Có những lúc trong đời ta quên lãng
Những phước lành mà Chúa đã ban cho
Mãi bon chen, mãi vất vả âu lo
Chuyện cơm áo, chuyện hơn thua cuộc sống
Ta chưa hiểu, tạ ơn là hy vọng
Là giục lòng, là tiếng nói đức tin
Là lời ca, rung động cõi tâm linh
Là tiếng hát, là vần thơ chúc tụng
Thơ Đa-vit, tạ ơn trong biến động,
Giữa muôn ngàn thử thách đang bủa vây
Vẫn hoan ca, cảm tạ Chúa đêm ngày (*)
Lòng tin quyết, đem thành công đắc thắng
Chúa Giê-xu, trong đêm dự tiệc thánh
Ngài dâng lời cảm tạ biết ơn Cha (**)
Bánh vỡ ra, như thịt máu chan hoà
Thành mô thức, hiến dâng ơn cứu rỗi
Chúa cảm tạ, khi tang gia bối rối (***)
Khi lệ buồn, Chúa khóc với Ma-ri
La-xa-rơ, sống lại, đã bước đi
Ban hy vọng, nguồn vui mừng khôn tả
Trong Đức tin, chúng ta cần cảm tạ
Về ơn lành, cứu rỗi Chúa đã ban
Về tình yêu, về chăm sóc, bảo toàn
Về an ủi, về bao che, dẫn dắt
Hãy tạ ơn, khi bình minh chim hót
Hãy tạ ơn, khi lá rụng hoàng hôn
Hãy tạ ơn, khi biển nổi sóng cồn
Khi hoa nở, trời thanh trong gió mát
Hãy cảm tạ, cùng trăng sao trời đất
Hát reo mừng, chúc tụng Đấng đại năng
Hãy hân hoan, ca ngợi Chúa vĩnh hằng
Được tôn thánh, hiển vinh ngàn muôn thuở.
Thanh Hữu
(*) Thi-thiên 100:4
(**) I Cô-rinh-tô 11:23-24
(***) Giăng 11:41
Thanh Hữu là thi sĩ Cơ Đốc kỳ cựu trong nền thơ ca Tin Lành. Ông làm thơ khá nhiều, thơ ông giàu chất thần học cũng không thiếu tính triết lý. Điều đó cũng dễ hiểu, vì Thanh Hữu không chỉ là nhà thơ, mà còn là Mục sư nhiều năm kinh nghiệm trong việc giảng dạy Kinh Thánh và chăn bầy. Từ ngữ trong thơ Thanh Hữu khá chuẩn xác, cho thấy thi sĩ rất kỹ lưỡng trong việc chọn lọc từ ngữ.
Thơ Thanh Hữu chứa đựng chiều sâu tâm linh. Hầu hết thể hiện cái nhìn thuộc linh sâu sắc, sống động với Đấng mà ông đang tôn thờ, phục vụ. Thơ Thanh Hữu với chủ đề như sự cứu rỗi, Giáng sinh, Phục sinh, hy vọng, yêu thương, phục vụ Chúa, gieo gặt, Thiên đàng, địa ngục… tất nhiên trong đó không thể thiếu lòng biết ơn, tạ ơn.
Hôm nay, nhân mùa Lễ Tạ ơn, tôi muốn mời bạn đọc cùng thưởng thức bài “Đi vào trong sự tạ ơn” của Thanh Hữu.
Có những lúc trong đời ta quên lãng
Những phước lành mà Chúa đã ban cho
Mãi bon chen, mãi vất vả âu lo
Chuyện cơm áo, chuyện hơn thua cuộc sống
Đúng là có những lúc bạn và tôi quên đi những phước lành mà Chúa đã ban cho chúng ta trong cuộc sống hàng ngày. Có thể do “Mãi bon chen, mãi vất vả âu lo/ Chuyện cơm áo, chuyện hơn thua cuộc sống.” Quên là một khiếm khuyết không ai trong chúng ta tránh khỏi, vì con người vốn dĩ là tội nhân, yếu đuối, bất toàn. Chúng ta có thể quên nhiều điều, nhưng một trong những điều chúng ta cần khắc ghi, đó là ơn nghĩa mà ta nhận được từ người khác, nhất là từ Thiên Chúa. Chúa đã ban cho bạn và tôi biết bao nhiêu là ơn lành. Ngài đã tạo dựng chúng ta, ban cho chúng ta sự sống, không khí để thở, ban luôn mọi vật dư dật cho chúng ta được hưởng (I Ti-mô-thê 6:17).
Ta chưa hiểu, tạ ơn là hy vọng
Là giục lòng, là tiếng nói đức tin
Là lời ca, rung động cõi tâm linh
Là tiếng hát, là vần thơ chúc tụng
Thanh Hữu cho ta một cách nhìn mới, khá sâu sắc về Tạ ơn mà nhiều khi chúng ta chưa nhận ra trong đời mình.
Tạ ơn, đó chính là lúc đem con người đến hy vọng, mạnh mẽ. Khi tạ ơn, đức tin nơi Chúa sẽ mạnh thêm. Khi tạ ơn, đời ta sẽ thêm vui mừng, muốn ca hát, chúc tụng Ngài. Như Vua Đa-vít, luôn cảm tạ Chúa trong mọi hoàn cảnh, luôn bám chặt vào Ngài, nên Chúa đã cho ông đắc thắng trong đời sống (Thi-thiên 100:4). Xin cho mỗi chúng ta nhận biết được điều này để có được đời sống phong phú, ý nghĩa.
Nói về tấm gương cảm tạ, có thể nói không ai hơn Chúa Jesus.
Chúa Giê-xu, trong đêm dự tiệc thánh
Ngài dâng lời cảm tạ biết ơn Cha
Bánh vỡ ra, như thịt máu chan hoà
Thành mô thức, hiến dâng ơn cứu rỗi…
Trước lúc chuẩn bị treo thân trên thập tự giá chịu chết chuộc tội cho con người, Ngài lấy bánh bẻ ra, trước khi trao cho các môn đồ, Ngài đã tạ ơn Đức Chúa Cha (I Cô-rinh-tô 11:23,24). Thật không dễ dàng chút nào để làm được như vậy. Nhưng Chúa Jesus đã làm được một cách kỳ diệu, để rồi sự chết của Ngài “thành mô thức, hiến dâng ơn cứu rỗi” cho chúng ta.
Khi đến viếng La-xa-rơ đã nằm trong mộ. Chúa ngước mặt lên trời tạ ơn Đức Chúa Cha. Lời tạ ơn có sức mạnh vô song, và Ngài đã kêu La-xa-rơ sống lại, bước ra khỏi phần mộ (Giăng 11: 38-44). Thật tuyệt vời!
Ngoài ra, khi cảm tạ phải đặt đức tin nơi Chúa thì lời cảm tạ mới ý nghĩa.
Trong Đức tin, chúng ta cần cảm tạ
Về ơn lành, cứu rỗi Chúa đã ban
Về tình yêu, về chăm sóc, bảo toàn
Về an ủi, về bao che, dẫn dắt
Trong đức tin ấy, chúng ta mới có thể cảm tạ Chúa trong mọi hoàn cảnh, khi trẻ (khi bình minh chim hót) cũng như lúc già (khi lá rụng hoàng hôn), khi nghịch cảnh (khi biển nổi sóng cồn) cũng như lúc thuận thời (khi hoa nở, trời thanh trong gió mát). Trong mọi lúc, mọi nơi, chúng ta đều có thể cảm tạ Chúa:
Hãy tạ ơn, khi bình minh chim hót
Hãy tạ ơn, khi lá rụng hoàng hôn
Hãy tạ ơn, khi biển nổi sóng cồn
Khi hoa nở, trời thanh trong gió mát
…
Thi sĩ kết luận bài thơ bằng một loạt từ “Hãy” như nhắc nhở: “Cảm tạ Chúa, Tạ ơn Chúa” là điều phải làm. Nếu không, cuộc đời ta sẽ mất phước, thiếu niềm vui và sức mạnh vươn tới phía trước. Trên ý nghĩa đó, có thể nói thơ Thanh Hữu thể hiện chính con người ông, một người yêu Chúa, yêu tha nhân rất đậm đà.
Cảm tạ Chúa đã ban cho trong hàng ngũ những Mục sư có được tâm hồn thơ đáng yêu, đáng quý như Thanh Hữu. Xin Chúa dùng bài thơ để khích lệ chúng ta trong mùa Lễ Tạ ơn và trong suốt cuộc đời mình.
Nguyện Chúa tiếp tục ban phước cho thi sĩ trong tuổi già, để vẫn còn sức “sanh bông trái thơ” cho Chúa, cho tha nhân. Không phải trái bình thường, mà là trái ngon, trái ngọt, trái bổ ích. Kính chúc thi sĩ cùng mỗi chúng ta hưởng một mùa Lễ Tạ ơn đầy ơn phước Chúa. Amen!
Bình Tú Ngọc
(Mùa Lễ Tạ ơn 2017. Kính tặng nhà thơ Thanh Hữu)
Leave a Reply