Tại sao Chúa Jesus rủa sả cây vả?

Oneway.vn – “Sáng mai, khi trở lại thành thì Ngài đói. Thấy một cây vả ở bên đường, Ngài bèn lại gần, song chỉ thấy những lá mà thôi, thì Ngài phán cùng cây vả rằng: Mầy chẳng khi nào sanh ra trái nữa! Cây vả tức thì khô đi” (Ma-thi-ơ 21: 18-19).

Cây vả được tạo ra để sinh ra quả vả

Rất đơn giản. Chúng ta trồng cây táo vì muốn thu hoạch táo, trồng cây đào vì chúng ta muốn  thu hoạch đào, cây cam vì muốn cam, và cây vả vì muốn trái vả. Liệu có cây táo nào tốt tươi mà lại không sinh quả táo? Bạn sẽ chặt nó ngay. Hoặc rủa sả nó, như Chúa Jesus đã làm với cây vả trong Ma-thi-ơ 21: 18-19.

Làm sao Chúa Jesus biết cây vả bị cằn cỗi? Bởi vì lá và trái thường xuất hiện cùng một lúc. Một cây vả phủ đầy lá nhưng lại không có trái nghĩa là nó cằn cỗi.

Biểu tượng và bối cảnh cây vả bị nguyền rủa

  • Đầu tiên, trong Cựu Ước, cây vả thường được coi là biểu tượng của quốc gia Israel (Giê-rê-mi 8:13; Ô-sê 9:10).
  • Thứ hai, việc Chúa rủa sả cây vả xảy ra vào Thứ Hai Tuần Thương Khó, bốn ngày trước khi Chúa Jesus chịu đóng đinh.
  • Thứ ba, câu chuyện này được đặt bên cạnh câu chuyện Chúa Jesus dọn dẹp đền thờ ở Jerusalem (Ma-thi-ơ 21: 12-17). Những người cho vay đã biến nhà Chúa thành ổ trộm cắp. Họ là những kẻ trục lợi, bán những con vật cho người dân đến từ các thị trấn xa xôi để làm của lễ trước mặt Chúa. Họ tính lãi cắt cổ cho những người hành hương đến thờ phượng Chúa. Cảnh tượng này đã chọc giận Chúa vì đền thờ phải là nhà cầu nguyện cho mọi quốc gia.

Ý nghĩa dụ ngôn cây vả

Ý Chúa Jesus khi rủa sả cây vả là cả dân Israel đã trở nên cằn cỗi tâm linh trước mặt Chúa. Họ thờ phượng chỉ bằng hình thức, không có sự chân thành. Họ biết điều gì là đúng, nhưng tấm lòng họ cách xa Chúa. 

Đoạn Kinh Thánh khác về dụ ngôn cây vả

Trong Mác 11: 12-14, câu chuyện ngụ ngôn về cây vả xảy ra trước khi Chúa Jesus dọn dẹp đền thờ. Còn trong Ma-thi-ơ, thứ tự câu chuyện bị hoán đổi.

“Sáng ngày, khi đã lìa làng Bê-tha-ni rồi, thì Ngài đói. Vừa thấy đàng xa một cây vả có lá, Ngài đến đó xem hoặc có chi chăng; song, tới gần rồi, chỉ thấy có lá mà thôi, vì bấy giờ không phải mùa vả. Ngài bèn cất tiếng phán cùng cây vả rằng: Chẳng hề có ai ăn trái của mầy nữa! Các môn đồ đều nghe lời ấy” (Mác 11: 12-14).

Tầm quan trọng của cây vả về mặt văn hóa 

Theo Từ điển Kinh Thánh Smith, cây vả rất phổ biến tại khu vực này cả trong thời Kinh Thánh và cho đến ngày nay. Trong thời Chúa Jesus, nếu bạn nhìn thấy cây vả ra lá, có nghĩa là cây cũng sắp ra quả, trừ khi cây cằn cỗi.

Xuyên suốt Kinh Thánh (1 Các Vua 4:25; Mi-chê 4: 4; Xa-cha-ri 3:10), việc ngồi dưới gốc cây vả tượng trưng cho bình an và thịnh vượng.

Bài: Keep Believing Ministries, dịch: Daisy

(nguồn: christianity.com)

 

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *