10 cách đơn giản để chia sẻ Phúc âm giữa đại dịch

Oneway.vn – Nhiều người trên khắp thế giới đang đối diện với sợ hãi, cách ly và mất đi dòng chảy cuộc sống thường nhật của họ.

Có những người đang đối diện với khủng hoảng tài chính và sức khỏe, và điều đó thường làm lộ ra vấn đề về tâm linh. Người ta có khuynh hướng cởi mở hơn để nghe về Chúa Jêsus trong những thời điểm khó khăn hay giai đoạn chuyển tiếp. Khủng hoảng vi-rút corona đang tạo ra cả hai trường hợp trên.

Tôi cầu nguyện rằng sau nhiều năm nữa, chúng ta sẽ thường được nghe lời chứng như thế này: “Tôi đã tin nhận Chúa trong thời điểm đại dịch corona”. Hiện nay là mùa gặt dành cho chúng ta.

Sau đây là 10 ý tưởng đơn giản nhằm tận dụng giai đoạn này để rao truyền Phúc Âm.

1. Vươn đến một người bạn chưa tin Chúa.

Hãy thăm hỏi người đó và hỏi xem bạn có thể cầu nguyện cho họ trong thời điểm bấp bênh này hay không. Đây là cơ hội để phá vỡ ngăn cách với những người bạn chưa tin Chúa mà bạn đã lâu không liên lạc. Tôi chưa từng gặp ai phản kháng khi được đề nghị cầu nguyện cho họ.

Hãy lên danh sách những người bạn có thể liên lạc và nhắn tin. Tôi đang khích lệ các trưởng nhóm sinh viên của tôi vươn đến bạn bè của họ và hẹn thời gian để trò chuyện. Có thể sử dụng Zoom hoặc những cách khác để nhìn mặt nhau khi nói chuyện. Hãy để tâm lắng nghe. Trò chuyện đơn giản và ngắn gọn là tốt nhất.

Tôi chưa từng gặp ai phản kháng khi được đề nghị cầu nguyện cho họ. Hầu hết mọi người đều cảm kích sự quan tâm chân thật.

2. Đi dạo bộ

Hãy gặp gỡ hàng xóm của mình và tìm cách phục vụ họ.

Trong tuần này, khi thời tiết tốt hơn, gia đình tôi đã đi dạo bộ và gặp gỡ những người hàng xóm chúng tôi chưa từng gặp trước đó. Đây là thời điểm hoàn hảo để chào hỏi hàng xóm và để ý xem họ có những nhu cầu gì. Hãy trao đổi thông tin liên lạc với họ và bắt đầu lên kế hoạch tổ chức một buổi tiệc trong khu phố khi kỳ giãn cách xã hội kết thúc.

3. Sử dụng công nghệ để kết nối xã hội

Mục vụ sinh viên của chúng tôi đang lên kế hoạch cho những sự kiện thông công sinh viên, sinh hoạt và mời bạn mới đến với tập thể của mình. Chúng tôi đã lên kế hoạch cho một buổi tối chia nhóm 3 người, một buổi tối chơi trò chơi trên Jack Box, một buổi tối chơi board game với với nhau (chẳng hạn như cờ tỉ phú) bằng cách sử dụng tính năng chia nhỏ thành viên của Zoom. Chúng tôi đang tiếp tục khám phá những cách sáng tạo để sinh hoạt online với nhau trong suốt giai đoạn khá rảnh rang này.

4. Mở nhóm khám phá Cơ Đốc giáo online

Một trong những công cụ truyền giảng yêu thích của tôi là các nhóm khám phá dành cho thân hữu để họ có thể tìm hiểu về niềm tin Cơ Đốc và đặt những câu hỏi về tâm linh mà không sợ bị chỉ trích.

Mục vụ sinh viên của chúng tôi sử dụng mô hình nhóm khám phá trong các ký túc xá và hội đoàn, thảo luận những điều Kinh Thánh nói về các giá trị trong từng chương tiếng Hy Lạp. Đây là thời điểm hoàn hảo để mời một số người bạn còn hoài nghi tham gia khám phá niềm tin Cơ Đốc.

5. Mở mục “xem chung” (watch party) trên Facebook để chia sẻ những buổi nhóm thờ phượng online

Hầu hết các hội thánh hiện nay đang tổ chức nhóm online. Bạn có thể chia sẻ đường link hoặc mở chức năng “xem chung” trên Facebook để bạn bè của mình biết và mời họ vào xem. Sử dụng phần bình luận để tương tác với họ trong buổi nhóm và hỗ trợ trả lời những thắc mắc để có thể trò chuyện sâu hơn.

6. Mời bạn bè tham gia nhóm nhỏ online

Nếu bạn đang tham dự một nhóm học Kinh Thánh có thể đưa người mới vào, tại sao không mời thêm vài người? Hiếm có ai khó chịu khi được mời một điều gì đó. Bạn có thể gọi điện hoặc nhắn tin cho họ, nói rằng: “Một điều mang lại nhiều khích lệ và giúp mình kết nối với người khác trong giai đoạn này là nhóm nhỏ của mình trong hội thánh. Bọn mình có buổi gặp trên Zoom vào tối thứ Năm này. Mình có thể chia sẻ đường link với bạn. Sẽ rất vui nếu có thêm bạn tham gia”.

Chúng ta không bao giờ biết được Chúa có thể làm gì thông qua một lời mời gọi đơn giản.

7. Ghi hình lời làm chứng cá nhân và chia sẻ trên Facebook Live hoặc Instagram Live

Sau đó, tiếp tục trò chuyện với những người bình luận. Trong thời gian này, ai cũng lên mạng, hầu hết đều có nhiều thời gian hơn bình thường, do vậy việc phát sóng trực tiếp là một tiềm năng lớn.

Hãy chuẩn bị một bài làm chứng khoảng 2 phút và thỉnh thoảng chia sẻ đoạn video đó trên mạng xã hội. Bạn có thể sẽ ngạc nhiên với số lượng người xem và bình luận. Khích lệ người xem chia sẻ ý kiến hoặc gửi tin nhắn câu hỏi của họ. Xem xét nên trả lời trực tiếp trên đó hay hẹn một cuộc trò chuyện sâu hơn bằng tin nhắn hoặc điện thoại.

8. Bắt đầu một đối thoại về vấn đề tâm linh và hẹn trao đổi với những ai quan tâm

Một số câu hỏi về tâm linh cơ bản như: “Bạn có trải nghiệm nào về lĩnh vực tâm linh không?”, hoặc “Nếu có thể biết về Thượng Đế một cách cá nhân hơn, bạn có muốn tìm hiểu không?”. Nếu đang trao đổi bằng tin nhắn, hãy đề nghị một cuộc nói chuyện bằng video để chia sẻ Phúc Âm, chẳng hạn như: “Gần đây mình cảm thấy gần gũi hơn với Thượng Đế. Mình rất muốn được nghe thêm về câu chuyện của bạn. Có thể gọi Zoom được không?”

Khi gọi được nhau, bạn có thể sử dụng 3 bước: (1) câu chuyện của họ, (2) câu chuyện của bạn, (3) câu chuyện của Chúa.

Nếu đang gọi bằng những phần mềm có thể chia sẻ màn hình, bạn có thể cho họ xem một số video trình bày về Phúc Âm như “3 2 1”, “Hai Cách Sống” (“Two Ways To Live”) hoặc “Phim Về Câu Chuyện” (“The Story Film”). Tuần trước, nhóm chúng tôi có một sinh viên tên là Ben bắt đầu trò chuyện về tâm linh với một bạn nữ người Ấn Độ khi họ đang chơi video game với nhau trên Discord. Bạn nữ ấy nói hiện đang trải qua nhiều nan đề trong gia đình và cảm thấy đổ vỡ, mất định hướng. Bạn đang muốn tìm hiểu những tôn giáo khác. Ben đã chia sẻ lời chứng của mình và đề nghị bạn nữ xem phim Phúc Âm Giăng (the Gospel of John), cũng như sẽ mời bạn ấy tham gia nhóm online của chúng tôi trong học kỳ này.

9. Thực hành 3 thói quen truyền giảng mỗi ngày

Tôi từng nghĩ rằng truyền giảng là phải đi ra và làm điều gì đó, vậy nên tôi lập thời gian biểu để đi đến các trường đại học, bắt chuyện để có thể chia sẻ Phúc Âm, thậm chí tổ chức những sự kiện nhóm nhỏ để truyền giảng. Tất cả đều là những hoạt động rất tốt, nhưng rồi tôi khám phá ra rằng sẽ hiệu quả hơn nếu tôi chia sẻ về Chúa trong cách sống hằng ngày của mình. Truyền giảng liên quan tới nếp sống hơn là một sự kiện.

Sau đây là 3 thói quen để truyền giảng mỗi ngày:

–Mỗi ngày, cầu nguyện xin Chúa mở ra cơ hội và can đảm tận dụng mọi cơ hội.

–Mỗi ngày, lập danh sách những người bạn có thể cầu nguyện.

–Lên kế hoạch gặp gỡ thường xuyên với những người bạn chưa tin Chúa.

10. Tình nguyện gọi điện chăm sóc thân hữu và tân tín hữu giúp hội thánh hoặc mục vụ của bạn

Có thể sẽ có nhiều người mới tham gia vào những buổi nhóm online của hội thánh bạn trong những tuần sắp tới. Hãy liên lạc với các lãnh đạo hội thánh để cho họ biết bạn muốn giúp chăm sóc những thân hữu đang quan tâm tìm hiểu về Chúa. Bạn có thể gọi điện thoại hoặc gọi video để chia sẻ Phúc Âm với những ai muốn được nghe về các vấn đề tâm linh.

Việc tình nguyện phục vụ này rất có ý nghĩa với các lãnh đạo hội thánh trong giai đoạn hiện nay. Các mục sư đang cố gắng để phục vụ và yêu thương tín hữu. Nhiều mục sư đang phải thích nghi với việc giảng dạy trong một căn phòng trống và đối mặt với những sự so sánh với các hội thánh khác. Đây là thời điểm họ rất cần được khích lệ. Hãy chia sẻ điều bạn học được từ bài giảng của họ, cho họ biết rằng bạn hoàn toàn ủng hộ họ.

Biết đâu chúng ta sẽ không bao giờ có cơ hội tốt hơn để chia sẻ Phúc Âm của Chúa Jêsus như hiện nay. Vậy, hãy tận dụng và bắt tay thực hiện.

 

Tác giả: Mục sư Paul Worcester cùng vợ, Christy, hiện đang dẫn dắt mục vụ Christian Challenge tại Đại học bang California, Chico. Tại đây, họ giới thiệu về Chúa Jêsus cho các sinh viên đại học và huấn luyện những môn đồ có thể kết quả cho Chúa.  Gần đây, mục sư Paul đã thành lập Mạng lưới Nhân rộng Sinh viên (Campus Multiplication Network) với mục tiêu đào tạo lãnh đạo để nhân rộng các mục vụ và hội thánh trên khắp thế giới. Ông là tác giả của quyển Tips for Starting a College Ministry (tạm dịch: Cách để bắt đầu một mục vụ sinh viên), và là đồng tác giả với Steve Shadrach cho phiên bản mới của quyển The Fuel and The Flame (tạm dịch: Nhiên liệu và Lửa).

 

Bài: Paul Worcester; Dịch: Blessie

(Nguồn: thegospelcoalition.org)

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *