Oneway.vn – Lời Chúa đã vang dội mạnh mẽ trong toàn bộ lịch sử loài người. Chúa phán vào buổi khởi đầu, và tạo vật được dựng nên. Sau đó, Chúa nói về công trình sáng tạo của Ngài, và chúng ta lắng nghe.
Ảnh: Thanh niên Tin Lành cùng nhau học Lời Chúa
Chúa tiếp tục nói và chúng ta tiếp tục lắng nghe, cho đến khi Chúa phán về Con Ngài – vinh hiển rạng ngời và ấn chứng về sự hiện hữu của Ngài: Ngôi Lời.
"Ngôi Lời" (Đức Chúa Jesus) ở cùng Đức Chúa Trời, và Ngôi Lời là Đức Chúa Trời. Qua Ngài, mọi sự đã được dựng nên. Ngài nắm trong tay Lời cuối cùng về công trình sáng tạo và Ngài cũng là Đấng sẽ tái tạo thế gian.
Chúng ta biết điều này vì Lời Chúa phán với chúng ta như vậy.
Nhưng ở đây chúng ta không thảo luận về "Ngôi Lời" mà là “Lời Chúa” – Kinh Thánh.
Cả Ngôi Lời và Lời Kinh Thánh sẽ tồn tại mãi mãi; tuy nhiên "Lời" được nhắc đến trong câu “Lời Chúa còn đến đời đời” là Lời Kinh Thánh – vốn là trung tâm buổi thờ phượng của người Do Thái và Cơ Đốc giáo kể từ khi mới bắt đầu.
Đó chính là “Lời” trong “Lời Chúa”.
Chúng ta có thể cảm thấy Lời Chúa nghịch lý, và gạt bỏ, bóp méo Lời Ngài.
Chúng ta có thể không thích, nhưng Lời Chúa vẫn tồn tại mãi mãi, đứng vững giữa thực tại loài người, có sức mạnh soi sáng và biến đổi toàn bộ thế giới.
Gìn giữ và lan tỏa bản chất tuyệt vời của Lời Chúa là nhiệm vụ thiết yếu của đời sống Cơ Đốc nhân – vì lợi ích của chính chúng ta và cả thế giới.
Lời Chúa phán với chúng ta và dành cho chúng ta.
Kinh Thánh là Lời Chúa phán với chúng ta. Chúa nói về nhân loại như những đứa con thân yêu và là công trình sáng tạo của Ngài, ban cho những thực thể mong manh như chúng ta ý nghĩa cuộc sống và quyền tự do biểu lộ cảm xúc.
Khi chúng ta đọc Kinh Thánh, Đức Thánh Linh vẽ nên trong tâm trí chúng ta những hình ảnh sinh động, để rồi Chúa tiếp cận, khuyên nhủ và bắt đầu mối quan hệ với chúng ta.
Chúng ta tìm ra bản thân mình là ai trong Kinh Thánh, và cũng khám phá ra Chúa là ai. Ngài cho chúng ta biết chính Ngài là Đấng Tạo Hóa, Thẩm phán và Chúa Cứu Thế của chúng ta.
Sự mặc khải này đòi hỏi chúng ta phải phản ứng. Kinh Thánh đưa chúng ta đến một thế giới mới phong phú, nơi Chúa nắm chủ quyền, Ngài mời chúng ta bước vào thế giới này và tham gia câu chuyện thiêng liêng – để chúng ta hiểu về sự sáng tạo, tội lỗi và sự cứu rỗi, rồi tìm vị trí của chính mình trong câu chuyện ấy và tiếp tục tôn vinh Chúa trong sự trung thành vâng phục .
Lời Chúa khẳng định sự thành công của Chúa trong công trình sáng tạo – bất chấp mớ hỗn độn loài người đã tạo ra. Thánh Kinh hướng chúng ta đến sự cứu rỗi, kể chuyện một cách sinh động về tình yêu thương, ân điển và ơn phước Chúa muốn ban cho chúng ta.
Lời Chúa cho chúng ta những ngôn từ để nói, những câu chuyện để kể và cho chúng ta sức mạnh để cầu nguyện và vâng lời.
Kinh Thánh là Lời Chúa ban cho chúng ta, để dạy dỗ, an ủi, thử thách và mang chúng ta trở lại với Đức Chúa Cha và Đấng Christ, Cứu Chúa chúng ta.
Lời Chúa và thế giới
Chúa phán qua Lời Ngài vì ngôn ngữ chính là công cụ giao tiếp của công trình sáng tạo.
Dù qua hay không qua lời nói, dù giữa Đấng sáng tạo với con người hay giữa người với người , toàn bộ vũ trụ đều được kết nối bởi mạng lưới ngôn ngữ phức tạp: nói và nghe, gọi và đáp lời.
Chúng ta sống trong vũ trụ rộng lớn các ngôn từ, thông điệp và ý tưởng – mỗi người đều cố gắng để có được sự chú ý. Giữa những tiếng nói ồn ào, Hội Thánh tuyệt vọng mong được lắng nghe.
Thông điệp về sự mầu nhiệm của Đấng Christ nghe có vẻ “ngớ ngẩn”, nhưng chính sự ngớ ngẩn ấy đã mang đến hy vọng cho nhân loại và mở ra một chân lý có thể giải thích mọi điều và thay đổi thế giới.
Chúng ta tô vẽ Kinh Thánh, cố gắng “cải thiện” Kinh Thánh. Giống như trẻ vị thành niên xấu hổ vì cách ăn mặc lỗi thời của cha mình và cố mặc cho ông những bộ thời trang hơn, chúng ta cũng đang cố làm cho Kinh Thánh trở nên lôi cuốn hơn – hoặc ít nhất là chấp nhận được – đối với những người ngoại đạo.
Chúng ta quên rằng đây không phải là “bộ đồ lỗi thời” của bất kỳ người cha trần gian nào; nhưng chính là Lời Sống và Chân lý của Cha Thiên Thượng.
Khi cố gắng tô vẽ Lời Chúa cho phù hợp với loài người, chúng ta đang bẻ cong chân lý Ngài. Những cải tiến hiện đại con người, vẻ đẹp theo tiêu chuẩn của chúng ta cũng không hơn gì giẻ rách khi chúng ta cố áp đặt chúng lên Kinh Thánh.
Theo cách tương tự, khi quá cố gắng bảo vệ Kinh Thánh, chúng ta giống như bậc cha mẹ quá lo lắng, sợ nguy hiểm và khiến con cái mình trốn tránh mọi tương tác với thế giới thực.
Sợ rằng người khác sẽ đối đầu và xúc phạm Kinh Thánh – không tin rằng Kinh Thánh có thể tự bảo vệ mình – chúng ta cố bảo vệ Kinh Thánh, giấu nó kỹ càng, đánh bóng lau chùi sạch sẽ, và nơm nớp lo lắng về những hành vi phạm tội với Kinh thánh.
Nhưng Kinh Thánh không cần sự bảo vệ của chúng ta. Lời Chúa có thể tự bảo vệ mình. Kinh Thánh cũng không cần chúng ta cường điệu, tô vẽ. Lời Chúa vốn đã đủ hấp dẫn và chân thật.
Những gì Kinh Thánh đòi hỏi ở chúng ta chỉ đơn giản là tuân theo và công bố Lời Chúa. Chúng ta có thể làm điều này thông qua lời nói và hành động, lắng nghe tiếng Chúa trong Lời Ngài và đáp ứng đúng đắn bằng sự trung thành vâng phục.
Tiếng nói của Hội Thánh
Khi tìm kiếm tiếng nói mình ở bất cứ nơi nào khác mà không lắng nghe và làm sống động Lời Chúa, chúng ta giống như kẻ ngốc lục tìm chiếc kính "bị mất" mà không nhận ra rằng nó đang ở ngay trên mắt chúng ta.
Mặc kệ sự cứng nhắc, chông chênh và khó khăn của chúng ta, tìm thấy tiếng nói này chính là niềm vui chân thật. Đó là tiếng nói mang Tin Lành – mang sứ điệp hy vọng đến với thế giới rối ren và hư hoại; một tiếng nói được neo chắc trong chân lý Chúa và lan tỏa lòng thương xót Ngài cho thế gian.
Tiếng nói này không đơn thuần là âm thanh, nhưng được mặc lấy sự tha thứ thật, tinh thần hy sinh tuyệt đối, chăm sóc cho những tổn thương, những người nghèo khổ và kiên quyết chống lại sự bất công.
Lời Chúa còn đến đời đời.
Qua mọi thế hệ, nền văn hóa và các vương quốc, Lời Chúa đã đến và cho nhân loại được đứng vững.
Lời Chúa phán với chúng ta, mời chúng ta vào một thế giới tuyệt vời hơn nữa. Lời Chúa là chân lý của vũ trụ, là tiếng nói duy trì cộng đồng đức tin, để lan tỏa vào thế giới, mang lại tình yêu, chân lý và sự sống.
Tôi cần Lời Chúa. Bạn cần Lời Chúa. Hội Thánh cần Lời Chúa.
Cả thế giới cần Lời Chúa.
Bài: Archie Catchpole, dịch: Hồng Nhạn
(Nguồn: Christiantoday.com)
Leave a Reply