Oneway.vn – Sứ đồ Phao-lô đã dạy trong 1 Cô-rinh-tô 4:15, “Bởi chưng, dẫu anh em có một vạn thầy giáo trong Đấng Christ, nhưng chẳng có nhiều cha; vì tôi đã dùng Tin Lành mà sanh anh em ra trong Đức Chúa Jesus Christ.”
Khi đọc những lời này, ngay lập tức chúng ta nhận thấy tấm lòng Phao-lô đặt vào những chức vụ mà ông đã làm, thông qua Phúc âm.
Phao-lô thấy rằng đó là sự kết nối, cũng như một trách nhiệm chân thành để nuôi dưỡng người khác trưởng thành trong Chúa. Chức vụ của những người được ông ảnh hưởng trực tiếp qua hành trình truyền giáo là điều vô cùng ý nghĩa với ông.
Trong nhiều bức thư, Phao-lô xem mình là người cha đức tin của nhiều người, cũng như Hội thánh. Mô hình gia đình này được thể hiện rõ trong cách giao tiếp của ông với Ti-mô-thê ở Ê-phê-sô (Tiểu Á) trong những bức thư ông viết.
Phao-lô gọi Ti-mô-thê là “con rất yêu dấu” trong 2 Ti-mô-thê 1:2. Điều này phản ánh rõ tấm lòng của một người cha thật sự trong đức tin.
Ngoài cách nói dịu dàng yêu thương khi đề cập đến Ti-mô-thê, Phao-lô cũng nói với Ti-mô-thê trong 2 Ti-mô-thê 1: 3b rằng “… cả ngày lẫn đêm ta ghi nhớ con không thôi trong khi cầu nguyện”. Thật là một lời cam kết tuyệt vời cho đứa con thuộc linh đang hầu việc Chúa, cần được mạnh mẽ cầu thay không thôi, đặc biệt là giữa muôn vàn thử thách mà Ti-mô-thê và Hội thánh Ê-phê-sô đang phải đối mặt.
Trong những bức thư của Phao-lô gửi cho Ti-mô-thê, ông bày tỏ tình yêu và tấm lòng của một người cha đối với chàng trai trẻ này theo cách mà nhiều mô hình mục vụ ngày nay hiếm khi có được.
Sự thật đáng buồn hiện nay là việc “sinh” con trai và con gái trong đức tin không phải là trọng tâm chức vụ như lẽ ra phải có. Kết quả chính là sự “vô sinh tâm linh”.
Có nhiều điều góp phần gây nên “vô sinh tâm linh” mà tôi đã chứng kiến trong nhiều năm chức vụ. Sau đây là năm điều nổi bật:
1. Luôn tập trung vào bản thân:
Ngày nay, chức vụ thường được kết nối phần lớn với tính cách hoặc hình ảnh cá nhân. Nhiều Hội thánh và mục vụ tìm thấy thành công, giá trị và danh tiếng của họ trong tính cách của một cá nhân hoặc lãnh đạo nào đó. Đáng buồn thay, mô hình “bị lỗi” này có thể xây dựng một chức vụ lớn, nhưng sẽ không thể sản sinh những “con trai” và “con gái” được trang bị để mang Phúc âm và tiếp tục truyền chức vụ cho thế hệ sau.
Chức vụ chỉ tập trung vào một cá nhân sẽ gây ra hệ quả: thiếu người kế thừa, chấm dứt khải tượng. Điều này thật đáng buồn, nhưng rất đúng trong số nhiều mục vụ ngày nay. Do đó, như Phao-lô, chúng ta phải sẵn sàng mạnh mẽ đầu tư vào người khác và xây dựng cho họ nền tảng để trưởng thành theo lời Chúa kêu gọi họ.
Thước đo thành công và khả năng lãnh đạo hiệu quả không nằm ở thành quả của những gì chúng ta tự mình làm được, mà là những gì chúng ta có thể làm thông qua thế hệ tiếp theo.
2. Sự bất an:
Tôi gọi đây là mô hình mục vụ “Sau-lơ và Đa-vít”. Nhiều nhà lãnh đạo sống và hoạt động trong sự bất an rõ ràng. Họ thực sự sợ rằng người khác sẽ nhận được sự tín nhiệm và khen ngợi lẽ ra phải dành cho chính họ. Căn nguyên của điều này là danh tính và sự kêu gọi của họ không được an ninh trong Đấng Christ.
Tư duy độc hại này sẽ tạo ra sự “vô sinh tâm linh”, không bao giờ sinh ra con cái thuộc linh để tiếp tục tiến lên vương quốc Chúa một cách hiệu quả trong các thế hệ tiếp theo.
Sự bất an thường liên quan đến sự ganh tị và thậm chí là “chủ nghĩa lãnh thổ”. Hậu quả là khư khư bảo vệ vị trí của mình và không thể gây dựng những môn đồ thật của Chúa Jesus. Điều này cũng gây ra tức giận khi được những thử thách về sự tín nhiệm xảy đến với nhà lãnh đạo luôn muốn nắm quyền kiểm soát. Chúng ta thấy rõ việc này trong câu chuyện vua Sau-lơ và Đa-vít.
3. Tinh thần độc đoán
Khư khư nắm quyền kiểm soát là tinh thần không đẹp lòng Chúa và không lành mạnh trên nhiều cấp độ. Độc đoán với một hình thức quản trị mục vụ không hợp lý, người lãnh đạo không thể phát triển những người con tâm linh trong linh trình theo Chúa.
Lãnh đạo độc đoán là người chỉ quan tâm đến thành công và hình ảnh cá nhân hơn là phát triển và trang bị cho những người khác để hoàn thành lời kêu gọi của Chúa.
Mô hình lãnh đạo này cũng tạo ra một bầu không khí sợ hãi. Nó đòi hỏi lòng trung thành “giả tạo” và đầy mặc cảm tội lỗi do những kỳ vọng không được đáp ứng của những lãnh đạo độc đoán. M
Một lần nữa, sự “vô sinh tâm linh” là kết quả của hình thức lãnh đạo sai lầm này.
4. Sự bận rộn
Điều này trở nên ngày càng bình thường trong nhiều mục vụ hiện nay. Mô hình lãnh đạo này này tập trung vào việc “làm càng nhiều càng tốt” để tạo ra thành công, ích lợi, năng suất và thậm chí “tạo ra” tình yêu thương hoặc nhân từ.
Tôi không chống lại việc làm lành giúp đỡ người khác vì đó là một phần trong nhiệm vụ của Hội thánh. Tuy nhiên, khi quá bận rộn đến nỗi không có thời gian để đầu tư vào “con trai và con gái” trong đức tin, thì chúng ta trở nên “giàu có việc làm” nhưng lại “nghèo nàn tâm linh”.
Chúng ta phải tiếp tục làm những việc lành mà Chúa kêu gọi, nhưng cũng phải sẵn sàng dành thời gian cần thiết để đầu tư vào con cái thuộc linh.
5. Tính xác thịt hay trần tục
Người xưa có câu: “Bạn không thể đưa người khác đến nơi bạn chưa từng đến”, điều này rất đúng khi nói về việc sinh con trai và con gái trong đức tin. Nhiều nhà lãnh đạo có hình thức mục vụ nông cạn và không có gốc rễ tâm linh sâu sắc, kết quả là họ không thể sinh ra những đứa con trung thành trong vương quốc Chúa.
Lý do chính cho vấn đề này là tính xác thịt hoặc tính trần tục. Khi việc rao truyền danh Chúa trở nên giống như “quảng bá, tiếp thị”, dùng việc làm, mánh khóe để thay thế những hiểu biết tâm linh chân thật về Chúa, thì cho dù có “quảng bá” về Chúa một cách khéo léo và chuyên nghiệp thế nào đi nữa cũng không bao giờ có thể gây dựng nên những môn đồ thật sự biết và bước đi với Chúa Jesus cách thân mật.
Thứ hai, khi tội lỗi và sự thỏa hiệp được “bình thường hóa” giữa các lãnh đạo, đến mức xem tội lỗi là “tự do trong Đấng Christ”, hậu quả là sẽ không ai được môn đồ hóa đến nơi đến chốn. Thực tế đáng buồn này khiến Hội thánh mất đi niềm đam mê cầu nguyện, lòng cưu mang với người còn hư mất, một tấm lòng cho các nhiệm vụ còn dang dở và một khao khát phục hưng nhà Chúa.
Bất chấp những thách thức liên quan đến sự “vô sinh tâm linh”, vẫn có nhiều những người được cảm động để tận hiến cuộc sống của họ để sinh ra con trai và con gái thuộc linh.
Hãy cầu nguyện những lời trong Ma-la-chi 4:5-6, “Nầy, ta sẽ sai đấng tiên tri Ê-li đến cùng các ngươi trước ngày lớn và đáng sợ của Đức Giê-hô-va chưa đến. Người sẽ làm cho lòng cha trở lại cùng con cái, lòng con cái trở lại cùng cha, kẻo ta đến lấy sự rủa sả mà đánh đất nầy.”
Bài: KEITH COLLINS; dịch: Jennie
(nguồn: charismanews.com)
Leave a Reply