Oneway.vn – “Hãy viết cho thiên sứ của Hội Thánh Ê-phê-sô rằng: Nầy là lời phán của Đấng cầm bảy ngôi sao trong tay hữu và đi chính giữa bảy chân đèn vàng: Ta biết công việc ngươi…” (Khải huyền 2:1-2)
Hội Thánh đầu tiên trong bảy Hội Thánh vùng Tiểu Á là Ê-phê-sô. Bức thư gửi cho Hội Thánh này được chép trong Khải huyền 2:1-7.
Ê-phê-sô, phước cho ngươi giữa vòng các Hội Thánh.
Có vẻ như Hội thánh Ê-phê-sô được bắt đầu bởi vợ chồng ông Aquila và bà Priscilla. Trên đường trở về từ Hành trình Truyền giáo thứ hai, Sứ đồ Phao-lô để Aquila và Priscilla lại Ê-phê-sô còn ông thì rời đi. Ông A-bô-lô cũng thi hành chức vụ trong một thời gian tại đây.
Phao-lô đã dành ba năm tại Ê-phê-sô. (Công vụ 19 cho biết là 2 năm 3 tháng, nhưng trong Công vụ 20,Phao-lô nói với những người lãnh đạo tại Hội Thánh Ê-phê-sô rằng ông dành 3 năm tại đó). Đó là quãng thời gian lâu nhất mà ông dành cho bất kỳ Hội Thánh nào.
Sau đó, Hội Thánh được Ti-mô-thê lãnh đạo, tiếp đó là Sứ đồ Giăng. Họ đã có những điều tốt nhất.
‘Vì ai đã được ban cho nhiều, thì sẽ bị đòi lại nhiều’ (Lu-ca 12:48).
Thành phố
Ê-phê-sô là thành phố lớn nhất châu Á và là trung tâm quan trọng nhất về thương mại, chính trị, tôn giáo trong toàn khu vực. Với dân số 300.000 người, đây là thành phố lớn thứ ba trong Đế chế La Mã.
Nơi có đền thờ nữ thần sinh sản (Diana/Đi-anh) với đường kính 122x61m và cao 18m, với 127 cột trụ, đây được coi là một trong bảy kỳ quan của thế giới cổ đại. Tra cứu về Đền thờ của nữ thần sinh sản bạn sẽ không mấy ấn tượng đâu.
Như đã nói Ê-phê-sô, được coi là điểm phân chia giữa phương Đông và phương Tây (Điều này thật thú vị, vì không có điểm nào để tự phân định Đông-Tây như cách phân định Bắc và Nam. Thi-thiên 103:12, “Phương đông xa cách phương Tây bao nhiêu, thì Ngài đã đem sự vi phạm chúng tôi khỏi xa chúng tôi bấy nhiêu”).
Ê-phê-sô nằm ở cửa sông Cayster, giữa sông Meander và sông Hermus, nên thuận tiện cho việc đi lại, buôn bán, đa dạng văn hóa,… Di tích khảo cổ đến ngày nay bao gồm một ngôi đền Domiti và một bức tượng khổng lồ.
Tất cả những điều trên không quan trọng trong bài học của chúng ta. Nếu tôi nói về nhà thờ của mình, mà chỉ cung cấp những chi tiết về thương mại, văn hóa, lịch sử, vị trí địa lý thì thực sự nó chẳng liên quan đến những gì Chúa muốn nói về Hội Thánh của Ngài.
“Ta biết công việc của các ngươi”
Chúa nói điều này với cả bảy Hội Thánh. Đó là hình dung của Ngài “đi chính giữa bảy chân đèn vàng”. Ngài ở giữa, nhìn xem công việc chúng ta và Ngài biết tất cả theo cách của riêng Ngài. Không gì giấu được khỏi đôi mắt của Chúa.
Chúa biết những công việc của Hội Thánh Ê-phê-sô, công lao (đến mức kiệt sức), sự nhẫn nại và tình yêu của Hội Thánh đối với Lẽ thật. Chúa biết lòng nhiệt thành của họ. Họ xét xử những người giả là sứ đồ và trục xuất. Chúa biết người Ê-phê-sô đã làm tất cả điều này vì Danh Ngài, đó cũng là tất cả những gì mà chúng ta mong muốn làm cho Chúa.
Nhưng không. Đã có điều gì đó sai trật.
“Nhưng có điều Ta trách ngươi”
“ Ngươi đã bỏ lòng kính mến ban đầu”.
Ê-phê-sô đã làm những việc đáng kinh ngạc. Đúng, đủ, nhưng nó sắp sụp đổ bởi Hội Thánh đã… quên yêu nhau.
Thật tinh tế cho Hội Thánh với bản lý lịch sáng láng. Nhiều người sẽ nói tình yêu đâu có quan trọng, chúng ta có một Hội Thánh dẫn đầu trong Giáo hội, tạo nên những dấu ấn, thành tựu mới, và nâng cao những con số.
Nhưng với Chúa Jêsus tình yêu rất quan trọng . Trước đó, Ngài đã phán, tình yêu sẽ là dấu ấn của tín đồ. “Như ta đã yêu các ngươi thể nào, thì các ngươi cũng hãy yêu nhau thể ấy. Nếu các ngươi yêu nhau, thì ấy là tại điều đó mà thiên hạ sẽ nhận biết các ngươi là môn đồ ta” (Giăng 13:34-35).
Vậy, điều gì đang xảy ra ở đây?
Tôi sẽ nói với bạn suy nghĩ của tôi. Những người Ê-phê-sô đang nói rằng họ yêu Chúa và có lẽ họ đang làm vậy. Nhưng họ không có tình yêu thương dành cho người khác và cho nhau.
Đó là mối quan hệ theo chiều ngang, không phải chiều dọc, thứ mà họ đánh mất lại rất quan trọng với Chúa của chúng ta.
Thực tế, Ngài không cho phép điều đó.
“Dầu tôi nói được các thứ tiếng loài người và thiên sứ, nếu không có tình yêu thương, thì tôi chỉ như đồng kêu lên và chập chỏa vang tiếng. Dầu tôi được ơn nói tiên tri, cũng biết đủ các sự cầu nguyện và mọi sự hay biết, dầu tôi cócả đức tin đến nỗi có thể dời núi được, nhưng không có tình yêu thương, thì tôi chẳng ra gì”. (I Cô-rinh-tô 13:1-2)
Một người bạn đã kể cho tôi về điều đã xảy ra tại nhà cô ấy vào một buổi sáng, khi bọn trẻ chuẩn bị đến trường. Không hiểu lý do vì sao cậu con trai út đã chuẩn bị bữa trưa cho mình và hai chị gái. Cô ấy nhìn thấy và rất ấn tượng. Vừa định khen con trai thì đột nhiên cậu lấy túi thức ăn và ném dưới chân chị mình. “Nè”! cậu bé nói. “Bữa trưa của chị đó!”. Cô ấy đã nhìn thấy tất cả và nói: “Con yêu! Con gần như đã làm đúng!”.
Gần như, không có nghĩa là đúng. Không có tình yêu, không thể đạt được bất cứ điều gì.
Tình yêu đến từ đâu?
“vì sự yêu thương của Đức Chúa Trời rải khắp trong lòng chúng ta bởi Đức Thánh Linhđã được ban cho chúng ta”. (Rô-ma 5:5). Chúa là Nguồn tình yêu.
“Nhưng trái của Thánh Linh ấy là sự yêu thương”. (Ga-la-ti 5:22)
Như vậy, Chúa ban cho Hội Thánh Ê-phê-sô một “đơn thuốc”, gồm ba bước.
– Hãy nhớ lại ngươi đã sa sút từ đâu.
– Ăn năn. Thiếu mất tình yêu là tội lỗi.
– Làm lại những công việc ban đầu. Làm lại những điều họ đã làm-ngợi khen, thông công, cầu nguyện, học Lời Chúa và nỗ lực rao truyền sự cứu rỗi.
“Nếu ngươi không ăn năn”
“Ta sẽ đến cùng ngươi, nếu ngươi không ăn năn thì ta sẽ cất chân đèn ngươi khỏi chỗ nó”.
Nếu chân đèn tượng trưng cho Hội Thánh (Khải Huyền 1:20), thì việc loại bỏ chân đèn có ý nghĩa gì?
Đó là sự hiện diện của chính Chúa khiến hội chúng trở thành một Hội Thánh của Chúa Jêsus. Vì vậy, loại bỏ chân đèn nghĩa là Chúa rời khỏi Hội Thánh đó. Ngài sẽ rút lại sự hiện diện, phước lành và quyền năng. Họ vẫn có thể gặp nhau như một hội chúng và trải qua các buổi lễ, nhưng Chúa sẽ không hiện diện, sẽ không cảm động đời sống và xức dầu thông điệp hay ban phước cho những người thờ phượng.
Chúa sẽ hủy nhượng quyền của họ.
Doanh nghiệp nhượng quyền là một phần của doanh nghiệp lớn. Chủ sở hữu địa phương ký hợp đồng để mua một hoạt động nhượng quyền thương mại, đồng ý mua tất cả các nguồn cung từ công ty mẹ và tuân thủ các chính sách, quy định và hoạt động. Nếu một nhà hàng địa phương không giữ được doanh thu, công ty mẹ có thể hủy nhượng quyền thương mại. Họ gỡ bỏ các biển báo và lấy đi bất cứ thứ gì thuộc quyền sở hữu của họ. Bây giờ, chủ sở hữu địa phương có thể tiếp tục bán khoai tây chiên và bánh mì kẹp thịt, nhưng anh ấy phải tự mình làm.
Vì vậy, với một Hội Thánh đã mất quyền nhượng quyền, tức là chân đèn của nó. Nó có thể tiếp tục nhóm họp và tự gọi mình là một Hội Thánh, có thể tiếp tục sử dụng Kinh thánh và làm tất cả những công việc tôn giáo. Nhưng Chúa không còn ở đó và không ai còn gặp Ngài trong các buổi thờ phượng nữa.
Đó là điềm báo cho một Hội Thánh.
Lời hứa dành cho người vượt qua thử thách
“Kẻ nào thắng, ta sẽ cho ăn trái cây sự sống ở trong Ba-ra-đi của Đức Chúa Trời”. (Khải Huyền 2:7).
Ray Summers cho biết, “về quan niệm chiến thắng là một trong những ý tưởng nổi bật của Sách Khải Huyền”.
Ray Stedman nói: “Hãy tưởng tượng! Cây sự sống đã bị giấu khỏi chúng ta bởi tội lỗi trong Sách Sáng thế Ký, khi A-đam và Ê-va bị đuổi ra khỏi vườn Ê-đen, giờ đây lại được ban cho chúng ta một lần nữa trong Sách Khải Huyền. Trong cuốn sách cuối cùng của Kinh Thánh, Lời Chúa là một vòng tròn trọn vẹn”.
Thiên đàng là nơi tương giao với Chúa, ở bất kỳ đâu. Trong Lu-ca 23, Chúa Jêsus hứa với kẻ trộm trên thập tự giá rằng “hôm nay ngươi sẽ được ở với Ta trong Ba-ra-đi”.
Jane Nguyễn dịch
(Nguồn: churchleaders.com)
Leave a Reply