Trẻ Em Nên Ở Đâu Trong Suốt Lễ Thờ Phượng?

Oneway.vn – “Song Đức Chúa Jêsus phán rằng: Hãy để con trẻ đến cùng ta, đừng ngăn trở; vì nước thiên đàng thuộc về những kẻ giống như con trẻ ấy.” (Ma-thi-ơ/Matthew 19:14)

 

Trẻ em được cho là ở đâu trong một buổi lễ thờ phượng? Đối với nhiều Hội thánh truyền giáo trong cộng đồng của chúng tôi, câu trả lời là: “Trong phòng dành cho thiếu nhi”. Ở thị trấn của chúng tôi, không có gì lạ khi trẻ em ở trong các chương trình riêng biệt dành cho chúng, cách xa người lớn trong suốt thời gian học trung học cơ sở và thậm chí xa hơn. Không gì đáng ngạc nhiên khi nhiều bạn trẻ rời khỏi Hội thánh, sau khi tốt nghiệp chương trình thanh thiếu niên một vài năm.

 

Khái niệm đưa trẻ ra khỏi sự thờ phượng là thông điệp sai ở nhiều mức độ. Đầu tiên, nó ngụ ý một điều gì đó về cách chúng ta nhìn nhận trẻ em. Chúng ta có kỳ vọng thấp về chúng. Chúng ta không nghĩ rằng trẻ có thể được dạy ngồi yên, chúng có thể học theo và quan tâm đến sự thờ phượng. Chúng ta không nghĩ rằng trẻ sẽ quan sát và thực hiện theo những gì người lớn đang làm trong Hội thánh. Thứ hai, nó ngụ ý một điều gì đó tiêu cực về sự thờ phượng chung. Chúng ta không cho rằng việc thờ phượng Chúa sẽ hấp dẫn trẻ em. Chúng ta không nghĩ việc thờ phượng Chúa thực sự có tác động gì đó cho trẻ em. Chúng ta nghĩ rằng, hiệu quả của việc thờ phượng tùy thuộc vào các hoạt động của chúng ta chứ không phải là công tác của Thánh Linh. Thứ ba, chứng tỏ rằng chúng ta thực sự không có một khái niệm lành mạnh về hội chúng là gì. Nếu chúng ta không xem trẻ em là một phần quan trọng của hội chúng, là thành viên tiềm năng trong tương lai, thì chúng ta sẽ coi chúng là công dân hạng hai hoặc tệ hơn, như một phần phụ nên được tách ra khỏi phần còn lại của hội chúng.

 

Nếu mục tiêu của chúng ta là muốn nhìn thấy người trẻ tuổi lớn lên thành những thành viên hữu ích của vương quốc Đức Chúa Trời, thì chúng ta nên đưa chúng hòa nhập vào đời sống và mục vụ của Hội thánh ngay từ khi còn nhỏ. Làm thế nào để biết giá trị của sự thờ phượng nếu chúng không trải nghiệm nó? Làm thế nào chúng biết được rằng, Đức Chúa Trời hứa sẽ gặp gỡ dân sự Ngài một cách đặc biệt trong sự thờ phượng chung, trong khi ta loại trừ chúng ra khỏi sự thờ phượng? Làm thế nào để dạy trẻ biết quyền năng sự thờ phượng là tác động của Đức Chúa Trời chứ không phải hoạt động của con người?

 

Tuần này qua tuần khác, trẻ em trong Hội thánh chúng tôi được ngồi trong lễ thờ phượng và kéo dài trong một tiếng rưỡi. Chúng tham gia hát ca ngợi Chúa. Chúng tập trung lắng nghe, ghi chú hoặc vẽ những bức tranh liên quan đến bài giảng nếu chúng không biết viết. Chúng lắng nghe Lời Kinh Thánh được giảng ra. Liệu chúng có hiểu mọi thứ đang xảy ra? Có thể là không, nhưng chúng đang học để biết rằng mình đang thờ phượng Chúa và mình thuộc về nơi đó.

 

Giúp trẻ đến với buổi thờ phượng – đó là một quá trình. Hội thánh nên có một phòng cho các bé nhỏ và có giáo viên chăm sóc để chúng không làm gián đoạn lễ thờ phượng. Chúng ta không nên giữ con cái trong sự thờ phượng nếu chúng làm cho hội chúng bị phân tâm. Và mục tiêu nên làm là hãy đưa chúng ra khỏi phòng chăm sóc khi chúng được ba tuổi. Những người mới làm cha mẹ nên nhận ra đây sẽ là một quá trình và nó đòi hỏi nỗ lực từ phía cả hai bố mẹ (nếu có cả bố mẹ). Đặc biệt trong những tình huống chỉ có một phụ huynh hoặc một gia đình đến từ bên ngoài Hội thánh, thì chính Hội thánh cần phải chủ động, kiên nhẫn và nhẹ nhàng trong việc giúp đỡ để gia đình hướng tới mục tiêu này. Hãy đầu tư để huấn luyện, đào tạo trẻ em ngồi và tham gia vào việc thờ phượng, để trẻ quan sát và học hỏi theo những tấm gương tốt từ các anh chị em và bạn bè trong Hội thánh.

 

Sẽ là một trải nghiệm phước hạnh nếu trong những lễ thờ phượng sinh hoạt hội chúng có sự hòa nhập của những đứa trẻ. Điều đó cũng sẽ làm chứng cho thế giới rằng, chúng ta tin những gì Chúa Jesus nói về trẻ em, về sự thờ phượng và về Hội thánh.

Tác giả: Richard Holdeman, dịch Hadassah Phạm 

(Nguồn: churchleaders.com)


Posted

in

,

by

Tags:

Comments

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *