Chúa nói gì về… nước mắt?

Oneway.vn – Trải qua nhiều thế kỷ, con người và kể cả Cơ Đốc nhân gọi thế giới này là “thung lũng nước mắt”…

Image result for khóc

Vâng, Đấng Christ đã đến, Ngài đã sống lại, và Ngài sẽ trở lại. Nhưng chúng ta vẫn buồn bã, đau đớn, khóc lóc… Chúng ta vượt qua thung lũng với tấm lòng nặng nề, đau buồn vì hàng ngàn lý do: hôn nhân tan vỡ, con cái trầm cảm, khoảng cách vợ chồng, hy vọng đổ sụp, người thân qua đời, tội lỗi… tàn phá chúng ta.

 

Đôi khi, chúng ta khóc bởi những nỗi buồn dai dẳng trong cuộc sống, chúng làm đầy cuộc sống chúng ta như những vị khách không mời và cũng không chịu rời khỏi. Và rồi chúng ta khóc vì những sự bất hạnh không mong đợi, làm héo úa tâm hồn chúng ta. Và không hiếm những lúc chúng ta khóc mà không biết tại sao, vì những nỗi đau không dễ diễn tả hay giải thích được.

Đối với những người than khóc, thông điệp của Kinh Thánh không phải là làm khô đi những giọt nước mắt của bạn. Không, Kinh Thánh nói rằng khóc lóc là một điển hình của cuộc sống, và thông điệp Thánh Kinh dành cho họ chính là: đồng cảm, để bạn vững vàng hơn.

“Ta nhìn thấy chúng”

Không một con chim sẻ nào rơi xuống đất ngoài ý muốn của Chúa (Matthew/ Ma-thi-ơ 10: 29), và từng giọt nước mắt của bạn cũng vậy.

Khi Hagar/A-ga cất tiếng lên trong đồng vắng Beersheba/Bê-e-sê-ba, Chúa đã đến gần (Genesis/Sáng Thế Ký 21:17). Khi Hannah/An-ne sầu khổ cầu nguyện bên ngoài đền thờ của Chúa, Đức Chúa Trời đã lắng nghe và ghi nhớ (I Samuel/I Sa-mu-ên 1:10;17). Khi David/Đa-vít mệt mỏi, than vãn, Đức Chúa Trời không hề mệt mỏi lắng nghe (Psalm/Thi Thiên 6:6-9)…

Đức Chúa Trời của sự an ủi luôn dõi theo tiếng khóc của bạn. Ngài gom tất cả những giọt nước mắt của bạn và đặt chúng trong ve của Ngài (Psalm/Thi Thiên 56:8). Như một người mẹ ngồi canh đứa con bị bệnh, Đức Chúa Trời cũng ghi nhớ mọi tiếng thở dài khó chịu và đau đớn của chúng ta. Cho dù nỗi đau khổ của bạn có bị mọi người quên lãng, nhưng không một khoảnh khắc nào mất đi sự tập chú của Ngài – Đấng không hề ngủ hay chớp mắt vì bạn (Psalm/Thi Thiên 121:4).

Như Đức Chúa Trời đã phán với vua Hezekiah/Ê-xê-chia, Ngài cũng có thể nói với mỗi đứa con mình: “Ta có nghe lời cầu nguyện của ngươi; thấy nước mắt ngươi” (II Kings/II Các Vua 20:5).

“Ngài quan tâm”

Nhiều người trong chúng ta cảm thấy xấu hổ vì những giọt nước mắt, đặc biệt khi người khác nhìn thấy. Trong một nền văn hóa đề cao sức mạnh và khó chịu với những nỗi đau buồn kéo dài, rất nhiều người trong chúng ta đã phản ứng lại với nước mắt bằng cách vội vàng lau chúng và nhanh chóng… vượt qua nó.

 

Đức Chúa Trời không như vậy, với tấm lòng thương xót của một người Cha Thiên Thượng, Ngài đến gần những tấm lòng tan vỡ và rịt lành vết thương cho họ (Psalm/Thi-thiên 147:3). Đức Chúa Trời phán: “Phước cho các ngươi hiện đương khóc lóc” (Luke/Lu-ca 6:21), không làm bạn phải xấu hổ vì nước mắt của mình khi bước đi trong một thế giới đổ vỡ.

 

Khi Chúa Jesus đến thành Nain/Na-in và nhìn thấy một người góa bụa khóc lóc vì con trai bà chết, “Ngài đã động lòng thương xót người” (Luke/Luca 7:13). Sau đó, khi Mary/Ma-ri sấp mình dưới chân Chúa vì sự chết của anh trai bà thì “Chúa đã khóc”(John/Giăng 11:35). Chúa thương xót và Ngài đã khóc – mặc dù sắp phán lời khiến người sống lại (Luke/Lu-ca 7:14; John/Giăng 11:43).

 

Chỉ vì Chúa Jesus yêu chúng ta, Ngài biết cách giải quyết vấn đề của chúng ta không có nghĩa Ngài đi đường tắt qua nỗi đau của chúng ta. Cùng một Đấng khiến kẻ chết sống lại, trước hết Ngài sẽ ở với chúng ta trong nỗi đau, rồi Ngài sẽ leo xuống “thung lũng nước mắt”, rồi bước đi bên cạnh chúng ta.

 

Chắc chắn không phải tất cả những giọt nước mắt đều đánh thức lòng thương xót của Chúa. Đức Chúa Trời ít kiên nhẫn khi chúng ta khóc lóc, đau khổ về những thần tượng mà Ngài đã cất bỏ khỏi chúng ta, như khi Israel/Y-sơ-ra-ên ham thích đồ ăn của xứ Egypt/Ê-díp-tô hơn sự hiện diện của Đức Chúa Trời (Numbers/Dân số ký 11:4-10). Nhưng từng giọt nước mắt mà bạn tuôn đổ trong đức tin – tan vỡ nhưng tin cậy, quặn thắt nhưng hy vọng – sẽ có được lời hứa vững chải này: “Đức Giê-hô-va ở gần những người có lòng đau thương, và cứu kẻ nào có tâm hồn thống hối” (Psalm/Thi Thiên‬ ‭34:18‬).

“Ta sẽ biến chúng trở thành sự vui mừng”

Image result for worship

Một vài giờ trước khi Chúa Jesus bị phản bội, bị đánh đập và bị đóng đinh, Ngài đã phán với môn đồ: “Quả thật, quả thật, ta nói cùng các ngươi, các ngươi sẽ khóc lóc, than vãn, còn người đời sẽ mừng rỡ; các ngươi sẽ ở trong sự lo buồn, nhưng sự lo buồn các ngươi sẽ đổi làm vui vẻ” (John/Giăng‬ ‭16:20‬). Sầu muộn và than thở sẽ chạy trốn. Nước mắt sẽ khô. Đau buồn sẽ không còn thống trị. Vì vậy, đối với các môn đồ của Chúa Jesus, sự phục sinh của Ngài đã làm tan biến những bóng tối trong lòng họ. Và cũng tương tự như vậy đối với mọi con cái của Đức Chúa Trời.

 

Mỗi giọt nước mắt mà bạn tuôn đổ “sanh cho chúng ta sự vinh hiển cao trọng đời đời, vô lượng vô biên” (II Corinhtians/‭II Cô-rinh-tô‬ ‭4:17‬). Mỗi đau đớn sẽ chìm xuống đất như một hạt giống, chờ để mọc lên thành một cây tiếng cười…

 

Nghe có vẻ như không thể. Có thể bạn tự hỏi “Làm sao nỗi đau khổ này có thể đem đến sự vui mừng?”. Không hề chi nếu bạn không thể hiểu được ngay bây giờ. Đường lối của Đức Chúa Trời thường quá cao và quá kỳ diệu đến nỗi chúng ta không thể hiểu được. Nhưng bạn có thể hy vọng “Sự chi người ta không làm được thì Đức Chúa Trời làm được (Luke/Lu-ca 18:27; Romans/Rô-ma 4:18).

Tin cậy Đức Chúa Trời sẽ biến nước mắt của chúng ta thành hân hoan, vui mừng không có nghĩa chúng ta không còn đau buồn nữa. Nhưng điều đó có nghĩa chúng ta bám lấy Ngài trong sự thống khổ, để mọi tai họa ập trên chúng ta vào tay Ngài. Chúng ta học cách than khóc với Đức Chúa Trời thay vì trách móc Ngài.

 

Chúng ta sẽ tiếp tục đọc Kinh Thánh ngay cả khi cảm thấy khô hạn với lời Chúa. Chúng ta sẽ tiếp tục kêu vang cùng Đức Chúa Trời ngay cả khi cảm thấy Ngài không lắng nghe. Chúng ta sẽ tiếp tục nhóm lại với con dân của Chúa ngay cả khi họ không hiểu chúng ta đang phải trải qua điều gì. Chúng ta sẽ tiếp tục gieo những hạt giống lẽ thật và ân điển vào những linh hồn khô hạn, và chờ đợi ngày Chúa đem chúng ta về nhà.

“Ta sẽ lau khô những dòng nước mắt”

Bạn đã nghe ca sĩ Andrew Peterson hát “After the Last Tear Falls”/Khi giọt nước mắt cuối cùng rơi? “Đến cuối cùng… Chúng ta sẽ thấy những giọt nước mắt rơi xuống/Được chụp lấy trong lòng bàn tay của Đấng Ban Tình Yêu và là Người Yêu của tất cả/Và chúng ta sẽ nhìn lại những giọt nước mắt này như những câu chuyện cũ xưa…” (https://www.youtube.com/watch?v=8GiPb6gwuPQ)

 

Tiếng khóc của chúng ta có thể kéo dài trong một đêm. Khi đi qua thung lũng này, chúng ta sẽ bị tổn thương vì sự tấn công của mất mát, thất vọng, chết chóc… Nhưng sự vui mừng sẽ đến vào buổi sáng sớm, khi Đức Chúa Trời biến thung lũng nước mắt thành một thành phố vui mừng vĩnh cửu.

 

Trong ngày đó, Đức Chúa Trời sẽ cúi xuống với từng đứa con đau khổ của Ngài, và bằng cách nào đó, Ngài sẽ lau khô ráo hết nước mắt “Ngài sẽ lau ráo hết nước mắt khỏi mắt chúng, sẽ không có sự chết, cũng không có than khóc, kêu ca hay là đau đớn nữa; vì những sự thứ nhất đã qua rồi” ‭‭(Revelation/Khải Huyền‬ ‭21:4‬)

 

Và rồi những tiếng nức nở yếu đuối của bạn sẽ trở thành sự vui mừng, khi bạn làm chứng cùng với các con dân trên Thiên Đàng: “Chúa đã giải cứu linh hồn tôi khỏi chết, mắt tôi khỏi giọt lệ và chân tôi khỏi vấp ngã. Tôi sẽ đi trước mặt Đức Giê-hô-va trong đất kẻ sống” (Psalm/Thi Thiên‬ ‭116:8-9‬). Vào giây phút đó, nước mắt sẽ trở thành những câu chuyện cũ xưa…

 

Quỳnh Trân dịch

(Nguồn: desiringgod.org)


Posted

in

,

by

Tags:

Comments

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *