Đã đến lúc bạn cần “kiểm tra hành lý” cuộc đời

Oneway.vn – “Có kỳ tìm, và có kỳ mất; có kỳ giữ lấy, và có kỳ ném bỏ.” (Truyền đạo 3:6)

Khi lướt qua phòng làm việc và tủ quần áo, tôi thấy mọi thứ bừa bộn hơn bình thường. Tôi đã tích lũy đồ đạc từ năm 2005. Tại sao tôi lại chờ đợi quá lâu mà chưa chịu xử lý chúng? Tất cả đồ đạc đều quá hạn hết rồi.

Tại sao chúng ta chờ đợi quá lâu?

Trong khi sắp xếp giấy tờ, tôi tìm thấy các tờ báo, thiệp chúc mừng, ảnh, bài viết trước đây của tôi và thư của gia đình, bạn bè. Tôi do dự không biết có nên ném những ký ức này đi không, nhưng một số thứ đã ở đây bốn hoặc năm thập kỷ rồi.

Tôi không phải là một người thích tích trữ, nhưng thú thật là tôi sống tình cảm, giống như khư khư không muốn bỏ đi lá thư con trai út tôi đã viết khi cậu còn tuổi đôi mươi. Tôi không thể “chia tay” những tình cảm mà con trai đã bày tỏ với mình. Khi đọc lại lời của con từ 10 năm trước, nước mắt tôi vẫn tuôn rơi.

Tuy nhiên, tôi biết rằng đã đến lúc phải buông bỏ những thứ nên bỏ. Sắp xếp qua hàng đống thiệp chúc mừng, bài báo và những thứ khác, tôi ném đi một số và xé nhỏ vài thứ.

Cuộc sống giống như cuộn giấy vệ sinh

Thời gian trôi nhanh, đặc biệt là khi chúng ta già đi. Nhà văn Mỹ Andy Rooney từng nói: “Cuộc sống giống như cuộn giấy vệ sinh. Càng đến gần cuối, nó càng nhanh hết”.

Tại sao thời gian trôi nhanh hơn khi chúng ta già? Nếu nghĩ lại những năm tháng tuổi trẻ, chúng ta nhớ lại những giai đoạn nhất định: trở thành thiếu niên, lấy bằng lái xe, đủ tuổi bỏ phiếu, tốt nghiệp trung học và sống tự lập. Trong những năm đó, thời gian trôi chậm như một con ốc băng qua vỉa hè.

Mặc dù thời gian trôi nhanh hơn khi chúng ta già đi, nhưng “hành lý” chúng ta kéo theo từ quá khứ có thể giữ chúng ta lại. “hành lý” tình cảm, tinh thần mà chúng ta đeo bám có thể tách chúng ta ra khỏi Chúa.

Bây giờ là lúc kiểm tra “hành lý”

Với hơn 65 năm sống trên đời, tôi thú nhận tôi có mang theo “hành lý”. Khi giữa tuổi 40, cuộc sống tôi vốn có đã thay đổi. Cuộc hôn nhân 28 năm kết thúc và mái ấm của tôi trở nên trống rỗng. Cả hai con trai tôi đều học đại học và một đứa đã kết hôn.

Vào đầu những năm 50 tuổi, tôi nghỉ hưu, trở thành bà ngoại và mất cả cha lẫn mẹ. Tất cả những sự kiện thay đổi cuộc sống gắn liền với “hành lý” nặng nề.

Bình an sẽ không đến khi mà tôi không dần dần buông “hành lý” của mình ra. Nhưng Chúa đã giúp tôi vượt qua những tổn thương trong quá khứ.

Chỉ có Chúa mới có thể chữa lành chúng ta

Đừng sống với những thất bại, sai lầm, thất vọng và đau đớn từ quá khứ xiềng xích, đè nặng chúng ta với những “hành lý” không cần thiết. Việc mang theo “hành lý” nặng nề dẫn đến một cuộc sống bất hạnh, khi chúng ta không thể tha thứ cho người khác, cho dù là chính bản thân hay ai đó đã làm tổn thương mình.

Món quà lớn nhất Chúa ban là sự hy sinh của Chúa Jesus trên thập tự giá. Tuy nhiên, đôi khi chúng ta vẫn phải đấu tranh để tha thứ cho bản thân, gia đình, bạn bè và đặc biệt là kẻ thù.

Nếu Chúa Jesus có thể tha thứ cho những người đã đóng đinh Ngài (Lu-ca 23:34), thì chúng ta cần phải dựa vào Chúa, xin sự tha thứ và giúp đỡ của Ngài để buông bỏ “hành lý” nặng nề của chúng ta.

 

Bài: Carol Round; dịch: Jennie

(nguồn: assistnews.net)


Posted

in

,

by

Tags:

Comments

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *