Oneway.vn – Câu chuyện về sự khổ nạn của Chúa Jêsus mang nhiều chi tiết quen thuộc: thầy tế lễ thượng phẩm, đồi Gô-gô-tha, hai tên cướp, Phi-lát, đám đông, thập tự giá, ngôi mộ, và tất nhiên là Chúa Jêsus nữa
Tuy nhiên, còn một mảnh ghép rất quan trọng mà chúng ta thường bỏ qua. Theo trước giả Ma-thi-ơ, đền thờ là một phần vô cùng quan trọng của tuần lễ đau buồn đó.
Ma-thi-ơ nhắc về đền thờ 16 lần trong 8 chương cuối của sách. Không phải tình ngờ mà đền thờ trở thành trọng tâm khi Phúc âm Ma-thi-ơ đang dần đi đến điểm cao trào của nó. Cách kể chuyện của vị trước giả tạo nên một chuyển biến bất ngờ khi ông đi từ thập tự giá, đến đền thờ, và rồi đến ngôi mộ.
Bằng kỹ thuật kể chuyện tài tình, trước giả Ma-thi-ơ đang mời gọi chúng ta nhìn vào ngôi mộ của Đấng Christ: không phải chỉ là một hang đá mà còn là hình ảnh về đền thờ.
Phá hủy đền thờ
Sau cuộc diễu hành huy hoàng vào thành Giê-ru-sa-lem, Chúa Jêsus tiến vào sân đền thờ và nhìn thấy đầy những sự ô uế, đổi chác, trộm cướp. Ngài lật đổ các bàn đổi tiền, đuổi những người buôn bán, rồi chữa lành cho người mù và người bại. Ngày kế tiếp, Ngài chạm trán với các thầy tế lễ và người Pha-ri-si, tuyên bố sự phát xét trên đền thờ và đi khỏi đó, không bao giờ quay trở lại.
Đang khi đi khỏi chỗ ấy, các môn đồ nhìn lại đền thờ và trầm trồ vẻ đẹp của nó. Chúa Jêsus phán với họ: “Các con nhìn thấy tất cả những điều nầy phải không? Thật, Ta bảo các con, nơi nầy sẽ không còn một viên đá nào chồng trên viên đá khác mà không bị đổ xuống.” (Mat. 24:2). Cũng chính vì câu nói ấy mà một vài chương sau đó, các thầy tế lễ thượng phẩm chỉ có thể đưa ra một lời buộc tội duy nhất chống lại Chúa Jêsus:
“Cuối cùng, có hai người bước ra tố cáo rằng: “Người nầy đã nói: ‘Ta có thể phá đền thờ của Đức Chúa Trời, rồi dựng lại trong ba ngày.’”” (Matt. 26:60–61)
Chúa Jêsus đang có kế hoạch phá hủy đền thờ. Nó đã trở thành một nơi đầy dẫy sự ô uế của những lãnh đạo tôn giáo công bình riêng. Các thầy thông giáo và người Pha-ri-si đã biến nó thành mồ mả tô trắng – lấp lánh, sạch sẽ bên ngoài nhưng bên trong thì đầy gian ác. Chúa Jêsus sẽ phá hủy nó và xây lại trong ba ngày.
Xé đôi bức màn
Câu chuyện về sự khổ nạn của Ma-thi-ơ kết thúc với một sự chuyển hướng bất ngờ. Khi Chúa Jêsus bị treo trên thập tự giá với những lời xỉ vả ném về phía Ngài, vị trước giả đã trích dẫn lời của Thi Thiên 22. Và rồi, “Đức Chúa Jêsus kêu một tiếng lớn nữa, rồi trút linh hồn.” (Mat. 27:50).
Dù vậy, đây vẫn chưa phải là đỉnh điểm của câu chuyện. Tiếng kêu cuối xé toang bầu trời và nhận được hiệu ứng phản hồi từ trong đền thờ:
“Và kìa, bức màn bên trong đền thờ bị xé làm đôi từ trên xuống dưới, đất rúng động, đá tảng vỡ ra; các mồ mả cũng mở tung.” (Mat 27:51)
Tuần lễ ấy đã bắt đầu bằng cơn thịnh nộ của Chúa Jêsus khi bước vào đền thờ, tiếp nối với lời tiên báo về sự sụp đổ của đền thờ, và kết thúc bằng tiếng kêu xé đôi bức màn ngăn cách giữa Đức Chúa Trời với loài người.
Từ đền thờ đến ngôi mộ
Một người tên Giô-sép đến xin nhận xác Chúa Jêsus, tẩm liệm bằng vải gai và “rồi đặt trong ngôi mộ mới của mình mà ông đã cho đục trong đá. Ông lăn một tảng đá lớn chận cửa mộ, rồi đi.” (Mat 27:60). Trước giả Ma-thi-ơ đang vẽ nên một sự đối chiếu ở đây: thay vì bức tường của đền thờ thì là vách đá của hang mộ – bức tường đá che kín khỏi con người; thay vì bức màn ngăn cách cùng với những thiên sứ canh giữ đáng sợ thì là tảng đá khổng lồ cùng với lính canh gác.
Ma-thi-ơ đang cho chúng ta thấy một hình ảnh chân thực về đền thờ. Giống như Hòm Giao Ước, một chiếc rương có hình dạng như hộp quan tài, được giữ khỏi mắt nhìn của con người phía sau một bức màn dầy nặng, thì Em-ma-nu-ên – “Đức Chúa Trời ở cùng chúng ta” – được giữ kín phía sau tảng đá chặn cửa mộ. Đền thờ là nơi của những bức tường dày và “bức màn đá” ngăn tội nhân có mối tương giao với Đức Chúa Trời. Đền thờ là một hang mộ – là nơi của sự chết, nơi đổ máu, một sự nhắc nhớ liên tục về tội lỗi. Giống như hang mộ, đền thờ đã bị biến thành nơi ô uế bởi những thầy tế lễ gian ác, những sự dạy dỗ sai lạc và trục lợi dơ bẩn.
Tất cả những điều đó đang sắp được thay đổi.
Ngôi mộ trống
Chúa Jêsus đến để hủy diệt đền thờ và xây lại nó trong ba ngày. Không đền thờ hay hang mộ nào có thể cầm giữ sự hiện diện của Đức Chúa Trời mãi mãi:
“Lúc rạng sáng ngày thứ nhất trong tuần lễ . . . Kìa, đất rung chuyển dữ dội, vì một thiên sứ của Chúa từ trời xuống, đến lăn tảng đá ra và ngồi lên trên.” (Mat 28:2)
Những thiên sứ trong đền thờ làm nhiệm vụ canh giữ không cho ai đến với Đức Chúa Trời. Nhưng vị thiên sứ này lại đang mời gọi:
“Đừng sợ hãi, vì ta biết các ngươi tìm Đức Chúa Jêsus, Đấng đã bị đóng đinh vào thập tự giá. Ngài không ở đây đâu, Ngài đã sống lại rồi, như lời Ngài đã phán. Hãy đến xem chỗ Ngài đã nằm” (Mat 28:5–6)
Cũng giống như bức màn trong đền thờ, tảng đá đã bị dời đi. Nhưng khi những người phụ nữ nhìn vào trong, sự hiện diện của Chúa không còn ở đó nữa.
Cho dù các thầy tế lễ cố gắng đóng kín Đức Chúa Trời trong một căn phòng bé xíu thì những bức tường đá của đền thờ hay tảng đá của hang mộ vẫn không thể ngăn cách Ngài khỏi thế giới không thể chứa nổi Ngài. Chúa Jêsus đã sống lại và đã ra khỏi hang mộ. Không bức tường vật lý nào có thể ngăn cách giữa Đức Chúa Trời với con người nữa.
Khi những người phụ nữ ấy đang còn sợ hãi xen lẫn với vui mừng, họ gặp một người bước đi trong vườn:
“Bất chợt, Đức Chúa Jêsus gặp họ và nói: “Chào các con!” Họ đến gần, ôm chân Ngài và thờ lạy Ngài” (Mat 28:9)
Chúa Jêsus đã ra khỏi hang mộ để đến với thế gian. Cuối cùng, Đức Chúa Trời và loài người một lần nữa lại bước đi cùng nhau trong khu vườn, như đã từng có trong vườn Ê-đen khi xưa.
Từ hang mộ đến Đền thờ mới
Ở phần cuối trong ký thuật của Ma-thi-ơ, Đấng Christ sống lại đã sai phái các môn đồ “đi gom đá” để xây đền thờ – Đức Vua đang xây cho Ngài một Đền thờ mới, không phải là một kiến trúc bằng đá lạnh lẽo, không có sự sống, nhưng là một kiến trúc thuộc linh bằng những viên đá sống. Ngài đang quy tụ con dân Ngài từ mọi góc đất, những viên đá được tẩy sạch và được dạy dỗ để bước đi theo Ngài.
Tin tức tốt lành nhất là đây: Chúng ta là Đền thờ của Ngài, là khu vườn mà Ngài vun trồng để sinh sôi nảy nở và làm đầy dẫy đất. Sự hiện diện của Ngài sẽ không bao giờ rời khỏi Đền thờ sống này nữa, bởi vì Ngài hứa rằng: “Và nầy, Ta luôn ở với các con cho đến tận thế” (Mat 28:20).
Bài: Chad Ashby; Dịch: Blessie
(Nguồn: thegospelcoalition.org)
Tác giả: Chad Ashby là mục sư của Hội thánh College Street Baptist Church ở Newberry, Nam Carolina, nơi ông sống cùng vợ, Mindy và năm người con. Ông tốt nghiệp bằng MDiv về ngành Nghiên cứu Kinh Thánh và Thần học tại Viện Thần học Báp-tít Nam phương ở Louisville, Kentucky. Chad viết blog tại After Math. Bạn có thể theo dõi ông trên Twitter.
Leave a Reply