Tình yêu bạn dành cho Chúa ra sao?

Oneway.vn – Tình yêu. Có một tình yêu rất lớn lao và đầy thách thức. Tình yêu dành cho Chúa. Chúa Jesus phán rằng đó là “Điều răn lớn nhất” (Mác 12: 29-30), điều mà cả giao ước cũ và mới đều miêu tả là cần thiết để được hưởng ân điển Chúa.

Như Môi-se đã khẳng định: “Vậy nên, phải nhận biết rằng Giê-hô-va Đức Chúa Trời ngươi, ấy là Đức Chúa Trời, tức Đức Chúa Trời thành tín, giữ sự giao ước và nhân từ đến ngàn đời cho những người yêu mến Ngài và vâng giữ các điều răn Ngài; và Ngài báo ứng nhãn tiền cho những kẻ ghét Ngài, mà hủy diệt chúng nó đi. Ngài không trì hoãn cùng kẻ nào ghét Ngài đâu, sẽ báo ứng nhãn tiền cho kẻ đó” (Phục truyền 7: 9. ). Tương tự, Phao-lô tuyên bố rằng: “Vả, chúng ta biết rằng mọi sự hiệp lại làm ích cho kẻ yêu mến Đức Chúa Trời, tức là cho kẻ được gọi theo ý muốn Ngài đã định” (Rô-ma 8:28).

Phục truyền 6: 5: “Ngươi phải hết lòng, hết ý, hết sức kính mến Giê-hô-va Đức Chúa Trời ngươi”. Từ “hết” được lặp lại ba lần – nghĩa là không có chỗ để phân chia tình yêu thương hoặc lòng trung thành ở đây. Như Chúa Jesus đã nói, không ai có thể làm tôi hai chủ (Ma-thi-ơ 6:24). Nếu thật sự chỉ có duy một Đức Chúa Trời có một không hai (Phục truyền 6: 4), thì cũng đòi hỏi bạn và tôi phải dành toàn bộ lòng trung thành cho Ngài – bắt đầu từ tấm lòng.

Yêu bằng cả tấm lòng

Giao ước cũ cho chúng ta thấy mối quan hệ thiêng liêng với Chúa bắt đầu từ tấm lòng. Khá cẩn thận giữ tấm lòng của con hơn hết, Vì các nguồn sự sống do nơi nó mà ra (Châm ngôn 4:23), và nếu không có ý chí, mong muốn, đam mê, tình cảm, nhận thức và suy nghĩ phù hợp, thì tình yêu cũng không thể tồn tại.

Do đó, Môi-se kêu gọi dân Y-sơ-ra-ên “Vậy, khá nhận biết trong lòng rằng Giê-hô-va Đức Chúa Trời ngươi sửa phạt ngươi như một người sửa phạt con mình vậy” (Phục truyền luật lệ ký 8: 5). Ông kêu gọi dân Chúa: Vậy, ngày nay hãy biết và ghi tạc trong lòng ngươi rằng Giê-hô-va, ấy là Đức Chúa Trời trên trời cao kia và dưới đất thấp nầy: chẳng có ai khác. Hãy giữ những luật lệ và điều răn của Ngài, mà ngày nay ta truyền cho ngươi, hầu cho ngươi và con cháu ngươi đều có phước, ở lâu dài trong xứ mà Giê-hô-va Đức Chúa Trời ngươi ban cho ngươi mãi mãi (Phục truyền luật lệ ký 4: 39-40) và nhắc nhở dân sự ghi khắc lời ông (Phục truyền luật lệ ký 6: 6), từ đó nói tiên tri về công việc kỳ diệu của tấm lòng mà giao ước mới sẽ mang đến (Giê-rê-mi 31:33).

Yêu thương với cả linh hồn

Cùng với tấm lòng, chúng ta được kêu gọi yêu Chúa bằng cả linh hồn. Trong năm sách đầu của Cựu Ước, “linh hồn” nói về toàn bộ một con người đang sống, nhiều hơn cả một tấm lòng. Trong Sáng thế ký 2:7 “Giê-hô-va Đức Chúa Trời bèn lấy bụi đất nắn nên hình người, hà sanh khí vào lỗ mũi; thì người trở nên một loài sanh linh”

Cũng có chép về “kẻ chết”, nghĩa là một người còn sống nhưng giờ đã chết (Lê-vi ký 21:11), và Đức Giê-hô-va hứa rằng “Ta sẽ lập chỗ ở ta giữa các ngươi, tâm hồn ta không hề ghê gớm các ngươi đâu” (Lê-vi ký  26:11). Trước đó, Môi-se đã kêu gọi dân sự yêu Chúa từ tấm lòng và sau đó tuyên bố rằng ta phải yêu mến Đức Giê-hô-va là Chúa bằng tất cả mọi thứ thuộc về chúng ta.

Vì vậy, chúng ta phải yêu Chúa với đam mê, khát khao, nhận thức và suy nghĩ. Chúng ta cũng phải yêu Ngài qua lời nói, việc làm, qua cách chúng ta sử dụng tài năng, và cách phản ứng với thách thức – toàn bộ con người chúng ta đều phải thể hiện rằng ta yêu Chúa.

Yêu thương với tất cả sức lực

2 Các Vua 23:25: “Trước Giô-si-a, chẳng có một vua nào hết lòng, hết ý, hết sức mình, mà tríu mến Đức Giê-hô-va, làm theo trọn vẹn luật pháp của Môi-se; và sau người cũng chẳng có thấy ai giống như người nữa”.

Điều này có nghĩa là Chúa không chỉ kêu gọi chúng ta yêu Ngài bằng sức mạnh thuộc thể, mà là với tất cả mọi điều ta có thể tôn vinh Chúa – bao gồm vợ /chồng, con cái, nhà cửa, phòng ốc, thú cưng, tủ quần áo, dụng cụ, điện thoại, phim ảnh, âm nhạc, máy tính và thời gian của chúng ta.

Hết lòng, hết sức, hết ý, dành cả cuộc đời cho Chúa

Phục truyền luật lệ ký 6: 6-9 nhấn mạnh rằng danh đáng tôn và duy nhất của Chúa cần phải được phản ánh cách cá nhân trong cuộc sống chúng ta. Danh ấy phải tác động đến các mối quan hệ (Phục truyền luật lệ ký 6: 7) và những gì diễn ra ở nhà, tại nơi làm việc của chúng ta (Phục truyền luật lệ ký 6: 9).

Điều này có nghĩa là tình yêu theo giao ước mà chúng ta được kêu gọi là: phải hết lòng, dành toàn bộ cuộc sống, tác động đến cộng đồng, cam kết độc nhất với Chúa chúng ta. Và Chúa là Đức Chúa Trời chúng ta vì bây giờ Ngài đã tỏ chính mình Ngài với chúng ta trong Đấng Christ. Tình yêu chúng ta dành cho Đức Chúa trời cũng chính là tình yêu dành cho Chúa Jesus – vì Chúa Jesus và Đức Chúa Cha là một (Giăng 10:30).

Chân lý này có nghĩa là: chúng ta phải mở mọi “chiếc tủ” trong đời mình và dọn sạch sẽ, và mọi mối quan hệ trong cuộc sống chúng ta phải được ảnh hưởng bởi Chúa. Lời kêu gọi yêu Chúa sẽ không cho phép chúng ta sống như hai kẻ khác nhau – trong nhà thờ và ngoài thế gian. Những gì bạn làm trên internet cũng phải thánh khiết như khi bạn đọc Kinh Thánh. Cách chúng ta nói chuyện với cha mẹ cũng phải lành mạnh như cách chúng ta nói chuyện với mục sư.

Cần phải có một tình yêu đích thực dành cho Chúa, bắt đầu từ những cảm xúc, ước muốn và suy nghĩ theo định hướng của Chúa, thấm nhuần vào cách ăn nói và hành vi của chúng ta, ảnh hưởng đến cách tiêu tiền, ăn mặc, lái xe, và hình thức giải trí của chúng ta. Cho dù chúng ta ăn hay hát, chạy bộ hay viết blog, nhắn tin hay vẽ, tình yêu chúng ta dành cho Đức Giê-hô-va – Đức Chúa Trời Ba Ngôi Chân Thần – sẽ luôn hiện diện và hành động, và người đời sẽ nhìn thấy Ngài qua chúng ta.

 

Bài: Jason DeRouchie, dịch: Jennie

(nguồn: desiringgod.org)


Posted

in

,

by

Tags:

Comments

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *