Hãy tận dụng sự cô đơn của bạn

Oneway.vn – Tôi đã thấy một vài hình ảnh hài hước lan truyền trên mạng nói rằng việc cách ly là mơ ước của người hướng nội.

Vi-rút corona đã đem chúng ta ra khỏi những mối liên hệ thường ngày, đây là một sự giải tỏa cho những ai đang choáng ngợp với các mối quan hệ. Mặc dù chúng ta vẫn cầu nguyện cho người bệnh và tìm cách bày tỏ tình yêu thương với người có nhu cầu, nhưng tôi biết có những người rất hạnh phúc khi được ở nhà và xem phim.

Tôi hiểu! Là một mục sư và có các con nhỏ, cuộc sống tôi chứa đầy những cuộc gặp gỡ. Chỉ cần thoáng nghĩ đến lúc được ở một mình, những giờ phút thật đẹp và hiếm hoi, tim tôi đã rộn ràng và tâm trí đã bay bổng mơ về những điều cuối cùng mình cũng có thể hoàn thành được.

Dù vậy, sau cái cảm giác say mê ban đầu đối với việc được ở một mình đó, tôi bắt đầu cảm thấy cô đơn. Tôi nhớ mọi người, đặc biệt là nhớ gia đình, bạn bè, hội thánh. Tôi tự hỏi liệu chúng tôi có phải tiếp tục chịu cảnh như vậy trong những tuần tiếp theo hay không.

Chúng ta sẽ thở phào nhẹ nhõm ban đầu khi tách mình khỏi xã hội. Có lẽ nhiều người sẽ lần đầu tiên nhận ra rằng nhịp sống của mình thật không lành mạnh. Chúng ta thỏa thích xem tivi, ăn những thức ăn nhanh dự trữ mà nếu không phải dịp này thì chúng ta sẽ không bao giờ mua, và thả mình tận hưởng sự cách ly.

Nhưng đối với nhiều người, đây cũng là thời gian dẫn đến sự buồn rầu, lo lắng tăng dần, trầm cảm và càng khao khát được nối kết với con người hơn. Dịch bệnh cô đơn đã lan tràn được một thời gian rồi. Liệu việc “giữ khoảng cách xã hội” có càng đẩy bệnh dịch này của nền văn hóa chúng ta trở thành một đại dịch luôn không?

Tôi nghĩ là có!

Buộc phải cách ly

Đối với nhiều người, hình thức tra tấn dã man nhất là phải ở một mình. Đó là lý do chúng ta phải tự giải trí bằng những âm thanh, sự chi phối và dùng thuốc. Đôi khi, đó cũng là lý do chúng ta lấp đầy cuộc sống mình bằng những sự tương tác.

Nhưng chúng ta phải làm gì khi Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh khuyến khích người dân cách ly nhau trong khoảng thời gian càng lúc càng kéo dài?

Dịch bệnh cô đơn đã lan tràn được một thời gian rồi. Liệu việc “giữ khoảng cách xã hội” có càng đẩy bệnh dịch này của nền văn hóa chúng ta trở thành một đại dịch luôn không?

Ngay từ lúc mới bắt đầu thực hiện cách ly, các chuyên gia đã bất đồng ý kiến với nhau về tính phức tạp trong định nghĩa về giãn cách xã hội. Nhưng điều có thể thấy rõ ràng là: Xã hội chúng ta đã bị đảo lộn. Giống như cách người ta nói về sự suy thoái kinh tế, chúng ta cũng không nên ngạc nhiên nếu nhìn thấy một cuộc “suy thoái xã hội”.

Mặc dù chúng ta hiếm khi tự mình chọn những nơi đơn độc, nhưng nơi đơn độc lại chờ đợi chúng ta. Dù vậy, Đức Chúa Trời chưa bao giờ lãng phí bất kỳ trải nghiệm nào của chúng ta trong thế giới của Ngài; Ngài sẽ làm cho tất cả những điều ban đầu có vẻ như điều dữ kết hợp lại thành điều tốt lành dành cho chúng ta (Sáng 50:20; Rô 8:28).

Chuộc lại thời gian cách ly

Về mặt lịch sử, Hội thánh đã theo dấu chân Chúa Jêsus bước vào “nơi thanh vắng” để tái gắn kết với con người một cách hết lòng và hy sinh hơn (Lu-ca 5:16). Sự biệt lập và tĩnh lặng tạo ra nơi cần thiết để chúng ta nghe thấy những gì thật sự đang diễn trong trong tâm hồn mình.

Chướng ngại đầu tiên của chúng ta trong những ngày tới là quyết định không biến nơi vắng vẻ của mình trở nên ồn ào. Đây là thời khắc lịch sử để tập cho chúng ta biết tĩnh lặng và chờ đợi Đức Chúa Trời. Việc giấu mình giữa cơn đại dịch là một lời mời gọi đến gần Ngài hơn, tĩnh lặng và nhận biết Ngài là Đức Chúa Trời – cho dù chúng ta có thể cảm thấy như cả thế giới đang sụp đổ xung quanh mình (Thi Thiên 46).

Chướng ngại đầu tiên của chúng ta trong những ngày tới là quyết định không biến nơi vắng vẻ của mình trở nên ồn ào.

Xin đừng hiểu lầm rằng tôi đang xem nhẹ những khó khăn, lo lắng hoặc đặc biệt là nguy cơ một số người rơi vào tình trạng trầm cảm ngày càng tăng vì sự cô đơn. Tất cả những điều này là thật, chúng ta phải đỡ lấy gánh nặng cho nhau bằng cách dâng chúng lên Chúa trong lời cầu nguyện. Nhưng cũng đừng bỏ lỡ cơ hội có được để gặp gỡ Đức Chúa Trời hằng sống trong giai đoạn này. Khi tách mình khỏi thế giới, chúng ta không thể tách mình khỏi Đức Chúa Trời. Hãy chống lại những tiếng nói cám dỗ chúng ta trở nên sợ hãi hoặc tê liệt. Thay vào đó, hãy tĩnh tâm trong sự hiện diện của Vua Cha nhân từ và toàn trị (Thi Thiên 131).

Đáp ứng nhu cầu của tâm hồn

Sự cô đơn cho thấy rằng chúng ta được tạo dựng để có mối quan hệ. Vậy, hãy để ước muốn được có mối liên hệ hướng tâm hồn chúng ta đến với Chúa. Đây không phải là hình thức ẩn mình trong hoang mạc để tách biệt với đời, cố gắng phủ nhận thực tại chúng ta phải đối diện. Trái lại, việc vun đắp cho mối tương giao của bạn với Chúa Jêsus là vì lợi ích của chính bạn cũng như của người khác.

Sự cô đơn là cơ hội để gắn kết với Chúa Jêsus bằng sự kêu than của chúng ta. Chúng ta than khóc trước sự đổ vỡ của thế giới, với việc những bệnh dịch như Covid-19 vẫn đang hiện hữu. Chúng ta than khóc trước sự ra đi của tất cả những ai phải chịu đựng cho đến chết, trước nỗi sợ hãi và lo lắng xâm nhập vào gia đình và xã hội, trước việc bị mất kết nối với người khác, trước sự bất lực vì không thể nhóm họp cùng với các anh chị em trong Chúa của chúng ta, trước cơn đại dịch này và tất cả những hậu quả khủng khiếp đã và sẽ xảy ra. Chúng ta than thở và kêu khóc với Chúa: “Lạy Chúa Toàn Năng, còn bao lâu nữa?”

Sự cô đơn của bạn là cơ hội để gắn kết với Chúa Jêsus trong sự cầu thay. Chúng ta cầu nguyện cho các nhân viên y tế, cho người bệnh, cho những ai đang trải qua sự trầm cảm và lo lắng ngày càng tăng dần. Chúng ta cầu nguyện xin Chúa can thiệp.

Cuối cùng, sự cô đơn của bạn là cơ hội để gắn kết với người khác. Mặc dù công nghệ chắc chắn không thể thay thế cho tinh thần thuộc linh và mối liên hệ bằng xương bằng thịt mà chúng ta đều cần, nhưng có vẫn còn hơn không.

Sự cô đơn của chúng ta là một cơ hội.

Khi chạy đến chỗ thanh vắng cùng với Chúa Jêsus, chúng ta sẽ thấy những nhu cầu của tâm hồn mình được đáp ứng. Và rồi chúng ta sẽ có thể vươn đến người khác – không mong chờ họ đáp ứng cho tâm hồn chúng ta nhưng yêu họ với tư cách là đại diện của Đấng Christ đầy dẫy mọi sự (II Cô 5:14–20).

Thử nghĩ, nếu bạn gọi cho một tín hữu trong hội thánh và một người bạn ngoài hội thánh mỗi ngày để thăm hỏi thì có khả thi không? Nếu viết một mảnh giấy dán ở cửa nhà hàng xóm đề nghị bạn có thể đi mua đồ giúp họ thì có được không? Cuộc sống một người sẽ thay đổi thế nào nếu bạn viết một thư tay gửi đến họ nói rằng bạn đang cầu nguyện cho họ?

Cho đến khi chúng ta được gặp lại nhau

Tôi không biết bạn thế nào, chứ tôi thì đang khóc ròng vì “giãn cách xã hội”. Tôi đã cảm thấy thèm được gặp lại mọi người. Chúng ta còn có cả một đoạn đường dài với những điều không biết được ở phía trước. Nhưng tôi biết điều này là thật: Chúa Jêsus đang ở cùng với chúng ta, nên chúng ta sẽ chẳng bao giờ thật sự ở một mình. Ngài gần hơn bất cứ người bạn, người thân hay người yêu nào. Ngài giữ chúng ta đứng vững giữa những biến động và sự cách ly này. Chúa Jêsus của chúng ta luôn tốt lành!

Tôi cũng biết rằng: Hội thánh sẽ lại được nhóm với nhau. Tất cả chúng ta, kể cả người hướng nội, sẽ ca ngợi lớn hơn, cười nhiều hơn khi gặp lại nhau, cùng với cái thở phào khi không còn phải lo sợ khi tiếp xúc với người khác nữa.

Cho tới khi được gặp lại, xin đừng chạy khỏi nơi vắng vẻ, nhưng hãy chạy vào đó và gặp gỡ Chúa Jêsus yêu dấu. Cho đến khi được gặp lại, đừng than thở hay sợ hãi như những người không có hy vọng. Thay vào đó, hãy than khóc với những người đang than khóc, và hãy hy vọng rằng rất cả chúng ta đều sẽ trở thành người tốt hơn nhờ vào cơn đại dịch này, bởi vì đây chỉ là thời khắc hỗn loạn được Đức Chúa Trời dùng để làm công việc sáng tạo nhất của Ngài.

 

Tác giả: Rusty McKie (@RustyMcKie) là mục sư trưởng và là người thành lập hội thánh Sojourn Community Church ở Chattanooga, Tennessee. Ông và vợ có ba người con. Ông đã đóng góp cho amicalled.com, sojournnetwork.com và Desiring God, và là tác giả của Sabbaticals: How to Take a Break from Ministry before Ministry Breaks You (tạm dịch: Những kỳ nghỉ Sa-bát: Làm thế nào để nghỉ ngơi khi làm mục vụ trước khi mục vụ khiến bạn nghỉ thở).

 

Bài: Rusty McKie; Dịch: Blessie

(Nguồn: thegospelcoalition.org)

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *