Đừng bao giờ ngừng cầu nguyện

Oneway.vn – Bạn cảm thấy thế nào khi nghe mệnh lệnh “cầu nguyện không thôi” (1 Tê-sa-lô-ni-ca 5:17) cùng với hai yêu cầu khác: “Phàm việc gì cũng phải tạ ơn Chúa; vì ý-muốn của Đức Chúa Trời trong Đức Chúa Jêsus-Christ đối với anh em là như vậy.”?

Ba mệnh lệnh ấy có thể khuấy động một lương tâm đang trốn tránh. Nỗi sợ hãi mơ hồ rằng chúng ta đang thất bại trong đời sống Cơ Đốc một lần nữa lại nổi lên. Cũng có thể chúng ta xem những yêu cầu này là một lý tưởng không thể thực hiện, chỉ dành cho các mục sư, không phải cho những bậc cha mẹ có tận bốn đứa con hoặc các doanh nhân phải làm việc 24/7.

Chúng ta biết cầu nguyện là tốt cho mình, và thực sự muốn cầu nguyện nhiều hơn, nhưng vẫn cảm thấy cầu nguyện giống như một gánh nặng hơn là phước hạnh, nhiều khó khăn hơn là niềm vui.

Nhưng cầu nguyện không ngừng là lời kêu gọi: hãy trở thành người mà bạn vốn được tạo ra. Đó là mệnh lệnh sống theo đặc quyền của bạn trong Chúa Jesus. Đó là lời mời để tận hưởng Đức Chúa Trời của bạn, không chỉ một lần vào buổi sáng, mà trong cả ngày dài, hay bất kể giai đoạn cuộc sống nào.

Cầu nguyện không thôi?

Tất nhiên, cầu nguyện không thôi không có nghĩa là chúng ta phải quỳ gối hàng giờ. Chúng ta có nhiều nhiệm vụ khác, và không được cầu nguyện liên tục theo nghĩa đen. Tê-sa-lô-ni-ca cho biết chúng ta phải làm việc bằng sức mình, gây dựng lẫn nhau, khuyên nhủ anh em (1 Tê-sa-lô-ni-ca 4:11; 5:11, 14) – tất cả những hoạt động đưa chúng ta ra khỏi phòng cầu nguyện của mình để bước vào thế giới.

Phao-lô muốn nói điều gì điều gì khi viết ra mệnh lệnh này? “Hãy vui mừng mãi mãi, cầu nguyện không thôi, phàm làm việc gì cũng phải tạ ơn Chúa; vì ý muốn của Đức Chúa Trời trong Đức Chúa Jêsus Christ đối với anh em là như vậy.” (1 Tê-sa-lô-ni-ca 5: 16-18)

Phao-lô viết: mãi mãi, không thôi, phàm việc gì, nhằm tạo ra một sợi dây liên hệ trên tất cả mọi thứ chúng ta làm. Cùng với niềm vui và lòng biết ơn, cầu nguyện phải tràn ngập trong mọi phần của cuộc sống – thức và ngủ, ăn và làm việc, phục vụ và nghỉ ngơi. Chúng ta có thể không cầu nguyện mọi lúc, nhưng theo thời gian, chúng ta sẽ mang lời cầu nguyện vào trong mọi khoảnh khắc. Không phải bước đi với cái đầu luôn cúi gằm để cầu nguyện, nhưng là bước đi trong tư thế phụ thuộc vào Chúa, luôn sẵn sàng để trút bầu tâm sự với Chúa.

“Ấy là vì cớ đó mà tôi quì gối trước mặt Cha, bởi Cha mà cả nhà trên trời và dưới đất đều được đặt tên, tôi cầu xin Ngài tùy sự giàu có vinh hiển Ngài khiến anh em được quyền phép bởi Thánh Linh mà nên mạnh mẽ trong lòng; đến nỗi Đấng Christ nhân đức tin mà ngự trong lòng anh em; để anh em khi đã đâm rễ vững nền trong sự yêu thương, được hiệp cùng các thánh đồ mà hiểu thấu bề rộng, bề dài, bề cao, bề sâu của nó là thể nào, và được biết sự yêu thương của Đấng Christ, là sự trổi hơn mọi sự thông biết, hầu cho anh em được đầy dẫy mọi sự dư dật của Đức Chúa Trời.” (Ê-phê-sô 3: 14-19)

Thực hành cầu nguyện không thôi

Làm sao chúng ta làm được điều đó? Chắc chắn, không ai có thể tạo ra tinh thần cầu nguyện này, cũng như không ai có thể tự bản thân cầu nguyện không thôi. Nhưng đồng thời, cũng không ai có thể bắt đầu cầu nguyện như vậy mà không cần nỗ lực. Để tăng trưởng trong việc cầu nguyện không thôi, chúng ta nên bắt đầu bằng cách suy ngẫm về phương pháp thực hành và những kỳ vọng tâm linh của mình, và cầu xin Chúa huấn luyện chúng ta bằng ân điển Ngài.

Giữ kỷ luật

Cần cả thời gian cầu nguyện theo lịch trình và cả cầu nguyện tự phát, tuôn tràn. Lời cầu nguyện tự phát giống như vinh quang tỏa sáng từ khuôn mặt Môi-se sau khi ông dành thời gian với Chúa (Xuất 34: 34-35).

Rất dễ dàng, lúc đầu chúng ta dự định cầu nguyện nửa tiếng, rồi giảm còn hai mươi phút, rồi mười lăm, và sau đó chỉ còn một vài từ nhanh chóng tuôn ra trên đường đi làm. 

Lẽ ra chúng ta cầu nguyện vào buổi sáng, nhưng sự vội vã, mất tập trung đã khiến ta chỉ nhìn thoáng qua Chúa trong khi ta có thể tận hưởng vinh quang Ngài. Nhiều nhiệm vụ khác, mặc dù tốt và đúng đắn, nhưng đã dần dần vượt qua điều quan trọng nhất (Lu-ca 10:42).

Cầu nguyện hàng ngày theo lịch đòi hỏi kỷ luật tin kính. Nếu muốn có mối quan hệ hiệp nhất sống động với Chúa, chúng ta cần phải theo khuôn mẫu trong Kinh Thánh, các môn đồ và chính Chúa chúng ta, là những người siêng năng dành một phần trong ngày để được ở một mình với Chúa (Thi thiên 119: 62; Đa-ni-ên 6: 10; Công vụ 3: 1; Lu-ca 5:16).

Mang theo Lời Chúa

Trong Kinh Thánh, lời cầu nguyện là phản ứng của chúng ta với sự mặc khải của Chúa, là câu trả lời của con người với lời phán thiêng liêng. Chúng ta chỉ có thể nói chuyện với Chúa vì Chúa đã nhắc đến chúng ta trước tiên.

Do đó, việc cầu nguyện trong Kinh Thánh bắt đầu bằng lời khích lệ hãy suy niệm về Lời Chúa (Thi thiên 1: 2). Những lời ca ngợi, tâm tình và xưng tội là tất cả kết quả của niềm vui trong luật pháp của Chúa và suy ngẫm ngày và đêm. Một người chìm đắm trong Lời Chúa sẽ không thể nào không cầu nguyện. Chúng tôi chỉ có thể cầu nguyện mà không ngừng khi mang theo Chúa bên mình. 

Giống như trẻ em học nói bằng cách nghe giọng của cha mẹ, chúng ta học cầu nguyện bằng cách lắng nghe Cha chúng ta. Lời Ngài càng đọng lại trong lòng, chúng ta càng dễ dàng đáp lại với Ngài.

Tập trung vào Chúa, Đấng luôn lắng nghe bạn

Michael Reeves viết:

“Khi bạn mặc định suy nghĩ rằng cầu nguyện là một hoạt động trừu tượng, một việc cần làm, thì bạn sẽ tập trung vào cầu nguyện như một hoạt động, điều này làm cho việc cầu nguyện trở nên nhàm chán. Thay vào đó, hãy tập trung vào Đấng mà bạn cầu nguyện. Nhắc nhở bản thân về Đấng mà bạn đang tâm tình sẽ là sự trợ giúp tuyệt vời để chống lại xao lãng và thay đổi lời cầu nguyện”.

Tôi thường quên mình đang nói chuyện với ai trong khi cầu nguyện. Tôi nói: “Cha ơi”, nhưng đó cũng chỉ là lời nói; tâm trí của tôi tập trung vào hoạt động cầu nguyện thay vì ghi nhớ rằng Chúa đang lắng nghe tôi. Cầu nguyện đã trở thành một việc cần làm, một nghĩa vụ như giặt giũ.

Chúng ta có thể cầu nguyện thường xuyên hơn, thích thú hơn nếu biết dành một chút thời gian để nhắc nhở bản thân về Đấng mà chúng ta sắp nói chuyện. Khi mở miệng cầu nguyện, chúng ta sẽ chú ý vào Cha toàn năng, Đấng được tôn cao trên thiên đàng và biết rõ mọi nhu cầu của chúng ta (Ma-thi-ơ 6: 7-8). Chúng ta đến trước Ngài thông qua công tác cứu chuộc của Đấng Christ, “vì ấy là nhờ Ngài mà chúng ta cả hai đều được phép đến gần Đức Chúa Cha, đồng trong một Thánh Linh” (Ê-phê-sô 2:18). Và chúng ta làm được như vậy nhờ quyền năng của Đấng trợ giúp hằng nâng đỡ trong sự yếu đuối của chúng ta (Rô-ma 8: 26-27).

Nếu cầu nguyện chỉ đơn thuần là một hoạt động cần làm, thì việc cầu nguyện không thôi nghe có vẻ thật ngột ngạt. Nhưng nếu cầu nguyện là thông công với Đức Cha, Đức Con và Đức Thánh Linh, thì chúng ta sẽ nghe mệnh lệnh này theo cách khác: Hãy thưởng thức Chúa không thôi. Phụ thuộc vào Chúa không thôi. Nhận lấy năng quyền từ Chúa không thôi. Và biết rằng Ngài luôn ở bên chúng ta không thôi.

Tin rằng bạn được tạo ra để cầu nguyện.

Tất nhiên, không gì có thể giúp chúng ta dẹp bỏ mọi khó khăn để cầu nguyện. Chúng ta vẫn chưa rũ bỏ được phần xác thịt, cái ác cũng không ngừng đeo bám chúng ta. Nhưng trong tất cả những nỗ lực và vấp ngã để có thể cầu nguyện không thôi, chúng ta cần luôn nhớ rất rõ: Chúa tạo ra chúng ta để cầu nguyện.

Mỗi Cơ Đốc nhân, dù còn non nớt đến đâu, vẫn có Thánh Linh của Chúa (Rô-ma 8:15; Ga-la-ti 4: 6). Mọi Cơ Đốc nhân, bất kể bị xao lãng hay thiếu suy nghĩ, đều được tạo ra để ca ngợi danh Chúa, cùng với tất cả những người thuộc Chúa (Sáng thế ký 4:26; Thi thiên 105: 1; 1 Cô-rinh-tô 1: 2). Mỗi Cơ Đốc nhân, dù có đức tin nhỏ bé đến đâu, đều có quyền tìm kiếm và gõ cửa Cha của họ (Ma-thi-ơ 7: 7-8). Lời cầu nguyện không ngớt là quyền và đặc quyền của chúng ta – con cái Chúa; chúng ta sẽ không phải là chính mình khi không cầu nguyện.

Một ngày sớm thôi, bạn sẽ không còn phải đấu tranh để cầu nguyện. Cầu nguyện sẽ tự nhiên như hơi thở, dễ chịu như nếm trái cây ở Jerusalem mới. Cho đến lúc đó, hãy kiên trì trở thành người mà Chúa muốn bạn trở thành. Hãy cầu hỏi, ca ngợi, cảm tạ và thú nhận mọi điều với Cha bạn, để thấy rằng Ngài vẫn luôn lắng nghe và giúp đỡ bạn không thôi.

 

Bài: Scott Hubbard, dịch: Hồng Nhạn

(nguồn: desiringgod.org)


Posted

in

,

by

Tags:

Comments

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *