E-xơ-ra: Tấm gương học và thực hành Lời Chúa

Oneway.vn – Gìn giữ điều răn và luật lệ của Đức Chúa Trời thật có ích cho người tín hữu (Phục truyền luật lệ ký 10:12-13). 

Và Lời Chúa cần được chép trong lòng mỗi người Cơ Đốc. Làm sao Cơ Đốc nhân có thể có Lời của Đức Chúa Trời trong lòng? Kinh Thánh chép: “Vì E-xơ-ra chuyên tâm nghiên cứu luật pháp của Đức Giê-hô-va, tuân giữ và dạy cho dân Y-sơ-ra-ên biết luật pháp và các quy định.” (E-xơ-ra 7:10-TTHĐ)

Khám phá Lời Chúa cách sâu nhiệm bằng sự nghiên cứu cẩn thận

“Vì E-xơ-ra chuyên tâm nghiên cứu luật pháp của Đức Giê-hô-va…” (câu 10a). 

E-xơ-ra là thầy tế lễ, người hướng dẫn đoàn thứ hai của người Y-sơ-ra-ên lưu đày Ba-by-lôn trở về quê hương, và cũng là học giả thông thạo về điều răn và luật lệ của Đức Giê-hô-va. 

Ý chí lệ thuộc vào Đức Chúa Trời của E-xơ-ra lớn đến nỗi từng bước đi của ông đều được đánh dấu bởi sự vùa giúp của Ngài, “Vì tay của Đức Giê-hô-va phù trợ người.” (xem E-xơ-ra 7:6, 28 và 8: 22,31). 

Bàn tay quyền năng của Đức Chúa Trời phù hộ E-xơ-ra bởi vì ông mải mê suy gẫm Lời Chúa. Từ liệu chuyên tâm, định chí có nghĩa là để tấm lòng, chứ không phải cái đầu, cam kết mạnh mẽ hành động một cách kiên trì và không dao động. Đây là sự đeo đuổi quyết tâm.

Theo E-xơ-ra, một người không thể có đời sống năng quyền cho đến khi chính người đó thực hành điều mình nghiên cứu, học hỏi. 

E-xơ-ra chuẩn bị tấm lòng bằng việc xưng tội (xem 1 Phi-e-rơ 2:1-3). Tấm lòng không nói đến trí tuệ, nhưng nói đến điều chi phối, điều khiển sự tồn tại của một người, đó là chỗ ngồi của cảm xúc, tư tưởng, tình cảm, mong muốn và ý chí (xem I Vua 3:9-12; Châm-ngôn 17: 22; II Sử-ký 12:14).

Việc nghiên cứu Lời Chúa nung đốt cuộc đời của E-xơ-ra. 

John Bunyan, nhà giảng đạo và tác giả người Anh nổi tiếng của thế kỷ 17 cũng được nung đốt bởi sự nghiên cứu Lời Chúa. 

Charles Spurgeon đã nhận xét về John Bunyan, “Anh ấy đã nghiên cứu Kinh Thánh cho đến khi toàn bộ con người anh ấy thấm đẫm Kinh Thánh, linh hồn anh ấy đầy Lời của Đức Chúa Trời!” 

Từ liệu nghiên cứu ở đây mang ý nghĩa là tra xét, tìm kiếm với sự quan tâm, đeo đuổi và nổ lực học hỏi điều gì đó bằng sự tra tìm cẩn thận (xem Châm-ngôn 2:1-5). 

E-xơ-ra nghiên cứu Lời Chúa bằng cách cẩn thận tìm kiếm lẽ thật, đào sâu từng phần, xem xét tổng thể, và cố gắng hiểu ý nghĩa để nắm vững sứ điệp, ông không thỏa lòng khi lướt qua bề mặt của bản văn Kinh Thánh. 

Thật vậy, trước khi chúng ta có thể làm điều Đức Chúa Trời muốn chúng ta làm, hoặc dạy dỗ hay chia sẻ với ai điều Chúa muốn, thì chúng ta cần biết điều Ngài muốn chúng ta làm, và điều nầy đòi hỏi chúng ta cần nghiên cứu Lời Chúa. 

E-xơ-ra tận hiến đời mình nghiên cứu luật pháp của Đức Giê-hô-va, …vui thích về luật pháp của Đức Giê-hô-va, và suy gẫm luật pháp ấy ngày và đêm.” (Thi-Thiên 1:2)

Khám phá Lời Chúa cách sâu nhiệm bằng sự thực hành

Ngoài việc nghiên cứu Lời Chúa, E-xơ-ra  còn giữ và làm theo Lời Ngài.

Động từ giữ làm theo trong nguyên nghĩa chuyển tải ý nghĩa của việc tiêu hao năng lượng để theo đuổi điều gì đó. E-xơ-ra nắm vững Lời Chúa và Lời Chúa nắm giữ ông. 

Sự nghiên cứu cẩn thận của E-xơ-ra khiến ông sống đời sống thánh khiết, nghĩa là điều ông học trong Kinh Thánh, thì ông sống theo điều ấy. Như vậy, sau khi nghiên cứu Lời Chúa, dạy dỗ và chia sẻ, thì E-xơ-ra cẩn thận làm theo. 

Một nhóm thầy thông giáo trong thời Chúa Giê-xu tìm kiếm làm theo Luật pháp, nhưng không phát xuất từ tấm lòng, đã tìm đến Chúa Giê-xu và Chúa phán, “Dân nầy lấy môi miếng thờ kính, nhưng lòng chúng nó xa ta lắm.” (Ma-thi-ơ 15:8)

Nhà truyền đạo Dwight Moody đã nói, “Đức Chúa Trời không ban cho chúng ta Kinh Thánh để gia tăng kiến thức của chúng ta, nhưng để biến đổi đời sống của chúng ta.” 

Vì vậy, dạy Lời Chúa là hướng dẫn người khác làm theo ý muốn của Đức Chúa Trời, bằng cách công bố Lời Chúa một cách có năng quyền. 

Nhà cải chánh giáo hội Tin Lành người Tô-cách-lan John Knox từng nói, “Trước đây, tôi chưa hề sợ ma quỷ, nhưng tôi run sợ mỗi lần tôi bước lên tòa giảng.” 

Như E-xơ-ra, và nhiều Cơ Đốc nhân khác, chúng ta được kêu gọi là người học Lời của Đức Chúa Trời và làm theo. Điều nầy có nghĩa là dành thì giờ đọc Kinh Thánh mỗi ngày – không theo cách học thuật, nhưng theo cách ngẫm suy, nuôi dưỡng mối liên hệ yêu thương với Đức Chúa Giê-xu Christ. 

Cơ Đốc nhân chúng ta có cam kết suy gẫm, ghi nhớ Lời Chúa và tận tâm học hỏi mọi điều Đức Chúa Trời phán dạy trong Lời Ngài không? Xin Chúa khiến mỗi tín hữu chúng ta trở thành người nghiên cứu và thực hành Lời Ngài. 

 

Anne Phạm


Posted

in

,

by

Tags:

Comments

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *