Kinh Thánh có cấm việc ngừa thai trong hôn nhân?

Oneway.vn – Con cái là cơ nghiệp Chúa ban cho. Vậy thì việc ngừa thai có đẹp lòng Chúa?

Ảnh minh họa. Nguồn: United Church of God

Chúng tôi tin rằng những hình thức ngừa thai không làm chết thai nhi thì đều được cho phép. Không chỗ nào trong Kinh Thánh ngăn cấm việc kiểm soát sinh sản, dù là ngăn cấm một cách rõ ràng hay hoàn toàn, cho nên chúng ta đừng nên thêm vào những quy tắc phổ quát vốn không có trong Kinh Thánh (Psalms/Thi Thiên 119:1, 9 – về tính đầy đủ trọn vẹn của Kinh Thánh). Điều quan trọng là thái độ của chúng ta trong cách mình áp dụng. Bất kỳ thái độ nào không xem con cái là tặng phẩm tốt lành từ Chúa đều là sai trật: “Kìa, con cái là cơ nghiệp Đức Giê-hô-va ban cho; bông trái của tử cung là phần thưởng. Con cái sinh ra đang tuổi thanh xuân, khác nào mũi tên trong tay dũng sĩ. Phước cho người nào để chúng đầy ống tên!” (Psalms/Thi Thiên 127:3-5a).

Tất nhiên, một số Cơ Đốc nhân sẽ không đồng tình với quan điểm này. Một vài ý kiến phản đối chính yếu liên quan đến việc kiểm soát sinh sản có thể được xếp vào những loại câu hỏi sau:

Tránh thai có phù hợp với lẽ thật con cái là tặng phẩm từ Chúa hay không?

Tại sao chúng ta không để Đức Chúa Trời quyết định số lượng con cái?

Có phải việc kế hoạch hóa gia đình theo phương pháp tự nhiên được chấp nhận hơn là tránh thai “nhân tạo”?

Tránh thai có phù hợp với lẽ thật “Con cái là cơ nghiệp từ Chúa” hay không?

Việc vui thích thực tế “Con cái là cơ nghiệp Đức Giê-hô-va ban cho” là điều rất quan trọng. Nhưng vài người lại đi quá xa và rút ra kết luận từ điều này rằng bởi vì con cái là cơ nghiệp từ Đức Chúa Trời, cho nên bất kỳ hành động nào liên quan đến việc kiểm soát thời điểm có con và số lượng con cái đều sai trật.

Để trả lời lập lập luận trên, chúng ta có thể chỉ ra rằng Kinh Thánh cũng nói người vợ chính là ân điển đến từ Đức Giê-hô-va (Proverbs/Châm ngôn 18:22). Nhưng điều đó không hề có nghĩa sống độc thân là điều sai trái (1 Corinthians/I Cô-rinh-tô 7:8). Chỉ bởi vì một điều gì đó là tặng phẩm từ Chúa thì không có nghĩa  là việc quản trị khi nào và liệu rằng mình có sở hữu nó hay không là điều sai trái. Lập luận cho rằng bởi vì A là tốt và là tặng phẩm từ Chúa nên chúng ta phải theo đuổi nó một cách hết sức có thể là một lập luận không đúng. Đức Chúa Trời đã dựng nên thế giới này với một sự quân bình phải được duy trì và chúng ta không thể làm mọi điều theo “mức độ tối đa nhất”. Vì cớ ích lợi cho vương quốc Đức Chúa Trời, có thể không kết hôn là một điều khôn ngoan. Và cũng vì cớ ích lợi cho vương quốc Đức Chúa Trời, có lẽ  việc kiểm soát số lượng thành viên trong gia đình và kiểm soát khi nào chúng ta nên có thêm một thành viên nữa cũng là điều khôn ngoan. Như giáo sư thần học Wayne Grudem đã nói, “Chúng ta đừng nên để tâm nhiều quá vào một số việc tốt để tập trung vào những việc tốt khác”.

Khi tôi dạy một khóa học Kinh Thánh hè tại một viện thần học ở châu Phi, một sinh viên đã nêu lên một quan sát tinh tế liên quan đến vấn đề trên. Cậu lưu ý chúng ta rằng trong câu chuyện sáng tạo, mạng lệnh về việc “sinh sôi nảy nở” đi kèm với mạng lệnh “quản trị” trái đất: “Đức Chúa Trời ban phước cho loài người và phán: ‘Hãy sinh sản, gia tăng gấp bội và làm cho đầy dẫy đất; hãy làm cho đất phục tùng, hãy quản trị loài cá dưới biển, loài chim trên trời và mọi loài bò sát trên mặt đất’” (Genesis/Sáng Thế Ký 1:28). Sau đó, cậu hỏi làm thế nào một nông dân (cậu sinh viên này sống trong một xã hội có ruộng đất bạt ngàn, muốn dùng bao nhiêu cũng được) biết được ông ta nên sử dụng bao nhiêu ha đất thì được? Tất nhiên, câu trả lời là người nông dân đó sẽ cố gắng trồng trọt, sử dụng một số lượng ruộng đất mà trong khả năng ông có thể quản lý. Ông ta không hề giữ điều răn của Chúa theo cách phải có thật nhiều ruộng đất. Thì cũng như vậy, không có gì là sai khi một cặp vợ chồng muốn có một số lượng con cái mà họ tin rằng họ có thể nuôi dạy một cách tốt nhất trong nhận thức rằng họ còn phải thực hiện những sự kêu gọi khác trên cuộc đời mình. Cùng cách nghĩ đó, giáo sư thần học Wayne Grudem đã chỉ ra, “Chúng ta không được đòi hỏi phải tối đa hóa số lượng con cái nhiều hơn so với đòi hỏi phải luôn quản trị thế giới– trồng trọt, chăm sóc, thu hoạch, v…v.”  

Thế thì, trên thực tế, dù đúng là “Phước cho người nào để chúng (con cái) đầy ống tên”, chúng ta cần phải nhận ra rằng Đức Chúa Trời không ban cho “ống tên” mọi người với cùng một kích thước như nhau. Vậy nên, việc kiểm soát sinh sản cũng là tặng phẩm từ Đức Chúa Trời, có thể được sử dụng để có sự quản lý khôn ngoan về số lượng con cái cũng như là phương tiện để có con vào thời điểm khôn ngoan nhất.

Tại sao chúng ta không để Đức Chúa Trời quyết định số lượng con cái?

Đôi khi, người ta lập luận rằng nếu chúng ta thật sự đặt để sự tin cậy nơi Chúa, để Ngài quyết định số lượng con cái cho mình, thì chúng ta không nên dùng biện pháp tránh thai. Dường như giả định ở đây là nếu chúng ta “để cho mọi điều diễn ra cách tự nhiên” thì Đức Chúa Trời sẽ càng hành động nhiều hơn so với việc chúng ta điều chỉnh sự việc và kiểm soát thời gian nó diễn ra. Nhưng chắc chắn đây là một nhận định sai lầm! Đức Chúa Trời là Đấng tể trị tối cao nhất về việc liệu rằng chúng ta có con cái khi chúng ta sử dụng các biện pháp tránh thai cũng như khi chúng ta để nó tự nhiên. Cánh tay của Đấng Toàn Năng không hề bị trói buộc bởi các biện pháp kiểm soát sinh sản! Cặp vợ chồng sẽ có con vào thời điểm chính xác mà Chúa muốn, cho dù họ có dùng biện pháp tránh thai hay không. Thế thì, dù là cách nào đi nữa, Đức Chúa Trời là Đấng tể trị cuối cùng trên số lượng con cái mà chúng ta có.

Suy nghĩ cho rằng “tin cậy Chúa thì đừng nên dùng phương pháp tránh thai” dựa vào nhận định không đúng khi cho rằng những gì diễn ra “cách tự nhiên” là thể hiện “ý muốn tốt nhất của Chúa” cho đời sống chúng ta, còn những gì diễn ra cách “nhân tạo” thì không phải. Tại sao chúng ta lại kết luận rằng phương cách để Chúa quyết định số lượng con cái cho mình là đừng làm gì hết và để cho mọi điều xảy ra một cách tự nhiên? Chắc chắn chúng ta không hề có suy nghĩ đó trong những lĩnh vực khác của cuộc sống. Chẳng hạn như chúng ta không lập luận rằng mình đừng nên cắt tóc để cho “Đức Chúa Trời có thể quyết định” độ dài của mái tóc chúng ta! Những người làm nông không hề để cho những ngọn gió tự gieo hạt thay họ bởi vì sợ rằng khi chủ động kiểm soát việc gieo trồng trên đất mình là đang can thiệp vào sự chu cấp mà Đức Chúa Trời muốn ban cho họ. Và một gia đình tin cậy Chúa không phải chỉ bằng việc ngồi đó, chờ đợi lương thực từ trên trời rơi xuống. Thay vào đó, họ phải đi ra chợ mua đồ ăn về. Rõ ràng là Đức Chúa Trời quyết định mọi điều diễn ra, cả trong những quyết định tự nhiên hay nhân tạo.  Và Ngài đem ý muốn của Ngài vào trong những phương tiện. Vậy nên, những việc con người làm không hề ngăn trở chương trình của Ngài, thay vào đó, Đức Chúa Trời dùng chính những việc đó như là phương tiện để thực hiện ý muốn của Ngài. Do đó, chúng ta đừng nên kết luận rằng những gì diễn ra ngoài kế hoạch của chúng ta là “tốt hơn” và phản ánh đúng hơn về ý muốn của Đức Chúa Trời dành cho mình hơn là những gì diễn ra theo kế hoạch của chúng ta. Đức Chúa Trời rất thường xuyên khiến chúng ta lên kế hoạch như là phương tiện để nâng cao cuộc sống của mình và làm ích lợi càng hơn cho vương quốc của Ngài.

Hơn nữa, Đức Chúa Trời đã bày tỏ rằng ý muốn của Ngài là chúng ta phải điều chỉnh và hướng dẫn tạo vật cho vinh quang của Ngài (Genesis 1:28). Đức Chúa Trời đã ban cho chúng ta đặc ân có thể có những quyết định quan trọng trong cuộc đời bởi vì sự khôn ngoan mà chúng ta thực hành  bày tỏ bông trái là Lời của Ngài đang nảy nở trên đời sống của chúng ta. Khi chúng ta sử dụng sự khôn ngoan mà Chúa ban cho một cách đúng đắn thì Đức Chúa Trời được vinh hiển. Ngài không hề muốn chúng ta chỉ đơn giản nghĩ rằng chúng ta phải nhận lấy những gì đến một cách tự nhiên, nằm ngoài cố gắng của chúng ta, bởi vì lúc đó, sự khôn ngoan mà Ngài ban cho chúng ta không được bày tỏ. Thực ra, ý muốn của Đức Chúa Trời diễn ra rất thường xuyên khi chúng ta không chỉ để sự việc diễn ra cách tự nhiên. Quay trở lại minh họa đã được đề cập ở trên, những người làm nông không phải chỉ thu hoạch bất cứ thứ gì sau khi hạt giống nảy mầm và mọc lên trên cánh đồng với kết luận “đây chính là những gì Chúa muốn chu cấp cho tôi”. Thay vào đó, họ ra đồng, gieo hạt, nhận ra rằng Đức Chúa Trời muốn chu cấp không chỉ thông qua tự nhiên nhưng cũng thông qua phương tiện mà họ dùng để quản trị thiên nhiên. Vậy nên, sẽ không hợp lý khi kết luận rằng việc sử dụng các biện pháp tránh thai là làm ngăn trở vai trò của Đức Chúa Trời trong việc ban cho chúng ta con cái. Kiểm soát sinh sản có thể là cách quản lý khôn ngoan về thời điểm có con và số lượng con cái mà Chúa ban. Chẳng hạn như, một cặp vợ chồng có thể phục vụ vương quốc Chúa một cách kết quả hơn khi chờ đợi và có con 3 năm sau khi cưới để người chồng có thể tốt nghiệp trước đã. Hay là một cặp vợ chồng có thể phục vụ công việc Chúa kết quả hơn khi quyết định có 4 đứa con thay vì 15 đứa để có thể sử dụng nhiều nguồn tài nguyên hơn cho công tác truyền giáo và có nhiều thời gian hơn để tận hiến cho những lĩnh vực khác. Nếu những kế hoạch trên được thực hiện cho sự vinh hiển của Chúa và trong sự khôn ngoan, nếu những kế hoạch trên tiếp tục nhận thức rằng kế hoạch của chúng ta không phải là hoàn hảo và kiểm soát sinh sản hoàn toàn không đảm bảo bất cứ điều gì, thì những kế hoạch đó làm vui lòng Đức Chúa Trời.  

Có phải tránh thai là biểu hiện của việc thiếu đức tin nơi Chúa?

Khi không quản lý về việc nên có bao nhiêu con, kết quả là rất nhiều cặp vợ chồng sẽ có nhiều con hơn số lượng mà họ có thể cấp dưỡng tài chính. Nhưng vài người sẽ phản ứng rằng chúng ta phải nên có đức tin rằng Chúa sẽ chu cấp tài chính. Tuy nhiên, chúng ta lại không nói “Chúa sẽ chu cấp” để biện minh cho việc đi quá mức trong những lĩnh vực khác của đời sống. Chẳng hạn như chúng ta sẽ không cho điều này là khôn ngoan khi hứa sẽ dâng hiến gấp đôi thu nhập hằng năm của mình vào những tổ chức truyền giáo bởi chúng ta tin rằng Chúa sẽ chu cấp phần tiền còn thiếu. Đức Chúa Trời muốn chúng ta có những quyết định khôn ngoan, phù hợp với những gì mà Ngài đã ban cho và đừng lạm dụng sự chu cấp của Ngài một cách thình lình. Một yếu tố liên quan là cân nhắc đến vấn đề tài chính một cách phù hợp, “Nếu ai không cấp dưỡng cho bà con mình, nhất là cho chính gia đình mình thì người ấy đã chối bỏ đức tin, còn tệ hơn người không tin nữa” (1 Timothy/I Ti-mô-thê 5:8).

Có phải việc kế hoạch hóa gia đình theo liệu pháp tự nhiên được chấp nhận hơn phương pháp tránh thai nhân tạo?

Một số người kết luận rằng “việc kế hoạch hóa gia đình theo liệu pháp tự nhiên” là có thể chấp nhận nhưng những phương pháp tránh thai nhân tạo thì không thể. Nhưng dường như nhận định này đã bỏ qua những điều quan trọng: trong cả hai trường hợp, chúng ta đều cố gắng kiểm soát thời điểm mình muốn có con. Và như vậy, nếu ai đó cho rằng việc kiểm soát thời điểm có con và số lượng con cái là sai thì người đó phải kết luận rằng liệu pháp tránh thai tự nhiên cũng sai như các phương pháp “nhân tạo”. Nhưng nếu ai đó kết luận rằng việc kiểm soát thời điểm có con và số lượng con cái là phù hợp, thì tại sao các phương pháp “nhân tạo” lại sai, còn kế hoạch hóa gia đình theo phương pháp tự nhiên lại đúng? Chắc chắn không phải là vì Đức Chúa Trời “được tự do hơn” để kiểm soát những kế hoạch của chúng ta trong phương pháp tự nhiên! Có lẽ một vài người kết luận rằng các hình thức tránh thai nhân tạo là sai bởi vì chúng làm cho việc giao hợp bị tách biệt hoàn toàn ra khỏi khả năng sinh sản. Nhưng nếu việc giao hợp mà không dẫn tới khả năng sinh sản là sai thì nó cũng sẽ sai nếu giao hợp trong thời gian mang thai hay sau khi người nữ đã sinh con một thời gian. Vì vậy, không có cơ sở nào để kết luận rằng kế hoạch hóa gia đình theo cách tự nhiên là thích hợp còn những phương pháp nhân tạo là không.  

Bài:  

Matt Perman; Lê Phan dịch

Nguồn: Desiringgod

Bạn thân mến, nếu bạn là người chưa tin Chúa và bạn muốn tiếp nhận Ngài làm Cứu Chúa cho đời mình để nhận được Sự Cứu Rỗi, Tình Yêu và sự Bình An trong tâm hồn. Hay bạn còn nhiều vấn đề, thắc mắc cần giải đáp, hãy liên lạc với chúng tôi bằng cách bấm vào đây hoặc để lại tin nhắn (trong bình luận, qua tin nhắn Fanpage) hay gửi thư đến email [email protected].


“Nầy, Ta đứng ngoài cửa mà gõ; nếu ai nghe tiếng Ta mà mở cửa cho thì Ta sẽ vào cùng người ấy, ăn bữa tối với người và người với Ta
” (Khải Huyền 3:20-BTTHĐ).

Chúa yêu bạn! Và Ngài luôn chờ đợi bạn!


Posted

in

,

by

Tags:

Comments

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *