Oneway.vn – Tôi mới từ Texas trở về giữa tháng 5. Năm năm trước tôi đã ở đó, thân quen từng con đường. Rồi tôi từ đó ra đi. Và bây giờ tôi trở về. Như trở về mái nhà xưa.
Thật ra trong khoảng 5 năm đó tôi cũng trở về một vài lần, nhưng cũng chỉ để viếng thăm đây đó, thăm Hội Thánh cũ Fort Worth. Lần này là giảng.
Tôi đã suy nghĩ về bài giảng cho Fort Worth tuần đó. Mục sư quản nhiệm cũ đi lâu mới về, thì giảng cái gì cho “mát mẻ” một chút, đừng nóng bức quá. Không nên giảng những bài giảng có tính cách “chỉ trích”, “giải phẫu” của Hê-bơ-rơ 4:12. Một sứ điệp hy vọng có thể là tốt nhất. Sứ điệp hy vọng tốt nhất là Ê-sai 35, khi mà vị tiên tri loan báo rằng đồng vắng và đất khô hạn sẽ vui vẻ, nơi sa mạc sẽ mừng rỡ, và trổ hoa như bông hường.
Đồng
khô cỏ cháy trở nên biển rộng sông dài. Sự chết trở nên sự sống. Không có gì là tuyệt vọng cho Đức Chúa Trời, Ngài có thể làm hồi sinh những điều mà con người nghĩ là tuyệt vọng. Đó cũng là bài giảng tôi giảng cho tôi trong giai đoạn này. Dù là một người viết văn lâu năm, tôi vẫn cảm thấy trí tưởng mình bị trói lại trong lời tiên tri sâu nhiệm mênh mông này. Nó lớn quá, trí không nghĩ hết, bút mực viết không đủ. Muốn nói nhiều, mà càng nói càng thấy thiếu, càng đi càng thấy đường dài, đường rộng để anh em khi đã đâm rễ vững nền trong sự yêu thương, được hiệp cùng các thánh đồ mà hiểu thấu bề rộng, bề dài, bề cao, bề sâu của nó là thể nào. Một lời của Đức Chúa Trời là kỳ diệu vậy đó, đi mãi, cho đến khi nó đụng vào tâm hồn đang rạn nứt thì mới ngừng lại. Nước len lỏi qua từng kẽ nứt của tâm hồn, làm mát lại cánh đồng khô.
Tôi vui với các tín hữu, vài người nói rằng thấy Mục sư có vẻ đã bình tĩnh lại sau cơn bão rồi, có người còn khen vẫn đẹp trai – nghĩa là đã từng… đẹp trai, I’m sorry, tín hữu vẫn thường lịch sự với Mục sư, nhất là Mục sư quản nhiệm cũ – mà không gây hấn gì với họ lúc ra đi, lâu quá mới trở về, khen nhau một tiếng cũng là điều nên làm, Chúa bảo vậy: nhưng khi đáng nói hãy nói một vài lời lành giúp ơn cho và có lợi cho kẻ nghe đến!
Lái xe chạy trong màu nắng vàng của mùa xuân muộn, mùa hạ sớm. Texas mùa này đang ở vào thời kỳ ôn hòa, không gay gắt, người ta có thể ôm ấp những làn gió mát vào tóc, vào lòng khi từ trong xe bước ra ngoài, và đôi mắt ngất ngây cùng hoa dại trên các nẻo đường freeway bát ngát, chẳng cần đi tìm cho đâu xa, ở ngay trong lòng mình đó thôi.
Tôi nhớ là mình vẫn ao ước đi chơi đây đó với một thể xác và một tâm hồn khỏe mạnh, và cho dù nó không đang khỏe mạnh lắm, thì cũng quên nó đi, nghĩ là mình khỏe mạnh, tin rằng Chúa sẽ cho khỏe mạnh rồi sẽ khỏe mạnh, “think possible”.
Công việc Chúa xong rồi, chỉ còn một buổi tối gặp gỡ người bạn đồng lao, người có công lôi mình ra khỏi chiếc thuyền của các môn đồ mà đi trên biển với Đức Chúa Jesus mấy năm, trước khi trở lại làm nghề chăn chiên trên đồng cỏ Greenville, South Carolina, một cái hẹn thu hình cho chương trình Gia đình được phước trên Youtube, một cái phỏng vấn nhỏ và một bài hát, chắc sẽ là You Raise Me Up, vừa hát ở Fort Worth, và vẫn hơi có chút nghẹn ngào khi hát đến nghẹn ngào trong đêm, cố gắng không nguôi được nỗi niềm, nơi ông sẽ giới thiệu mình là một ca sĩ, và nói thêm: ca sĩ thứ thiệt!
Nghe mà vui, tuổi già bây giờ lại thêm một tật xấu nữa là thích người ta khen, dù khen hơi quá đáng cũng chẳng sao, vui thôi mà, có đụng chạm gì đến ai đâu. Ngày kia, ông lại điện thoại hỏi bài hát Chúa và Tôi trong CD là của ai, lạ và hay quá, sâu sắc quá. Tôi nói rằng Mục sư xem lại cái bìa thì sẽ biết tác giả. Đó là tâm sự của một người mới vừa tin Chúa một vài năm mà thấy gần Chúa còn hơn bây giờ.
Tôi trở lại Greenvile, thành phố nay đã phủ đầy màu xanh của cây lá, bây giờ đã trở thành thân thuộc, vì có một người ruột thịt của mình đã nằm xuống, gởi thân xác vào đất. Chuẩn bị soạn bài giảng cho Mother’s Day – Ngày của mẹ – với cái tựa đề đã đặt sẵn: Lòng Mẹ A-ga. Chẳng biết tại sao vẫn thường để tình cảm thiên lệch một chút về những mảnh đời dường bất hạnh hơn, có một cái gì sứt mẻ, không lành lặn, không toàn vẹn, hình dung ra bức tượng Venus cụt tay mà vẫn mang vẻ đẹp của ‘thú đau thương’.
Nói về những mảnh đời như thế cào cấu trái tim mình, tim người hơn là những tấm gương toàn mỹ. Con trai lớn ở New Jersey có gọi trước khi đi Texas, nói rằng con có gởi hoa cho mẹ, khi bố về họ sẽ mang đến. Điều nhỏ thôi, nhưng mang niềm vui lớn, con không biết nó mang một ý nghĩa đặc biệt nào đâu, trong cuộc sống mà người ta rượt đuổi nhau đến cuối đường chỉ vì danh vọng và tiền bạc, thì niềm vui từ sự cảm xúc giống như một chiếc ly pha lê chưng trong tủ kính, kiêu hãnh thầm lặng, dù chẳng mấy khi được chạm đến.
Bó hoa đã được giao đến nhà hôm qua, là một bó hồng nhiều màu, có cả màu trắng, được gói và trình bày tỉ mỉ, chu đáo của một bàn tay… bán hoa chuyên nghiệp. Nhắn con: Bố mới nhận được hoa, đẹp lắm! Ngày mai sẽ mang lên nhà thờ để có mà Happy Mother’s Day với người ta, và sau đó mang ra mộ. Mẹ trên cao chắc vui. Để bình hoa trước mặt, suy nghĩ, ngẫm nghĩ, và nghĩ: viết một cái gì chứ. Và đó là lý do để viết. Nhóm xong ra mộ, ngày nào cũng thế, ngoại trừ những ngày đi vắng, và thấy là cỏ đã xanh rồi, không còn dấu vết gì là một ngôi mộ mới nữa.
Mộ đã xanh cỏ rồi. Nhớ người ta vẫn thường nói về một người đã qua đời trong một thời gian dài, mộ đã xanh cỏ rồi. Lấy bó hoa giả ra, để bó hoa thật vào, loay hoay sửa tới sửa lui. Nhìn xung quanh, cỏ xanh mênh mang. Muốn viết một cái gì đó trên cỏ, nhưng e rằng cỏ sẽ nuốt lấy hết những dấu vết. Muốn giữ lấy những dấu vết ấy trong lòng, cho dù biết rằng sẽ không tốt cho sức khỏe mình, cho công việc Chúa. Nhưng làm sao, một đoạn ruột đã cắt lìa, chẳng thể nào giữ cho nguyên vẹn tình trạng được, thỉnh thoảng vẫn ê ẩm, là phải như thế thôi.
Tôi trở lại với công việc Hội Thánh, Greenville, mới đó đã 3 năm, nhanh hơn là tôi tưởng, sực nhớ rằng mình đang quản nhiệm hai Hội Thánh, chứ không phải một. Mai sau này khi gặp Chúa thì ngoại trừ kể lể “thành tích” về các Hội Thánh dưới đất, cũng sẽ trình dâng cho Ngài về Hội Thánh… ở giữa trời, một Hội Thánh Không Giống Ai, vì nhóm lại ở trên không trung, mà không hề có một kiểu mẫu tương tự như vậy trong Kinh Thánh.
Chúa Jesus khi khai mở Hội Thánh đầu tiên với Phi-e-rơ, không có một gợi ý gì về kiểu mẫu Hội Thánh như vậy. Qua bao nhiêu cơn bão, ngói bay, ngói này bay đi hở mái thì ngói kia bay lại lấp vào, quả thật là không người này thì Chúa dùng người khác, mấy lần muốn buông tay, thì những bàn tay thân yêu đó vẫn cố gắng nắm lại, giống như một bàn tay từ trên cao cố gắng nắm lấy bàn tay lỏng lẻo đang đuối sức dần ở phía dưới. Hy vọng rằng nó sẽ không phải là cỏ khô rơm rạ, dù chẳng là vàng bạc bửu thạch, chỉ mong là một mảnh gỗ, ráp vào những căn nhà gỗ xinh đẹp của Mỹ.
Tuần rồi khi giảng Người Thánh cho Hội Thánh, vào cuối đoạn, khi nhắm mắt, dồn hết sức lực đấm vào giữa trọng tâm của sứ điệp, có người hỏi sao khi hát, nhất là những đoạn cao trào Mục sư thường nhắm mắt lại, cười trả lời: vì mở mắt ra sẽ bị chi phối, thì nghe tiếng nói của một anh em: quá sâu sắc! (xin lỗi Chúa vì nói điều này!), biết rằng sau bài giảng, đêm nay sẽ ngủ yên vì đã làm trọn bổn phận người chăn bầy. Và biết rằng mình còn nợ những anh chị em này cái gọi là tình yêu. Đừng mắc nợ ai chi hết, chỉ mắc nợ về sự yêu thương nhau mà thôi. Tôi biết là tôi còn nợ nhiều, như Phao-lô tôi mắc nợ cả người Gờ-réc lẫn người dã man, cả người thông thái lẫn người ngu dốt.
Tôi mắc nợ Hội Thánh Greenvile, mắc nợ Hội Thánh Truyền Giáo Trên Đường Dây, mắc nợ những độc giả của báo Hướng Đi, những linh hồn người chưa biết Chúa khắp nơi, nơi nào Chúa chỉ cho tôi đến. Tôi còn mắc nợ những thành phần trong xã hội, người bình dân và trí thức trong xã hội, những bạn bè viết văn làm thơ của tôi, những tâm hồn nhạy cảm, yếu đuối, giấu trong một cái vỏ ngoài cứng cỏi mà tôi chưa vươn tới.
Còn thì giờ để vươn tới không? Còn sức để vươn tới không? Mỗi buổi sáng tôi vẫn cầu nguyện xin Chúa cho tôi còn thì giờ để vươn tới, còn sức để vươn tới. Còn thì giờ nhưng không còn sức thì cũng chẳng làm gì được. Sức của tôi bây giờ là sức của một con bướm mỏng mảnh, thấy bay là là đẹp mắt vậy đấy nhưng cũng có thể rơi xuống đất nếu một cơn gió (nhẹ) thổi ngang, mỗi buổi sáng thức dậy nhìn ngó mình xem có gì động tĩnh không trước khi ngồi vào bàn, một cơn gió nhẹ cũng làm mình xao xuyến.
Tôi nhìn ra đường sớm mai, trong tầm mắt giới hạn bởi vì nhà cửa cây cối đây đó, tôi vẫn nhìn thấy con đường dài trước mắt, dường như là trong trí tưởng, chứ không hẳn là một con đường dài thật. Tôi biết là nó rất dài, mà tôi phải đi không thể từ chối, và phải đi cho vững vàng, mạnh mẽ, cứ đi lật bật, chập chững thế này thì biết bao giờ tới nơi. Tôi nghĩ đến những khó khăn trên đường dài, cho mọi người, không phải chỉ mình tôi, để không cứ phải ngạc nhiên tự vấn tại sao, hỡi kẻ rất yêu dấu, khi anh em bị trong lò lửa thử thách, chớ lấy làm lạ như mình gặp một việc khác thường. Tôi nghĩ đến những người quen của tôi, những con cái Chúa, cũng vừa bước qua đoạn đường ổ gà, hơi loạng choạng một chút nhưng đứng lại ngay được, vì đã đủ thời gian để trưởng thành và mạnh mẽ.
Tôi bớt nghĩ về tôi một chút, tập trung bước qua những đoạn đường ổ gà khác. Có khi phải nhảy từ ổ gà này sang ổ gà khác, cố gắng đừng kêu Chúa ơi sao mà nhiều ổ gà quá, nhưng cố gắng kêu Chúa ơi cho con đôi chân vững vàng nhảy qua được những ổ gà này mà không té. Nếu có té, thì xin Chúa cho té nhẹ thôi, đừng tổn thương gì nhiều, dù có té, thì xin Chúa cho con lồm cồm bò dậy, buồn thì buồn, nhưng đừng than phiền.
Tôi biết mình vẫn đang bước đi với hai bàn chân đau, không nhanh được – một tín hữu tinh ý vẫn thấy bước chân Mục sư có vẻ dè dặt, không mạnh mẽ như xưa – bây giờ không dám đi trên treadmill nữa mà phải ngồi đạp xe đạp, nên phải bước cẩn thận, tránh làm cho mình đau thêm, cả về thể xác lẫn tinh thần. Mỗi tuần hai lần đến Chiropractor để… điều chỉnh hai phần cột sống bị tổn thương vì những nhọc nhằn thân xác và tinh thần, mỗi ngày hai lần tập những bài homework bác sĩ căn dặn cẩn thận: sự điều trị này phần lớn tùy thuộc vào kỷ luật tập luyện của ông ở nhà, chứ không phải chỉ là những lần điều trị của tôi tại đây, cả hai phải cùng hợp tác với nhau mới đem lại kết quả. Vị bác sĩ Cơ Đốc dễ thương, có lần đưa cho tôi một bì thư trong đó có một câu chuyện về một con bướm, và thư của ông viết:
“Kien,
I thought of you when I read this poem. I know that you are going through struggles on many levels, emotional, and physical. I believe they are interrelated as well. I want to encourage you by saying that it is important for you to go through these physical struggles if you are to become stronger in the end. I believe that is what Jesus wants from his children, for them to become stronger and more like Him as we go through these seasons of life. Your physical body is no different. You will go through times of physical struggle like the butterfly mentioned above. It is a natural part of healing. Do not get discouraged. You are healing and getting stronger.
Dr. G”
Câu chuyện một đứa bé cố gắng giúp một con bướm trong khi nó đang cố gắng thoát ra cái kén bằng cách dùng kéo rạch một vết trên thân kén để bướm thoát ra dễ dàng hơn. Nhưng lòng tốt của nó lại trở thành một tai họa. Con bướm bị sinh non đã tàn tật và mãi mãi không thể cất cánh. Nó cần đủ thời gian để hoàn thiện hình hài, và phải tự cố gắng thoát ra cái vỏ dù nhọc nhằn, nhưng chính là sự nhọc nhằn cần thiết cho một con người trưởng thành hỡi anh em, hãy xem sự thử thách trăm bề thoạt đến cho anh em như là điều vui mừng trọn vẹn, vì biết rằng sự thử thách đức tin anh em sanh ra sự nhịn nhục. Nhưng sự nhịn nhục phải làm trọn việc nó, hầu cho chính mình anh em cũng trọn lành toàn vẹn, không thiếu thốn chút nào.
Đức Chúa Trời có thể giúp chúng ta vượt qua những khó khăn của đời mình, nhưng đôi khi Ngài cũng để những thử thách rèn luyện cho chúng ta có thể mạnh mẽ đủ mà cất cánh bay, trở nên một sinh vật hữu ích cho đời. Dr. G ngoài việc chữa bệnh cột sống cho tôi, còn quan tâm thuộc linh đủ tặng cho tôi một bài học thuộc linh ý nghĩa. Tôi biết ơn bài học ấy. Tôi ý thức rằng đây là những điều Chúa cho phép xảy đến để dạy dỗ tôi, một con người nhạy cảm để cứng rắn hơn, một con người yếu đuối để mạnh mẽ hơn, một con người hay vùng vằng để điềm tĩnh hơn. Tôi không thể bay với một đôi cánh thương tích. Tôi sẽ có một đôi cánh mỏng, nhưng là đôi cánh mỏng có thể bay lượn được trong trời xanh bao la.
Tôi mỗi buổi sáng cúi đầu trước cái laptop trống trơn không chữ nghĩa để bắt đầu cuộc nói chuyện ngắn ngủi mà “chất lượng” với Đức Chúa Trời, như người tín hữu trong câu chuyện nào đó, mỗi buổi sáng trước khi đi làm, vào nhà thờ một mình, quỳ xuống chiếc ghế trống, và nói: Chúa ơi, con là Jim đây, rồi bắt đầu đi vào dòng sinh hoạt rộn rịp căng thẳng của thành phố New York, như đứa con trước khi đi học, vòng tay lễ phép: Thưa cha con đi học! Người Cha hài lòng vì đứa con “trình diện” mình mỗi ngày, không cần nói gì đâu, thế là đủ. Sự khôn cùng ai nói được bao nhiêu. Tôi bây giờ cũng tập không nói dài dòng gì với Chúa nữa, vì những ngày “dài dòng” đã qua rồi, chúng tôi hiểu nhau từng giây phút trong đời, nhìn nhau là hiểu, là yêu thương, cần gì nói. Một ánh mắt trìu mến cho tôi biết Chàng ở đó, sẽ theo dõi mình trong suốt ngày mới, là năng lực theo tôi đi vào cuộc đời:
Chàng là một tĩnh từ đi vòng quanh thế giới
chàng là yêu mà không chỉ là yêu
chàng là tình yêu duy nhất và độc nhất
chàng là một động từ có một, mà nhiều”
Tôi sẽ đi vào ánh nắng của ngày mới với chàng, mỗi bước chân tôi bây giờ không mạnh mẽ như xưa, nhưng đã có chàng đi cùng, nắm tay dìu bước khi cần thiết. Những cái cấu nhéo của thân thể đôi khi làm mình khó chịu, nhưng bàn tay chàng sẽ xoa dịu. Tôi tập không quan tâm quá về chính mình nữa, nhưng tập trung vào Ngài, điều đó sẽ giúp tôi đi dài hơn trên con đường dài mà không quá mỏi mệt, vì tôi vẫn phải bước đi, chưa biết bao giờ tới cuối đường, bước một mình với nỗi băn khoăn, day dứt quả thật rất nhọc nhằn.
Lần trở về Texas, tôi gặp lại người tín hữu cũ mà tôi rất yêu mến và gia đình cô cũng rất yêu mến tôi. Lần nào cũng vậy, khi gặp lại cô thì linh hồn buồn rầu của tôi được an ủi. Gần mười năm trước khi đến quản nhiệm Hội Thánh Fort Worth, tôi đã viết một tùy bút đăng trên Da Màu với tựa đề Để Bớt Nhớ Mùa Thu – kể chuyện một gia đình chìm ngập trong những làn sóng hoạn nạn, mà lúc ấy, dù cảm nhận được trong tình cảm một người chăn bầy, tôi vẫn chưa thể đồng cảm được, vì chính mình chưa thật kinh nghiệm được cảm giác thật khi bị trôi đi, và những làn sóng dữ đập vào thân thể, vào tâm hồn đau xót thế nào.
Mười năm sau, chúng tôi đã già đi, nhưng tình cảm giữa người chăn và con chiên không hề già. Nếu có già, thì là một người già đã chín chắn theo năm tháng, đức tin cũng già dặn hơn. Tôi đề nghị ra thăm mộ đứa con lớn của họ đã qua đời trước nhà tôi hơn một năm, tôi đề nghị mua một bó hoa cho cháu. Đứng trước mộ, nhìn xung quanh nghĩa trang, tôi nghĩ đến nhà tôi, nhưng tôi chợt nhận ra một chút an ủi, tôi đã không nghĩ đến điều ấy với một tâm trạng buồn rầu, mà như nhìn thấy một niềm an ủi tràn ngập tâm hồn. Đây là điều tôi cần bước qua trước tiên để lại tiếp tục bước trên con đường dài, bước khó nhất cũng là bước quyết định cho cuộc sống còn lại ý nghĩa hơn.
Trước cái porch nhà tôi, một con chim sẻ làm tổ trong một góc từ ngày tôi dọn nhà đến đã thấy nó, nhưng không chú ý đến nó. Dạo này tôi bắt đầu chú ý đến nó, khi mở cửa thì nghe tiếng đập cánh vù vù nhỏ nhẹ của một con chim sẻ bay ra khỏi cái tổ, bay vào khoảng không gian trước mặt, cất tiếng hót ríu rít trong ban mai tươi sáng, ngay cả lúc không gian ảm đạm. Tiếng hót của nó có chút gì ngộ nghĩnh, lạc quan, yêu đời, nó làm tôi nhớ đến lời Chúa: Hai con chim sẻ há chẳng từng bị bán một đồng tiền sao? Và ví không theo ý muốn cha các ngươi, thì chẳng hề một con nào rơi xuống đất. Tóc trên đầu các ngươi cũng đã đếm hết rồi. Vậy, đừng sợ chi hết, vì các ngươi quý trọng hơn nhiều con chim sẻ.
Tôi biết rằng, trong vòng tay chàng, trong ánh mắt chàng, tôi được quý trọng nhiều hơn con chim sẻ.
Trần Nguyên Đán
Leave a Reply