi làm cái công việc mà dường như nó không cần phải suy nghĩ vì đã quá quen này.
Ngồi dựa vách chợ, ráng nuốt cho xong vắt xôi bự tổ chảng mà bà Bảy vừa mới thưởng công cho, nó thầm nghĩ: “chắc là Ông Trời nghe mình xin nên xúi bà Bảy cho cục xôi to tướng mà nằm mơ nó cũng chưa bao giờ dám nghĩ tới, cầm miếng giấy gói xôi trong tay, như thường lệ nó đọc lướt qua những dòng chữ in hơi nhòe đi vì độ ẩm của mồ hôi tay nó, đây là những tấm giấy mà bà Bảy đã xé ra một cách không thương tiếc từ một quyển sách ca dao tục ngữ nào đó:
“Uống nước nhớ nguồn
Ăn trái nhớ kẻ trồng cây
Ăn cây nào rào cây nấy”.
Tự nhiên mắt nó ươn ướt, nó khóc, nó nhớ lại những lời mẹ nó dạy khi mẹ nó còn sống: “Lúc nào cũng phải nhớ ơn những người làm ơn cho mình nghe con”. Cám ơn mẹ, nó thì thầm trong miệng.
Lang thang trong chợ, nó liếc nhìn những gian hàng trống đã được dọn dẹp sạch sẽ, nó chọn một cái ghế dài trong góc, nằm duỗi thẳng lưng trên ghế, mắt nhìn lên nóc chợ, trời đã chập choạng tối, những con chim bồ câu cũng đã lựa được chỗ trú ẩn qua đêm trên những cây đòn tay mảnh khảnh nằm vắt ngang qua lưng chừng mái chợ, Nó cười thầm, nó cũng giống mấy con chim đó, cũng lang thang tìm miếng ăn lót dạ, rồi cũng rúc vào trong lồng chợ này nằm chờ trời sáng, để rồi lại tiếp tục cái vòng lẩn quẩn của cuộc sống vô nghĩa này.
Tiếng lục đục làm nó thức giấc, người ta đã bắt đầu sửa soạn cho phiên chợ sáng, nó không có quyền ngủ nướng vì phải trả lại cái chỗ ngủ của nó để làm chỗ ngồi cho khách, nó vươn vai uể oải ngồi dậy bước ra khỏi cái ổ tạm trú qua đêm. Tiếng bà Tư bún riêu văng vẳng:
– Ê Tèo! tới đây tiếp tao một tay coi mày.
Vừa nói bà Tư vừa kéo xềnh xệch cái ghế dài để khách ngồi, nó bước tới hai tay cầm cái ghế để ngay ngắn, rồi bưng tô dĩa sắp xếp như thường lệ, xong công việc nó đứng nhìn bà Tư, như một cái máy, bà móc túi đưa cho nó nắm tiền lẻ, xong quay lại tiếp tục nhen lửa hâm nóng nồi nước lèo, tay bà cầm miếng giấy để làm mồi lửa, thằng Tèo nói giựt ngược:
– Bà Tư cho con coi cái miếng giấy bà đang cầm trên tay một chút rồi hẵng đốt.
– Cái gì trong đó mà coi, ở đằng nhà thờ họ mời tối nay đến để mà dự cái sinh nhật của ông Chúa Giê su của họ, mày có muốn coi thì tối nay đến mà xem.
Một ngày như mọi ngày lại trôi qua lặng lẽ cũng như cuộc sống của thằng Tèo, không chờ được tới tối nó lững thững đi đến nhà thờ, cái nơi mà đối với nó như là một cấm địa cho nên nó chẳng bao giờ để ý tới, sao hôm nay lại nhộn nhịp lạ thường , nó mon men đến gần cái hàng rào, dán mắt vào những dãy đèn xanh đỏ, nó muốn vào trong xem sao, nhưng mà nó sợ vì nó đâu có quen ai ở trong đó đâu, phần thì ai cũng mặc quần áo đẹp, nó ước ao, nó mơ màng,.. Một tiếng nói vang lên đưa nó trở về với thực tại:
– Phải Tèo đó không?
– Dạ, ủa! Ông Thanh, ông cũng đến xem sinh nhật nữa hả?
– Sao con không vào trong nhà thờ?
– Con sợ! Con không quen ai hết.
Rồi nó cũng vào được bên trong, nó tò mò nhìn vào trong một cái vòm, có mấy con gì đứng rải rác, có người quì, lại còn có một em bé nằm trong cái thúng cỏ. Nó đứng vào một góc, buổi lễ bắt đầu.
… Mười năm trôi qua, khu chợ vẫn như ngày nào, bà Bảy vẫn bán xôi, bà Tư vẫn bán bún riêu, và người ta cũng đã quên đi cái tên thằng Tèo năm nào, kể từ ngày đó, cái ngày sinh nhật của Chúa Giê su, cũng là cái ngày mà cái tên thằng Tèo đi vào dĩ vãng.
Một khách bộ hành sang trọng với bộ com lê đắt tiền đang đi dọc theo khu chợ, bỗng anh ta dừng lại trước quán xôi bà Bảy, đảo mắt nhìn quanh, anh bắt gặp một bà cụ đang phe phẩy cây quạt mo.
– Chào bà Bảy!
– Xin lỗi cậu là ai?
– Bà Bảy không nhận ra con sao?
– Tui ở khu chợ này suốt hai chục năm nay, có đi đâu mà quen cậu!
– Con đây nè! Thiên Ân đây!
– Hình như cái tên này tui mới nghe lần đầu tiên đó à!
– Xin lỗi bà Bảy! Con vô tình quá, con là thằng Tèo đây nè!
– Tèo đó hả? Có phải thằng Tèo con của con nhỏ hai Bưởi đó không? Bây giờ mày dòm giống như là một đại gia làm sao mà tao nhận ra, chèn ôi mà mày biến đi cái đường nào mất tiêu mất biệt cho tới hôm nay vậy Tèo? Ủa mà hình như mày nói với tao là mày tên gì đó chớ đâu có còn là thằng Tèo nữa phải không?
Bà Bảy hỏi liên tục cứ như là sợ không có cơ hội để hỏi nữa; Thằng Tèo, ủa mà không phải, Thiên Ân cái tên lẫn con người đã được thay đổi kể từ hôm ấy … Thiên Ân chậm rãi kể lại những gì đã xảy ra:
……“ Hôm đó , nó đứng vào một góc nhà thờ nhìn thấy mọi người ca hát, có một tốp thiếu nhi trạc tuổi nó mặt rạng rỡ đầy vẻ vui tươi, nó cũng thầm mơ ước được đứng vào hàng cùng với những đứa trẻ đó, cũng được ca, hát, nhảy múa. Sau đó nó nhìn thấy ông Thanh đi lên bục và bắt đầu nói (sau này nó mới biết ông Thanh là Mục sư của nhà thờ đó) nó không nghe hết, và cũng không hiểu hết nhưng có một câu nói đã làm thay đổi cuộc đời nó kể từ ngày hôm đó: Ông Thanh nói “Hễ ai tin Con ấy (Chúa Giê su, mà mọi người còn gọi là Ông Trời) thì được cứu, được sự tha tội, và được sự sống đời đời, và Con ấy sẽ mang lấy hết những gánh nặng, lo âu, phiền muộn lại còn cho phép mọi người được làm con nuôi và gọi Ngài là Cha… Nghe tới đó nó xúc động, nó lại khóc, có người chịu nhận nó làm con ư? Nó chưa bao giờ biết cha nó là ai, mẹ nó cũng chưa bao giờ có cơ hội nói cho nó biết, chưa bao giờ nó cảm nhận tình yêu thương của người cha… Nó gục đầu vào hai cánh tay khóc nức nở, bỗng nó nhận ra rằng quanh nó không gian im lặng một cách lạ thường, nó mở mắt ra, ông Thanh đang đứng đó nhìn nó với đôi mắt trìu mến, hiền từ, đồng cảm, ông đưa tay ra cầm lấy cánh tay nó, dắt nó qua phòng ăn, nó rụt rè nhìn quanh rồi dừng lại ở dãy bàn ăn, mắt nó dán chặt vào đó, không biết cơ man nào là đồ ăn, đủ các món ngon, bụng nó kêu rồn rột, nó ước gì nó có thể nuốt hết chừng đó món cùng một lần. Rồi nó cũng được ăn, vừa ăn, vừa khóc, vừa nhớ mẹ nó, nó ước gì mẹ nó cũng có mặt để ăn những món nó đang ăn, suốt quãng đời nó chỉ biết có những nắm xôi, những củ khoai mì, những bát bún thừa sót lại ở quán bà Tư bún riêu, nó tận hưởng, nó cố sức nuốt tuồn tuột tất cả những gì gần tầm tay nó, rồi nó cũng phải ngưng, bụng nó không cho phép nó tàng trữ thêm bất kỳ một món nào, lúc này nó mới nhìn lên, mọi người đang nhìn nó, ông Thanh cũng đang nhìn nó, ông mỉm cười hỏi nó :
– Con có thích ăn bánh ngọt thêm không?
Nó không trả lời ông Thanh, nó nhìn ông rồi hỏi lại:
– Có phải những gì ông nói lúc nãy là thật không? Có phải là con sẽ có Cha không? Có phải là con sẽ được tha tội không? Nó lí nhí trong miệng. Và con phải làm sao để được những điều này?
– Những gì con nghe đều là sự thật, và con chỉ cần mở miệng tin nhận Ngài, ăn năn tội mình đã phạm, mời Ngài làm chủ cuộc đời mình,
– Vậy ông Thanh dạy cho con nói những câu nói đó đi, con muốn được tha tội, con muốn có một người cha, nó nói trong nước mắt dàn dụa, nức nở, rồi nó lập lại những gì ông Thanh đang nói.
Chiều hôm đó, ông Thanh (tức là Mục sư Thanh) đem nó về nhà, đánh dấu một bước ngoặc lớn trong cuộc đời nó, thằng Tèo, bây giờ là Thiên Ân được học hành đàng hoàng dưới sự trợ cấp của nhà thờ, nó tham gia các hoạt động từ thiện giúp đỡ những người già, góa bụa, trẻ mồ côi, người tàn tật. Bắt đầu từ đó, Thiên Ân không ngần ngại nói về Chúa Giê su với những người mà cậu ta gặp, Đấng đã biến đổi cuộc đời cậu một trăm tám chục độ, để trở thành như ngày hôm nay”.
…. Bà Bảy chăm chú ngồi nghe, như muốn nuốt từng lời của Thiên Ân, “thằng Tèo của hôm nào đây mà, sao bữa nay nó ăn nói lưu loát quá chừng” bà nhủ thầm; Ước gì Chúa của nó cũng giúp mình như vậy. Như đoán được tâm trạng của bà Bảy, Thiên Ân nói với bà:
– Nếu bà cũng muốn cuộc đời mình được thay đổi, để không còn phiền muộn, lo âu, đầy dẫy sự bình an, và khi sống hết tuổi đời ở thế gian này bà sẽ được ở cùng Cha trong nơi đời đời, sung sướng vô cùng tận, bà chỉ cần trải lòng mình ra tin nhận Chúa Cứu Thế, chỉ có vậy thôi, bà không cần phải cố gắng làm gì cả, vì mọi sự cố gắng để tự thay đổi, tự sửa chữa của con người chỉ là hư không trước mặt Chúa và không bao giờ mang đến sự giải thoát trọn vẹn.
Thiên Ân nói thao thao bất tuyệt như chưa từng được nói, anh ta không biết rằng bà Tư bún riêu cũng đến đứng phía sau từ nãy đến giờ, chăm chú lắng nghe cùng với những người ở khu chợ này, bây giờ bà mới lên tiếng:
– Vậy nếu tao tin thì con tao có được ăn theo không?
– Chào bà Tư! Thiên Ân cười vui vẻ, dạ Chúa có nói rằng một người tin thì cả nhà được cứu, con bảo đảm với bà.
Kể từ hôm đó, số người trong nhà thờ tăng lên, và cũng kể từ hôm đó, khu chợ vắng đi những tiếng chửi thề, những vụ đánh lộn cũng giảm thiểu một cách rõ rệt, sự mệt mỏi, căng thẳng, cau có không còn trên những gương mặt của những người tin đến Chúa, thay vào đó là sự vui tươi, tràn đầy sức sống, và mọi người biết rằng Chúa của thằng Tèo, hay còn gọi là Chúa Giê Su, là Đức Chúa Trời có thật đã làm được những điều mà mọi người, mọi nhà cùng ban giữ gìn khu chợ đã cố gắng làm mà không được.
Galveston những ngày phước hạnh
ANH ĐỖ