Oneway.vn – Chứng kiến anh em trong Chúa chịu đau khổ với đức tin kiên trì sẽ thêm sức để chúng ta chống lại sự lừa dối của satan.
Khi nhìn người khác đi qua trũng bóng chết với niềm vui trong Chúa, lòng trung tín và sức chịu đựng của họ sẽ truyền cảm hứng cho niềm hy vọng và sự cảnh giác. Đối với tôi (và vô số người khác), Elisabeth Elliot chính là người đó.
Cô và Jim, kết hôn trên cánh đồng truyền giáo ở Ecuador năm 1953. Chỉ ba năm sau, Jim cùng bốn người đàn ông khác đã bị bộ lạc Huaorani giết chết vì anh đang cố gắng đem Phúc âm đến với họ. Elisabeth nhận được tin khi con gái Valerie của họ mới được 10 tháng tuổi. Cô viết:
“Sự hiện diện của Chúa không thể thay thế sự hiện diện của Jim. Sự hiện diện của Chúa không thể thay đổi sự thật khủng khiếp rằng giờ tôi là một góa phụ. .Nhưng sự vắng mặt của Jim đẩy tôi vội vã đến với Chúa – niềm hy vọng và nơi nương tựa duy nhất của tôi. Và trong kinh nghiệm đó, tôi học được Đức Chúa Trời là Ai. Ngài bày tỏ chính Ngài theo cách mà tôi không bao giờ ngờ đến”.
Cô tái hôn sau mười sáu năm, và người chồng thứ hai – Addison lại ra đi mới gần bốn năm vì ung thư. Có những người phải chịu nhiều đau đớn trong đời, và rất ít người đạt được những điều quý giá tốt đẹp Chúa làm thông qua nỗi đau khủng khiếp.
Lời chứng của cô làm tôi nhớ đến sứ đồ Phao-lô, người đã chịu đựng hết nỗi buồn này đến nỗi đau khác bằng niềm vui lớn và đức tin bền bỉ.
Đau khổ không phải vật cản đường
Nhà tù không khiến Phao-lô chùn bước. Trong khi chúng ta cảm thấy thương hại ông, ông lại nhìn thấy tiềm năng đáng kinh ngạc trong tù. Phao-lô biết những khó khăn tồi tệ nhất thường là con đường tốt nhất cho Phúc âm.
Ông viết: “Tôi có lòng trông cậy chắc chắn nầy, việc chi tôi cũng chẳng hổ thẹn cả, nhưng bao giờ cũng thế, tôi nói cách tự do mọi bề, như vậy, dầu tôi sống hay chết, Đấng Christ sẽ được cả sáng trong mình tôi”. (Phi-líp 1:20), “Hỡi anh em, tôi muốn anh em biết rằng điều xảy đến cho tôi đã giúp thêm sự tấn tới cho đạo Tin lành” (Phi-líp 1:12 ).
Phúc âm không chờ đợi được bày tỏ sau khi ông được thả, nhưng lại thịnh vượng chính trong khi ông chịu đau khổ.
Không ai có thể tự nhiên phản ứng với đau khổ theo cách này. Những sóng gió bất ngờ trong cuộc sống không thể tự nhiên trở nên tràn ngập hy vọng tươi sáng và tình yêu. Không có ân điển, nỗi đau khiến chúng ta thiếu kiên nhẫn, ích kỷ và tuyệt vọng. Chúng ta rút lui, khép mình và ít quan tâm đến (thậm chí không nhận thức được) nhu cầu của người khác. Chúng ta không thể nhìn xa hơn bóng tối đang bao trùm mình.
Nhưng ân điển Chúa giúp chúng ta xoay ngược tình thế, đặc biệt là trong đau khổ. Đau khổ không phải một sự bất tiện hay chướng ngại vật đối với Phao-lô, mà là một bước đột phá cho những gì ông quan tâm nhất: truyền bá Phúc âm và vinh quang Chúa Jesus.
Đau khổ cho ta thấy những gì ta trân trọng
Làm sao Phúc âm có thể được rao giảng trong khi Phao-lô ngồi một mình trong phòng giam?
“Đến nỗi chốn công đường và các nơi khác đều rõ tôi vì Đấng Christ mà chịu xiềng xích. Phần nhiều trong anh em nhân tôi bị xiềng xích mà có lòng tin rất lớn trong Đấng Christ, dám truyền đạo Đức Chúa Trời chẳng sợ hãi gì” (Phi-líp 1: 13 Từ 14)
Đau khổ có thể thúc đẩy Phúc âm theo hai cách tuyệt vời. Đầu tiên, đau khổ cho thấy mục đích và kho báu của chúng ta, trong khi sự thoải mái và an ninh thì không. Mọi người đều biết Phao-lô đang ở tù vì Đấng Christ (Phi-líp 1:13). Nhiều người được chứng kiến tình yêu ông dành cho Chúa Jesus khi thấy ông bị ngược đãi và giam cầm. Nếu ông không chịu đau khổ, họ sẽ không có cơ hội thật sự trải nghiệm niềm vui và Phúc âm.
Chẳng hạn, nhiều cai ngục hoàng gia có thể sẽ không bao giờ được nghe Phúc âm nếu Phao-lô không bị nhốt ở đó. Mọi người sẽ không tò mò về niềm hy vọng của chúng ta (1 Phi-e-rơ 3:15) trừ khi chúng ta phải chịu đựng đau khổ và cần phải có hy vọng (1 Phi-e-rơ 3:13). Sa-tan biết màn sương mù đau khổ dày đặc có thể che khuất sự trung tín Chúa (Gióp 1: 9-11), nhưng ngược lại, trung thành trong đau khổ sẽ mang vinh hiển Chúa ra nơi tỏ tường, vĩ đại hơn. Khi bạn đau khổ, hãy nghĩ về những người đang chứng kiến, và những gì họ học được về Chúa Jesus qua chính bạn.
Không gì thúc đẩy Tin Lành như đau khổ
Đau khổ cũng thúc đẩy Phúc âm bằng cách khuyến khích, động viên những người đau khổ khác.
“Phần nhiều trong anh em nhân tôi bị xiềng xích mà có lòng tin rất lớn trong Đấng Christ, dám truyền đạo Đức Chúa Trời chẳng sợ hãi gì” (Phi-líp 1:14)
Kẻ thù của Phao-lô tại Giê-ru-sa-lem và kẻ thù tâm linh đã âm mưu bịt miệng ông trong tù, nhưng chúng không thể cản đường – hoặc chỉ là làm chậm bước đi của Phúc âm. Những nỗ lực đè bẹp tinh thần và lời chứng của Phao-lô đã hoàn toàn thất bại, giống như thêm dầu vào ngọn lửa bừng sáng chức vụ của ông.
Khi đau khổ, anh em trong Chúa ở quanh ông rao truyền Phúc âm nhiều hơn, và mạnh dạn hơn. Khi người ta thấy bạn vui mừng vì Chúa Jesus ngay cả trong đau đớn, họ cũng sẽ lên tiếng vì Ngài.
Không có gì thúc đẩy Phúc âm như đau khổ. Đối với người yêu mến Đức Chúa Trời, chẳng những “mọi sự hiệp lại làm ích” cho họ (Rô-ma 8:28), mà còn thể hiện trọn vẹn sự khôn ngoan, quyền năng và tình yêu Chúa. Trái với những nỗi sợ hãi tồi tệ nhất, đau khổ đã chứng minh quyền năng Tin Lành.
Đừng cho rằng đau khổ là một vật cản. Đau khổ có thể cản trở nhiều thứ trong cuộc sống này, nhưng Chúa có thể sử dụng nỗi đau để phóng đại tầm nhìn nhỏ bé của chúng ta hướng về Ngài. Và đau khổ thúc đẩy Phúc âm phát triển với một tốc độ tuyệt vời.
Sẽ có người cần chứng kiến bạn trung tín chịu đau
Phi-líp 1: 12-14: “Tôi muốn anh em biết. . .” Ngay cả khi Phao-lô cực kỳ đau khổ, ông vẫn quan tâm đến niềm tin và niềm vui của người khác đối với Chúa Jesus hơn là hoàn cảnh của ông.
Phao-lô muốn những người khác biết rằng Chúa đáng được tin cậy, dù bất kể điều gì đến, Phúc âm không thể và sẽ không bao giờ bị đàn áp. Rằng Chúa Jesus thực sự xứng đáng với mọi đau khổ chúng ta phải chịu. Ông không biết bất cứ điều gì nhằm khơi gợi lòng thương hại hay cảm thông của người khác, nhưng để thức tỉnh và củng cố sự tận trung của họ với Chúa.
Chúng ta cần đau khổ theo cách của Phao-lô, rằng đó là cơ hội tốt để khuyến khích và truyền cảm hứng cho các tín đồ khác, đặc biệt là những người cũng đang đau khổ.
“Chúc tạ Đức Chúa Trời, Cha Đức Chúa Jêsus Christ chúng ta, là Cha hay thương xót, là Đức Chúa Trời ban mọi sự yên ủi, Ngài yên ủi chúng tôi trong mọi sự khốn nạn, hầu cho nhân sự yên ủi mà Ngài đã yên ủi chúng tôi, thì chúng tôi cũng có thể yên ủi kẻ khác trong sự khốn nạn nào họ gặp!” (2 Cô-rinh-tô 1: 3 Ném4)
Chúng ta không biết mục đích tốt đẹp của Chúa, nhưng biết rằng Ngài dùng nỗi đau để chuẩn bị cho chúng ta để có thể yên ủi người khác. Chúng ta sẽ đau khổ theo cách bản thân không hiểu được, vì một ngày nào đó sẽ có người được yên ủi nhờ câu chuyện của chúng ta. Đau khổ càng nhiều thì cần càng nhiều sự yên ủi của Chúa, điều này giúp chúng ta có thể yên ủi người khác nhiều hơn.
Vùng nước sâu nhất và đám cháy nóng nhất
Sau tất cả những mất mát và chịu đựng, Elisabeth Elliot nói:
“Thoát khỏi vùng nước sâu nhất và đám cháy nóng nhất đã mang đến những điều sâu sắc nhất tôi từng biết về Chúa”. (Suffering Is Never for Nothing/Đau khổ không bao giờ vô ích).
Khi nước sâu và lửa nóng đến, bạn sẽ muốn biết Chúa nhiều hơn , và muốn giúp đỡ những ai phải chịu đựng nỗi đau và mất mát lớn lao,
Elliot mất hai người chồng – một bị giết, một bị ung thư. Phao-lô bị tù đày, vu khống, đánh đập, và tồi tệ hơn nữa. Bất cứ đau khổ nào Chúa cho phép xảy ra – đau đớn, thất vọng, bất kể thử thách dù lớn hay nhỏ, chúng ta có thể nói như Phao-lô: “Mọi đau khổ của tôi đều là vì vinh hiển của Đấng Christ”.
Hãy để người khác gặp được Chúa Jesus vì khi nhìn chúng ta kiên nhẫn phản ứng với những khó khăn trong công việc.
Hãy để anh chị em trong Chúa được thêm mạnh mẽ khi thấy chúng ta không ngừng ca ngợi Chúa dù xe lại bị hỏng hoặc nhà ta bị ngập nước.
Hãy để một tín đồ khác lên tiếng về Chúa Jesus khi thấy chúng ta miệt mài chia sẻ Phúc âm sau bao lần bị từ chối.
Hãy để bất cứ điều gì chúng ta phải chịu, dù lớn hay nhỏ, khiến những người chứng kiến chúng ta đau khổ được kinh nghiệm rằng Chúa là Đấng thành tín và vĩ đại đến nhường nào.
Sẽ có người cần thấy bạn chịu đau đớn vì Chúa Jesus.
Họ cần chứng kiến bạn bám lấy lời hứa Ngài, tình yêu Ngài và ca ngợi danh Ngài khi đau khổ ập đến.
Một số người sẽ không hiểu sự chịu đựng của bạn vì nỗi đau của họ vẫn chưa đến. Nhưng khi nó đến, họ sẽ nhớ lại những anh em từng chịu đau đớn vì Đấng Christ, và được yên ủi vì nhau.
Bài: Marshall Segal, dịch: Hồng Nhạn
(nguồn: desiringgod.org)
Leave a Reply