Oneway.vn – Hiếm khi nào tôi định dành thời gian cầu nguyện mà không tự viện ra lý do để làm một việc khác.
Vài lý do nghe có vẻ hợp lý: “Tôi cần phải ngủ”, “tôi có rất nhiều việc phải làm”, hay “tôi thực sự nên kiểm tra email đã”. Những lý do như vậy thường xâm nhập vào tâm trí tôi khi giờ cầu nguyện đến. Tôi cũng học cách gọi những cái cớ này bằng tên thật của nó: dối trá.
Tất nhiên, những lý do này không phải lúc nào cũng dối trá. Chẳng hạn, giấc ngủ là một trong những vấn đề thiết yếu của cuộc sống, và chúng ta vẫn có thể tôn vinh Chúa bằng một giấc ngủ ngon (Thi-thiên 127:1-2).
Nhưng khi những lý do này thường xuyên đánh cắp thời gian cầu nguyện của chúng ta, nó sẽ tự nhiên trở thành những lời nói dối, những cái cớ dường như chính đáng để chúng ta bỏ qua công việc cầu nguyện thiêng liêng tôn vinh danh Chúa.
Nếu có thể đối diện với những lời dối trá này, chúng ta sẽ thấy không thể tin tưởng chúng được. Hãy xem xét bốn lời nói dối ẩn sau việc chúng ta không cầu nguyện và cách Chúa Jesus đã vạch trần sự dối trá ấy.
1. Tôi không có thời gian để cầu nguyện
Cái cớ khôn ngoan này nghe giống như sự thật. “Tôi không có thời gian” nghe có vẻ đơn giản, hiển nhiên.
“Hôm nay, 24 giờ quá bận rộn rồi, nên chắc đợi đến ngày mai cầu nguyện cũng không sao.”
Đó không phải là cách mà Chúa chúng ta làm việc. Khi Ngài chữa lành một người mắc bệnh phung, “đoàn dân đông chen lấn nhau xung quanh Ngài đặng nghe đạo Đức Chúa Trời” (Lu-ca 5:1), thậm chí “danh tiếng Ngài càng ngày càng vang ra, một đoàn dân đông nhóm họp để nghe Ngài và để được chữa lành bịnh” (Lu-ca 5:15).
Đám đông đang đến không chỉ để được chữa lành, mà còn để nghe Lời Ngài. Chắc chắn với chức vụ bận rộn này, Chúa Jesus có quyền bỏ qua thì giờ cầu nguyện để dạy dỗ những con chiên lạc ấy chứ?
“Song Ngài lánh đi nơi đồng vắng mà cầu nguyện” (Lu-ca 5:16). Lịch trình của Chúa Jesus không bị chi phối bởi những điều diễn ra trong ngày. Ngài không bao giờ bị lừa dối rằng nhiệm vụ quan trọng này phải được ưu tiên hơn sự thông công riêng tư với Cha.
Như Chúa Jesus, những người muốn hết lòng cầu nguyện phải chuẩn bị tinh thần nói không với hàng tá cơ hội tốt thay thế. Những người thật sự vâng phục Chúa Jesus sẽ đổi sự tự do để được phụ thuộc vào Ngài, đổi sự bận rộn nhất thời để lấy được hiệu quả lâu dài, và đổi tình huống cấp bách hiện tại để nhận được sự dẫn dắt của Thánh Linh.
2. Cầu nguyện không đáng để cố gắng.
Rất ít Cơ Đốc nhân dám nói lên cái cớ này. Nhưng có bao nhiêu người trong chúng ta đang tránh né cầu nguyện vì cho rằng cầu nguyện là việc không đáng để… nỗ lực? Có lẽ chúng ta đã cố gắng tập trung cầu nguyện trong một thời gian dài, để rồi thấy tâm trí mình quá phân tâm, ý chí quá mong manh và những gì nhận được quá ít ỏi để có thể tiếp tục cầu nguyện.
Lời nói dối này chứa đựng một nửa sự thật: như Chúa Jesus đã báo trước, cầu nguyện đòi hỏi sự nỗ lực mạnh mẽ. Khi Chúa Jesus phán với các môn đồ: “phải cầu nguyện luôn, chớ hề mỏi mệt” (Lu-ca 18:1), Ngài biết rằng đôi khi họ bị cám dỗ, mỏi mệt và ngừng cầu nguyện. Như người góa phụ trong dụ ngôn của Chúa Jesus (Lu-ca 18:1-8), lời cầu nguyện chân thật đòi hỏi chúng ta phải vượt qua những thời điểm dường như xin mà không được, tìm mà không gặp, gõ cửa nhưng chẳng ai mở cho (Ma-thi-ơ 7:7).
Chúa Jesus đã lật mặt lời nói dối rằng chúng ta đang nỗ lực cầu nguyện trong vô vọng.
Tất cả những lời cầu xin chân thành, trung tín sẽ được tiếp nhận, mọi sự tìm kiếm sẽ được gặp gỡ, và mọi tiếng gõ cửa sẽ mở ra cánh cửa tràn đầy hy vọng (Ma-thi-ơ 7:8).
Cha của chúng ta biết làm thế nào để đáp lại những nỗ lực của con ngài khi cầu xin những điều đẹp lòng Ngài (Ma-thi-ơ 7:11). Nếu cầu nguyện mang đến cho chúng ta một cái nhìn sâu sắc hơn về vinh hiển Chúa, thì mỗi khoảnh khắc đều sẽ thật tuyệt vời, và cúi đầu xuống là điều xứng đáng.
Vào những ngày mà lời cầu nguyện của chúng ta dường như không đi đến đâu, hãy nhớ lời khuyên của CS Lewis: “Khi chúng ta thực hiện ‘nghĩa vụ tôn giáo’, chúng ta giống như người đào kênh trên một vùng đất không có nước, để cuối cùng khi cơn mưa đến, chúng ta đã sẵn sàng nhận lãnh với hồ chứa đã đào sẵn (Thi thiên 97)”. Có những ngày, cầu nguyện cũng giống như đào kênh và chờ đợi cơn mưa. Rồi sẽ đến ngày chúng ta được uống dòng nước mát lành. Nhưng bạn sẽ không có nước mà uống khi hôm nay không chịu đào kênh.
3. Tôi có thể sống tốt hôm nay mà không cần cầu nguyện.
Nhiều người trong chúng ta vẫn đang tìm hàng trăm cách nói câu này mà không cần lời.
Ví dụ, khi tôi tạo thói quen bước qua một ngày với chiếc bụng no căng, cập nhật tin tức, và một giấc ngủ ngon lành nhưng lại không cầu nguyện, điều đó có nghĩa là tôi đang khẳng định: tôi không thể sống sót qua hôm nay mà không ăn no, hoặc cập nhật thông tin, hoặc ngủ đủ tám tiếng, nhưng tôi vẫn có thể “bình an vô sự” qua hôm nay mà không cần cầu nguyện.
Sức mạnh của lời nói dối này một phần đến từ chính kinh nghiệm của chúng ta. Nhiều người vẫn sống tốt mỗi ngày mà không cầu nguyện. Một số người thậm chí còn thấy rằng mình vẫn có được mọi thứ cách đáng ngạc nhiên mà không cần cầu nguyện: kiếm được tiền dư dả, nuôi dạy con cái ngoan hiền và những thành tựu đạt được trông cứ như đang làm vinh hiển danh Chúa.
Những người theo chủ nghĩa thực dụng như vậy đã quên đi Lời Chúa: “Ta là gốc nho, các ngươi là nhánh. Ai cứ ở trong ta và ta trong họ thì sinh ra lắm trái; vì ngoài ta, các ngươi chẳng làm chi được.” (Giăng 15:5).
Ngoài đời sống cầu nguyện phụ thuộc vào Chúa Jesus (Giăng 15: 7), chúng ta không thể làm gì cả: không gì trong đời sống chúng ta có thể tôn vinh Chúa, không gì trong đời này có thể tồn tại mãi mãi. Kết quả những nỗ lực của chúng ta có thể khá ấn tượng, nhưng trong mắt Chúa, đó chỉ là một con số không thuộc linh nếu chúng ta không cầu nguyện. Chúng ta đang cố xây lâu đài trên một con tàu sắp chìm.
Nếu mục đích của chúng ta là thành công trong thế gian rồi sẽ qua đi này (1 Giăng 2:17), thì tốt thôi, chúng ta có thể sống tốt ngày hôm nay mà không cần cầu nguyện. Nhưng nếu mục đích của chúng ta là làm vinh hiển danh Chúa, khiến các thiên sứ tán dương, làm những điều sẽ vang vọng đời đời, thì việc cầu nguyện cũng cần thiết như hơi thở.
4. Chúa không nghe thấy tiếng tôi cầu nguyện.
Chúng ta nên nhớ: “Nếu lòng tôi có chú về tội ác, Ắt Chúa chẳng nghe tôi.” (Thi-thiên 66:18)
Trong trường hợp như vậy, việc Chúa không lắng nghe chúng ta không còn là lời nói dối, mà đã trở thành một sự thật phũ phàng, cần được khắc phục thông qua sự ăn năn của chúng ta, bởi lòng thương xót Chúa.
Tuy nhiên, nhiều người cảm thấy Chúa “vắng mặt” trong khi cầu nguyện là vì bị lôi kéo, ảnh hưởng bởi xác thịt và ma quỷ. Chúng ta dễ dàng quên rằng Cơ Đốc nhân có đặc quyền trò chuyện với Chúa qua việc cầu nguyện (Thi thiên 65:2). Tại sao chúng ta có đặc quyền đó? Bởi vì Chúa Jesus đã nói với các môn đồ: “Trong ngày đó, các ngươi sẽ nhân danh ta mà cầu xin” (Giăng 16:26).
Nếu chúng ta gõ cửa thiên đàng, cầu xin được lắng nghe, chắc chắn Chúa sẽ nghe và mở cửa cho chúng ta. Nhưng chúng ta không cầu nguyện trong danh chính mình, mà là nhân danh Chúa Jesus, Cha kính yêu, Đấng đã đến thế gian để đưa chúng ta đến với Đức Chúa Cha (Giăng 16:27; 17: 3,6). Nếu chúng ta ở trong Ngài, thì tiếng nói của chúng ta không bao giờ xa cách Đức Chúa Trời, vì Chúa Jesus hằng ngồi bên hữu Ngài (Giăng 16:28; Hê-bơ-rơ 4: 14-16).
Thật vậy, đôi khi chúng ta cảm thấy như thể Chúa đang ở một thế giới xa vời, cách xa âm thanh của chúng ta. Chúng ta ngồi cầu nguyện trong sự im lặng đó suốt nhiều năm, cảm thấy dường như đôi tai của Cha cuối cùng đã đóng lại với chúng ta. Nhưng ngay cả khi đó, chúng ta vẫn nói như tiên tri Micah: “Nhưng ta, ta sẽ nhìn xem Đức Giê-hô-va, chờ đợi Đức Chúa Trời của sự cứu rỗi ta; Đức Chúa Trời ta sẽ nghe ta” (Mi-chê 7:7).
Mọi lời nói dối đều biến mất: “Đức Chúa Trời ta sẽ nghe ta”.
Nếu chính Đức Chúa Trời mở tai Ngài để lắng nghe những ước muốn của chúng ta, oằn bờ vai Ngài để gánh lấy gánh nặng của chúng ta, và khuôn mặt Ngài rạng rỡ vì những lời ca ngợi của chúng ta, thì không rào cản nào có thể ngăn chúng ta khỏi Ngài. Những bận rộn, rắc rối và lo toan vẫn sẽ kéo chúng ta ra xa Ngài, nhưng chúng ta biết phải nói gì: “Đức Chúa Trời con sẽ nghe con. Con đang cầu nguyện cùng Ngài!”
Bài: Scott Hubbard; dịch: Hồng Nhạn
(nguồn: desiringgod.org)
Leave a Reply