Căn phòng ở cuối vườn

Ông Nam thuê thợ về làm một căn nhà nhỏ ở cuối vườn khiến cả khu phố chộn rộn. Vốn nhà ông rất to, to nhất xóm, nhưng chỉ hai vợ chồng sinh sống, vì họ không con.

Ông chỉ độ ngoài bốn mươi, vợ còn trẻ hơn, nhưng đàn bà xứ này khó mà đoán được tuổi. Ông bà đi xe đẹp, ăn mặc lịch sự, chắc là người có tiền nhưng sao vẻ mặt họ lúc nào cũng không vui. Bà con trong xóm đoán già đoán non “chắc tại hổng con rồi sinh ra phiền muộn”.

Đùng một cái ông cất thêm ngôi nhà nhỏ. Rồi luật sư cho biết ông đã hoàn tất thủ tục đón con từ Việt Nam sang. Thế là cả khu phố có chuyện cho mấy ‘bà tám’ xầm xì. Vài tháng sau, một buổi trưa hè, một chiếc xe du lịch bảy chỗ dừng trước cửa nhà ông. Ông Nam và vợ bước xuống, mở rộng cổng cho xe chạy thẳng vào. Đám con nít chơi ở bãi cỏ gần đấy chạy vội tới xem chuyện gì, vì nhà ông bà ít khi nào mở cổng lớn lắm.

Từ trên xe bước xuống là hai cậu con trai độ 14, 15, dáng dấp, mặt mũi giống hệt ông Nam. Ông đến nắm tay hai cậu coi bộ thân thiết lắm. Và rồi người cuối cùng cũng bước ra khỏi xe. Hai cậu bé vội chạy đến chỗ người phụ nữ. Đó là một người đàn bà còn trẻ nhưng trông thật thảm hại, đến nỗi đám con nít sợ hãi há hốc nhìn bà rồi vụt chạy ra khỏi cổng.

Người đàn bà trẻ bí mật đó trở thành đề tài chính cho mọi câu chuyện hàng ngày trong khu phố. Bà lặng lẽ sống trong căn nhà nhỏ cuối vườn của ông Nam, không ai biết rõ bà đóng vai trò gì trong căn nhà đó. Có người đoán bà là vú nuôi của hai cậu bé, vì người hàng xóm cạnh nhà nghe bà dạy chúng học, nhắc nhở chúng làm bài, tắm gội… Có người đoán bà được thuê để nấu ăn. Vì mỗi lúc trước giờ ông bà Nam về nhà, mùi thức ăn bốc lên thơm phức, nên họ tin rằng bà là một đầu bếp giỏi. Hàng ngày ông bà Nam chở hai cậu bé đi học. Trông họ thật vui vẻ, hạnh phúc. Còn người đàn bà chỉ ra ngoài vào mỗi sáng Chúa Nhật, người ta đoán bà cùng hai con đi nhà thờ, vì thấy trên tay họ cầm Kinh Thánh. Nhưng chỉ ông Nam chở họ đi, còn bà không ra khỏi nhà vào Chúa Nhật, đó là thói quen của bà.

Không lâu sau ông Nam mua chiếc đàn dương cầm và nhờ người chở về căn nhà cuối vườn. Cả khu phố lại có dịp để xì xầm, bàn tán. Có lẽ quá bất ngờ trước món quà đặc biệt này, người đàn bà đó lần đầu tiên xuất hiện trước hàng xóm. Tội nghiệp bà, có lẽ chưa người đàn bà nào kỳ quái như vậy, một bên mặt của bà nhăn nhúm, dị dạng kể cả tay và chân. Mặc dù có thể cử động nhưng co rút một cách thảm hại. Phía mặt bình thường kia lại toát lên vẻ thanh thoát, hiền lành. Mấy bà hàng xóm xót xa khi thấy mặt người đàn bà trẻ đó, họ cố gắng dành cho người phụ nữ xấu số một nụ cười thân thiện…

Từ khi có chiếc dương cầm, mỗi trưa cả khu phố được nghe tiếng đàn réo rắt, đầy sức sống từ căn nhà cuối vườn của ông Nam. Không chỉ tiếng đàn, mà cả giọng hát ngọt ngào, trầm ấm. Không ai có thể ngờ là người đàn bà tật nguyền đó có thể hát hay như vậy. Mỗi khi nghe tiếng bà cất lên, mọi người đều chắc lưỡi: “Có tật có tài, ông Trời không bạc đãi ai bao giờ”…

Chuyện về người đàn bà tật nguyền không dừng lại ở đó, khi hai cậu bé đạt giải nhất cuộc thi dương cầm của thành phố. Hình ông Nam và hai cậu con trên trang bìa của tờ báo lớn chấn động cả khu phố. Không những thế, một trong hai cậu tiết lộ rằng người mẹ tật nguyền chính là gia sư của họ. Dĩ nhiên bà từ chối, có lẽ mặc cảm hình dạng của mình. Cả khu phố lại một phen nhốn nháo, họ dựng lên không biết bao nhiêu chuyện. Có người bảo rằng ông Nam giàu có là nhờ của cải từ người đàn bà đó, nếu không sao ông lại chịu lấy người như vậy? Có người bảo nhờ xấu xí nên bà Nam mới cho vào nhà. Chứ nếu là người bình thường thì bà Nam mất chồng như chơi, vả lại bà có con, còn bà Nam thì son sẻ.

Những người lớn tuổi trong xóm thì tỏ vẻ sâu sắc hơn. Họ cho rằng bà quả phi thường. Cái cảnh chồng chung, lặng lẽ nơi góc vườn mỗi ngày nhìn thấy chồng ra vào với người đàn bà khác thử hỏi mấy ai chịu được?

Nhưng dù ai nói gì thì mọi người đều có một thắc mắc chung là thấy bà không có vẻ đau khổ mà lúc nào cũng vui vẻ, thỏa lòng. Hoàn cảnh thê thảm vậy lẽ ra những khúc nhạc của bà đánh lên phải thê lương, sầu thảm, ai oán, sao lúc nào cũng vui tươi, đầy sức sống? Có người cho rằng bà mắc chứng tâm thần. Nhưng nếu tâm thần sao bà có thể dạy con học giỏi, đàn hay?

Sau khi hai cậu bé đoạt giải nhất cuộc thi dương cầm thì người đàn bà tật nguyền đó trở nên bận rộn, nhiều gia đình khá giả gần đó đưa con đến nhờ bà dạy đàn. Có lẽ ông Nam thấy bà quá cô đơn nên việc có thêm vài đứa trẻ đến học cũng giúp bà khuây khỏa. Vả lại căn nhà tận cuối vườn cũng chẳng làm phiền ông bao nhiêu. Thế là lớp nhạc được mở ra trong căn nhà cuối vườn. Người đàn bà tật nguyền không chỉ dạy đàn mà còn dạy lời Chúa cho những đứa trẻ. Bà nói cho chúng biết rằng Chúa yêu thương nhân loại và chịu chết trên thập tự giá vì tội lỗi thế gian. Chúa yêu chúng không vì chúng nghèo hèn hay giàu có, không vì chúng đẹp hay xấu, không bất cứ vì lý do gì, một tình yêu vô điều kiện. Vì thế chúng phải tin nhận Chúa để được cứu, và phải yêu thương nhau, đối đãi nhau cách nhân từ như Chúa đã yêu thương và đối đãi với con người thế gian…

Việc làm của người đàn bà tật nguyền không được các bà mẹ ủng hộ. Nhưng có người làm ngơ cho rằng miễn sao con họ đàn giỏi là được, nhưng cũng có người không kềm được chạy đến chất vấn: “Tôi không trả tiền để bà dạy con tôi những thứ nhảm nhí. Bà tin ai kệ bà, nhưng không được dạy con tôi”

Nhưng người đàn bà tật nguyền rất kiên nhẫn, chờ cho các bà mẹ trút hết tức giận, bà mời họ ngồi và bắt đầu giải thích: – Có phải các bà muốn tôi dạy các cô cậu đàn giỏi? Tôi đã làm đúng rồi đó, làm bằng tất cả trách nhiệm. Những gì tôi đã dạy hai con trai tôi thì tôi cũng dạy con cái các bà y như vậy. Việc đánh đàn không chỉ là kỹ năng, mà cả tâm tình. Muốn tiếng đàn ngọt ngào, tuôn chảy thì lòng người cũng phải vui vẻ, hạnh phúc, tràn ngập yêu thương. Những ngón tay phải dứt khoát, không do dự, sợ hãi hay nghi ngờ. Tất cả thứ đó là từ những bài học yêu thương mà các bà cho là nhảm nhí. Nếu chúng ta có một người nào đó thật sự yêu thương mình, lo lắng, chăm sóc bất kể mình như thế nào… Các bà có ao ước tình yêu đó và muốn thử nghiệm không? Tùy các bà suy nghĩ và muốn cho các cháu tiếp tục hay không.

Không biết người đàn bà tật nguyền đó còn nói điều gì thêm nữa, nhưng từ đó họ trở thành những người bạn tốt với nhau. Họ thường nấn ná chuyện trò với bà mỗi khi đến rước con. Không biết tự bao giờ khu phố ông Nam đã trở nên vui vẻ, đầm ấm hơn. Thay vì tụm năm tụm bảy bài bạc, chỉ trích, thì nay họ lại quây quần bên nhau học thêu, đan, và học cả Kinh Thánh nữa. Chúa đã thật sự thăm viếng khu phố có người đàn bà bí mật này. Không biết có phải tiếng xầm xì về sự có mặt của người đàn bà xấu xí tới tai ông Nam hay không mà ông quyết định mời cả khu phố đi ăn mừng ngày Từ Mẫu, sẵn dịp cho đám nhỏ trổ tài đàn. Ngôi nhà ông bà Nam trở nên tấp nập người ra người vào. Còn các bà thì ùa về ngôi nhà cuối vườn làm bánh trái rộn ràng, ngay cả bà Nam cũng cùng làm với họ.

Thế rồi đêm tôn vinh các bà mẹ mà mọi người chờ đợi cũng đến. Đợi cho khách ngồi vào chỗ, ông Nam mới dõng dạc tuyên bố lý do buổi tối đặc biệt này. Ông cảm tạ Chúa đã cho ông tìm lại được gia đình mình sau mười mấy năm xa cách. Ông cảm ơn bà Nam đã đồng ý cho ông bảo lãnh cả gia đình, kể cả vợ trước của mình – An Lành – tên người đàn bà bí ẩn đó đến bây giờ mọi người mới biết, đã đồng ý đi theo con đến mảnh đất này. Bức màn bí mật được vén lên.

– Tôi và An Lành lấy nhau khi chúng tôi còn rất trẻ. Cha mẹ chúng tôi là bạn thân với nhau nên họ mong muốn kết thông gia khi chúng tôi còn trong bụng mẹ. Lấy nhau được vài năm, An Lành sinh bé trai. Thời gian ấy đất nước có nhiều biến động, cha mẹ hai bên thúc giục nên tôi quyết định ra đi, mong có cơ hội đem gia đình ra khỏi hoàn cảnh khắc nghiệt… Khi ấy An Lành đang mang trong bụng đứa con thứ hai. Thế là tôi và vợ phải xa nhau. Ngờ đâu một năm sau, cả xóm tôi bị một trận hỏa hoạn thiêu hủy. Cha mẹ An Lành cùng qua đời trong ngọn lửa đó, còn An Lành vì cứu các con và người mẹ già của tôi mà gương mặt ra nông nỗi thế.

Kể từ đó tôi mất tin tức gia đình mình. Gặp người quen trong xóm tôi đều hỏi thăm nhưng họ cho biết cả gia đình không còn nữa. Tôi sống dở chết dở, gần như điên dại trong cơn khủng hoảng thì may thay một người đã đến bên giúp tôi vượt qua đau đớn, đó chính là vợ tôi bây giờ. Đến lúc mẹ tôi sắp qua đời, vị bác sĩ, người chữa trị cho mẹ tôi làm chứng về ân sủng diệu kỳ của Chúa. Những lời chia sẻ của bác sĩ đã chạm đến tấm lòng của vợ tôi, cả gia đình tôi đã tin nhận Chúa. Nhờ có Chúa mà An Lành đã tìm lại được ý nghĩa của cuộc sống và quyết định hoàn thành tâm nguyện của mẹ tôi là cho các con tôi tìm lại cha. Nếu không có Chúa, gia đình tôi sẽ không có ngày nay. Nếu không có Chúa, dù An Lành thương con đến mấy cũng không thể chịu nỗi thách thức quá lớn…

Ông nói đến đây thì nghẹn lời, mặc cho nước mắt tuôn tràn. Không chỉ riêng ông mà mọi người đều cảm thấy mọi thứ xung quanh mình mờ đi qua làn nước mắt. Thật, chỉ có tình yêu của Chúa mới đủ năng quyền thắp lên ngọn lửa niềm tin và hy vọng trong lòng mỗi người. Không chờ lâu hơn nữa, hai cậu con trai chạy đến ôm chầm lấy mẹ. Chắc chắn đây là giây phút đẹp nhất mà một người mẹ xứng đáng được hưởng. Và rồi không ai bảo ai, mọi người đều đồng thanh Cảm tạ Chúa…

Vân Phương

Nguồn Văn phẩm Nguồn sống – Chân Trời mới


Posted

in

,

by

Tags:

Comments

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *