Oneway.vn – Vào một dịp Lễ Mẹ trước đây, tôi có vài lời bình đơn sơ về một bài thơ khá hay viết về Mẹ của nữ thi sĩ Cơ Đốc Tiểu Minh Ngọc, bài “Đời mẹ”. Nay, nhân dịp Lễ Cha, theo sở thích, tôi lại vào các trang mạng văn chương để thưởng thức những bài văn, bài thơ hay viết về Cha. Và tôi đọc được một bài thơ hay viết về Cha cũng của thi sĩ này.
Vào trang mạng Vietchristian.com, tìm đến phần tác giả, tôi nhấp chuột vào số thứ tự 37, màn hình hiện lên trang thơ của Tiểu Minh Ngọc (TMN) lần tìm những bài thơ viết về Cha của thi sĩ, tôi nhấp từ trang đầu tiên cho đến trang cuối cùng: 112. Có thể nói hơi mỏi tay một chút vì số lượng thơ của thi sĩ hơi… đồ sộ. Mỗi trang 10 bài thơ, tính sơ ra bạn thấy TMN đã có trên… 1.000 bài, cả tiếng Việt lẫn tiếng Anh. Một gia tài không nhỏ chút nào, và là mơ ước của những người làm thơ.
Sau khi nhấp đến trang cuối cùng trong “vườn thơ” của TMN, tôi thầm cảm phục sức sáng tác của nữ sĩ này. Cho đến nay, theo chỗ tôi được biết, có lẽ ngoài thi sĩ Tường Lưu, người đã xuất bản hơn 15 thi tập tâm linh để ca ngợi Chúa, mỗi thi tập 100 bài, vị chi với trên 1.500 bài, TMN là người thứ hai có sức sáng tác thật sung mãn. Quả thật, bút lực của nữ thi sĩ này thật đáng nể. Cảm tạ Chúa đã ban cho TMN một bút lực sung sức như thế để hầu việc Chúa qua thơ ca!
Những bài thơ viết về Cha của TMN phần lớn được làm theo thể lục bát (sáu/tám) quen thuộc của dân tộc chúng ta. Lục bát là thể thơ dễ làm, ai cũng có thể làm, nhưng để có được bài lục bát hay, đầy tình cảm và đi vào lòng người thật không dễ chút nào. Nhưng với TMN, có thể nói thi sĩ này có nhiều bài lục bát viết về Cha khá hay, một trong những bài tôi thích, đó là “Đời Cha”. Đã bình bài thơ “Đời Mẹ” rồi, nay, nhờ ơn Chúa, tôi bình thêm bài “Đời Cha” luôn cho… đủ bộ!
Mở đầu bài thơ, TMN dùng hình ảnh “ngọn đuốc đêm” để ví sánh với đời Cha. Ngọn đuốc thường dùng để soi đường dẫn lối, vì thế, ngọn đuốc luôn đi đầu. Ngọn đèn thường dùng để thắp sáng trong nhà, còn ngọn đuốc thì thường dùng ở ngoài đường, mỗi khi đi đâu trong đêm tối, nhất là những lúc trời tối đen như mực hoặc những lúc có gió mưa, ngọn đuốc cực kỳ có ý nghĩa. Đó cũng chính là vai trò của người Cha trong gia đình vậy. Người Cha thường xông pha vào những nơi khó khăn, gian khổ. Những lúc bão táp của cuộc đời, Cha luôn là người đứng mũi chịu sào, giữ vai trò chèo chống chính, là chỗ dựa vững chải của gia đình.
Đời cha là ngọn đuốc đêm
Mãi luôn chiếu sáng, càng thêm trong đời
Cho con cuộc sống có nơi
Dạy con biết được những lời triết hay
Và trên hết mọi điều này
Lời Ngài, Thánh Chúa, phải luôn ghi lòng
Quả thật, Cha không chỉ là người đứng mũi chịu sào, là chỗ dựa vững chắc cho gia đình, Cha trong Chúa còn là người mang trách nhiệm dạy dỗ chính yếu lời Chúa cho gia đình, vì chính Đức Chúa Trời đã đặt để vai trò làm chủ trong gia đình cho người Cha. Lời Chúa dạy rằng: “Vì chồng là đầu vợ, như Chúa Cứu Thế là Đầu của Hội Thánh, Hội Thánh là thân thể Ngài” (Ephesians/Ê-phê-sô 5: 23 – BDM).
Người Cha nói chung, có trách nhiệm dạy dỗ con cái mình những điều hay lẽ phải ở đời để biết sống làm người. Người Cha Cơ Đốc nói riêng còn có trách nhiệm quan trọng hơn nữa là phải quan tâm đến việc dạy dỗ lời Chúa cho gia đình, nhất là con cái, để khi chúng lớn lên, trở về già cũng không lìa bỏ con đường đức tin mà cha mẹ đã đi (Proverbs/Châm ngôn 22: 6).
Đời cha ơn nghĩa mênh mông
Như là thác đổ ra sông thuở nào
Thương con dạy dỗ không nao
Từ khi còn nhỏ đến giờ lớn khôn
Công cha như nước tràn tuôn
Như nhà có nóc, như sông có nguồn!
Viết về Mẹ, TMN ví tình Mẹ mênh mông như biển cả, như đại dương sóng vỗ không bao giờ dứt:
Ôi đời mẹ là mênh mông biển cả
Vẫn đêm ngày dào dạt vỗ gần xa
Cho đời con, đầy sắc thắm hương hoa
Trong cuộc sống, gian lao đầy cám dỗ!
(Đời Mẹ)
Khi viết về công lao to lớn của Cha, người ta thường ví với núi cao, tình Mẹ người ta ví với sông nước, biển cả mênh mông, như câu ca dao quen thuộc mà ta nghe từ hồi còn tấm bé và thuộc lòng cho đến khi lìa đời:
Công cha như núi Thái Sơn
Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra
Nhưng ở đây, TMN lại có một so sánh khác thường và rất lạ, rất mới về công Cha, như “thác đổ”, như “nước tuôn tràn”. Ở đây, thi sĩ dùng từ “thác đổ”, “nước tuôn tràn” để nói về đời Cha, chứ không phải là “thác chảy”, hay “nước chảy”. Chỉ cần nghe “thác đổ”, “nước tuôn tràn”, ta như thấy được sự mạnh mẽ, hùng vĩ rồi. Theo tôi, đây là sáng tạo khá mới lạ của thi sĩ khi nói về sự lớn lao, vĩ đại của công Cha.
Đời con sẽ mãi luôn luôn
Từng ngày con nhớ và luôn ghi lòng
Ơn cha là cả biển đông
Từ thời xưa vẫn, chảy không giờ ngừng
Cho con biết được vui mừng
Khi đời con có cha thường lo cho…
Vẫn một cách so sánh khác thường, mới mẻ và lạ lẫm ấy, khổ thơ tiếp theo, TMN lại tiếp tục ví sánh công ơn Cha to lớn như biển Đông.
Chúng ta thường nghe bài hát quen: “Lòng Mẹ” của nhạc sĩ tài danh Y Vân. Bài hát có đoạn:
Lòng Mẹ bao la như biển Thái Bình dạt dào
Tình Mẹ tha thiết như giòng suối hiền ngọt ngào
Lời Mẹ êm ái như đồng lúa chiều rì rào
Tiếng ru bên thềm trăng tà soi bóng, Mẹ yêu!
So sánh lòng Mẹ bao la như biển rộng, sông dài là điều mà nhiều người thường làm lâu nay, nhưng so sánh công Cha như biển cả là điều ít ai nghĩ tới, ít ai làm. Ở đây, TMN dùng hình ảnh biển Đông để so sánh với công Cha, ơn Cha. Nghe lạ tai nhưng không phải không có lý. Hình ảnh biển cả vừa có thể nói lên cái bao la như lòng Mẹ, vừa có thể nói lên cái rộng lớn như công Cha nữa. Thật sâu sắc!
Dùng hình ảnh biển cả để nói về công Cha nghĩa Mẹ, nói về tấm lòng bao la, vĩ đại của Cha Mẹ dành cho con cái là điều phải lắm, vì công Cha nghĩa Mẹ quá lớn lao, không người con nào có thể trả nổi, chỉ có thể sống với lòng biết ơn Cha Mẹ, sống với tấm lòng hiếu thảo dành cho Cha Mẹ mà thôi.
Cảm ơn thi sĩ TMN đã mạnh dạn đưa vào thơ những khám phá mới lạ, thú vị như thế. Khổ cuối của bài thơ, tác giả viết:
Hôm nay Lễ Nhớ Ơn Cha
Con ngồi nhớ lại tháng ngày đã qua
Nhớ công ơn thật bao la
Vì con cha vẫn bôn ba trong đời
Con xin ơn Đức Chúa Trời
Mãi luôn tràn xuống trong đời của cha!
Nhân ngày Lễ Phụ thân, thi sĩ ngồi nhớ lại công ơn trời bể của Cha dành cho mình. Ta có thể hình dung nhà thơ đang cho “chiếu lại” cuốn phim về đời mình từ khi tấm bé đến hiện tại, và thấy hình ảnh người Cha, người Mẹ kính yêu của mình mới đẹp làm sao. Hình ảnh Cha Mẹ hiện lên trong tâm tưởng đáng yêu, đáng quý biết chừng nào. Thi sĩ thấy công Cha bao la quá, suốt cuộc đời Cha, từ khi con có mặt trên thế giới này, Cha đã bôn ba, vất vả ngược xuôi, mưa nắng dãi dầu, bất chấp tất cả để lo cho gia đình, nuôi nấng con cái. Bao nặng nhọc, khó khăn Cha đều gánh hết…
Ai đó đã nói về lòng Mẹ ơn Cha thật đúng: “Đi khắp thế gian, không ai tốt bằng Mẹ. Gánh nặng cuộc đời, không ai khổ bằng Cha”
Ca dao Việt Nam cũng nhắc nhở những người làm con:
Ơn Cha nặng lắm ai ơi
Nghĩa Mẹ bằng trời chín tháng cưu mang
Tôi tin rằng bất cứ người con nào mỗi khi ngồi… chiếu lại cuốn phim về đời mình, cũng đều thấy rằng công Cha, tình Mẹ dành cho mình vô cùng bao la, vĩ đại, như TMN đã thấy vậy.
Sau khi “xem lại” cuốn phim đời mình, thấy được công Cha thật to lớn, nên kết bài thơ, thi sĩ viết:
Con xin ơn Đức Chúa Trời
Mãi luôn tràn xuống trong đời của cha!
Đó là một lời cầu xin khôn ngoan hơn cả, của một người con tin kính Chúa. Không xin gì khác hơn là xin ơn Chúa đổ xuống trên cuộc đời Cha mình. Một khi được ơn Chúa đổ xuống thì không còn gì phước hạnh hơn nữa.
Ở bài “Thương Cha”, TMN cũng có lời cầu xin tương tự:
Tình cha cao quý mênh mông
Con luôn ghi nhớ hết công ơn người
Cầu xin Thánh Chúa trên Trời
Sẽ luôn chăm sóc cuộc đời của cha!
(Thương Cha)
Xin Chúa đổ ơn xuống cho Cha mình.Xin Chúa chăm sóc cho Cha mình.Được Chúa đổ ơn, được Chúa chăm sóc thì thử hỏi còn phước hạnh nào lớn hơn thế.
Với lời thơ nhẹ nhàng, thể thơ dân tộc quen thuộc và bằng tấm lòng kính yêu Cha hết mực, TMN đã cảm tác được những bài thơ dành cho Cha khá xúc động, đặc biệt là bài “Đời Cha”.
Một trong những nét khác biệt của bài này, ấy là mỗi khổ thơ không phải 4, mà là 6 câu. Thường người ta hay làm thơ lục bát với mỗi khổ 4 câu, nhưng ở đây, TMN lại làm 6 câu mỗi khổ. Phải chăng nhà thơ muốn có một phá cách nào đó cho “ai đọc phải để ý” đến một cuộc đời đáng yêu, đáng phải để ý là “Đời Cha”?
Là người tin Chúa, chúng ta được phước thật nhiều, vì chúng ta không chỉ có người Cha dưới đất, Cha thuộc thể như mọi người, mà chúng ta còn có Cha trên trời, Cha thiêng liêng nữa. Không biết ai đó đã nói một câu thậtt hay:
Cha Mẹ cho ta trong cõi tạm
Thiên Chúa cho ta cõi vĩnh hằng
Vâng, Cha Mẹ dưới đất, Cha Mẹ thuộc thể dù có thương yêu chúng ta bao nhiêu chăng nữa, cũng chỉ lo được cho ta trong cõi tạm bợ, ngắn ngủi, chưa tới 100 năm trên trần gian này mà thôi, nhưng Cha trên trời, Cha thiêng liêng không chỉ cho ta Cha Mẹ tốt đẹp trong cõi tạm, mà còn cho ta cõi vĩnh hằng trên Thiên đàng nữa.
Cảm tạ Cha của chúng con ở trên trời!
Cha Mẹ tôi đã về yên nghỉ trong “Miền Vinh hiển”, “Cõi Vĩnh hằng” từ lâu rồi. Mỗi khi đến ngày Lễ Mẹ, Lễ Cha, tôi thường trầm tư nhớ về Cha Mẹ thật nhiều, nhiều khi nước mắt cứ chực trào tuôn khi hình bóng thân yêu của Cha Mẹ hiện về trong tâm tưởng với những ký ức đẹp đẽ, về tấm lòng Cha Mẹ dành cho mình. Nhưng tôi vui vì dù Cha Mẹ không còn ở bên, không còn ở dưới đất này với tôi nữa, bởi Cha Mẹ đang vui hưởng niềm vui tuyệt vời mãi mãi với Cha thiêng liêng trên trời. Và một ngày nào đó trong tương lai, tôi cũng sẽ được về “Miền Vinh hiển”, đến “Cõi Vĩnh hằng”, sẽ được gặp lại Cha Mẹ tôi trong nơi tuyệt vời ấy để cùng vui hưởng phước hạnh với Cha trên trời, như Cha Mẹ tôi đã và đang được hưởng.
Cảm ơn thi sĩ TMN đã được Chúa ban cho ơn làm thơ ca ngợi Chúa. Cảm ơn Chúa đã cho thi sĩ làm được những bài thơ hay và cảm động về Cha Mẹ để khích lệ, nhắc nhở những người làm con biết yêu thương, vâng lời, hiếu thảo với Cha Mẹ, hầu cho Cha Mẹ vui lòng và Thiên Chúa cũng mỉm cười khi thấy những người con biết yêu thương, hiếu thảo với Mẹ Cha.
Hỡi những người làm con, đừng bao giờ dại dột bất hiếu với Cha Mẹ, vì đó là một trọng tội trước mặt Đức Chúa Trời. Nhưng hãy hết lòng yêu kính, hiếu thảo với Cha Mẹ mình để được Đức Chúa Trời thương yêu và ban phước.
Kính chúc tất cả những người làm Cha một ngày Lễ Cha nhiều niềm vui và phước hạnh!
Mừng Ngày Lễ Cha 2017
Mục sư Nguyễn Đình Liễu
Leave a Reply